TNV - Tư tưởng về chủ nghĩa duy vật lịch sử của V.I.Lênin là bộ phận quan trọng bậc nhất trong di sản tư tưởng của Người để lại cho giai cấp công nhân và phong trào cộng sản thế giới. Trong di sản đó, tư tưởng về con người của V.I.Lêninlà thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng nhân loại. Tư tưởng của về con người còn có giá trị to lớn với vấn đề giáo dục thanh niên hiện nay.
Tư tưởng về con người của V.I. Lênin thống nhất với tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen ở mặt thế giới quan, phương pháp luận khoa học và tập trung thống nhất ở mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi áp bức bóc lột, sự tha hóa trong chủ nghĩa tư bản, vươn tới làm chủ mọi mặt và tự do. Tuy nhiên, V.I.Lênin đã có bước bổ sung, phát triển, cụ thể hóa vào từng luận điểm và đặc biệt là làm sáng tỏ tính giai cấp, tính dân tộc của con người trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó nổi lên là con người trong giáo dục cộng sản chủ nghĩa (nhất là thế hệ trẻ) trong các nhà trường xã hội.
Vấn đề bản chất con người trong tư tưởng V.I. Lênin đươc tập trung ở nội dung mới về sự “tha hóa” con người. Vấn đề tha hóa con người được C. Mác và Ph. Ăngghen luận giải khá cụ thể,V.I. Lênin đã làm sâu sắc hơn sự tha hóa không chỉ là con người giai cấp công nhân, mà còn đối với con người giai cấp tư sản.V.I. Lênin xác định cùng có sự tha hóa nhưng tạo tạo ra ý thức khác nhau giữa con người giai cấp công nhân với con người giai cấp tư sản. V.I. Lê nin chỉ rõ: “Giai cấp hữu sản và giai cấp vô sản đều là cùng một sự tha hóa của con người. Nhưng giai cấp hữu sản tự cảm thấy thỏa mãn và vững vàng trong sự tha hóa đó, nó coi sự tha hóa là bằng chứng về sức mạnh của chính nó, và trong sự tha hóa nó được cái vẻ bề ngoài của một sự tồn tại có nhân tính. Còn giai cấp thứ hai thì cảm thấy bị tiêu diệt trong sự tha hóa, thấy sự tha hóa là một bất lực của nó và là hiện thực của một sự tồn tại không có nhân tính. Nói theo kiểu Hêghen, giai cấp ấy là sự phẫn nộ chống lại sự hắt hủi…”.
Khác với C.Mác và Ph.Ăngghen, vấn đề con người sáng tạo trong tư tưởng của V.I. Lênin được tiếp cận, luận giải trên thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917,nước Nga xô - viết, sau này là Liên Xô bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội với biết bao những khó khăn từ giặc ngoài, thù trong và tàn tích lạc hậu của xã hội cũ rất nặng nề trong con người của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. V.I. Lênin đã nhạy bén với vấn đề lợi ích của con người trong từng giai đoạn cách mạng. Khi mà chính sách kinh tế thời chiến, vấn đề phát huy nhân tố con người trong Chiến tranh vệ quốcđã hết động lực từ con người, V.I.Lênin đã nhanh chóng chuyển sang thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP). Nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới là vấn đề con người gắn với lợi ích cụ thể. Nhờ đó mà tiếp tục phát huy nhân tố con người giai cấp công nhân, con người xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, V.I. Lênin còn tiến tới phân tích con người giai cấp của những người nông dân Nga. Người đã phân tích sâu sắc tính hai mặt của con người nông dân, một là người lao động và hai là, người có tư tưởng tư hữu. Trên cơ sở đó, V.I. Lênin phân ra thành hai loại nông dân: Nông dân tập thể tuân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và nông dân đầu cơ, trục lợi khi Nhà nước gặp khó khăn trước tình cảnh thiếu lương thực.
Tư tưởng của V.I. Lênin về con người còn gắn với đạo đức, văn hóa gắn với giáo dục, phát triển ý thức xã hội chủ nghĩa, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nội dung mang đặc điểm sắc thái tư tưởng của V.I. Lênin rất sâu sắc. Người đã phê phán lối giáo dục thiếu toàn diện, phản nhân đạo, nhân vănphục vụ cho phát triển ý thức tư bản chủ nghĩa của nhà trường cũ, nhưmg được che đậy bởi những tuyên bốgiả nhân, giả nghĩa.V.I.Lênin phê phán giai cấp tư sản cố tình che giấu tính giai cấp trong giáo dục của chế độ tư bản, nhưng thực chất được che đậy khá tinh vi. Người chỉ rõ: “Nhà trường cũ tuyên bố là muốn đào tạo ra một người có trình độ văn hóa toàn diện và dạy các môn khoa học nói chung. Chúng ta biết rằng đó là điều dối trá hoàn toàn,…Lẽ tự nhiên là toàn bộ nhà trường cũ đã thấm nhuần đầy đủ tinh thần giai cấp, nên chỉ truyền thụ kiến thức cho con cái của giai cấp tư sản mà thôi…Trong các trường học cũ, thế hệ trẻ của công nhân và nông dân không phải là được giáo dục mà chủ yếu là bị huấn luyện để phục vụ lợi ích của chính giai cấp tư sản đó…”.
Theo V.I.Lênin, trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản cần có sức mạnh tổng hợp trên cơ sở đoàn kết nhất trí cao, cần có kỷ luật tự giác của mỗi con người công nhân và nông dân; cần có sự khôi phục và phát triển công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, tối tân trên khắp đất nước. Để có được tinh thần đó quần chúng nhân dân phải có sự giác ngộ, thuấm nhuần đạo đức cách mạng, trên cơ sở nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.V.I.Lênin chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết gắn lên trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức của nhân loại; …chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản từ tổng số những kiến thức, các tổ chức và thiết chế bằng số dự trữ nhân lực và vật lực mà xã hội cũ đã để lại cho chúng ta”.
Hơn một trăm năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của V.I.Lênin về con người vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với vấn đề giáo dục thanh niên hiện nay. Các cấp bộ Đoàn cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng về con người của V.I.Lênin,để tổ chức Đoàn làm tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, thực sự là nơi đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò to lớn của thanh niên. Tăng cường giáo dục thanh niên sống có lý tưởng cách mạng, có niềm tin cộng sản và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chương trình hành động và phong trào xung kích của Đoàn vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên.
Học tập tư tưởng của V.I.Lênin về con người, mỗi đoàn viên thanh niên cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong thực tiễn học tập, rèn luyện, công tác trên mọi lĩnh vực muôn màu của cuộc sống. Thông qua những trải nghiệm trong thực tiễn, mỗi thanh niên sẽ khẳng định bản thân, đóng góp cho cộng đồng, tích luỹ và trưởng thành cả về nhận thức và hành động; hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân tốt, những người cộng sản trẻ tuổi với nhiệt huyết, tinh thần và trách nhiệm cao nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Thủy - Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị