Tuổi 70 vẫn hăng hái làm sản phẩm OCOP

Thứ sáu, 11/10/2024 - 14:20

Trong chuyến đi tặng quà hỗ trợ bà con vùng lũ xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái dịp cuối tháng 9 vừa qua, tôi được lãnh đạo xã "khoe" có sản phẩm Trà thảo dược giảo cổ lam uống rất ngon. Qua tìm hiểu tôi được biết, đây còn là sản phẩm OCOP đầu tiên và duy nhất hiện có của xã, do vợ chồng một doanh nghiệp ở Hà Nội ở độ tuổi trên dưới 70 về đây sản xuất.

Từ trung tâm xã, đi hơn chục cây số băng qua những cung đường còn ngổn ngang đất đá sạt lở do trận mưa lũ lịch sử sau bão số 3 để lại, hai bên đường là những đồi quế bạt ngàn xanh tươi, chả thế mà cây quế được mệnh danh là cây chủ lực của xã, với diện tích gần 4.000 ha và là 1 trong 8 xã trọng điểm quế của huyện. Từ đường trục chính liên xã, chúng tôi rẽ tay phải đi qua xóm Làng Mít thuộc thôn Hạnh Phúc, rồi mới tới được khu Dự án trồng thâm canh cây gió bầu để lấy trầm hương nằm ở cuối con đường, tách biệt khu dân cư hơn 01 km. Đây chính là nơi sản xuất ra thứ trà thảo dược giảo cổ lam, sản phẩm OCOP đầu tiên của xã.

Sớm chú ý bảo vệ nguồn nguyên liệu quí 

Trên con đường đổ bê tông rộng rãi và chắc chắn chạy qua khu dân cư vào thẳng rừng cây gió bầu, anh Triệu Việt Khôi (Phó Chủ tịch xã Tân Hợp) bật mí: Con đường này dài hơn 4 km thì có đến 3,7 km là do vợ chồng bà Chung đầu tư toàn bộ vào năm 2016 năm, từ việc xúc ủi mở rộng nền đường, thảm bê tông, với tổng kinh phí gần 05 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho xã trong việc huy động nguồn lực để hoàn thành tiêu chí giao thông trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Với dáng đi nhanh nhẹn, gương mặt luôn tươi cười, vợ chồng bà Chung vui vẻ đón chúng tôi trong ngôi nhà được xây dựng khá tươm tất nằm ở tận cánh rừng sâu, bốn bề cây cối um tùm xanh tươi. Có lẽ vì thế mà vợ chồng bà thường xuyên có mặt ở đây phần vì điều hành công việc, nhưng chủ yếu là để nghỉ dưỡng, hưởng khí hậu trong lành. Và có lẽ cũng vì thường xuyên sống trong môi trường thiên nhiên trong lành, mà ông bà khỏe mạnh và trẻ hơn so với độ tuổi 75 của ông, tuổi 68 của bà khá nhiều. 

Tuổi 70 vẫn hăng hái làm sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Vợ chồng bà Chung ngày nào cũng uống trà thảo dược giảo cổ làm do Công ty mình sản xuất.

Tuổi 70 vẫn hăng hái làm sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Cây giảo cổ lam 5 lá tốt tươi trải kín như thảm khắp mặt đất, đã sớm được bà Chung chú ý bảo vệ cho mọc tự nhiên để thu hái, xao sấy làm thức uống hàng ngày.

Bà Trần Thị Chung – chủ nhân của dự án trồng cây gió bầu kể, ở Hà Nội gia đình bà kinh doanh bất động sản và giáo dục, năm 2005 bà lên đây đầu tư trồng gió bầu lấy trầm xuất khẩu. Những ngày đầu ở đây, bà thấy trong đất của gia đình quản lý mọc rất nhiều một thứ cây dại, tốt tươi trải kín như thảm khắp mặt đất, mà bà con địa phương hay lấy về để nấu canh và gọi là rau đắng, thức ăn rất tốt cho sức khỏe.

Thấy vậy, bà liền đem một ít về nhờ chuyên gia đông y ở Hà Nội khảo nghiệm. Kết quả đánh giá cho thấy đây là cây giảo cổ làm loại 5 lá rất quí. Qua tìm hiểu một số tài liệu của Nhật Bản, bà được biết người ở đất nước Mặt trời mọc gọi đây là sâm trường sinh, rất tốt cho sức khỏe, chữa được rất nhiều bệnh, nên người dân ở vùng có loại cây giảo cổ lam 5 lá này có tuổi thọ cao nhất Nhật Bản, bởi từ người già tới trẻ con ai cũng uống trà giảo cổ lam. 

Người con của quê lúa Thái Bình nói tiếp, qua khảo nghiệm trong thành phần của trà giảo cổ lam 5 lá ở đây có một số hoạt chất tương tự như sâm, nên uống vào buổi tối sẽ tỉnh táo, uống vào ban ngày thì thoải mái, uống vào lúc đói sẽ hạ đường huyết. Và cũng từ đó, bà không cho phát dọn bỏ đi những cây giảo cổ làm quí này đi nữa, mà sớm chú ý bảo vệ cho chúng mọc tự nhiên và bắt tay vào thu hái, xao sấy cho gia đình và công nhân nấu uống hàng ngày. 

Mong muốn hỗ trợ người dân địa phương tự đứng ra phát triển sản xuất

Là thức uống quí nên bà mang về Hà Nội làm quà tặng cho những bạn bè, người thân, và gửi vào các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, TP Hồ chí Minh,.. tặng những đồng đội Trường Sơn năm xưa đã cùng ông bà vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ. Thấy tốt, nên bạn bè, đồng đội thường xuyên đặt hàng ông bà gửi về tận nơi để uống quanh năm.

Đến năm 2023 được chính quyền xã vận động làm sản phẩm OCOP, bà nhận lời ngay, không phải là ham lợi cho mình, mà là để góp sức mình giúp chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy vậy, bà cũng đầu tư hàng trăm triệu mua máy móc thiết bị xao sấy, đóng gói và nhà xưởng để sản xuất ra trà thảo dược giảo cổ lam, bởi bà yêu thích loại trà này và muốn nâng tầm giá trị cho thứ trà tốt cho sức khỏe này đến nhiều người biết và sử dụng. Bà Chung thật thà cho biết. 

Tuổi 70 vẫn hăng hái làm sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Bà Chung say sưa kể với chúng tôi về cây giảo cổ lam và những cây dược liệu quí ở đất rừng Văn Yên.

Tuổi 70 vẫn hăng hái làm sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Trà thảo mộc giảo cổ lam được Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thái Bình thu hái, xao sấy, đóng gói rất cẩn thận.

Khi được hỏi về sản lượng và doanh thu hàng năm, bà đắn đo giãi bày, do tuổi đã cao và đây không phải là lĩnh vực kinh doanh chính, nên bà chỉ sản xuất với số lượng vừa phải để phục vụ trong nội bộ gia đình, công ty và bạn bè, đồng đội. Theo chia sẻ của bà, đất rừng nơi đây có rất nhiều loại dược liệu quí, cần được quan tâm bảo tồn; đặc biệt, tiềm năng phát triển của sản phẩm OCOP trà giảo cổ lam của địa phương là rất tốt, qua đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho bà con trong vùng.

Tuy nhiên trước thực trạng, nhiều hộ dân trong xã chưa chú ý trong việc bảo vệ, khai thác giảo cổ lam, nên bà mong muốn, sản phẩm OCOP trà giảo cổ lam do bà khởi xướng sẽ là nhịp cầu để chính quyền địa phương quan tâm mở rộng, hỗ trợ cho chính những người dân địa phương tự đứng ra bảo tồn vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, đưa sản phẩm trà giảo cổ lam cũng như những dược liệu quí có sẵn ở đây lên một tầm cao mới, mang lại sinh kế ổn định, lâu bền cho bà con địa phương.

Ở độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà Chung vẫn rất say sưa, tâm huyết khi nói chuyện về trà giảo cổ lam. Ngoài ra, bà còn đang ấp ủ dự định phát triển một chuỗi các sản phẩm trà dựa trên những nguyên liệu dồi dào sẵn có ngay trong trang trại của bà và xã Tam Hợp - nơi bà đã có ngót 20 năm về đây đầu tư, sinh sống, như: trà trầm hương, hoa vàng, trà quế. Là người có tâm làm thiện nguyện suốt mấy chục năm nay ở dọc dài nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nên mong ước lớn nhất của bà là từ sản phẩm trà giảo cổ lam cũng như những sản phẩm trà sắp tới, sẽ mở ra hướng đi mới, tiếp sức cho bà con địa phương tự lực đứng lên, liên kết sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã,..

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh