Giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt, trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vừa "hồng" vừa "chuyên"
Từ rất sớm, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách con người, với sự phát triển của đất nước.
Trong sự nghiệp giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ. Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh nêu rõ tính chất của nền giáo dục cách mạng. Mục đích đào tạo thanh thiếu niên trở nên "những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục nhằm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em" [1] phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới tốt đẹp.
Hồ Chí Minh cũng cho thấy, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc hết sức công phu bền bỉ. Người coi giáo dục, đào tạo, rèn luyện thế hệ trẻ là sự nghiệp "trồng người". Người nêu tư tưởng chiến lược: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" 2 . Trước lúc đi xa, Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" 3 .
Giáo dục thế hệ trẻ một cách toàn diện
Một là, Giáo dục đạo đức
Từ mục tiêu giáo dục, Hồ Chí Minh chủ trương bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ trên tất cả các mặt: đức, trí, thể, mỹ. Người yêu cầu: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” 4 .
Trong công tác giáo dục, Hồ Chí Minh coi trọng cả "đức" và "tài", đặt giáo dục đạo đức lên hàng đầu. Hồ Chí Minh đề ra những chuẩn mực đạo đức mới định hướng cho sự rèn luyện của mỗi người. Căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi, Người cụ thể hoá các chuẩn mực đạo đức thành những phẩm chất cụ thể để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Đối với thiếu nhiên nhi đồng, Hồ Chí Minh yêu cầu:
"Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" [2] .
Đối với thanh niên, "Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân"; "Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến phải giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà" [3] .
Hồ Chí Minh cho thấy rèn luyện đạo đức là việc làm suốt đời, rèn luyện bền bỉ, thường xuyên, rèn ở mọi nơi, mọi lúc. Phải biết kết hợp giữa trau dồi những đức tính tốt đẹp với chống sự lười biếng, những thói hư tật xấu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình; nói đi đôi với làm từ việc lớn tới việc nhỏ, Người cho rằng kết quả của hành động và thước đo đạo đức.
Hai là, Giáo dục lý tưởng cách mạng
Ngay khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu này vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người, vừa đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Đây là lý tưởng Đảng luôn kiên trì phấn đấu và chỉ có thể trở thành hiện thực một khi trở thành mục tiêu lý tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân, của thế hệ trẻ. Hồ Chí Minh chỉ rõ, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ cần tập trung vào những nội dung sau:
- Phải dạy cho thế hệ trẻ biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.
- Làm cho thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hiểu đây là con đường phát triển tất yếu của dân tộc.
- Hình thành cho thế hệ trẻ niềm tin tưởng ở tương lai của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
- Giáo dục thế hệ trẻ thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, trang bị cho họ thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng và nhân sinh quan cách mạng để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng đắn về tự nhiên, xã hội con người, có niềm tin khoa học vào mục tiêu cách mạng và hành động đúng đắn đạt kết quả cao.
- Thấm nhuần đường lối quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước. Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hăng hái thi đua học tập, lao động, xung kích đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách cách mạng.
Ba là, Giáo dục nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật
Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách mạng đòi hỏi những con người có văn hoá. Nếu không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn khi gặp thuận lợi dễ "lạc quan tếu", gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Người căn dặn thế hệ trẻ: "Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... thanh niên phải học và học cho giỏi. Bàn việc gì, quyết nghị điều gì cũng phải thiết thực và cụ thể. Không nên chỉ nói chung chung" (1) . Thanh niên muốn cho các ngành xem trọng mình, trước hết phải tự mình làm việc cho tốt.
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cần phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, có thái độ trân trọng đối với lao động trí óc cũng như lao động chân tay. Cần giáo dục cho thanh thiếu niên kỷ luật lao động, ý thức bảo vệ của công, thực hành tiết kiệm, tinh thần dám nghĩ dám làm không sợ khó, không sợ khổ, cần cù nhẫn nại, sáng tạo trong lao động.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, giáo dục lao động trong nhà trường là khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ vừa có những kiến thức khoa học, vừa có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phương châm giáo dục thế hệ trẻ trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, Học đi đối với hành, giáo dục gắn liền với xã hội
Hồ Chí Minh giải thích, học là để "làm người, làm việc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm cho dân giàu nước mạnh" (1) ; học là để lấy cái thực chất, tiếp thu kiến thức, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống chứ không phải để có tấm bằng "loè" người khác. Mục đích của học là để hành, để phát triển, để sống. Hành là điều kiện để củng cố và nâng cao kiến thức được tiếp thu, rèn luyện kỹ năng và hình thành những phẩm chất cần có của người lao động mới. Theo Người, học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau. Hành không chỉ là vận dụng những điều đã học, mà còn là nguồn gốc của tri thức mới, là biện pháp rèn luyện con người một cách toàn diện.
Hồ Chí Minh yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục phải gắn bó chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Vì vậy, nội dung giáo dục phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục gắn liền với xã hội cũng chính là nhằm thực hiện gắn học với hành. Đây là điều kiện để thế hệ trẻ đem vốn hiểu biết tiếp thu được phục vụ cuộc sống, phục vụ xã hội là điều kiện cần thiết để giáo dục lý tưởng, rèn luyện đạo đức trách nhiệm, ý thức công dân cho thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh: "Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội" (2)
Thứ hai, Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội
Hồ Chí Minh cho thấy, "trồng người" là sự nghiệp vẻ vang nhưng rất công phu, bền bỉ, khó khăn, phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng mới đạt kết quả tốt. Tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng 1 năm 1955, Người nói: "Trường Đại học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên" [4] . Trong Thư gửi các em học sinh ngày 24 tháng 10 năm 1955, Người viết: "Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc" [5] .
Hồ Chí Minh yêu cầu gia đình, nhà trường và xã hội phải hợp thành sự thống nhất ở mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục để tạo ra hợp lực cùng một hướng, chứ không phân cực hoặc phản lực triệt tiêu nhau. Cho nên, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi miền Bắc ngày 19 tháng 2 năm 1959, Người nói: "Trẻ em trong như tấm gương, cái tốt dễ tiếu thu, cái xấu cũng dễ tiếp thu. Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau" [6] .
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng" [7] kết quả giáo dục tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ thiết thực và sự giác ngộ về trách nhiệm đối với giáo dục của các ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cũng như của cha mẹ học sinh và của các lực lượng xã hội. Người yêu cầu gia đình, toàn thể các ngành, các giới, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Người đề nghị: "Sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của chính phủ phải để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên" [8] .
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháo giáo dục thế hệ trẻ
Một là, Giáo dục thế hệ trẻ là một khoa học
Hồ Chí Minh từng ví: "óc những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ" [9] , vì vậy nội dung giáo dục đối với thế hệ trẻ phải bảo đảm chính xác và căn cứ vào đặc điểm của lứa tuổi mà định ra nội dung chương trình cho phù hợp.
Trong trường học, các thầy giáo, cô giáo nên tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những ví dụ thiết thực để giải thích để học sinh dễ tiếp thu. Theo Hồ Chí Minh, thực hiện giáo dục không thể tuỳ tiện, giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh điều kiện. Phải ra sức làm, không được vội, làm phải có kế hoạch, có từng bước, dạy từ dễ đến khó. Việc gì cũng phải từ nhỏ, dần dần đến to, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Một chương trình nhỏ mà được thực hành hẳn hoi còn hơn một trăm chương trình lớn mà làm không được.
Hai là, Phải kết hợp học tập với việc chơi, giáo dục gắn liền với thi đua
Hiểu đặc điểm tuổi trẻ luôn hiếu động, thích khám phá, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các lực lượng giáo dục cần phải quan tâm đến nhu cầu vui chơi giải trí của tuổi trẻ. Đối với trẻ nhỏ thì làm sao "trong lúc học cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học" [10] . Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ hoạt bát, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những "người già sớm. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm nên tránh" [11] .
Đối với thanh niên, phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Người khuyên: "Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. Trong vui chơi cũng cần có giáo dục nên cần có những thú vui chơi văn hoá, thể dục có tính tập thể và quần chúng" [12] .
Hồ Chí Minh là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Theo Người, phong trào thi đua là trường học thực tiễn rộng lớn để cải tạo con người, xây dựng con người mới, xã hội mới. Người yêu cầu giáo dục thế hệ trẻ phải gắn với thi đua nhằm làm cho thanh thiếu niên nhi đồng thêm hăng hái, động viên mỗi người nỗ lực phấn đấu vươn lên giành kết quả tốt hơn trong học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất và chiến đấu.
Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên: "Cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm" [13] . Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững, phải có kế hoạch tỉ mỉ, làm sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác, tự động. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, gắn với nhiệm vụ tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập.
Ba là, Phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thế hệ trẻ phải tự tu dưỡng trên mọi phương diện: đạo đức, lý tưởng cách mạng, trau dồi và nâng cao trình độ văn hoá, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện ý chí và lòng dũng cảm, rèn luyện thân thể v.v...
Đối với thiếu niên nhi đồng, Người khuyên: "Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và lòng dũng cảm".
Đối với thanh niên, Hồ Chí Minh yêu cầu: "Thanh niên phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa" [14] ; "Phải trau dồi đạo đức của người cách mạng" [15] . Người nhắc nhở thanh niên phải luôn luôn gắn chặt quá trình "Xây và chống" trong rèn luyện đạo đức.
Theo Người, một trong những nhiệm vụ chính của thanh thiếu niên là học tập. Trước hết phải xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn. Phải có ý thức tự học tập và phải biết tự động học tập. Muốn tự học tập thành công thì phải kiên trì, bền bỉ, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian khoa học, phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để học. Người hướng dẫn phương pháp học tập: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân" [16] ; Phải học tập với thái độ nghiêm túc, khiêm tốn, thật thà, điều gì chưa biết thì hỏi, không dấu dốt; Phải học tập một cách thông minh, sáng tạo, độc lập suy nghĩ, đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, có vấn đề gì chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận để làm sáng tỏ. Người nêu rõ: kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Học tập là công việc suốt đời bởi vật gì không tiến tức phải thoái. Vì vậy, muốn tiến bộ thì phải học tập và phấn đấu không ngừng.
Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi thanh niên phải có chí tiến thủ, có ý chí cách mạng kiên cường để không ngừng tiến bộ và vượt qua được mọi khó khăn thử thách. Đồng thời, "phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân" (1) .
Bốn là, Giáo dục thế hệ trẻ phải thực hiện phương pháp nêu gương
Hiểu bản tính con người là hướng thiện, muốn vươn tới cái tốt, cái đẹp, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Người yêu cầu trong gia đình thì ông bà, cha mẹ phải làm gương cho con cái, anh chị làm gương cho em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo phải làm kiểu mẫu cho học trò; ngoài xã hội thì thế hệ trước phải làm gương cho thế hệ sau, cán bộ đảng viên làm gương cho quần chúng v.v...
Tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc ngày 19 tháng 2 năm 1959, Người nói: "Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy cô giáo, cán bộ phụ trách v.v... phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm"; "Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì các cô các chú phải là người tốt" (2) .
Người căn dặn đoàn viên, thanh niên: "luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo" (3) . Đoàn viên phải gương mẫu, phải giữ vững đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, phải xung phong trong mọi công tác để làm "đầu tàu" cuốn hút được đông đảo thanh niên làm theo.
Khi yêu cầu thế hệ đi trước xung phong gương mẫu trong công việc, Hồ Chí Minh không quên nhấn mạnh vai trò của cán bộ đảng viên phải luôn luôn nêu tấm gương sáng, làm khuôn mẫu cho thế hệ trẻ học tập. Người đề nghị đảng viên, nhất là đảng viên lâu năm cần có tinh thần trách nhiệm cao trong việc dìu dắt thế hệ trẻ. Người nói: "Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức Cộng sản chủ nghĩa" [17] . Người nhắc nhở cán bộ và đảng viên lâu năm không nên có thái độ ích kỷ, gia trưởng đối với thế hệ trẻ, mà ngược lại càng đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình. Người nói: "Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt" [18] . Đó là quan điểm đúng đắn, hợp quy luật, hợp truyền thống dân tộc "tre già măng mọc", "con hơn cha là nhà có phúc" về việc chuyển giao thế hệ và sự phát triển có tính kế thừa giữa các thế hệ.
----------------------
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4 trang 32.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr.222
3 Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 12 trang 310.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.190.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.356 - 357
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.106.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.621.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.399.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.455.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.456.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 8, tr.74.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr.330.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr.403.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.455 - 456.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr.102
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 6, tr.85.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 6, tr.712.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.456
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.306.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr.310.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.305.
[16] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 6 trang 50.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 8, tr.264.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr.311.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.505.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.463.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.465.
Ths. Lâm Quang Thao - Quận ủy Nam Từ Liêm - Hà Nội