Thông tư 29: Không cấm, mà định hướng
Thông tư 29 không nhằm xóa bỏ dạy thêm, học thêm, mà hướng đến việc quản lý chặt chẽ, minh bạch hóa hoạt động này để đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, đồng thời khuyến khích tinh thần tự học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 29 có ba điểm mới chính:
- Thứ nhất: Quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
- Thứ hai: Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho thuộc trách nhiệm của nhà trường, bao gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Thứ ba: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.
Phản ứng từ thực tế: Lo lắng và kỳ vọng đan xen
Ngay khi thông tư có hiệu lực, cộng đồng giáo dục đã có những phản ứng trái chiều. Nhiều phụ huynh lo ngại rằng việc siết chặt quản lý dạy thêm sẽ khiến con em khó theo kịp chương trình nếu không có sự hỗ trợ bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Hậu, phụ huynh ở Hà Đông, Hà Nội, bộc bạch: "Tôi không phản đối việc siết chặt quản lý dạy thêm, nhưng nếu các lớp bổ trợ bị hạn chế, tôi sợ con không đủ sức cạnh tranh, nhất là khi lớp học chính khóa đông và thầy cô không thể kèm cặp từng em."

Giảm học thêm giúp học sinh có thêm thời gian tự học ở nhà.
Trong khi đó, học sinh lại có góc nhìn đa dạng. Em Chu Khánh Ly, lớp 7A3, trường THCS Kiến Hưng, Hà Đông, chia sẻ: "Việc giảm học thêm trên lớp giúp em có thêm thời gian tự học qua các ứng dụng như HOCMAI. Em thấy tự học giúp em nhớ lâu hơn." Ngược lại, em Mai Lê Minh, lớp 10A8, trường THPT Thăng Long, Hai Bà Trưng, Hà Nội, băn khoăn: "Tự học cần kỷ luật cao. Nếu không có ai định hướng, em sợ mình dễ lạc lối."
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên Toán tại Hà Nội, nhìn nhận: "Dạy thêm không xấu, nhưng phải phù hợp với nhu cầu từng học sinh. Có em tự học tốt, nhưng cũng có em cần người hướng dẫn. Thông tư 29 giúp chúng ta tập trung vào chất lượng hơn là số lượng." Các chuyên gia giáo dục thì lạc quan, cho rằng đây là cơ hội để học sinh phát triển tư duy tự học, giảm phụ thuộc vào các lớp học thêm không cần thiết.
Tự học: Chìa khóa thành công trong bối cảnh mới
Ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Galaxy Education – đơn vị sở hữu thương hiệu HOCMAI, nhấn mạnh: "Học thêm là nhu cầu tự nhiên, nhưng cần được định hướng đúng. Thông tư 29 không chỉ nắn chỉnh hoạt động dạy thêm mà còn khuyến khích học sinh làm chủ việc tự học – một hướng đi phù hợp với giáo dục hiện đại."
Nhìn ra thế giới, các nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan hay Singapore đều đề cao tinh thần tự học. Ở Phần Lan, học sinh được khuyến khích tự tìm tòi qua các dự án thực tế thay vì học thêm đại trà. Tại Singapore, dù áp lực học tập cao, hệ thống giáo dục vẫn chú trọng trang bị kỹ năng tự quản lý thời gian và tự nghiên cứu cho học sinh. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều học sinh chưa có kỹ năng tự học bài bản, từ lập kế hoạch đến quản lý thời gian.
Để thích nghi, học sinh cần chủ động hơn. Trước hết, các em cần tập trung để việc học tập chính khóa trên lớp hiệu quả hơn. Thay vì phân tán tư tưởng, trông chờ vào các buổi học thêm, các em cần chủ động lắng nghe, đặt câu hỏi và tương tác với giáo viên để nắm vững kiến thức cơ bản ngay trên lớp. Thứ hai, việc học thêm cần trở nên chủ động và có chọn lọc. Các em nên chọn học bổ trợ các môn còn yếu hoặc cần ôn luyện để tham gia các kỳ thi quan trọng. Và quan trọng nhất, học sinh phải "làm chủ việc tự học". Tự học, tự tìm tòi khám phá là cách tốt nhất để các em phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, và đặt nền móng vững chắc cho hành trình học tập suốt đời.

Tự học giúp học sinh có thêm thời gian phụ giúp việc nhà, thực hành kỹ năng sống.
Em Mai Lê Minh chia sẻ: "Tự học không phải là học một mình. Em vẫn tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, và các bài giảng trực tuyến trên các nền tảng như hocmai.vn. Điều quan trọng là em chủ động tìm tòi và đặt câu hỏi." Tương tự, em Chu Khánh Ly kể: "Em chọn học bổ trợ Toán và Ngữ văn – hai môn em còn yếu trực tuyến. Thời gian còn lại, em giúp mẹ làm việc nhà và học vẽ, em thấy thoải mái hơn trước rất nhiều."
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần đồng hành với con. Chị Hậu, mẹ em Khánh Ly, nói: "Tôi giúp con lập kế hoạch học tập, kết hợp giữa học trên lớp, tự học qua ứng dụng, và các hoạt động ngoại khóa. Dần dần, tôi tin con sẽ tự giác hơn và làm chủ được việc tự học.". " Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng. Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI, nhận định: "Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tự học, ví dụ như biên soạn bài tập theo chuyên đề để các em tự luyện, hoặc tư vấn tài liệu tham khảo hiệu quả."
Công nghệ: Cầu nối cho tự học hiệu quả
Trong thời đại số, công nghệ đang trở thành "người bạn đồng hành" đắc lực. Thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích: "Học thêm kiểu truyền thống – một thầy dạy hàng chục học sinh cùng một chương trình – không còn phù hợp nữa. Các công nghệ mới như AI giúp cá nhân hóa việc học, nâng cao hiệu quả tự học. Nhưng học sinh và phụ huynh cần xác định rõ ràng mục tiêu học tập để xây dựng lộ trình học phù hợp".

Ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Galaxy Education.
Ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Galaxy Education
Ông Phạm Giang Linh bổ sung: "HOCMAI đã tiên phong giới thiệu hình thức học trực tuyến là hình thức học tập đòi hỏi sự chủ động cao từ học sinh từ năm 2007. Tự học không chỉ dành cho học sinh, mà là xu hướng tất yếu của cả xã hội. Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng như HOCMAI, học sinh ở bất kỳ đâu – từ Cà Mau đến Móng Cái – đều có thể chọn học với thầy cô giỏi tại Hà Nội hay TP.HCM. Các công nghệ mới như AI Chatbot của chúng tôi hướng dẫn các em phương pháp học hiệu quả và cách giải bài tập, qua đó nâng cao hiệu quả tự học. Làm chủ việc tự học không chỉ hữu ích khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả sau này khi các em đi làm, bởi thời đại số đòi hỏi mỗi cá nhân phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng."
Hành trình thay đổi tư duy
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT không phải là rào cản, mà là cơ hội để định hình lại cách học của học sinh Việt Nam: từ phụ thuộc sang chủ động, từ học thêm tràn lan sang học bổ trợ có chọn lọc. Thành công của sự thay đổi này nằm ở sự đồng lòng: học sinh cần rèn luyện thói quen tự học, phụ huynh cần đồng hành thay vì áp đặt, và nhà trường cần trang bị công cụ cùng tư duy mới.
Khi học sinh làm chủ việc học, chúng ta không chỉ xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, mà còn đặt nền móng cho một xã hội học tập bền vững, sẵn sàng hội nhập trong kỷ nguyên số. Câu hỏi không phải là "Học thêm có còn cần thiết không?", mà là "Chúng ta đã sẵn sàng định hướng việc học để phát triển toàn diện chưa?".
PV