Tự hào và viết tiếp truyền thống của Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 lên tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ năm, 12/05/2022 - 11:21

TNV - Cách đây tròn 75 năm, ngày 15 - 5 - 1947, tại thôn Còi, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trung đoàn Bộ binh 12 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) - Đoàn Tây Sơn Anh hùng đã được thành lập (trên cơ sở, nền tảng của đơn vị tiền thân là Trung đoàn 18 thuộc Liên khu 4 - một trong những chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Bình).

Trải qua bảy mươi lăm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 luôn tự hào về những chiến công hiển hách của các thế hệ đi trước, góp phần cùng với dân tộc viết lên nhũng trang sử chói lọi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, viết nên truyền thống “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn” và trở thành hành trang, điểm tựa tinh thần vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trung đoàn hôm nay tiếp tục xây dựng đơn vị chính quy, mẫu mực, huấn luyện giỏi, SSCĐ cao, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 12 thực hiện nhiệm vụ phòng chống COVID - 19

Ra đời từ những ngày đầu toàn quốc quốc kháng chiến, quê hương Quảng Bình khỏi lửa, Trung đoàn Bộ binh 12 - Đoàn Tây Sơn trở thành lực lượng nòng cốt để quân và dân ta chiến đấu trên chiến trường Bình - Trị - Thiên và Trung - Hạ Lào. Trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch và trận đánh giành thắng lợi vang dội trong kháng chiến chống Pháp, điển hình là Chiến thắng Xuân Bồ (tháng 5-1950) do Trung đoàn 18 (tiền thân của Trung đoàn 12) thực hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Chiến công tiếp nối chiến công, trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), Trung đoàn tổ chức các trận đánh ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tạo thế bao vây, cô lập địch ở Trung Lào, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn An-giê-ri số 27, lập chiến công xuất sắc ở Đường số 9, căn cứ Khăm He... bao vây, cô lập lực lượng lớn quân Pháp ở Trung Lào, góp phần cùng dân tộc giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ, tôn trong độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và ba nước Đông Dương, đưa miền Bắc nước ta đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho tiền tuyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, thách thức, Trung đoàn Bộ binh 12 thời gian này nằm trong đội hình Sư đoàn 3 (Sao Vàng) thực hiện nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, ngày 2 - 9 - 1965, Trung đoàn 18 chính thức được đứng trong đội hình của Sư đoàn 3, với phiên hiệu là Trung đoàn 12 (Đoàn Tây Sơn). Ngay từ những ngày đầu trong đội hình sư đoàn, Trung đoàn cùng với các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường, đạp tan nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ, như Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ khi chúng vừa đặt chân tới Việt Nam, mở đầu phong trào thi đua “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên chiến trường miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trung đoàn 12 đã đánh bại 1 trung đoàn quân Nam Triều Tiên, diệt hơn 600 tên, góp phần đập tan kế hoạch bình định nông thôn và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trung đoàn tham gia giải phóng và bảo vệ huyện Hoài Ân, chốt chặn Đường 19, đánh thiệt hại nặng sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên, kiên cường giữ vững vùng giải phóng Hoài Nhơn, kìm chân Sư đoàn 22 của địch và làm chủ Đường 19 - cô lập lực lượng địch trên chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Bình Định.

Giáo dục chính trị cho chiến sĩ mới

Để có những chiến công ấy, sự hy sinh của Đoàn Tây Sơn là vô cùng lớn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 được lệnh tiến công thị trấn Đập Đá (An Nhơn) lần thứ 2 và tiêu diệt toàn bộ bọn địch giữ cầu Xi ta trên Đường số 1, làm chủ trận địa. Mất Đập Đá, địch ở Quy Nhơn bị uy hiếp trực tiếp. Vì thế, ba ngày sau chúng huy động một Trung đoàn lính Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn “Mảnh Hổ”, 4 đại đội Bảo An, 32 xe tăng và xe bọc thép cùng một lực lượng lớn không quân, pháo hạm. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra xung quanh làng Phương Danh Nam. Tại đây, phần lớn cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 6 đã anh dũng hi sinh. Vì vậy, một Công trình mộ tập thể đã được xây dựng tại quê hương An Nhơn, để gìn giữ 153 liệt sĩ của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã hy sinh tại Tây Phương Danh, phường Đập Đá (thị xã An Nhơn). Năm 2003, di tích được công nhận cấp tỉnh và luôn được trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu thăm viếng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần động viên, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn nhớ về thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Cùng cả nước ra quân trong mùa Xuân lịch sử, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 12 tham gia hướng tiến công chủ yếu giải phóng quận lỵ Đức Thạnh, thành phố Vũng Tàu và Côn Đảo, cùng với các đơn vị bạn đưa hơn 5.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của Sư đoàn 3, giải phóng 4 huyện, 2 thị xã và giải phóng Côn Đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông liền một dải.

Chỉ huy Trung đoàn trao sung cho chiến sĩ mới tuyên thệ

Hoà bình lập lại, ngày 13 tháng 7 năm 1976, Trung đoàn 12 theo đội hình Sư đoàn 3 hành quân ra Bắc nhận nhiệm vụ mới - bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc hành quân lịch sử vượt 1.400 km từ Nam ta Bắc của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 trong đội hình Sư đoàn 3 kết thúc vào đấu tháng 8 năm 1976 và được biên chế thành các khung huấn luyện và huấn luyện tân binh để bổ sung cho biến giới Tây Nam và các đơn vị khác.

Trước tình hình cấp thiết của đặt ra, ngày 25 tháng 5 năm 1978, Hồi đồng Chính phủ ra sắc lệnh thành lập Quân khu 2 và đưa Sư đoàn bộ binh 3 từ Quân khu 3 về Quân khu 1. Đến tháng 7 năm 1978, Trung đoàn 12 cùng đội hình Sư đoàn 3 cơ động về vị trí đóng quân mới tại huyện Văn Lãng thuộc tỉnh Lạng Sơn với nhiệm vụ tổ chức phòng thủ biên giới phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa bàn quan trọng, phên dậu trên hướng phòng thủ trọng yếu quốc gia. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lại bước vào cuộc chiến chống lại bọn phản động Bắc Kinh, bảo vệ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Trung đoàn quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã viết thêm vào trang sử của mình 10 năm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Các thế hệ Trung đoàn đã chiến đấu ngoan cường, đánh bại nhiều đợt tiến công, khiêu khích vũ trang của địch: Thị trấn Đồng Đăng, khu vực Hữu Nghị Quan, cánh đồng Song Áng, đồi Thẩm Mô… Trung đoàn đã phối hợp chặt chẽ với quân và nhân tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị bạn trong Sư đoàn 3 lần lượt đánh bại các hình thức chiến tranh phá hoại của địch, góp phần làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của chúng, từng bước ổn định an ninh chính trị trên địa bàn biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Chiến sĩ mới thực hiện bắn AK  bài 1

Năm 1988, khi tiếng súng ở biên giới phía Bắc dần dần lắng xuống, xu hướng đối đầu từng bước chuyển sang đối thoại, nối lại quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, tiến tới bình thường hoá quan hệ, Đảng, Nhà nước ta chủ trương giảm bớt lực lượng vũ trang thường trực, nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện cho các lực lượng vũ trang, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Bộ Tổng tham mưu điều chỉnh, bố trí lại đội hình của các đơn vị. Sư đoàn 304 chuyển tới vị trí mới, các đơn vị trên toàn tuyến biên giới phía Bắc được điều chỉnh về đứng chân ở tuyến sau. Vì vậy, đầu tháng 4 năm 1988, theo sự điều chỉnh chiến lược đó, Trung đoàn 12 đã chuyển đơn vị về tiếp quản doanh trại đóng quân của Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tại Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho đến nay. Tại đây, Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội và nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới; làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, là lực lượng cơ động tác chiến của Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng.

Thực hiện nhiệm vụ mới, những người lính dày dạn trận mạc không có thời gian nghỉ ngơi, tiếp tục bắt tay vào xây dựng Trung đoàn theo hướng Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các đơn vị của Trung đoàn tiếp tục quán triệt nhiệm vụ mới trong thời bình, củng cố doanh trại, cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao cảnh giác, phòng chống có hiệu quả âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hào bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tích cực tham gia bảo vệ an ninh và xây dựng kinh tế xã hội trên địa bàn đóng quân.

Đã 75 năm qua, dấu chân cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã đi suốt chiều dài của đất nước: Từ Khu 5 rực lửa ra miền Bắc, sang chiến trường Lào, vào chiến trường miền Nam, tới Côn Đảo xa xôi, đến Lạng Sơn - nơi địa đầu Tổ quốc. Dù ở đâu, bất kỳ nhiệm vụ nào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đều tận tâm, tận lực, từ tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công đến thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đầu,… đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bằng mồ hôi và xương máu, sức lực và trí tuệ của mình, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục viết nên những trang sử vàng chói lọi của Trung đoàn 12 anh hùng lên tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ghi nhận những chiến công đó, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Trung đoàn 12, 1 tiểu đoàn, 5 đại đội và 7 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Và, nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, Trung đoàn Bộ binh 12 – Đoàn Tây Sơn Anh hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thư khen ngợi. Đây là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 nói riêng Sư đoàn 3 nói chung tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm túc các chế độ trực SSCĐ. Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ lệnh của Tư lệnh Quân khu 1 về công tác quân sự, quốc phòng, tổ chức huấn luyện đồng bộ theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đạt khá, giỏi cao, an toàn tuyệt đối. Đơn vị luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, nền nếp chính quy, đoàn kết, kỷ luật, dân chủ tốt. Cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, đơn vị còn thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện hiệu quả phong trào “Đoàn Tây Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, gắn bó và để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trung đoàn 12 được giao tiếp nhận và tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới thuộc tỉnh Bắc Ninh, gồm 05 huyện: Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du và Yên Phong. Với phương châm huấn luyện: "Cơ bản, thiết thực, vững chắc" ; quá trình huấn luyện đã vận dụng tốt "3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp" .  Trong huấn luyện, Trung đoàn luôn quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về "Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo"; huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí, khí tài được trang bị, vận dụng cách đánh truyền thống vào tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Xây dựng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Giải quyết tốt mối quan hệ với nhân dân, tích cực giúp nhân dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo... Vì vậy, sau các khoá huấn luyện, các chiến sĩ mới được trang bị kiến thức chính trị bao gồm các nội dung cơ bản về truyền thống, bản chất, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, chức năng nhiệm vụ của quân đội, đơn vị, về dân chủ, kỷ luật... Về kiến thức quân sự, các chiến sĩ mới được huấn luyện điều lệnh, điều lệ, kỹ chiến thuật chiến đấu bộ binh, bắn súng AK, rèn luyện kỹ năng bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự... Kết quả kiểm tra các chiến sĩ mới 100% đạt khá và giỏi.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn 12 còn là đội quân công tác và lao động sản xuất, giúp dân trên địa bàn đóng quân khắc phục thiên tai, dịch bệnh và cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới. Hai năm quan, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung đoàn đã chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, đảm bảo quân số khỏe và tổ chức huấn luyện đúng, đủ thời gian, nội dung theo chương trình của Bộ Tổng Tham mưu. Cùng với chủ động điều chỉnh lịch, tăng cường các biện pháp PCD trong huấn luyện, Sư đoàn 3 đã điều động hơn 750 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phòng chống đại dịch Covid - 19, tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến truyền nhiễm. Sư đoàn dồn dịch, điều chỉnh chỗ ở của cán bộ, chiến sĩ một số tiểu đoàn để sử dụng doanh trại thành lập hai khu cách ly y tế, phục vụ cách ly 499 trường hợp F1 là công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Mỗi ngày, sư đoàn còn đảm nhiệm tổ chức nấu, cung cấp gần 5.400 suất ăn phục vụ các công dân đang cách ly và bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, đơn vị đã nhiều lần ủng hộ rau xanh và một số loại thực phẩm khác hỗ trợ các địa phương phòng chống đại dịch Covid-19,… góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương chiến thắng dịch Covid-19.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành từ trong máu lửa của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 12 đã khẳng định tấm lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, yêu quê hương, đất nước, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, lập nhiều thành tích xuất sắc, viết lên truyền thống “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn”, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và nhân dân. Truyền thống đó chính là tài sản, là kho tàng kinh nghiệm vô giá và là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12. Bằng mô hôi và xương máu, bằng sức lực và trí tuệ của mình, lớp lớp cán bộ chiến sĩ tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang chói lọi của Trung đoàn 12 lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nguyện chung sức, đồng lòng đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ hy sinh, đi bất cứ nơi đâu khi Đảng cần, dân gọi, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ và Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, xứng đáng với sự quan tâm của Thường vụ Đảng uỷ chỉ huy Sư đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu, sự đùm bọc giúp đỡ tận tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhân dân nơi Trung đoàn đã và đang công tác.

Trung tá, ThS Hoàng Văn Tuấn

Phó Chính Uỷ Trung đoàn 12