Tuổi trẻ Quân đội nhớ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thứ tư, 22/12/2021 - 08:35

TNV - Những lời dạy của Bác cho quân đội ta còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Những chiến sĩ, cán bộ quân nhân luôn đi đầu trên mọi trận tuyến sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội đã long trọng đọc Mười lời thề danh dự để nói lên lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, hết lòng hết dạ phục vụ Nhân dân. Mười lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ đảng lãnh đạo, đồng chí xích Thắng làm bí thư chi bộ.

Dù chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng trường và súng kíp nhưng họ là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã kết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Trận đầu thắng lợi đã mở ra truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế cho đến ngày nay.

Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc, trở che.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021), chúng ta lại nhớ và suy ngẫm về những lời dạy của Bác Hồ trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi (22 tháng 12 năm 1964). Bác nói: “ Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với tày, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi thì cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức ”.

Quả đúng vậy, mặc dù quân đội ta không phải một đội quân hiếu chiến nhưng buộc phải đứng lên chiến đấu để giành chiến thắng trên chiến trường, bởi mỗi thắng lợi đều có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của dân tộc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh và đầy hy sinh gian khổ, lập nên những chiến thắng quan trọng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cuộc chiến chống tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc.

Năm 2020, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng Nhân dân ứng phó với đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đối phó thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Chính những cán bộ, chiến sĩ là người luôn đi đầu, hăng hái thực hiện nhiệm vụ và anh dũng hy sinh ngay trong thời bình vì sự bình yên của Nhân dân là những hình ảnh tốt đẹp trong lòng dân. Đó là kết quả của việc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về tình quân dân, “ quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau ”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù.

Có thể nói rằng, những lời dạy của Bác Hồ cho quân đội ta vào ngày 22 tháng 12 năm 1964 còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Những chiến sĩ, cán bộ quân nhân luôn đi đầu trên trận tuyến sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì truyền thống “ Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng ”.Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn có mặt ở mọi miền Tổ quốc, giữ chắc cây súng để bảo vệ quốc gia, dân tộc luôn là một niềm tự hào to lớn. Họ sống cùng Nhân dân, giúp đỡ Nhân dân lúc khó khăn, cùng Nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Họ là những người yêu nước chân chính, không kiêu căng, rất đỗi bình dị, dù đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu của mình đóng góp cho Tổ quốc trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong tình hình mới của đất nước hôm nay.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, hơn lúc nào hết,cácthế hệ thanh niên Quân đội nói chung, đoàn viên thanh niên Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói riêng luôn ra sức rèn luyện, học tập nâng cao mọi mặt trình độ, kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, phấn đấu trở thành những ngườicán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của ông cha; chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trung tá Phạm Thanh Tùng – giảng viên Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 1