Từ tuổi 40, tôi bắt đầu tiêu tiền theo "vòng đời món đồ": Cách mua sắm này giúp tôi tiết kiệm mà không cần thắt lưng buộc bụng

Thứ ba, 06/05/2025 - 09:03

Ở tuổi 30, tôi từng nghĩ tiết kiệm là phải "bóp chặt ví", là phải nói "không" với những gì mình thích. Nhưng đến tuổi 40, tôi mới hiểu: Muốn tiết kiệm bền vững, phải tiêu đúng – không phải tiêu ít.

Sau nhiều năm mua đồ vì rẻ, vì tiện, vì người khác có, tôi nhận ra mình đã chất đầy nhà bằng những món không thực sự dùng được lâu. Có cái vừa mua 3 tháng đã hỏng, có món dùng được vài lần rồi… để quên luôn. Và thế là tôi bắt đầu tìm hiểu – rồi thay đổi thói quen tiêu dùng theo một tiêu chí mới: Vòng đời món đồ.

"Vòng đời món đồ" là gì?

Đây là khái niệm cực kỳ đơn giản, nhưng hiệu quả cao: Mỗi món đồ đều có vòng đời sử dụng – tính bằng thời gian hoặc số lần dùng thực tế.

Khi áp dụng tư duy này, bạn sẽ không còn bị hấp dẫn bởi giá rẻ ban đầu, mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến:

Từ tuổi 40, tôi bắt đầu tiêu tiền theo "vòng đời món đồ": Cách mua sắm này giúp tôi tiết kiệm mà không cần thắt lưng buộc bụng- Ảnh 1.

- Món đồ này dùng được bao lâu?

- Trong thời gian đó, dùng được bao nhiêu lần?

- Và nếu chia giá tiền cho số lần dùng, giá trị thật mỗi lần dùng là bao nhiêu?

Cách tính cực dễ:

Giá trị sử dụng mỗi lần = Giá mua/Số lần dùng thực tế

Công thức này giúp bạn trả lời câu hỏi: Có đáng không?

Ví dụ 1: Quần áo mặc nhà

Nhiều phụ nữ tuổi 40 vẫn mua đồ mặc nhà ở chợ với giá 120.000 – 150.000 đồng/bộ, nghĩ rằng rẻ thì… đỡ xót. Nhưng vải thô, nóng, giặt nhanh gião, dễ rách. Mỗi bộ chỉ mặc được khoảng 8 tuần là phải bỏ.

Trong khi đó, nếu đầu tư 1 bộ cotton chất lượng khoảng 350.000 đồng, mặc 2 lần/tuần, dùng được 1 năm – tức 100+ lần giặt. Khi chia ra, mỗi lần mặc chỉ tốn hơn 3.000 đồng – vừa dễ chịu, vừa kinh tế.

Rút ra: Mua giá rẻ không có nghĩa là rẻ thật.

Ví dụ 2: Dụng cụ nhà bếp – chảo rẻ, chảo tốt

Tôi từng mua chảo 250.000 đồng, dùng được 3 tháng là bong tróc, dính thức ăn. Sau 4 lần thay chảo trong 1 năm, tổng chi hết 1 triệu đồng.

Cho đến khi tôi mua một chiếc chảo phủ đá granit chống dính tốt, giá 890.000 đồng. Dùng được 2 năm rưỡi, mỗi tuần nấu 3–4 lần. Tính ra chưa tới 1.000 đồng/lần dùng – mà nấu nhanh, rửa dễ, không cần thay.

Ví dụ 3: Giày dép – đầu tư một đôi tử tế hơn 3 đôi "rẻ rẻ"

Một đôi giày đế mềm, chống trượt, có thể dùng cả đi làm lẫn đi bộ giúp bạn không phải thay đổi nhiều, đỡ đau chân, và dùng được 1–2 năm. Trong khi mua 3 đôi giày rẻ nhưng kém bền, không hỗ trợ dáng đi, bạn sẽ phải thay sớm, mà chi phí cộng lại còn tốn hơn.

Những nhóm đồ nên tiêu theo vòng đời

Nhóm đồNên tiêu theo vòng đời vì…
Đồ gia dụng (nồi, chảo, dao, máy xay)Dùng hàng ngày, hiệu suất cao → nên chọn đồ tốt
Quần áo cơ bản (đồ ngủ, áo khoác, quần công sở)Ít thay, dùng lặp lại → nên bền và phối dễ
Giày dép – túi xáchẢnh hưởng dáng đi, sức khoẻ cột sống – nên ưu tiên chất lượng
Đồ chăm sóc cá nhân (khăn, gối, máy sấy tóc, gương, đèn ngủ)Tạo cảm giác sống tốt hơn mỗi ngày
Thiết bị sức khoẻ (máy đo huyết áp, máy lọc không khí, cân thông minh)Sử dụng liên tục – nên đầu tư 1 lần tử tế

Những sai lầm dễ mắc nếu bỏ qua “vòng đời món đồ”:

- Chọn sản phẩm vì… người khác khen (nhưng nhà mình không thực sự cần)

- Mua vì "giảm giá sâu", nhưng không dùng tới lần thứ 3

- Ưu tiên số lượng hơn chất lượng (5 món rẻ vẫn không bằng 1 món bền)

- Không biết lúc nào nên mua đồ xịn – lúc nào nên dừng

- Mẹo tiêu dùng thông minh theo vòng đời món đồ

- Viết thẳng số lần dự kiến sẽ dùng – nếu con số dưới 10, đừng mua

- So sánh giá trị sử dụng/lần giữa 2 lựa chọn – đôi khi đắt lại tiết kiệm hơn

- Đặt câu hỏi: “Tôi có dùng nó thường xuyên không?” trước khi nhấn “thêm vào giỏ hàng”

- Thanh lý đồ ít dùng – vừa có chỗ, vừa hiểu rõ mình thực sự cần gì

- Tiêu theo vòng đời – sống có kế hoạch, không tiếc nuối

Từ tuổi 40, tôi bắt đầu tiêu tiền theo "vòng đời món đồ": Cách mua sắm này giúp tôi tiết kiệm mà không cần thắt lưng buộc bụng- Ảnh 2.

Tuổi 40 là lúc để tiêu ít hơn, nhưng chắc tay hơn. Chọn món đồ không chỉ vì hôm nay thấy rẻ, mà vì 6 tháng – 1 năm sau, mình vẫn còn dùng – và vẫn thấy đáng.

Một người tiêu dùng thông minh không phải là người không bao giờ mua sắm, mà là người biết rõ: mỗi đồng mình bỏ ra có đáng hay không.

Phương Trần