Nhiều hoạt động tưởng niệm người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì chết đã diễn ra không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cái chết của người đàn ông da màu này cũng đang làm thổi bùng lên làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nhiều quốc gia trên thế giới, với khẳng định cái chết của George Floyd sẽ không vô nghĩa vì sẽ tạo ra sự thay đổi cho hòa bình.
Biểu tình George Floyd ở Manhattan, New York, Mỹ ngày 4/6/2020. Ảnh: Reuters
"Không thể để George Floyd chết một cách vô ích. Chúng ta sẽ tạo ra sự thay đổi". Đây là khẳng định của Thị trưởng New York Bill de Blasio tại buổi lễ tưởng niệm với sự tham gia của khoảng 5.000 người tại quảng trường Cadman ở Brooklyn.
Sau đó, những người tham gia đã tuần hành qua cầu Brooklyn đến quảng trường Foley ở Manhattan. Trước đó, hoạt động tưởng niệm George Floyd cũng diễn ra tại thành phố Minneapolis, nơi người đàn ông này đã tử vong sau khi bị cảnh sát ghì cổ.
Làn sóng biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc cũng tiếp tục diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Hàng trăm người hôm qua tập trung tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Mexico City cầm nến tưởng nhớ George Floyd.
Một người biểu tình tên là Kate Massenger cho biết: “Chúng ta không được để thêm nhiều người chết vì những lý do tương tự. Cần mọi người đứng lên, từ Mexico, Đức và trên toàn thế giới cất lên tiếng nói. Chúng ta không được sợ hãi”.
Các hoạt động biểu tình chống phân biệt chủng tộc tiếp tục diễn ra tại Pháp, Tây Ban Nha... Một số người ở châu Á cũng đang giúp gây quỹ cho phong trào Black Lives Matters (tạm dịch: người da màu đáng được sống). Trên mạng xã hội, các hashtag #BlackLivesMatter đang trở nên phổ biến nhằm chia sẻ và đồng cảm với người da đen phải chịu đựng sự áp bức, bất công có hệ thống.
Cái chết của người da đen George Floyd khiến cả nước Mỹ rúng động, châm ngòi cho phong trào biểu tình phân biệt chủng tộc trên thế giới. Tuy nhiên đang có nhiều lo ngại về biểu tình biến thành bạo lực và bạo động, gây bất ổn nhiều nơi. Giới chuyên gia y tế cũng lo ngại làn sóng biểu tình cũng có thể làm các ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Trước mối lo ngại này, giới chức bang New South Wales của Australia đang tìm cách áp dụng các biện pháp pháp lý để ngăn cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại nước này vào cuối tuần do lo ngại dịch Covid-19.
Cảnh sát bang New South Wales Mick Fuller khẳng định: “Nếu 10 người tụ tập thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên hàng trăm,hàng nghìn người thì sẽ vi phạm sắc lệnh y tế. Và nếu họ không tuân thủ các quy định, chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn có một kết quả hòa bình hơn”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trước đó cũng hối thúc người dân Australia không tham gia các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc quy mô lớn.
Ông Morrison cho rằng, biểu tình không phải là ý kiến hay. Hãy tìm cách khác tốt hơn để bộc lộ cảm xúc và thực hiện quyền tự do một cách có trách nhiệm. Các cuộc tụ tập đông người sẽ khiến Australia quay trở lại thời kỳ Covid-19 bùng phát./.
Theo VOV