Ban huấn luyện U22 Việt Nam đặt mục tiêu giành vé vào chơi trận chung kết ở giải U22 Đông Nam Á 2019, nhưng chúng ta đã không hoàn thành nhiệm vụ, khi thất bại 0-1 trước U22 Indonesia ở bán kết.
U22 Việt Nam giành hạng 3 ở giải U22 Đông Nam Á 2019 (Ảnh: VFF).
Mặc dù chỉ giành vị trí thứ 3 ở U22 Đông Nam Á 2019 những sau giải đấu này, U22 Việt Nam đã biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, để khắc phục, hướng tới tương lai. Sau đây là những điểm hạn chế và tích cực của U22 Việt Nam sau giải đấu này.
1. Công cùn, thủ kém
U22 Việt Nam là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất tại vòng bảng U22 Đông Nam Á với 6 pha lập công. Kết thúc giải đấu, thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn ghi được 7 bàn, lọt lưới 2 là đội có số bàn thắng cao thứ 2 của giải sau U22 Indonesia.
Mặc dù ghi được 7 bàn ở giải U22 Đông Nam Á 2019 nhưng hàng công của U22 Việt Nam cho thấy sự yếu kém trong khâu kết liễu đối thủ. Tính riêng 2 trận đấu với U22 Philippines và U22 Timor Leste các chân sút của chúng ta đã bỏ lỡ trên dưới 20 cơ hội ghi bàn ngon ăn.
Ngoài sự yếu kém của hàng công, hàng thủ của U22 Việt Nam cũng thi đấu không thực sự tốt, khi chống phản công và bóng chết kém. 2 bàn thua của U22 Việt Nam ở giải U22 Đông Nam Á đều đến từ những tình huống cố định.
Ở trận tranh hạng 3 với U22 Campuchia, hàng thủ của chúng ta bọc lót kém, nhiều lần để các chân sút đội bạn xâm nhập vòng cấm. Nếu không có sự xuất sắc của thủ thành Y Eli Niê, có lẽ U22 Việt Nam không thể giành hạng 3 chung cuộc.
2. Nhạt nhòa “người truyền lửa”
HLV Nguyễn Quốc Tuấn có kinh nghiệm dẫn dắt HAGL nhưng ông vẫn bị giới truyền thông và người hâm mộ nghi ngờ về tài năng. Trong 3 trận đấu mà U22 Việt Nam ghi được bàn vào lưới đối thủ, nhà cầm quân sinh năm 1974 để lại dấu ấn đậm nét với sự thay đổi người chính xác của mình.
Ở trận tranh hạng 3 với U22 Campuchia, khi các học trò bất lực trong việc xé lưới đối thủ, ông Tuấn đã tung Xuân Tú vào sân, ít phút sau cầu thủ này đánh đầu hiểm hóc ghi bàn thắng duy nhất cho U22 Việt Nam. Trước đó, Danh Trung hay Minh Bình cũng tỏa sáng, khi vào sân từ ghế dự bị.
Mặc dù vậy, HLV Nguyễn Quốc Tuấn vẫn cho thấy những hạn chế về khả năng “truyền lửa” cho các học trò. Ở những thời điểm U22 Việt Nam gặp khó khăn trước lối chơi dựng xe buýt, tiểu xảo của các đối thủ, cựu thuyền trưởng của HAGL không truyền đạt được những thông điệp quan trọng, khích lệ tinh thần cho học trò như HLV Park Hang Seo làm ở U23 và ĐT Việt Nam.
Trong đội hình của U22 Việt Nam chúng ta cũng thiếu một thủ lĩnh thực sự. Thanh Sơn hay Tiến Dụng, khi được mang băng đội trưởng không thể hiện được nhiều về chuyên môn cũng như tố chất của một thủ lĩnh tinh thần lúc đội nhà gặp khó khăn.
3. Bóng đá Việt Nam đã biết nhìn xa, trông rộng
Ở giải U22 Đông Nam Á 2019, U22 Việt Nam không mang sang Campuchia đội hình mạnh nhất. Ngoại trừ 5 cầu thủ là Thanh Hậu, Dũ Đạt, Anh Tỷ, Thanh Sơn và Hoàng Nam bước vào tuổi 22, 18 gương mặt còn lại trong đội đều dưới tuổi 22. Thậm chí, già nửa trong số đó đủ tuổi góp mặt vào đội U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2021.
Do đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã không đặt nặng thành tích cho U22 Việt Nam. Mục tiêu chính của VFF là tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu, cọ xát và học hỏi kinh nghiệm để hướng tới SEA Games 2019 và SEA Games 2021.
Trên thế giới hay châu Á việc để các cầu thủ trẻ tranh tài ở các giải đấu như thế này không mới. Ví dụ như Nhật Bản, để chuẩn bị cho Olympic 2020, họ đã cử đội U21 tranh tài tại Asiad 2018. Mặc dù chỉ giành tấm HCB, nhưng qua giải đấu này, các cầu thủ trẻ của họ đã học được nhiều điều bổ ích.
Với Việt Nam việc mang đội hình trẻ dự U22 Đông Nam Á 2019 cho thấy sự chuyển mình và tầm nhìn dài hạn của VFF. Thay vì đặt mục tiêu vô địch giải đấu, chúng ta đã biến sân chơi này thành nơi cọ xát cho các cầu thủ trẻ, đồng thời có lộ trình cụ thể, biết nhìn xa, trông rộng, để hướng tới tương lai./.
Dương Thuật/VOV