6 lần theo quy trình
Từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8, Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024 trên toàn quốc trong 6 lần.
Bộ GD&ĐT cho biết, quy trình lọc ảo là việc sử dụng phần mềm xét tuyển để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống.
Điều này đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất ở một phương thức trong danh sách nguyện vọng thí sinh đăng ký đủ điều kiện trúng tuyển, theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.
Việc lọc ảo được Bộ GD&ĐT thực hiện 6 lần theo quy trình. Sau đó, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.
Bên cạnh quá trình lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT, các đơn vị cũng hình thành 2 nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam. Nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa chủ trì và nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TPHCM điều phối.
Trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1 năm 2024. Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.
733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).
Theo tính toán ở 24 lĩnh vực, 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký vào các khối ngành: Kỹ thuật công nghệ, Máy tính, Công nghệ thông tin có tỷ lệ cao nhất.
Tiếp đến là khối ngành Sư phạm; sau đó là khối ngành Nhân văn, Sức khỏe.
So sánh với năm ngoái, 3 lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất: Khối ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.
Đồng thời, số liệu trên cho thấy sự quan tâm của các em thí sinh trong ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.
Tiếp đó là khối ngành Khoa học tự nhiên, dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nguyện vọng tăng 61%; khối ngành an ninh quốc phòng cũng tăng 46,5%, dù số lượng không lớn.
Khối kỹ thuật công nghệ tăng 100.000 nguyện vọng đăng ký.
Đặc biệt, ngành công nghệ cao như ngành Vi mạch bán dẫn có số lượng tăng khá. Tổng số nguyện vọng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tăng 30%, nguyện vọng 1 tăng 40%.
Điều này cho thấy các thí sinh rất "nhạy", nắm bắt xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao.
Ngược lại, có một số lĩnh vực như: Kinh doanh quản lý giảm 3% (tương đương giảm 24.000 nguyện vọng); Máy tính và Công nghệ thông tin giảm gần 5% (tương đương 15.000 nguyện vọng); Dịch vụ vận tải giảm 20% (tương đương 77.000 nguyện vọng).
Như vậy, theo số liệu trên, nhiều khả năng điểm chuẩn vào các trường sẽ tăng. Tuy nhiên đây chỉ là dự đoán, điểm chuẩn phụ thuộc vào số lượng các nguyện vọng của thí sinh cho từng ngành.
Nhật Nam/Chinhphu