Cho đến những phút giây cuối đời, Người cũng mong muốn làm sao cho sự ra đi của mình mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nóng của tất cả các quốc gia trên thế giới thì giá trị của những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường càng sáng rõ hơn bao giờ hết.
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Vệ sinh yêu nước (phong trào diệt ruồi, muỗi) đăng trên báo Nhân dân số 1572. Người viết: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Có người nói: “Đối với thứ ruồi muỗi nhỏ nhen như vậy, cần gì làm ra to chuyện quá”. Nói như vậy là sai! Chính vì bé nhỏ mà nó làm cho người ta chủ quan khinh địch. Bé nhỏ nhưng nó độc ác, và hàng triệu cái hại nhỏ cộng lại thành cái hại to. Nếu tính lại mỗi năm Chính phủ và nhân dân ta tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động, thì sẽ thấy ruồi muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ. Phòng bệnh hơn trị bệnh. Chịu khó tiêu diệt ruồi muỗi, hơn là để ruồi muỗi gây ra ốm đau rồi phải uống thuốc”.
Anh Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cùng các đại biểu, nhân dân tham gia dọn vệ sinh bãi biển Quảng Vinh, Thanh Hóa (ảnh: Xuân Tùng)
Bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường sống quanh mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây. Theo Người: Tết trồng cây là một việc tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Trong bài viết Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28-11-1959 Người viết: “Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây", ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v.. Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi ngày 31 tháng 8 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Ta thường nói: "Rừng vàng biển bạc". Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Cho đến những phút giây cuối đời, khi chuẩn bị cho sự ra đi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng suy nghĩ về việc phải làm sao để đất nước phát triển bền vững, làm sao để nhân dân tiếp tục nếp sống mới, tiếp tục trồng cây gây rừng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.
Tinh thần tình nguyện nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với vùng biển của quê hương
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ô nhiễm môi trường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế thậm chí còn gây hại đến cuộc sống, sinh mạng của con người. Riêng đối với Việt Nam chúng ta, có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai vì hạn hán như lúc này. Người dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì hạn hán, đất đai bị xâm nhập mặn. Miền Trung thì lao đao vì cá biển chết hàng loạt. Và cứ đến hẹn lại lên, sau mỗi một kỳ nghỉ là những địa điểm du lịch lại bị ngập trong đủ các loại rác thải. Trước tình hình đó, công việc làm sạch và bảo vệ môi trường đang đặt ra vô cùng cấp thiết.
Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm giải quyết tình trạng này như thành lập Tổng cục Môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực các sông lớn, tổ chức quản lý môi trường ở các bộ, ngành và địa phương… Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và công bố nhiều văn bản dưới luật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường. Quán triệt, vận dụng có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về môi trường và bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta coi công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là nội dung không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nước ta; là cơ sở quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HHĐH đất nước. Nhân dân cả nước đã có nhiều phong trào nhằm bảo vệ môi trường mà trong đó thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Có những phong trào thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và cũng có những con người âm thầm dọn vệ sinh đường làng, ngõ phố không kể ngày nắng hay ngày mưa.
Gần đây nhất, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” đã được phát động tại bãi biển Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh với sự tham dự của gần 1.300 đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Tĩnh. Tại buổi lễ, gần 1.300 ĐVTN đã cùng nhau hát vang bài hát “Nối vòng tay lớn” và hô vang thông điệp “Hãy làm sạch biển”, thể hiện quyết tâm của các bạn trẻ trong hành động bảo vệ môi trường biển. Ngay sau lời cam kết được hô vang, 1.300 ĐVTN đã nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh khu vực bãi tắm Thiên Cầm, tuyên truyền cho ngư dân, các hàng quán, khách du lịch về việc không xả rác ra bãi biển. Tại buổi phát động Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, nhà báo Lê Bình – Giám đốc trung tâm tin tức VTV24 đã gửi thông điệp đến mọi người: Nếu chúng ta chưa làm được gì điều lớn lao cho miền Trung thì chỉ cần làm một việc nhỏ thôi, một việc ai cũng có thể làm được là đừng vứt rác ra biển. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chung tay và nâng cao ý thức hơn trong công cuộc bảo vệ môi trường và biển.
Chia sẻ thêm về lý do phát động chiến dịch này nhà báo Lê Bình cho biết: “Khi nhìn những hình ảnh một số bạn đưa lên Facebook về thực trạng các bờ biển trong và sau ngày nghỉ lễ, tôi thấy rất buồn. Và khi xem những phóng sự các bạn trẻ ở VTV24 đã phát sóng, những hình ảnh rác tràn ngập bãi biển, người ta vứt rác trên biển, chôn rác xuống bãi biển… lúc đó tôi thật sự búc xúc.
Chúng ta cư xử với biển như thế, hậu hoạ nào đang chờ đợi chúng ta? Tôi nghĩ phải làm một cái gì đó chứ? Trong khả năng của mình... Tôi muốn xây dựng một chiến dịch truyền thônng mạnh mẽ có sức mạnh thực tế, có sức lan toả truyền đi thông điệp: "Cứu biển"... Vì vậy, VTV24 đã phát động chiến dịch này.”
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường đã được ra đời vào những năm giữa của thế kỷ XX khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu chưa cấp thiết như này hôm nay. Điều đó cho chúng ta thấy tư duy đi trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời nhắc nhở chúng ta cần làm tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa để xây dựng môi trường sống tốt đẹp cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau.
Ths. Ngọc Hạnh – Ths. Nguyễn Thị Hải Yến