Lằn ranh đỏ của Nga bị xâm phạm?
Những tuyên bố "lằn ranh đỏ" mà các quan chức Nga đưa ra đã giảm từ 24 vào năm 2022 xuống còn 15 vào năm ngoái nhưng quan điểm về một giới hạn không thể vượt qua đối với Moscow một lần nữa được các quan chức và nhà bình luận Nga đưa ra trong tuần này liên quan đến việc các tiêm kích F-16 được chuyển giao cho Ukraine.
Việc phương Tây hỗ trợ các chiến đấu cơ tiên tiến cho Ukraine đã bị trì hoãn do lo ngại leo thang căng thẳng, song cuối cùng, nó vẫn là một phần trong quá trình nới lỏng các giới hạn hỗ trợ vũ khí của phương Tây cho Kiev, từ các tên lửa Javelin và Stinger sang pháo phản lực HIMARS và lựu pháo M777.
Mỹ phớt lờ cảnh báo của Nga về việc cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS và hệ thống tên lửa Patriot nhưng không vấp phải bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào từ Moscow.
Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp và việc sơ tán hàng nghìn người ở Kursk đã cho thấy đây là một chiến dịch toàn diện hơn so với các cuộc đụng độ xuyên biên giới trước đó ở Belgorod, làm dấy lên lo ngại về việc liệu điều này có thể dẫn đến sự leo thang với Nga mà phương Tây vẫn luôn muốn tránh hay không.
"Một số người lo ngại điều này và các máy bay F-16 mới có thể kích hoạt "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Putin cho Thế chiến III. Đây là mối lo ngại lớn, nhưng phương Tây đã chống lại các lằn ranh mà phía Nga đặt ra kể từ khi xung đột bùng nổ", Sean McFate, Giáo sư tại Trường Maxwell thuộc Đại học Syracuse và Trường Quan hệ Đối ngoại thuộc Đại học Georgetown, nói với Newsweek.
"Tôi không nghĩ đây sẽ là thời điểm thích hợp vì Ukraine đã bí mật tấn công vào các hệ thống pháo của Nga suốt mùa xuân."
"Cho đến gần đây, Mỹ đã yêu cầu Ukraine "không được xâm nhập" vào lãnh thổ Nga. Kết quả là, Moscow đã bố trí các bệ phóng tên lửa và pháo binh ở phía bên kia biên giới và tấn công các mục tiêu của Ukraine mà không bị trừng phạt", ông McFate nói, đồng thời cho rằng "tất cả đã thay đổi vào cuối tháng 5” khi Nhà Trắng nới lỏng hạn chế trên.
Emil Kastehelmi, nhà phân tích tình báo nguồn mở và là một chuyên gia quân sự nhận định với Newsweek rằng các đồng minh của Ukraine liên tục lo ngại về việc leo thang căng thẳng.
"Người ta nghe thấy những bình luận từ Moscow về việc họ đã cố gắng tác động đến chính sách viện trợ của phương Tây", ông Kastehelmi nói. Theo ông: "Câu chuyện cảnh báo leo thang đã chứng minh là khá hiệu quả và vẫn tiếp tục như vậy cho đến ngày nay".
Nguy cơ căng thẳng leo thang ở Ukraine
Cuộc tấn công của Ukraine bắt đầu từ 6/8 được cho là có sự tham gia của nhiều đơn vị, bao gồm Lữ đoàn cơ giới tinh nhuệ số 22 và Lữ đoàn tấn công đường không số 82. Moscow được cho là đang di chuyển các hệ thống phòng thủ đất đối không tầm trung tự hành Pantsir để bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Kursk, Kyiv Post đưa tin.
"Không có bằng chứng rõ ràng về việc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk và đó không phải là mục tiêu có khả năng xảy ra của hoạt động này vì nó vẫn còn rất xa khu vực biên giới", chuyên gia Kastehelmi nhận định.
"Các trang thiết bị phương Tây cũng tham gia vào chiến dịch Kursk. Hiện nay, xe bọc thép phương Tây vẫn đang tấn công quân đội Nga trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp ngoại lệ vì thiết bị phương Tây cũng từng được sử dụng trong các cuộc tấn công Belgorod trong mùa xuân năm 2023", nhà quan sát Kastehelmi cho hay.
Quyền Thống đốc Kursk Alexey Smirnov cho biết tình hình ở biên giới Nga với Ukraine "rất phức tạp", lực lượng Nga đã bắn hạ 6 máy bay không người lái cùng 5 tên lửa của Ukraine ở khu vực này trong một đêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của quân đội Ukraine ở vùng Kursk là "hành động khiêu khích trên quy mô lớn", cho rằng “lực lượng Ukraine tiến hành bắn phá bừa bãi bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa, vào các tòa nhà dân sự, nhà ở, xe cứu thương".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi Moscow đáp trả bằng cách tiến vào Ukraine và chiếm Kiev, Odessa cũng như các thành phố khác.
Bình luận về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích "đây là một vụ tấn công khủng bố khác nhắm vào những người dân thường ôn hòa"; nhấn mạnh chính quyền Ukraine tấn công vùng Kursk nhằm thể hiện rằng, lực lượng Kiev vẫn hoạt động trong bối cảnh họ liên tục gặp thất bại ở chiến trường.
Đại sứ của Nga tại Washington Anatoly Antonov thì cho rằng, Mỹ phải ngăn chặn dòng vũ khí chảy vào Ukraine sau khi vũ khí do nước này cung cấp cho Kiev được sử dụng để tấn công các trường học, bệnh viện và nhà ở tại Nga.
"Washington nên ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev và loại bỏ những phần tử tân phát xít trong quân đội Ukraine", ông Antonov nói.
Theo đại sứ Nga Antonov, cho đến nay, những phát biểu của các quan chức Mỹ về vụ tấn công vào vùng Kursk hoàn toàn "vô nghĩa", vì họ không đồng cảm với thương vong của dân thường do cuộc tấn công của Ukraine gây ra.
Theo VOV