Với sức nóng hiện tại ở các rạp Việt, bộ phim “Bố già” do Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện được dự đoán sẽ vươn đến cột mốc 300 tỉ đồng doanh thu, thành tích chưa từng có phim Việt nào đạt được. Từ những thành công của bộ phim này, điện ảnh Việt hoàn toàn có khả năng làm ra những bộ phim với câu chuyện đậm chất Việt Nam và được khán giả Việt đón nhận.
Sau hơn 10 ngày ra rạp, bộ phim do Trấn Thành đồng sản xuất, đạo diễn và đóng chính liên tiếp phá kỷ lục của chính tác phẩm này. Ví dụ như: phim nội địa đầu tiên vượt mức 200 tỷ đồng, tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong một ngày (34,2 tỷ đồng ngày 14/3). Ở nhiều rạp phim, "Bố già" lấp đầy các khung giờ mỗi ngày.
Một nhân viên bán vé của rạp CGV tại Hà Nội cho biết: "Phim "Bố già" ngày chiếu tầm 20 suất, cứ 20-30 phút lại có 1 suất chiếu. Khán giả đến xem rất nhiều, hiện là bộ phim hot nhất".
Tác phẩm thành công khi mang đến câu chuyện có bối cảnh gần gũi với cuộc sống thường nhật, mỗi nhân vật, mỗi chi tiết phim đều khiến khán giả cảm nhận chính bản thân trong câu chuyện. Trong phim, người bố có thói quen tiết kiệm từng thứ nhỏ nhặt, bảo thủ, khó tính nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, người con thương cha nhưng không biết cách thể hiện. Mâu thuẫn giữa cha và con cứ lớn dần, mỗi người đều có quan điểm riêng, khó sẻ chia.
Đề tài về mối quan hệ trong gia đình không còn mới nhưng góc khai thác của đạo diễn khiến nhiều khán giả thấy được bản thân mình qua các nhân vật.
Một khán giả chia sẻ: “Phim này tôi thấy Trấn Thành làm rất gần gũi với người dân, người lao động. Bộ phim vừa hài vừa cảm động tình cảm cha con, tình cảm gia đình. Một bộ phim khá là chất lượng của Việt Nam".
"Phim này rất ý nghĩa, diễn tả nội tâm mà ai cũng thấy mình trong đấy và nghĩ đến cha mẹ của mình. Bộ phim ăn khách ở chỗ đấy” - một khán giả khác cho biết.
Vừa hài vừa cảm động, lại sâu sắc, có thể nói “Bố già” là bộ phim đánh trúng tâm lý người Việt. Bên cạnh đó, lời thoại giàu cảm xúc cùng lối diễn tự nhiên của các nhân vật đã tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, tăng tốc độ truyền miệng từ khán giả.
Trên nhiều fanpage điện ảnh, người xem trích lại các câu thoại ấn tượng trong phim. Và đây cũng chính là yếu tố giúp “Bố già” thành công trong việc thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi. Cô Vương Thị Dung, ở Minh Khai, Hà Nội chia sẻ: "Tôi nghe quảng cáo phim này rất hay, phù hợp với mọi lứa tuổi nên tôi muốn đi xem 1 lần cho biết".
Bạn Đỗ Diệu Linh ở Lĩnh Nam, Hà Nội cho biết: "Là người Việt nên tôi ủng hộ phim Việt. Nếu như phim tạo ấn tượng tốt, có nhiều thứ tốt hơn thì chắc chắn sẽ đi xem rạp phim Việt nhiều hơn”.
Trong khi điểm yếu của điện ảnh Việt Nam hiện nay là kịch bản, nội dung thương mại, mua lại bản quyền và làm lại những bộ phim nổi tiếng trên thế giới, thiếu tính đột phá thì bộ phim của Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành thực hiện lại mang đến cho khán giả góc nhìn thật, đậm chất đời sống của người Việt, từ đó có thể chinh phục khán giả Việt.
"Tôi thấy “Bố già” hay ở điểm đúng theo văn hóa của người Việt Nam. Để một bộ phim vừa hài hước, vừa cảm động vừa sâu sắc, vừa ý nghĩa thì rất hiếm và đấy là yếu tố cần thiết để nền điện ảnh Việt Nam phát triển" - một khán giả cho biết.
Diễn viên Việt càng ngày càng diễn xuất tốt hơn, không còn cứng hoặc bị đơ, truyền tải được cảm xúc cho người xem tốt hơn. Và đó cũng chính là lý do chính cho khán giả Việt ủng hộ phim Việt nhiều hơn, bắt đầu ra rạp xem phim Việt nhiều hơn.
Những chất liệu đời sống thuần Việt, nếu được khai thác một cách thấu đáo, kỹ càng, bộ phim sẽ chạm đến cảm xúc người xem. Từ “sức hút” của Bố già có thể thấy điện ảnh Việt hoàn toàn có khả năng làm ra những bộ phim với câu chuyện đậm chất Việt Nam. Tất nhiên về yếu tố nghệ thuật điện ảnh thì vẫn còn nhiều điều phải bàn./.
Thủy Tiên/VOV