Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất, năng lực, sinh viên ngành Giáo dục chính trị.
1. Đặt vấn đề
Thanh niên là bộ phận đông đảo của xã hội, có vai trò quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Là Người đầu tiên nhận thấy được vai trò của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng cho thế hệ mai sau, trong Di chúc thiêng liêng, Người đã đề cập đến vấn đề đó: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết" [11, tr.612]. Đới với sinh viên ngành Giáo dục chính trị (GDCT) là những người giàu lý tưởng, có khả năng tư duy lý luận sâu sắc, yêu thích nghiên cứu chính trị - xã hội, và ý thức cao trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị. Do vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo sinh viên ngành GDCT còn chưa đồng bộ, cần những nghiên cứu cụ thể để phát huy hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo sinh viên có đầy đủ phẩm chất, năng lực cần thiết để trở thành thanh niên trẻ xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của đất nước. Do đó, trong giới hạn bài viết này, nhóm tác giả tập trung làm rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất và năng lực của thanh niên, từ đó xây dựng hình mẫu sinh viên ngành GDCT giai đoạn hiện nay.
2. Nội dung
2.1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu phẩm chất, năng lực của người thanh niên trong thời đại mới
2.1.1. Quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên
Hồ Chí Minh nhận định thanh niên chính là nhân tố quan trọng quyết định mọi sự thành bại, tương lai của nước nhà nên họ phải làm tròn nhiệm vụ đối với đất nước: "Thanh niên là bộ phận của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc…để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà" [7, tr.178 - 179]. Từ đó có thể thấy, Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin, một tương lai tươi sáng vào thế hệ thanh niên Việt Nam: "Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước [11, tr.79]. Điều này cho thấy, thanh niên là động lực cách mạng hóa được Bác đặt ở vị trí chiến lược có tầm quan trọng đối với sự nghiệp đất nước. Vì vậy, muốn xứng đáng với vai trò người chủ đất nước, thanh niên cần phải không ngừng học tập nâng cao trình độ tri thức, rèn luyện và trau dồi đạo đức, lý tưởng cách mạng, có nhận thức đúng đắn trong tư tưởng, chính trị, xây dựng bản lĩnh vững vàng, không bị dao động trước những tác động tiêu cực bên ngoài, dám hoài bão, ước mơ, vươn lên trong cuộc sống.
Như vậy, có thể thấy rằng thanh niên chính là lực lượng trẻ chủ yếu, có vai trò to lớn đối với sự nghiệp của đất nước được đặt ở vị trí trung tâm chiến lượt quyết định đến tương lai dân tộc. Trong thời đại mới, thanh niên có trách nhiệm quan trọng trong việc tiếp nối, thực hiện sứ mệnh của ông cha đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
2.1.2. Yêu cầu về phẩm chất, năng lực của thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin một chủ nghĩa chân chính, khoa học và cách mạng nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Người đã kế thừa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng của Mác – Lênin và xác định thanh niên là lực lượng xung kích, tiên phong, giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Chính sự nghiệp cách mạng đã tu dưỡng và rèn luyện thanh niên trở thành lực lượng xung kích, luôn tiên phong trên mọi mặt trận dân tộc.
Hồ Chí Minh đã định hướng về những phẩm chất, năng lực mà thanh niên cần trau dồi và rèn luyện thường xuyên. Theo Người, trước hết phải giáo dục thanh niên về lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng, yêu nền hòa bình mà các thế hệ đi trước đã giành lấy:"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước" [6, tr.38]. Vì thế, giáo dục lòng yêu nước là nền tảng để hun đúc thanh niên cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho quê hương, đất nước, khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng làm mọi điều khi Tổ quốc cần.
Quan điểm của Người còn thể hiện sự quan tâm, giáo dục đạo đức và năng lực hành động cách mạng: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất" [8, tr.190]. Trước hết, giáo dục đạo đức là yêu cầu cấp bách và quan trọng cần được thực hiện xuyên suốt, lâu dài và có hiệu quả. Thông qua giáo dục đạo đức thanh niên có nhận thức đúng đắn, hình thành niềm tin, ý thức đạo đức và thực hành đạo đức, tuân theo các quy tắc đạo đức trong xã hội. Giáo dục đạo đức cách mạng là nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu nhằm hướng tới mục tiêu tạo dựng những thanh niên ưu tú cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Do đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người" [9, tr.612]. Nhận thức được điều này, thanh niên cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có lối sống trong sáng, lành mạnh có khát vọng cống hiến, tinh thần trách nhiệm thôi thúc thanh niên hành động đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chính tư duy độc lập, tự chủ, Người đã ra đi tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Hơn nữa, tư duy độc lập, sáng tạo phải nghĩ đến lợi ích của tập thể, nhân dân thì mới xứng đáng trở thành người cách mạng chân chính. Tư duy độc lập phải được kế thừa và phát triển dựa trên thực tiễn, hoạt động thực tiễn là tiền đề để hình thành và phát triển tư duy sáng tạo, linh hoạt và phù hợp, gắn lý luận với thực tiễn. Tư duy độc lập không phải là phũ nhận hoàn toàn cái cũ mà là dựa trên cái cũ để kế thừa và phát triển.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cần phải chăm lo, giáo dục thanh niên trở thành những con người chủ nghĩa xã hội vừa "hồng vừa chuyên" vừa "có đức vừa có tài". Theo Người, "hồng" được đề cập đến người sống có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trước những khó khăn, thử thách không chùn bước, dám nghĩ, dám làm sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của đất nước. Còn "chuyên" chính là trình độ chuyên môn, năng lực chuyên sâu về khoa học, kỹ thuật. Hai yếu tố "hồng và chuyên", "đức và tài" có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau để giáo dục thanh niên phát triển toàn diện. Về quan hệ giữa đức và tài Người phân tích rõ: "Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi ích gì cho loài người" [9, tr.399]. Điều này cho thấy, cần phải chăm lo, giáo dục thanh niên cả hai mặt đức và tài, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện, có lý tưởng cao cả, tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến sức mình cho sự nghiệp đất nước.
2.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hình thành mẫu hình sinh viên ngành Giáo dục chính trị hiện nay
Trong bối cảnh đổi mới hiện nay, việc học tập suốt đời trở thành yêu cầu cấp thiết và trọng yếu, giúp thanh niên phát triển toàn diện, làm giàu trí tuệ và hoàn thiện bản thân, tự khẳng định mình trước xã hội. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc ngày càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình" [10, tr.333]. Nghị quyết Đại hội XIII đã nhận định:"Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời" [3, tr.137] nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho thế hệ trẻ không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên, có hoài bão ước mơ, lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, có khát vọng cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Học tập chính là chìa khóa dẫn đến thành công, xây dựng xã hội học tập suốt đời chính là nhiệm vụ cách mạng trọng yếu cần thực hiện xuyên suốt, lâu dài và bền bỉ. Trong bài viết "Học tập suốt đời" của tổng bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: "Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chiệu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội". Từ đó, thanh niên có ý thức trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình trong giai đoạn mới xứng đáng trở thành người chủ của đất nước.
Thanh niên cần trang bị cho mình năng lực sáng tạo và hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Để xứng đáng trở thành người chủ của đất nước, thanh niên cần ra sức học tập, rèn luyện và trau dồi bản thân trên mọi phương diện, tiếp thu những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thanh niên cần không ngừng đổi mới sáng tạo, tự tìm tòi và nghiên cứu, có bản lĩnh dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm để nâng cao tri thức, vượt qua tư duy lối mòn và phát triển sáng tạo những sáng kiến mới, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, năng lực hợp tác là yếu tố quan trọng giúp thanh niên phát triển tư duy, giao lưu văn hóa, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, làm giàu vốn tri thức, đồng thời có khả năng thích ứng với môi trường mới.
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời, quá trình chuyển đổi số toàn diện cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, cần trang bị cho thanh niên năng lực số và khả năng ứng dụng công nghệ hiệu quả trong học tập, cuộc sống, cũng như trong lập nghiệp và khởi nghiệp, từ đó góp phần hình thành công dân số có đủ năng lực thích ứng với thời đại mới.
2.2.1. Những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với sinh viên ngành Giáo dục chính trị trong bối cảnh mới
Yêu cầu về tư duy lý luận, đạo đức nghề nghiệp: Thông qua các môn lý luận chính trị, sinh viên được rèn luyện về năng lực tư duy lý luận, nâng cao trình độ lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy đổi mới, sáng tạo. Qua đó, trang bị nền tảng đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay. Tư duy lý luận được hình thành trong quá trình học tập, được tích lũy qua kinh nghiệm, vốn sống có vai trò quan trọng trong hoạt động giảng dạy mai sau của sinh viên ngành GDCT, ảnh hưởng đến công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ.
Với vai trò là người giáo viên trong tương lai, năng lực tư duy lý luận, nắm vững nội dung lý luận cốt lỗi từ đó sáng tạo tri thức đã có thành tri thức mới của riêng mình. Giúp sinh viên hiểu sâu sắc và truyền đạt kiến thức trong lĩnh mà mình giảng dạy từ đó vận dụng lý luận gắn với thực tiễn xã hội để đưa ra những liên hệ, ví dụ minh họa sinh động giúp quá trình giảng dạy đạt được hiệu quả cao. Yêu cầu sinh viên phải biết áp dụng các phương pháp nhận thức như: phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp diễn dịch và quy nạp, phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp logic,… sử dụng những phương pháp trong quá trình nhận thức, hình thành tri thức mới. Ngoài ra, yêu cầu của tư duy lý luận là phải nhận thức, nắm bắt thông tin kịp thời về những vấn đề mới trong thực tiễn từ đó vận dụng tư duy lý luận để giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Yêu cầu về giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên là vấn đề quan trọng và thiết yếu. Những phẩm chất đạo đức chuẩn mực của người nhà giáo, từ đó có trách nhiệm trong việc giáo dục hình thành nhân cách. Vì vậy, sinh viên cần phải thường xuyên bồi dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng trở thành người giáo viên mẫu mực, có tâm và tầm, gương mẫu cho học trò noi theo. Đồng thời, phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực trong môi trường giảng dạy và bên ngoài xã hội, có thái độ ứng xử mẫu mực, không vi phạm đạo đức nhà giáo, tránh xa bệnh thành tích cũng như những hành vi không chuẩn mực để hoàn thành tốt sứ mạng giáo dục của mình.
Năng lực tuyên truyền, thuyết phục và giáo dục: Đây là những năng lực thiết yếu phục vụ cho công tác giáo dục, sinh viên ngành GDCT cần trang bị cho mình kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục và giáo dục để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tuyên truyền là kỹ năng truyền đạt nội dung, kiến thức một cách hiệu quả nhằm thuyết phục người nghe - cụ thể là học sinh - theo mục tiêu nội dung mà người giáo viên muốn truyền đạt từ đó giáo dục học sinh. Để làm được điều đó, yêu cầu phải nắm vững kiến thức, nội dung và có cách diễn đạt dễ hiểu, gần gũi đến với đối tượng muốn tuyên truyền, thuyết phục. Sinh viên cần trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ và kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục bằng việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, có sự tự tin, cần có sự quan sát, nắm bắt thông tin để đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, thuyết phục và giáo dục.
Tinh thần trách nhiệm xã hội và chính trị: Với tinh thần nhiệt huyết, xung kích và tiên phong, sinh viên ngành GDCT luôn thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và chính trị. Thông qua các hoạt động Đoàn – Hội, sinh viên có cơ hội phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, trách nhiệm khát vọng cống hiến của mình đối với xã hội, quê hương, đất nước. Phát huy tinh thần xung kích – tình nguyện – sáng tạo, lan tỏa giá trị tốt đẹp mà còn là cơ hội để sinh viên tự rèn luyện bản thân trưởng thành đóng góp sức trẻ cho lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Hơn nữa, sinh viên còn có ý thức trách nhiệm về chính trị. Họ không ngừng học tập nâng cao trình độ học vấn, đồng thời có khả năng nhận diện, phân tích và phản bác những quan điểm sai lệch, mang tính xuyên tạc.
Khả năng tự học, tự nghiên cứu và thích ứng chuyển đổi số: Với niềm say mê trong học tập, sinh viên ngành GDCT đã chủ động tự học, tự nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả học tập. Khả năng tự học, tự nghiên cứu giúp sinh viên rèn luyện và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, điều này cũng giúp sinh viên có tinh thần học tập suốt đời. Để đạt được điều đó, yêu cầu sinh viên có động cơ học tập đúng đắn, có tính kỷ luật, siêng năng, chủ động trong học tập, có phương pháp và kỹ năng tự học. Tự nghiên cứu là quá trình tìm tòi, sử dụng thao tác tư duy độc lập, sáng tạo, để tiến hành nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nắm bắt tri thức khoa học trở thành vốn hiểu biết của bản thân, là tiền đề trong việc vận dụng tri thức vào thực tiễn nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, cần năng động, sáng tạo có khả năng thích ứng chuyển đổi số nhanh chóng, sinh viên ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào trong học tập và làm việc, nâng cao năng lực số để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
2.2.2. Các giải pháp hình thành và phát triển mẫu hình sinh viên ngành Giáo dục chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn giáo dục và yêu cầu xã hội: Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới nền giáo dục, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI nêu rõ: "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" nhằm cải tiến chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Trước hết, chương trình đào tạo phải đảm bảo nội dung, thời lượng giáo dục, lượng kiến thức và kỹ năng cho sinh viên sau khi ra trường, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn giáo dục và xã hội. Đồng thời, chương trình phải chú trọng đến việc đào tạo năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng chuẩn đầu ra của ngành học. Tiếp theo đó, cơ sở đào tạo liên kết với cơ sở giáo dục trường phổ thông để sinh viên ngành GDCT vận dụng kiến thức đã học vào môi trường thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập sư phạm rèn luyện kỹ năng giảng dạy, trải nghiệm thực tế dạy học. Do vậy, chương trình đào tạo luôn được đổi mới, cập nhật thường xuyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Phát triển các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện đạo đức – năng lực nghề nghiệp: Tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm để sinh viên ngành GDCT rèn luyện đạo đức và năng lực nghề nghiệp góp phần giúp sinh viên phát triển toàn diện. Chương trình đào tạo không những hướng tới mục tiêu trang bị kiến thức mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc tổ chức hội thi nghiệp vụ sư phạm để học tập và rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, từ đó hình thành thái độ, ý thức đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các buổi báo cáo chuyên đề, được gặp và trao đổi với chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy kiến thức, qua các hoạt động trải nghiệm, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, rèn luyện đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng, lý luận chính trị gắn với học tập và làm theo Bác: Việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng, lý luận chính trị gắn với học tập và làm theo lời Bác cho sinh viên ngành GDCT là điều thiết yếu, cần được thực hiện thường xuyên có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, giáo dục lý tưởng, lý luận chính trị góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn về tư tưởng, chính trị từ đó có ý thức chính trị biết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng. Tiếp theo đó, việc thực hiện "Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 18/5/2021 đã nhấn mạnh về: "tiếp tục thực hiện theo chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm xây dựng hình mẫu sinh viên ngành GDCT vừa "hồng" vừa "chuyên". Việc học tập và làm theo Bác là điều cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và có hiệu quả. Vì vậy, sinh viên phải ra sức học tập, trau dồi và rèn luyện bản thân về mọi mặt, có tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao dám nghĩ dám làm, có ý thức tự giác thực hành lời dạy của Bác trong học tập và cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, giáo dục lý tưởng có những khát khao, hoài bão, lý tưởng cao đẹp, yêu nghề nghiệp với mục tiêu truyền đạt kiến thức và giáo dục hoàn thiện nhân cách trở thành công dân tốt có ích cho xã hội, đất nước.
Tổ chức các phong trào thi đua, học tập nêu gương người tốt – việc tốt theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về hoạt động tổ chức phong trào thi đua, học tập nêu gương người tốt – việc tốt, là một trong những nội dung cốt lõi trong công tác giáo dục hiện nay. Vì thế, cần nhân rộng tấm gương người tốt – việc tốt và lan tỏa giá trị tích cực để phát động phong trào thi đua, học tập nêu gương. Để phong trào mang tính thiết thực, hiệu quả, có sức ảnh hưởng đến đông đảo sinh viên thì cần có những phương pháp triển khai linh hoạt và phù hợp. Qua đó, tuyên truyền và nhân rộng tấm gương tốt điển hình, lan tỏa những hành động nhân văn có ý nghĩa thiết thực đến cộng đồng. Từ đó, sinh viên hình thành ý thức trách nhiệm, nêu gương trong học tập, có khát vọng cống hiến và đóng góp sức trẻ để phục vụ quê hương, đất nước.
3. Kết luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực cho thanh niên là cơ sở hình thành mẫu hình sinh viên ngành GDCT trong đào tạo và rèn luyện phẩm chất, năng lực góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thanh niên trở thành người truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ mai sau, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Những giá trị tư tưởng của Người mãi là kim chỉ nam để đào tạo và giáo dục thanh niên phát triển toàn diện vừa "hồng" vừa "chuyên", có đủ những phẩm chất, năng lực chuyên môn của nhà giáo để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nhận thức được điều đó, sinh viên phải ra sức học tập và rèn luyện bản thân, thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, có tinh thần học tập suốt đời nhằm nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để trở thành những người giáo viên không chỉ giỏi nghề mà còn giàu lòng nhân ái, gương mẫu cho học sinh noi theo.
SV Lưu Thị Thanh Trúc - GV, Th.S. Lê Anh Thi
Khoa Giáo dục Chính trị - Trường Sư phạm - Trường Đại học Đồng Tháp
Tài liệu tham khảo
[1] Ban chấp hành Trung ương Đảng. (18/5/2021). Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-01-kltw-ngay-1852021-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-thuc-hien-chi-thi-so-05-cttw-ngay-1552016-cua-bo-chinh-tri-7430
[2] Ban Chấp hành Trung ương, (04/11/2013). Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 1. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 5. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 7. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 9. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 10. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 11. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 12. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, tập 15. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
[12] TS. Lê Trung Kiên, 2023, "Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của chủ tịch Hồ Chí Minh với con đường độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam", https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827615/tu-duy-doc-lap%2C-tu-chu%2C-sang-tao-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-con-duong-doc-lap%2C-tu-do%2C-hanh-phuc-cua-dan-toc-viet-nam.aspx#
[13] GS.TS. Tô Lâm (2025), "Học tập suốt đời", Tạp chí Phòng cháy và chữa cháy điện tử.
[14] Thủ tướng Chính phủ (2020), "Quyết định 749/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=200163