TNV - Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 1944 - 1945, đất nước ta khi ấy đã phải trải qua một nạn đói khủng khiếp khiến hàng triệu đồng bào không thể vượt qua được. Vì thế, ngay từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ lúc bấy giờ là diệt giặc đói.
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó, theo Người, quan trọng nhất là: “phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo”.
Người nói: “Nhân dân đang đói… Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này (chính sách của phát xít Nhật – PV)… Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Người nêu ra biện pháp khắc phục: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất… Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.
Tiếp đó, để cổ vũ tinh thần cứu đói, Người đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc số 53 (28/9/1945). Bài viết có đoạn: “…Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên…”.
Những khó khăn từ đại dịch covid-19 đã, đang và trong thời gian tới tiếp tục bọc lộ rất rõ nét đối với hầu hết các giai tầng trong xã hội Việt Nam, thành phần yếu thế, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cụ thể 20 triệu người dân, là các đối tượng có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do (bán vé số, xe ôm, xe ba gác…) chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch này, song song với công tác chỉ đạo quyết liệt chống dịch đêm ngày, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết mực quan đếm đến các vấn đề khác như kinh tế, xã hội bằng nhiều gói tài chính khoảng 362 nghìn tỉ đồng và đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Kể từ đó, hàng triệu người dân cả nước đã chung tay ủng hộ với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng và ấn tượng nhất sự ra đời cây "ATM" gạo do anh Hoàng Tuấn Anh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố mang tên Bác Hồ tạo ra.
Sáng tạo này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của người dân khắp cả nước, đến nay rất nhiều tỉnh thành trong cả nước xây dựng cây "ATM" gạo thay vì cây ATM để rút tiền, người dân nghèo cần hỗ trợ sẽ đến xếp hàng, mỗi lượt, cây “ATM gạo” sẽ tự động phát ra gạo cho mỗi người đến lấy. Gạo có được trong cây "ATM" đến từ tấm lòng cao quý từ các mạnh thường quân và kể cả những người khá hơn người nghèo một chút cũng sẵn sàng góp gạo vào cây "ATM" gạo.
Thông tin 2.400 người dân xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không nhận tiền hỗ trợ do dịch COVID-19 của Chính phủ, nhường cho người khó khăn hơn, một lần nữa trái tim nhân ái của người Việt Nam trong khốn khó thổn thức.
Theo thông tin từ Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 3 tuần phát động "toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch covid-19", có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc qua chuyển khoản và hiện vật có giá trị tương đương, có những người là Việt kiều xa quê hương nhờ người thân đến ủng hộ, cũng có những cụ già, em nhỏ gom góp số tiền dành dụm của mình để mang đến Mặt trận. Đến nay, tổng số tiền, hàng tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ đã lên tới trên 770 tỷ đồng; số tiền ủng hộ bằng tin nhắn qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là 129 tỷ đồng...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn nhấn mạnh về truyền thống và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một lần nữa, qua đại dịch covid-19 truyền thống và sức mạnh đoàn kết dân tộc lại được phát huy mạnh mẽ bằng những việc làm rất cụ thể, rất nhân văn, nhiều cây "ATM" gạo hôm nay, nhiều tấm lòng nhân ái hôm nay...giống nhiều hũ gạo cứu đói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách nay 75 năm.
Khó khăn trong đời sống kinh tế-xã hội vẫn đang hiện diện, đại dịch covid-19 chưa có thời gian kết thúc, hi vọng với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước Việt Nam giàu truyền thống nhân ái và được kế thừa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ sớm chiến thắng được “giặc” COVID-19 để đưa cuộc sống của Nhân dân, đưa nền kinh tế của đất nước trở lại đà tăng trưởng ổn định, hoàn thành mục tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Nguyễn Ngọc