Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Thứ hai, 21/07/2025 - 08:08

Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đã hình thành quốc gia dân tộc trên nền tảng sự hội nhập và phát triển, vượt qua khó khăn để xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt trong việc hợp tác giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh chung chống lại kẻ thù xâm lược. Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mà còn trong công tác xây dựng đất nước sau này.

Tư tưởng đoàn kết là nội dung xuyên suốt trong các bài viết và nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các dân tộc, quyền tự quyết của mỗi dân tộc và sự hợp tác chặt chẽ giữa các giai cấp và dân tộc khác nhau trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì chủ trương này trong các chiến lược cách mạng, qua đó thúc đẩy một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ và thành công.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc, giải phóng dân tộc, chính sách dân tộc thiểu số

HO CHI MINH'S THOUGHT ON NATIONAL UNITY IN THE CAUSE OF NATIONAL LIBERATION

Throughout Vietnam's historical periods, a nation-state has been formed on the foundation of integration and development, overcoming difficulties to build the country. President Ho Chi Minh always considered national unity as a key factor in the struggle for national liberation and nation-building, particularly in fostering cooperation between ethnic groups, thus creating a collective strength to resist foreign invaders. Ho Chi Minh's thought on unity is not only reflected in the struggles against foreign aggression but also in the nation-building efforts afterward. His ideas on unity are a consistent theme in his writings and speeches. He emphasized the equality of ethnic groups, the right of each ethnic group to self-determination, and the close cooperation among different classes and ethnic groups within society. Ho Chi Minh consistently adhered to this policy in revolutionary strategies, thereby promoting a strong and successful national liberation movement.

Keywords: Ho Chi Minh's Thought, National Unity, National Liberation, Minority Ethnic Policies

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử quá trình hình thành quốc gia dân tộc là quá trình hội nhập và phát triển, mở rộng địa bàn cư trú, tiếp nhận các cộng đồng tộc người mới vào đại gia đình các tộc người Việt Nam. Sự hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn vừa phải chống kẻ thù xâm lược, vừa phải tạo dựng những cơ sở cho sự phát triển lâu dài trên một vùng lãnh thổ mà thiên nhiên có phần khắc nghiệt. Trong suốt chiều dài lịch sử,các tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam không phân biệt là cư đã định cư lâu đời hay mới di cư đến đều coi Việt Nam là Tổ quốc của mình và đều có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do những điều kiện lịch sử, mà phần lờn các tộc người thiểu số sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo - những địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái, nhưng cũng hết sức khó khăn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Một quốc gia đa tộc người như Việt Nam, nhưng sự phát triển lại hết sức không đồng đều giữa các tộc người là một vấn đề cần phải chú ý khi giải quyết các mối quan hệ tộc người. Nhận thức rõ vị thế của vấn đề dân tộc cũng như sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương thực hiện nhất quán chính sách dân tộc trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bài viết sử dụng một số phương pháp cơ bản như: Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp; Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu thứ cấp, trong đó tập trung vào các bài nói chuyện, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến vấn đề dân tộc để trình bày tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc.

2. Nội dung nghiên cứu

Những người sáng lập ra chủ nghĩa Marx đều rất coi trọng vấn đề dân tộc. Nhưng ở giai đoạn đầu Karl Marx và Friedrich Engels, vấn đề dân tộc không đặt ra cấp bách. Bởi hai ông tập trung vào nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến chủ nghĩa tư bản, đến đấu tranh giai cấp. Vì lẽ đó những ý kiến của hai ông về vấn đề dân tộc là không nhiều và chưa tập trung. Ở thời kỳ Lênin, khi chủ nghĩa tư bản phát triển trở thành chủ nghĩa đế quốc đã đi nô dịch các dân tộc khác và xâm chiếm đất đai lãnh thổ của các quốc gia khác biến thành thị trường. Trong tình hình đó, nhiều quốc đã mất chủ quyền. Mặt khác,từ thực tế của nước Nga Sa Hoàng "địa ngục trần gian của các dân tộc", Lênin và sau đó là Stalin đã quan tâm đến vấn đề dân tộc. Vào năm 1913, tác phẩm khá nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc của Stalin đã được xuất bản. Cho đến nay trải qua gần 100 năm, thế giới đã có nhiều biến đổi, nhưng nhiều vấn đề trong công trình này vẫn còn nguyên giá trị. Là người tổ chức và lãnh đạo nước Nga sau cách mạng tháng Mười, hơn ai hết Lênin đã thấy thực trạng áp bức dân tộc đã tồn tại ở chế độ Nga Sa Hoàng, nên rất quan tâm đến vấn đề dân tộc. Trên cương vị lãnh tụ giai cấp vô sản Nga, tình hình thực tế nước Nga, nên Lênin đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng Cộng Sản và chính quyền Xô Viết. Trong tác phẩm nổi tiếng của Lênin về quyền dân tộc tự quyết [8], cương lĩnh về vấn đề dân tộc có thể nêu tóm tắt như sau: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc có quyền tự quyết và liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại. Bình đẳng là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng,thể hiện rất rõ quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc. Bình đẳng ở đây bao gồm không chỉ bình đẳng về chính trị, mà còn cả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong bài viết của mình, khi nói về bình đẳng giữa các dân tộc Lênin nhấn mạnh: "Người nào không thừa nhận và không bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giữa các ngôn ngữ, không đấu tranh chống mọi áp bức hay mọi bất bình đẳng dân tộc ,người đó không phải là người Mácxit, thậm chí cũng không phải là người dân chủ nữa … giải phóng các dân tộc thuộc địa và tất cả các dân tộc bị áp bức hoặc bị bất bình đẳng … không những không làm cho quần chung lo động các dân tộc được bình đẳng thật sự, mà cả việc phát triển ngôn ngữ và văn hóa của họ" [10]. Quyền tự quyết là một trong ba nguyên tắc cơ bản trong cương lĩnh của Lênin về vấn đề dân tộc. Có thấy được tình trạng nhiều dân tộc bị áp bức dưới chế độ Nga Sa Hoàng mới thấy hết được ý nghĩa của quyền tự quyết dân tộc. Quyền tự quyết dân tộc không phải là mục tiêu dẫn đên sự tách ra của các dân tộc, mà hướng tới việc các dân tộc xích lại gần nhau, tạo nên sức mạnh trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Bởi vì: "chủ nghĩa xã hội có mục đích không những xóa bỏ tình trạng nhân loại bị chia thành những quốc gia nhỏ và xóa bỏ mọi trạng thái biệt lập giữa các dân tộc, không những làm cho các dân tộc gần gũi nhau, mà còn nhằm thực hiện việc hợp nhất các dân tộc lại… Nhân loại chỉ có trải qua thời kỳ quá độ của chuyên chính của giai cấp bị áp bức, mới có thể xóa bỏ được các giai cấp cũng giống như vậy, nhân loại chỉ có trải qua thời kỳ quá độ hoàn toàn giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức, nghĩa là thời kỳ các dân tộc được tự do phân lập, thì mới có thể đạt tới sự hợp nhất tất nhiên giữa các dân tộc" [9]. Và cuối cùng là liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại là nguyên tắc thứ ba trong cương lĩnh của Lênin về vấn đề dân tộc. Đây là sự liên minh quốc tế trong cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc và áp bức giai cấp, vì sự giải phóng dân tộc và xã hội. Theo đó việc giải phóng khỏi ách tư bản, việc xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là nhiệm vụ quốc tế của tất cả những người vô sản, của tất cả nhân dân lao động các nước. Đây là một quan điểm nhất quán của Lênin về chủ nghĩa quốc tế vô sản, hoàn toàn khác và đối lập với chủ dân tộc tư sản là luôn gây sự thù hằn dân tộc và chia rẽ giữa cac dân tộc. Lênin viết: "Chủ nghĩa dân tộc tư sản và chủ nghĩa quốc tê vô sản,đó là hai khẩu hiệu đối lập không thể điều hòa được và thích ứng với hai mặt trận giai cấp lớn trong thế giới tư bản chủ nghĩa, và biểu thị hai chính sách lớn (hơn thế nữa: hai thế giới quan) trong vấn đề dân tộc" [7]. Sau Cách mạng tháng Mười, những quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc đã được triển khai thực hiện và mang lại những kết quả to lớn. Được sự giúp đỡ của chính quyền trung ương và của người Nga nhiều nước cộng hòa ở Siberia, ở các vùng khác như Trung Á, Capcadơ có trình độ phát tiển kinh tế, xã hội thấp dưới chế độ Xô Viết đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong lịch sử phát triển của mình. Mức sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện và nâng cao bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, làm giàu do quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc trong quá trình xây dựng Liên bang Xô viết… Những thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến sự phát triển của các dân tộc ở Liên bang Xô Viết là rất lớn, là bài học cho nhiều nước có thể vận dụng sau khi giành độc lập bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, sau khi Lênin qua đời chính sách dân tộc của Người không được thực hiện một cách đúng đắn, càng về sau này càng xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin về vấn đề dân tộc. Việc này làm suy yếu khối đại đoàn kết các dân tộc Xô Viết, sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Sự tan rã của Liên xô sau này có nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị, nhưng chính việc không nhất quán trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai phát triển tại các nước cộng hòa, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Xô Viết. Những xung đột diễn ra ở nhiều nước thế giới trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những nguyên nhân kinh tế, xã hội, còn có nguyên nhân do sự bất bình đẳng giữa các dân tộc trong những quốc gia đa tộc người.

Là người sinh ra tại một nước phương Đông, khác với những bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước không hướng tới phương Đông, mà lại hướng tới phương Tây, nơi chủ nghĩa tư bản hình thành và phát triển. Trong quá trình bôn ba năm châu bốn biển, tiếp cận với các học thuyết khác nhau, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Marx -Lênin. Người tìm thấy ở chủ nghĩa Marx - Lenin con đường giải phóng dân tộc. Theo GT.TS. Phan Hữu Dật thì tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc bao gồm hai lĩnh vực tổng quát. Thứ nhất là: "Vấn đề vấn đề dân tộc trên phương diện vĩ mô. Khi nước ta là môt nước thuộc địa, nửa phong kiến thì vấn đề dân tộc là vấn đề giành độc lập tự do cho toàn dân tộc, cho nhân dân ta, cả dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số trong quốc gia Việt Nam thống nhất, làm cho các dân tộc từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước" [1]. Và thứ hai là: "Vấn đề dân tộc trên phương diện vi mô. Nước ta là một quốc gia đa dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc ở đây là xác định đường lối, chính sách để đưa các dân tộc tiến lên xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, trong một xã hội công bằng và văn minh"[1]. Khi Người ra đi tìm đường cứu nước thì Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, cho nên cùng một lúc bị áp bức dân tộc và áp bức giai cấp. Do vậy, tình hình ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam khác với các nước phương Tây, khi vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có mối liên hệ với nhau, không thể giải quyết vấn đề giai cấp nếu không giải quyết vấn đề dân tộc. Nhưng vào thời điểm đó, một vấn đề đặt ra là liệu có nước thuộc địa nào giành được thắng lợi, khi mà ở "chính quốc" chưa xảy ra cách mạng vô sản? Bằng nhãn quan thiên tài của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và tri thức tích lũy được của Người trong những năm bôn ba ở nhiều nước khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng cách mạng thuộc địa có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản ở "chính quốc" khi Người nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu trong cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam. Người cũng chỉ ra rằng chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn của công cuộc giải phóng dân tộc, mà đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động khác (nông dân,trí thức..) là một chiến lược, là sức mạnh, là cội nguồn của thành công. Sau này, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, những tư tưởng đó được vận dụng vào thực tiễn và chính thực tiễn cách mạng Việt Nam đã làm sáng tỏ những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phong trào giải phóng dân tộc, cho tiến trình phi thực dân hóa trên phạm vi toàn thế giới. Để có thể giải phóng giai cấp ở các nước thuộc địa, thì trước hết phải giành độc lập dân tộc, không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc thì không thể nói đến giải phóng giai cấp. "Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ rằng, đối với Việt Nam (có thể rộng ra đối với các nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ latinh), không phải là giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết được vấn đề dân tộc như ở các nước tư bản phát triển phương Tây, mà ngược lại, chỉ có giải quyết dân tộc mới giải phóng được giai cấp, giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp và tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp"[1].

Trong quá trình hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều lời nói bài viết chứa đựng những tư tưởng lớn về vấn đề dân tộc ở nước. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về những tư tưởng lớn của Người được công bố. Một trong những nội dung đó là nói về đoàn kết dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau 30 năm bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngay khi về tới Việt Nam để trực lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng (xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng quần chúng), mà nội dung quan trọng là đoàn kết. Ngày 6 tháng 6 năm 1941 trong bức thư nhan đề Kính cáo đồng bào, Người viết: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, nười có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề. …Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên! Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp,Nhật!"[2].

Trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Người cũng nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết: "Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới độc lập. Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này"[2]. Trong thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai, ngày 18 tháng năm 1945, Người cũng nhắc nhở "đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc". Có thể thấy tư tưởng đoàn kết xuyên suốt trong các bài viết của Người. Người quan tâm đến mối quan hệ đoàn kết giữa người Kinh (Việt) với các dân tộc thiểu số khác, bởi theo Người thì chỉ có xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mới tạo được sức mạnh để chống kẻ thù xâm lược,chống lại nghèo nàn, lạc hậu. Trong lúc kẻ thù lại luôn tìm mọi cách để phá vỡ sự đoàn kết, chia rẽ và gây hận thù giữa các dân tộc. Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là con cháu Việt Nam. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku đề ngày 19 tháng 4 năm 1946 Người viết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống hết có nhau,sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu của các dân tộc… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải yêu thương nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta"[3]. Tư tưởng nhất quán về sự đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cũng được thể hiện trong các thư gửi cho đồng bào người Hoa, các dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc. Cùng với đoàn kết, Người cũng luôn nhắc nhở mọi người nêu cao cảnh giác trước những âm mưu của kẻ thù. Người Nhấn mạnh: "Nước ta là một nước thống nhất gồm nhều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Đế quốc và phong kiến cố tinh phá hoại tình đoàn kết và sự bình đẳng giữa các dân tộc, gây thù hằn giữa các dân tộc, thi hành chính sách "chia để trị". Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đên thắng lợi. Từ ngày hòa bình lập lại Nhà nước ta đã giúp đỡ các dân tộc an hem tiến bộ thêm về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội. Các dân tộc đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang hăng hái thi đua xây dựng nước nhà. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội"[4]. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Người giành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc thiểu số, nhất là Tây Nguyên. Trong bức điện gửi đồng bào và chiến sỹ và cán bộ Tây Nguyên, Người gửi lời tham hỏi ân cần đến toàn thể đồng bào Tây Nguyên, các cháu thanh niên và nhi đồng và nhấn mạnh: "Đồng bào và chiến sỹ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, không ngừng phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến"[5]. Di chúc là bài viết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, thì: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng mọt nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"[6]. Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc để có thể tạo nên sức mạnh chống kẻ thù xâm lược luôn giữ một vị trí quan trọng trong các trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin về vấn đề dân tộc trong một nước thuộc địa dẫn đến những thắng lợi vĩ đại, đó là đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx - Lenin. Từ thực tế của nước Nga Sa Hoàng, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thành công ở một nước riêng biệt, nó là một mắt xích yếu kém trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, thì sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là cách mạng giải phóng dân tộc có thể thành công ở một nước thuộc địa, khi cách mạng vô sản chưa thành công ở "chính quốc". Để có thể thực hiện được thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, ngoài một đường lối đúng đắn, thì phải xác định được sức mạnh của phong trào giải phóng dân tộc. Đối với một nước thuộc địa như Việt Nam, khi nền công nghiệp chưa phát triển,tuyệt đại cư dân sinh sống ở nông thôn, lấy nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính, thì lực lượng làm nên sức mạnh đó là toàn bộ nhân dân lao động. Mà động lực của phong trào giải phóng dân tộc là khối đại đoàn kết toàn dân tộc,nền tảng là giai cấp công nhân,dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân. Ba mươi năm trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (từ 1941 đến 1969 – tính đến thời điểm trước lúc người đi xa), tư tưởng đoàn kết là nội dung xuyên suốt trong các bài viết và nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Kết luận

Như vậy có thể thấy, xuất phát từ tình hình thực tế các dân tộc ở Việt Nam, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ thực dân phong kiến áp bức bóc lột thậm tệ, nhưng nhân dân các dân tộc thiểu số lại có lòng yêu nước, không chịu khuất phục kẻ thù, đã bao lần đồng bào các dân tộc thiểu số sát cánh cùng người Kinh (Việt) chống xâm lược giành độc lập trong những năm bị đô hộ, cũng như khi Pháp xâm lược Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách hết sức sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Marx - Lenin để giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Trên nền tảng lấy tinh thần đoàn kết thương yêu, đùm bọc lấy nhau, lòng yêu nước, chí căm thù địch, kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản làm phương châm vận động chính để động viên, tổ chức quần chúng đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do, hạnh phúc cho toàn dân, thực hiện quyền bình đẳng dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhờ một đường lối nhất quán trong việc giải quyết những vấn đề dân tộc, nên trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ khối đoàn kết thống nhất dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc hơn bao giờ hết. Những âm mưu thâm độc, những thủ đoạn xảo quyệt của bọn đế quốc và bè lũ tay sai nhằm chia rẽ dân tộc, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã bị thất bại. Thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sức mạnh toàn dân tộc. Mà để có được sức mạnh của toàn dân tộc là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết thành công những vấn đề căn bản liên quan đến vấn đề dân tộc.

ThS. Nguyễn Thị Hà – Viện E-Learning, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

ThS. Nguyễn Viết Phan - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tài liệu tham khảo

1. GS.TS. Phan Hữu Dật,(2001). Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia. 

 2. Hồ Chí Minh, (2000). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia. 

 3. Hồ Chí Minh, (2000). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia. 

 4. Hồ Chí Minh, (2000). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia. 

 5. Hồ Chí Minh, (2000). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia. 

 6. Hồ Chí Minh, (2012). Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia.

 7. V.I.Lênin, (2005). Lênin: toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

8. V.I.Lênin, (2005). Lênin: toàn tập, tập 25, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

 9. V.I.Lênin, (2005). Lênin: toàn tập, tập 27, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

 10. V.I.Lênin, (2005). Lênin: toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.