Tuyên ngôn độc lập, bản hùng ca bất diệt

Thứ ba, 01/09/2020 - 10:23

TNV - Mỗi dịp 2/9, đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy tự hào là người Việt Nam, Tôi cũng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người đi trước để có cuộc sống hoà bình, hạnh phúc cho đất nước ngày hôm nay.

Nhớ Mùa Thu lịch sử, 75 năm qua vào hồi 14 giờ ngày 2/9/1945, trong cuộc mít-tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 lên án tội ác Pháp, Nhật, khẳng định đánh Pháp, đuổi Nhật là thực hiện quyền chính đáng của nhân dân Việt Nam.

Tuyên ngôn mở đầu bằng một câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ. Tiếp theo là một câu trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp. Cuối cùng, như một chiều dài lịch sự, dân tộc Việt Nam quyết tâm "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập".

75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải lãnh đạo đất nước trong bối cảnh vô cùng gian khó. Về kinh tế, Chính phủ tiếp nhận một nền kinh tế đầy tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém. Quốc khố trống rỗng, dự trữ lương thực hầu như không có, nạn đói lại tiếp tục tái diễn. Về xã hội, hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc…tràn lan. Về an ninh – chính trị, bọn phản động không từ mọi thủ đoạn phá hoại hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Đất nước rơi vào tình thế “thù trong, giặc ngoài”. Trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật.

Trong khi đó, quân Đồng Minh dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật lũ lượt tràn vào nước ta. Ở miền Bắc là 20 vạn quân Tưởng, ở miền Nam là quân Pháp theo chân quân Anh với mưu đồ cướp nước ta một lần nữa. Về đối ngoại, mặc dù Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định địa vị, chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới, song thực tiễn cho thấy, trong thời cuộc đầy phức tạp của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu như chưa thể có quan hệ ngoại giao chính thức với các quốc gia khác.

Trong bối cảnh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); tập trung chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược ngoại giao khôn khéo để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hậu quả chiến tranh chưa kịp hàn gắn, đất nước lại liên tiếp bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Tây Nam, phía Bắc năm 1979). Các cuộc chiến đấu này tuy không kéo dài nhưng đã gây tổn thất to lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại. Sau khi thống nhất đất nước, nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho Việt Nam giảm hẳn và không còn; cùng với đó là chính sách thù địch, bao vây, cấm vận của Mỹ, đặt nước ta vào tình thế bị cô lập với thế giới. Các thế lực phản động ráo riết thực hiện các hoạt động phá hoại, âm mưu bạo loạn và lật đổ, kích động và chia rẽ hận thù dân tộc. Tình hình phức tạp nảy sinh sau chiến tranh cùng với những hậu quả chiến tranh chưa giải quyết xong đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội, tạo ra khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta những năm 1980. Cùng lúc đó, tình hình thế giới có nhiều biến đổi to lớn. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tạo nên cú sốc chính trị chấn động nhân loại. Một lần nữa, trước hoàn cảnh hiểm nghèo, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới.

Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, đầy biến động, Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam ổn định về chính trị, thành công trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ tình trạng khủng hoảng, trì trệ, gần 35 năm đổi mới đã tạo nên một Việt Nam năng động, phát triển, có vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Nguyễn Phú Trọng trong bài viết quan trọng "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" khẳng định: “…với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”

Tuyên ngôn độc lập chính là bản hùng ca bất diệt bởi xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm - mạch nguồn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính chủ nghĩa yêu nước làm cho dân tộc luôn đứng vững trước những khó khăn, thách thức, không cam chịu khuất phục trước bất cứ thế lực cường quyền nào. Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc để đi đến được là cả một hành trình, từ Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm qua dân tộc Việt Nam đã đi được những bước rất dài, non sông thống nhất, liền một dải từ Bắc vào Nam.

Nguyễn Ngọc