Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Đây là lứa tuổi cần được học hành, trang bị kiến thức và rèn luyện đạo đức, sức khỏe, chuẩn bị cho việc vào đời và làm chủ xã hội tương lai. Tuy nhiên, cùng với bao thanh niên Việt Nam khác, Bác Hồ có một thời tuổi trẻ đầy cơ cực nhưng thật vĩ đại. Tuổi trẻ của Người gắn với những năm tháng theo cha vào Nam, đặc biệt là giai đoạn đầu của hành trình đi tìm đường cứu nước trong vòng gần 10 năm (1911 - 1920).
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của gia đình, quê hương, xứ sở, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ chữ nghĩa của đạo thánh hiền mà còn là bài học về đạo làm người, về lẽ sống và ứng xử ở đời. Nguyễn Tất Thành đã theo cha đi nhiều nơi trong vùng đất Nghệ An, tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước, có dịp ra Bắc, đến Thái Bình, rồi trở lại thành phố Vinh, học tiểu học ở đó, 1905-1906, bằng tiếng Pháp. Tại đây, Nguyễn Tất Thành chú ý tới cụm từ "Tự do, Bình đẳng, Bác ái", khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Vốn nhạy bén và có đầu óc quan sát, Nguyễn Tất Thành đã tận mắt chứng kiến cảnh dân nghèo và thợ thuyền lam lũ, kiệt sức trong xưởng máy và phờ phạc sau giờ tan tầm. Anh liên tưởng tới bà con nghèo khổ của quê mình. 13 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã nảy ra ý nghĩ "tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ đẹp đẽ ấy". Sau đó, Nguyễn Tất Thành chuẩn bị cùng cha lên đường vào Huế, học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi vào Trường Quốc học Huế, cho đến 5 năm 1909 rời Trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Định. Trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế, đã bắt đầu bị bọn cảnh sát Pháp theo dõi, nhà trường đã để ý tới tư tưởng bài Pháp của anh. Tham gia vào các cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế của nông dân và trực tiếp chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man đồng bào mình, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ rất nhiều về thực trạng đó, về nguyên nhân thất bại của một loạt các phong trào, nhất là sự tan rã của phong trào Đông Du, đó là những thu thập thực tế đầu tiên, chuẩn bị cho quyết định phải tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
Tháng 6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc để đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Ngày 05/6/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng đến Pháp. Từ năm 1912 - 1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Hồ Chí Minh cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Cuối năm 1917, Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí Minh đã gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc trên báo Nhân đạo Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Đây là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Người đã khẳng định: "Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"2. Sau gần 10 năm tìm tòi, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng tìm ra được "cẩm nang thần kỳ" để giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản.
Hành trình gần 10 năm đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh trải qua muôn vàn gian khổ song là tấm gương vĩ đại của nhà cách mạng trẻ tuổi, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho dân tộc, cho công cuộc giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức bóc lột.
Thứ nhất, tuổi trẻ Bác Hồ là có lý tưởng, hoài bão
Hồ Chí Minh là người có lý tưởng, hoài bão từ rất sớm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, trong thời niên thiếu và thanh niên của mình, Người đã chứng kiến bao cực khổ, "một cổ hai tròng" của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân ta khắp mọi miền của Tổ quốc. Lý tưởng ban đầu của Người là đi tìm đường cứu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng một xã hội tốt đẹp để cho dân ta được sung sướng, tự do. Đây cũng là lý tưởng của rất nhiều thanh niên yêu nước thời bấy giờ. Trong hành trình bôn ba khắp thế giới, tận mắt thấy cuộc sống của con người với các màu da khác nhau, Hồ Chí Minh với tư tưởng "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam đã đồng cảm, sẻ chia với những người "bị bóc lột" và lên án, vạch trần tội ác của bọn "bóc lột". Lý tưởng, hoài bão của Người được nhân lên thành giải phóng cho cả thế giới, làm cho tất cả mọi người được sống tự do, hạnh phúc. Lý tưởng, hoài bão đó của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm cho thế giới biết đến xứ An Nam, nhiều bạn bè cảm phục, giúp đỡ Người trong quá trình hoạt động cách mạng, coi Người là "công dân quốc tế", "đại sứ của Việt Nam trên khắp thế giới", hiện thân của "nền văn hóa tương lai".
Thứ hai, tuổi trẻ Bác Hồ là dấn thân
Có lý tưởng, hoài bão là đáng quý, song có nghị lực và kiên trì để hiện thực hóa lý tưởng, hoài bão đó thì không phải ai cũng làm được. Ở phương Đông, có rất nhiều câu chuyện về sự lựa chọn của các nhà tư tưởng, chính trị, thi sĩ… sống trong thời loạn lạc. Một số người vì để giữ tấm lòng son, sự thanh bạch đã chọn nơi vắng vẻ, thanh tịnh để tu hành hoặc sống một cuộc đời tránh xa trần thế. Có người lại chọn cái chết để giải thoát. Còn một số rất ít người lại chọn con đường dấn thân, đem hết tài năng của mình nhằm cải tạo hiện thực dù biết đó là con đường đầy gian khổ, có khi hy sinh cả tính mạng. Hồ Chí Minh là một trong những người như thế. Tuy nhiên, chọn con đường dấn thân ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên như Bác Hồ thì hiếm người có được. Với hành trang là lòng yêu nước và đôi bàn tay trắng (những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam), người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bôn ba khắp mọi nơi, làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và thực hiện lý tưởng, hoài bão. Người không hề sợ khó khăn, vất vả, vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu để nâng cao hiểu biết, phục vụ cho hành trình tìm đường cứu nước. Người không hề run sợ, khuất phục trước những cáo buộc, ám sát của kẻ thù. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cũng có lúc chưa đạt được mục đích hay thất bại, Hồ Chí Minh không hề nản chí, kiên trì đến cùng. Quá trình dấn thân ấy đã rèn luyện, tạo nên nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, là tấm gương sáng, cổ vũ cho những người cộng sản trên thế giới, những người cùng khổ, nhất là ở Đông Dương trên con đường đấu tranh cách mạng.
Thứ ba, tuổi trẻ Bác Hồ là độc lập, sáng tạo
Đây là một trong những phẩm chất vĩ đại nhất của Bác Hồ, thể hiện trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Người. Độc lập là phải có tư duy riêng, lựa chọn cho mình cách thức, phương pháp phù hợp để đạt được mục đích. Độc lập cũng không có nghĩa là bảo thủ, cứng nhắc mà phải biết tôn trọng, kế thừa những thành tựu của những người đi trước. Độc lập luôn gắn liền với sáng tạo thì mới thành công. Ở Hồ Chí Minh hội tụ cả độc lập và sáng tạo. Người rất khâm phục những sĩ phu yêu nước song không tán đồng những con đường cứu nước của họ. Người muốn chọn cho mình con đường cứu nước đúng đắn. Tự lực cánh sinh, "tay làm hàm nhai" là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Truyền thống ấy đã thấm nhuần và được Bác Hồ thực thi một cách sinh động nhất. Khi bạn bè của Người e ngại trước khó khăn, đi bằng cách nào, làm gì để sống, để thực hiện lý tưởng, hoài bão, Nguyễn Tất Thành đưa hai bàn tay ra và nói: Tất cả là ở đây. Dù bạn bè ở lại, một mình anh ra đi, anh cũng không hề do dự, bước chân xuống tàu, làm mọi nghề để sống, để đi, để học, để cứu đồng bào mình. Chỉ riêng việc quyết ra đi, chọn nơi đến và cách làm đã đủ cho thấy, Nguyễn Tất Thành độc lập, sáng tạo như thế nào. Đến tận sào huyệt của kẻ thù để khảo sát trực tiếp, để vững tin vào những nhận xét, kết luận của mình. Lao động - học tập và tranh đấu, đó là mục đích và phương thức của Người. Quá trình quan sát, tìm hiểu, khám phá thế giới, nhận thức chân thực bản chất con người, Nguyễn Ái Quốc đã học tập, tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm để trưởng thành. Con tàu đưa Người đi khắp mọi miền đất lạ, có cơ hội tiếp xúc với đủ mọi loại người, để cuối cùng Người tự giác ngộ ra rằng, ở đâu, người lao động cũng tốt, cũng thống khổ như nhau, ở đâu, chủ nghĩa thực dân cũng chỉ là con đỉa hai vòi, hút máu ở cả thuộc địa và chính quốc. Dù khác mầu da, tiếng nói, nhưng mọi người lao khổ đều là anh em, đồng chí, bọn thực dân là kẻ thù chung, phải đoàn kết lại, đánh đổ nó đi, phải đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chỉ có cách mạng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được giai cấp và dân tộc, mới đem lại hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Thực tiễn đã chứng minh con đường mà Bác Hồ lựa chọn là đúng đắn, thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo một cách sinh động.
Thứ tư, tuổi trẻ Bác Hồ là có niềm tin khoa học
Trong suốt hành trình thực hiện lý tưởng, hoài bão, dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Bác Hồ vẫn luôn lạc quan, có niềm tin vào tương lai. Người có niềm tin sẽ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Người tin vào thắng lợi của cái thiện, triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Người tin vào tình nhân ái, sự đoàn kết của nhân loại cần lao. Người tin vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng luôn biết đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chống ngoại xâm. Người tin vào sự giúp đỡ to lớn của những người cộng sản thế giới với cách mạng Việt Nam khi chúng ta biết tự tổ chức, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng đứng lên làm cách mạng. Người tin vào thắng lợi của cách mạng vô sản, mang lại sự giải phóng cho tất cả loài người và sự thất bại của bọn thực dân, phong kiến là tất yếu như nhau. Niềm tin ấy của Bác Hồ có cơ sở khoa học, được học tập, nghiên cứu và đặc biệt là những trải nghiệm, quá trình dấn thân của Người. Niềm tin ấy là động lực mạnh mẽ, cổ vũ, thôi thúc Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện lý tưởng, hoài bão của Người. Niềm tin ấy cũng lan tỏa, nhân lên gấp bội trong hàng triệu người cần lao, nhất là những người Việt Nam yêu nước.
Như vậy, tuổi trẻ của Bác Hồ là tấm gương vĩ đại của một thanh niên yêu nước, có lý tưởng, hoài bão, dấn thân, độc lập, sáng tạo và có niềm tin khoa học. Những năm tháng tuổi trẻ ấy đã trang bị, rèn rũa người thanh niên Nguyễn Tất Thành thành nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, Người đã chuẩn bị mọi mặt để tuyên truyền, giác ngộ cho đồng bào mình, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức cho những thanh niên yêu nước làm cách mạng. Những phẩm chất của thời tuổi trẻ luôn đồng hành, kiên trì, bền bỉ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tấm gương tuổi trẻ của Bác Hồ là niềm tin, động lực to lớn để tuổi trẻ Việt Nam vươn lên, làm những điều phi thường, lập nên những chiến công chói lọi, vun đắp, nhân lên truyền thống vẻ vang của những thanh niên con Lạc, cháu Hồng. Đó là lý tưởng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không có con đường nào khác, là tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lẽ sống "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai", quyết tâm "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", là các phong trào tình nguyện của thanh niên, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì cho Tổ quốc thân yêu….
Ngày nay, tuổi trẻ Việt Nam được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng để thực sự là "người chủ tương lai của nước nhà". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội…. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"3. Học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, tuổi trẻ của Bác nói riêng, mỗi thanh niên cũng phải sống có có lý tưởng, hoài bão, dấn thân, độc lập, sáng tạo và có niềm tin khoa học. Thực hiện lời dạy của Bác: "Huy hiệu của thanh niên ta là "Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên""4, lý tưởng của thanh niên hiện nay là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là con đường đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn và đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới giành được. Lý tưởng ấy được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, ngành nghề, nhiệm vụ cụ thể của mỗi người. Thanh niên phải xung phong đi đầu, nhất là đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà tổ chức phân công, trái tim mách bảo. Chỉ có dấn thân, trải nghiệm thực tế thì thanh niên mới thấy ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, đồng thời mỗi người được học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, vốn sống, tìm ra cho mình cuộc sống tương lai, nhất là hướng nghiệp. Để thực hiện được lý tưởng, hoài bão cao đẹp hay những ước mơ nhỏ bé, mỗi thanh niên phải luôn tự lực cánh sinh, độc lập và sáng tạo, chọn cho mình con đường đi phù hợp nhất như lời Bác đã căn dặn: "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"5, "muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã"6. Chính vì thế, học tập theo Bác, mỗi thanh niên cần tự mình quyết định đến tương lai trên cơ sở định hướng, giúp đỡ của gia đình và xã hội. Đồng thời, mỗi thanh niên luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thực hiện thắng lợi mục tiêu: "đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"7.
Học tập tấm gương tuổi trẻ Bác Hồ, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục ra rức học tập, rèn luyện, cống hiến hết trí tuệ, sức lực, để óc sáng, làm trái tim ta thêm hồng, giữ mãi tấm lòng son, luyện đôi chân bằng sắt, rèn đôi tay bằng vàng, cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc thân yêu, tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của thanh niên Việt Nam, tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hương, Thiếu tá Chu Xuân Đại Thắng, Đại úy Đỗ Thiện Diệu
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(1) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 194.
(2) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 562.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 168.
(4) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 66-67.
(5) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596.
(6) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 320.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 112.