Tư tưởng của V.I. Lênin về nhà nước và tôn giáo - Ý nghĩa trong giảng dạy triết học ở các nhà trường Quân đội hiện nay

Thứ bảy, 26/04/2025 - 15:56

Tóm tắt: Tư tưởng của V.I. Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. V.I. Lênin nhấn mạnh tính chất giai cấp của nhà nước và quan điểm duy vật biện chứng trong nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng này có ý nghĩa thiết thực trong giảng dạy, đặc biệt tại Học viện Chính trị. Bài viết tập trung làm rõ giá trị của tư tưởng V.I. Lênin về nhà nước và tôn giáo trong hoạt động giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong Quân đội.

1. Mở đầu: Trong hệ thống tư tưởng của V.I. Lênin, vấn đề nhà nước và tôn giáo được ông luận giải trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen. Tư tưởng đó không chỉ mang giá trị lý luận sâu sắc mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và định hướng nhận thức, hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển đa dạng của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã đặt ra cần thiết vận dụng đúng đắn tư tưởng của V.I. Lênin về nhà nước và tôn giáo, đặc biệt trong giảng dạy triết học ở các nhà trường Quân đội hiện nay, nơi đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Tư tưởng của V.I. Lênin về nhà nước và tôn giáo

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cách mạng nước Nga đặc biệt khó khăn, giai cấp công nhân chịu sự áp bức bóc lột của chế độ phong kiến, sự bóc lột của giai cấp tư sản trong nước và tư sản nước ngoài. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến tôn giáo để an phận, đồng thời giai cấp tư sản và chế độ phong kiến đã dùng tôn giáo để ru ngủ quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó V.I. Lênin đã phát triển sáng tạo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về nhà nước, về tôn giáo, về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Sáng tạo ở chỗ V.I. Lênin không nghiên cứu tôn giáo như một lĩnh vực thuần túy lý luận mà từ đòi hỏi thực tiễn của cách mạng Nga và phong trào vô sản quốc tế. Người cho rằng: "Tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ"[1].

V.I. Lênin kế thừa quan điểm của C. Mác để chỉ ra con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sáng tạo ra con người. Đồng thời khẳng định tôn giáo phản ánh một cách hư ảo và bóp méo đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện bị áp bức, bất công. Người viết: "Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia"[2].

Từ lập trường duy vật biện chứng, V.I. Lênin nhấn mạnh rằng nguồn gốc của tôn giáo là xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn gốc nhận thức của tôn giáo. Theo Người, "Nguồn gốc sâu xa nhất của các thành kiến tôn giáo là cùng khổ và dốt nát"[3]. Do đó, việc đấu tranh với tôn giáo không thể là hành động thô bạo, cực đoan, mà phải thông qua giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Người khẳng định: "Cần phải đấu tranh bằng tuyên truyền, bằng giáo dục. Nếu hành động thô bạo, chúng ta sẽ làm cho quần chúng tức giận; hành động như vậy sẽ càng gây thêm sự chia rẽ trong quần chúng về vấn đề tôn giáo, mà sức mạnh của chúng ta là ở sự đoàn kết"[4].

Một trong những nội dung trọng yếu trong tư tưởng của V.I. Lênin là quan điểm về nhà nước thế tục, tách rời nhà nước khỏi tôn giáo. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I. Lênin lãnh đạo chính quyền Xô viết ban hành sắc lệnh: "Giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhà nước, nhà trường hoàn toàn tách khỏi giáo hội"[5]. Đồng thời, ông khẳng định: "Đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là việc tư nhân, nhưng đối với đảng của chính chúng ta, thì bất luận thế nào, chúng ta không thể coi tôn giáo là việc tư nhân được"[6].

Về bản chất quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, V.I. Lênin vạch rõ tính chất cộng sinh giữa giáo hội và chính quyền phong kiến, tư sản: "Tất cả các giai cấp áp bức đều cần đến hai chức năng: đao phủ và giáo sĩ… Giáo sĩ phải an ủi những người bị áp bức, làm cho họ chịu nhận nền thống trị ấy…"[7] . Chính quyền Nga Hoàng đã chi phối giáo hội và "giáo hội ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào nhà nước"[8].

Tư tưởng của V.I. Lênin không những thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với sự lợi dụng tôn giáo của chế độ phong kiến Nga và giai cấp tư sản, mà còn cho thấy thái độ khoa học, mềm dẻo trong thực tiễn cách mạng. Người cho rằng, trong những điều kiện nhất định, một chức sắc tôn giáo vẫn có thể trở thành đảng viên nếu họ thật sự trung thành và hành động vì mục tiêu cách mạng: "Nếu có linh mục nào đó cùng đi với chúng ta... thì chúng ta có thể kết nạp người ấy vào hàng ngũ của Đảng"[9].

Tóm lại, tư tưởng của V.I. Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo vừa thể hiện tính cách mạng triệt để, vừa mang tính nhân văn sâu sắc, khẳng định rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cần "làm cho tôn giáo thực sự trở thành một việc tư nhân đối với nhà nước"[10]. Đây là tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giáo dục của nước ta, đặc biệt trong công tác giảng dạy ở các nhà trường Quân đội hiện nay.

2.2. Ý nghĩa trong giảng dạy triết học ở các nhà trường Quân đội hiện nay

Tư tưởng của V.I. Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo không chỉ có giá trị lý luận trong việc hoàn thiện học thuyết Mác - Lênin về tôn giáo mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục ở nước ta, đặc biệt là trong giảng dạy triết học ở các nhà trường Quân đội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển đa dạng, phức tạp của các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ta hiện nay, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin giúp giảng viên và học viên ở các nhà trường Quân đội nâng cao nhận thức đúng đắn, đấu tranh hiệu quả với các biểu hiện lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, đồng thời góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ nhất, tư tưởng V.I. Lênin về tôn giáo là cơ sở lý luận quan trọng để trong giảng dạy triết học định hướng người học xác định đúng thái độ đúng đắn với tôn giáo.

Trong khi vẫn kiên định lập trường vô thần duy vật, tư tưởng của V.I. Lênin lại nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được tuyên chiến với tôn giáo bằng mệnh lệnh hành chính hay cực đoan, mà phải đấu tranh bằng hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động và thuyết phục trên cơ sở nhận thức khoa học và thực tiễn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy triết học ở các nhà trường Quân đội hiện nay cần phải hiểu đúng, hiểu đầy đủ tư tưởng V.I.Lênin về tôn giáo và mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Đồng thời không ngừng nâng cao trình độ lý luận, cập nhật những vấn đề tôn giáo mới phát sinh trong xã hội để phân tích, luận giải các vấn đề tôn giáo một cách khoa học, truyền tải có hiệu quả trong giảng dạy triết học cho người học để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo đến đời sống, hướng người học chấp hành nghiêm các chính sách về tôn giáo của Đảng và quy định của Nhà nước.

Thứ hai, tư tưởng V.I. Lênin về tôn giáo cung cấp cho giảng viên giảng dạy triết học cơ sở để định hướng cho học viên về nguyên tắc nhà nước tách rời giáo hội

Tư tưởng của V.I. Lênin về nhà nước thế tục tức là nhà nước tách rời giáo hội là cơ sở để giảng viên giảng dạy triết học tiếp cận và hiểu rõ về vai trò của nhà nước đối với tôn giáo, đối với giáo hội. Từ đó để giảng viên giảng dạy triết học định hướng nhận thức cho học viên hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời đấu tranh chống lại các âm mưu lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tiễn Việt Nam cho thấy, các thế lực thù địch vẫn triệt để lợi dụng tôn giáo để kích động ly khai, chống đối Nhà nước dưới nhiều hình thức tinh vi. Vì vậy, giảng viên giảng dạy triết học cần hướng dẫn học viên nắm vững và vận dụng đúng đắn nguyên lý nhà nước phải tách khỏi các giáo hội, các giáo hội không được can thiệp vào công việc nhà nước, và ngược lại, nhà nước không can thiệp vào đời sống nội bộ giáo hội, tôn giáo nhưng các giáo hội, tôn giáo cần phải hoạt động tuân thủ pháp luật.

Thứ ba, tư tưởng của V.I. Lênin về tôn giáo là cơ sở phương pháp luận quan trọng trong giảng dạy triết học về tôn giáo.

Trong quá trình giảng dạy triết học về tôn giáo, giảng viên cần vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp dạy học hiện đại, để người học hiểu đúng và vận dụng linh hoạt trong ứng xử với các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng hiện nay. Chính tư tưởng của V.I.Lênin về tôn giáo định hướng cho giảng viên giảng dạy triết học biết cách tiếp cận những vấn đề phức tạp, có tính trừu tượng cao về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Đòi hỏi phương pháp giảng dạy triết học về tôn giáo cần phải mang tính hệ thống, khách quan và khoa học, tiếp cận các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng cần tách rời Nhà nước. Giảng viên khi giảng dạy triết học về tôn giáo cần tránh lối truyền đạt áp đặt, giáo điều hay mệnh lệnh về tôn giáo cho người học, mà thay vào đó, cần định hướng và khơi dậy cho người học phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, khả năng phân tích, tư duy phản biện và liên hệ giữa lý luận của V.I. Lênin về tôn giáo với thực tiễn tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, giảng viên và học viên không chỉ có kiến thức sâu sắc mà còn hình thành bản lĩnh có thái độ ứng xử phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay.

Thứ tư, tư tưởng V.I. Lênin về tôn giáo là cơ sở để giảng viên giảng dạy triết học trang bị cho người học tinh thần trách nhiệm với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng.

Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng về tôn giáo của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam, là cơ sở pháp lý khoa học để định hướng quần chúng nhân dân ứng xử với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Qua giảng dạy triết học về tôn giáo, giảng viên định hướng cho học viên nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là về vấn đề tôn giáo và tín ngương của nước ta hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần có thái độ đúng đắn, khách quan và khoa học đối với vấn đề tôn giáo. Điều đó thể hiện ở việc vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, vừa kiên quyết giữ vững kỷ cương, pháp chế xã hội chủ nghĩa vừa khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, cần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất cách mạng, chính quy của Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Kết luận: Tư tưởng của V.I. Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, có giá trị nền tảng trong việc định hướng quần chúng nhân dân ứng xử với tôn giáo. Việc nghiên cứu và vận dụng sâu sắc tư tưởng này trong hoạt động giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường Quân đội hiện nay không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, mà còn trang bị cho học viên thế giới quan khoa học, bản lĩnh tư tưởng vững vàng trong xem xét các hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới và năng lực đấu tranh với các quan điểm sai trái xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật cảu Nhà nước về tôn giáo.

ThS Nguyễn Văn Hanh, Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị/ Bộ Quốc Phòng

Cử nhân Nguyễn Văn Bách, Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị/ Bộ Quốc Phòng

    Chú thích:


     . V.I. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG Sự thật, 2005, tr.169.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 12, tr.169.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 37, tr.221.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 10, tr.135.

     .V.I. Lênin, Sđd, tập 12, tr.175.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 10, tr. 133.

     .V.I. Lênin, Sđd, tập 10, tr.132.

      . V.I. Lênin, Sđd, tập 10, tr.132.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 41, tr. 254.

     . V.I. Lênin, Sđd, tập 10, tr. 134.


    Tài liệu tham khảo

      1. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG Sự thật, 2005
      2. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG Sự thật, 2005
      3.  V.I. Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb CTQG Sự thật, 2005
      4. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb CTQG Sự thật, 2005
      5. Lê Văn Lợi "Tư tưởng của V.I.Lênin về tôn giáo trong thực tiễn Việt Nam hiện nay", Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử ngày 14/4/201.