Từng bị từ chối niêm yết, chủ tịch hãng trang sức Trung Quốc giờ thành tỷ phú đô la nhờ “bắt đúng mạch vàng”

Chủ nhật, 29/06/2025 - 14:02

Chỉ sau hai phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu hãng trang sức vàng Zhou Liu Fu đã tăng vọt 67%, đưa Chủ tịch Lý Vệ Trụ trở thành tỷ phú USD mới nhất của Trung Quốc.

Từng bị từ chối niêm yết, chủ tịch hãng trang sức Trung Quốc giờ thành tỷ phú đô la nhờ “bắt đúng mạch vàng”- Ảnh 1.

Theo báo cáo của Frost & Sullivan, tính đến năm 2024, hãng trang sức vàng Zhou Liu Fu đứng thứ 5 Trung Quốc về số lượng cửa hàng, với 4.125 chi nhánh, trong đó gần 98% là cửa hàng nhượng quyền

Ông Lý Vệ Trụ, 47 tuổi, Chủ tịch công ty trang sức vàng Zhou Liu Fu có trụ sở tại Thâm Quyến, chính thức gia nhập hàng ngũ tỷ phú sau khi cổ phiếu công ty ông tăng mạnh ngay sau đợt IPO hôm thứ Sáu.

Theo Forbes, ông Lý hiện nắm giữ 57% cổ phần công ty thông qua các công ty đầu tư do ông sở hữu toàn bộ, đưa tổng tài sản ròng của ông ước tính đạt 1,2 tỷ USD. Anh trai ông – Lý Vệ Bằng, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch công ty – hiện sở hữu khối tài sản khoảng 522 triệu USD nhờ nắm giữ 24% cổ phần.

Zhou Liu Fu vừa huy động được 1,3 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 164,6 triệu USD) qua đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào thứ Năm 26/5/2025, trước khi cổ phiếu tăng vọt trong hai ngày giao dịch đầu tiên. Công ty hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ báo chí.

“Bản sao” của Chow Tai Fook

Zhou Liu Fu thường được xem là “bản sao” của hai tên tuổi kỳ cựu trong ngành trang sức Hồng Kông – Chow Tai Fook và Luk Fook Holdings – do tên gọi có nét tương đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, Zhou Liu Fu cũng vướng vào không ít tranh chấp pháp lý. Trong bản cáo bạch IPO, công ty thừa nhận là bị đơn trong 7 vụ kiện liên quan đến tranh chấp nhãn hiệu, bao gồm một vụ năm 2023 mà hãng đã phải dừng bán sản phẩm vi phạm và bồi thường cho nguyên đơn. Ngược lại, công ty cũng đang khởi kiện hơn 25 đối thủ nhỏ khác vì lý do tương tự.

Hành trình vươn lên từ thất bại

Zhou Liu Fu từng nộp đơn lên sàn Thâm Quyến vào năm 2019 nhưng bị từ chối do lo ngại về tranh chấp thương hiệu và mô hình phụ thuộc vào hệ thống nhượng quyền. Đến năm 2022, công ty được chấp thuận nhưng quyết định chuyển hướng sang Hồng Kông khi thị trường IPO tại đây phục hồi.

Tiền thân của Zhou Liu Fu là công ty Zhou Tian Fu, do ông Lý Vệ Bằng và một người bạn sáng lập năm 2004 – thời điểm Trung Quốc mở cửa mạnh mẽ thị trường trang sức với trung tâm giao dịch quy mô lớn ở khu Thủy Bắc, Thâm Quyến.

Ông Lý Vệ Trụ, tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông, từng làm việc ngắn hạn tại ngân hàng trước khi gia nhập công ty với vai trò Tổng Giám đốc và sau đó mua lại toàn bộ phần góp vốn của bạn anh trai.

Mô hình nhượng quyền – bệ phóng tăng trưởng

Zhou Liu Fu theo đuổi chiến lược nhắm vào phân khúc bình dân thông qua mô hình nhượng quyền mạnh mẽ. Theo báo cáo của Frost & Sullivan, tính đến năm 2024, hãng đứng thứ 5 Trung Quốc về số lượng cửa hàng, với 4.125 chi nhánh, trong đó gần 98% là cửa hàng nhượng quyền, hơn một nửa nằm ở các thành phố cấp ba trở xuống. Hãng còn mở rộng ra quốc tế với 4 cửa hàng tại Campuchia, Lào và Thái Lan.

Bất chấp đà tiêu dùng giảm tốc tại Trung Quốc, lợi nhuận ròng năm 2024 của công ty vẫn tăng 7% lên 706,3 triệu nhân dân tệ (98,5 triệu USD), doanh thu đạt 5,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 11% nhờ hệ thống phân phối mở rộng.

Đối đầu các đối thủ cao cấp

Zhou Liu Fu IPO chỉ một năm sau khi đối thủ trẻ Laopu Gold niêm yết tại Hồng Kông. Kể từ đó, cổ phiếu Laopu đã tăng hơn 1.100%, đưa nhà sáng lập Từ Cao Minh vào danh sách tỷ phú toàn cầu. Thành công của Laopu đến từ chiến lược định vị cao cấp, với các sản phẩm thủ công tinh xảo được tách biệt khỏi giá vàng giao ngay, thu hút người tiêu dùng Trung Quốc coi vàng là tài sản trú ẩn.

Trước xu thế đó, Zhou Liu Fu đang nỗ lực nâng tầm thương hiệu, mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại cao cấp và ra mắt các dòng sản phẩm kết hợp nghệ thuật chế tác vàng truyền thống Trung Quốc.

Anh Mai