Xung đột Nga-Ukraine đang tiến gần đến mùa đông thứ ba, mà không có dấu hiệu lắng dịu. Sau khi Ukraine điều động hàng nghìn binh sỹ và hàng trăm xe bọc thép phát động chiến dịch đột kích lớn chưa từng có vào tỉnh Kursk của Nga, Moscow đã thực hiện một cuộc phản công lớn để đẩy lùi đối phương.
Ukraine chớp thời cơ thọc sâu vào Kursk
Hiện tại, Ukraine đã chiếm được hơn 100 khu định cư, kiểm soát nhiều khu vực trên lãnh thổ Nga. Quân đội Nga phản công quyết liệt, nhưng thông tin tình báo nguồn mở cho thấy, Ukraine có đủ nhân lực, khả năng kỹ thuật và hỗ trợ hậu cần để duy trì quyền kiểm soát của nước này.
Mamuka Mamulashvili, chỉ huy của Quân đoàn Gruzia tham chiến tại Ukraine cho rằng: "Cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc trên lãnh thổ Nga". Nếu chiến dịch xâm nhập của Ukraine ở Kursk thành công, nó có thể định hình lại sâu sắc tiến trình của cuộc xung đột.
Tổng thống Zelensky cho biết, các lực lượng nước này đã kiểm soát 1.300km2 lãnh thổ Nga. Họ cũng đã thành lập một văn phòng chỉ huy quân sự ở khu vực vừa chiếm được. Theo ước tính, con số này gần gấp ba lần diện tích lãnh thổ mà Kiev giành lại từ tay Nga đóng trong cuộc phản công kéo dài 3 tháng vào mùa hè năm 2024
Theo ông Zelensky, lực lượng Ukraine đang tiến xa hơn "một đến hai km" dọc theo tiền tuyến mới.
Giới phân tích cho rằng, quyết định của Ukraine tấn công Kursk dường như đã được tính toán kỹ lưỡng. Khu vực này có giá trị lịch sử, chiến lược và hậu cần quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Các tuyến giao thông tại Kursk là trung tâm hậu cần quan trọng của Nga. Những xa lộ và tuyến đường sắt chính đi qua khu vực này giúp Moscow vận chuyển quân đội và vật tư từ Nga và Belarus đến tiền tuyến ở Ukraine. Trung tâm đường sắt Kursk kết nối miền trung nước Nga với các khu vực phía tây nam gần Ukraine. Nếu Ukraine kiểm soát hoàn toàn các tuyến đường huyết mạch trên thì điều này sẽ làm gián đoạn đáng kể khả năng duy trì các hoạt động quân sự của Nga.
Kursk là nơi có trạm đo khí đốt Sudzha, đóng vai trò quan trọng trong dòng khí chảy đốt của Nga đến châu Âu. Sudzha là trạm trung chuyển cuối cùng của Nga vẫn hoạt động trên tuyến đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine, sau khi Kiev ngừng nhận khí từ trạm Sokhranovka vào tháng 5/2022. Việc Ukraine không đóng cửa tuyến đường khí đốt này ngay lập tức là minh chứng cho thấy Kiev không muốn cắt đứt dòng chảy khí đốt từ Nga qua lãnh thổ của mình.
Theo ước tính, Nga cung cấp khoảng 14 đến 15 tỷ m3 khí đốt đến các quốc gia như Slovakia, Áo và Hungary mỗi năm thông qua tuyến đường vận chuyển đó. Trong trường hợp Ukraine kiểm soát trạm Sudzha, Kiev sẽ có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Moscow và có thể có tác động rộng hơn đến tình hình an ninh năng lượng của châu Âu.
Nhà máy điện hạt nhân Kursk nằm cách Ukraine chỉ 48km. Nó có thể trở thành một con bài mặc cả quan trọng trong cuộc xung đột. Ukraine có thể tận dụng bước tiến gần nhà máy để gây sức ép buộc Nga từ bỏ quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Mặc dù Nga đã tăng cường phòng thủ khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn do nó nằm gần tiền tuyến.
Ngoài ra, địa hình tại khu vực Kursk rất phù hợp với chiến thuật mà Ukraine áp dụng. Khu vực này bằng phẳng, thoáng đãng, cho phép xe bọc thép và xe tăng tiến nhanh. Kursk cũng là địa điểm diễn ra trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử trong Thế chiến II, khiến nơi này trở nên có ý nghĩa biểu tượng đối với một cuộc xung đột chủ yếu sử dụng tăng, thiết giáp.
Kiev quyết “ăn miếng trả miếng” với Nga
Giới phân tích cho rằng, Ukraine dường như cũng xem xét kỹ lưỡng thời gian tiến hành chiến dịch đột kích lãnh thổ Nga. Điều kiện thời tiết trong tháng 8 rất phù hợp để tiến hành các hoạt động quân sự, trước khi các cơn mưa mùa thu diễn ra. Mưa đến sẽ khiến các con đường trở nên lầy lội, có thể làm trì hoãn cuộc phản công của Nga.
Bên cạnh đó, tháng 8 cũng là thời điểm các chuyến hàng viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine được chuyển giao sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá hàng chục tỷ USD cho Kiev hồi tháng 4. Điều này đã cho phép lực lượng Ukraine tiếp nhận và triển khai các thiết bị, vũ khí, đạn dược tiên tiến, vốn rất quan trọng đối với chiến dịch.
Lực lượng vũ trang Ukraine (UAF) đã đạt được tiến triển đáng kể ở Kursk, tiến sâu khoảng 33km2 vào lãnh thổ Nga. Kiev đã triển khai các lữ đoàn cơ giới và tấn công đường không, được hỗ trợ bởi các đơn vị chiến đấu chuyên biệt như Tiểu đoàn trinh sát độc lập số 130 và Trung đoàn 14 của Bộ tư lệnh giám sát hệ thống không người lái.
Không quân Ukraine đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này, tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào lực lượng Nga bằng máy bay chiến đấu MiG-29 và phá hủy 3 cây cầu quan trọng dọc theo sông Seim. Các cuộc tấn công này đã phần nào phá vỡ các tuyến tiếp tế, làm tê liệt hoạt động hậu cần của Nga.
Quân đội Nga được giao nhiệm vụ đẩy các lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực Kursk vào giữa tháng 10/2024. Họ cũng được yêu cầu thiết lập một "vùng đệm" tại các khu vực biên giới ở đông bắc Ukraine. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, quân đội Nga rất khó có thể đạt được kết quả này.
Kể từ khi bắt đầu phản công, Nga vẫn chưa thực hiện hoạt động chiến đấu quy mô lớn nhằm đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi khu vực. Các chuyên gia giải thích, để tiến hành một cuộc phản công tổng lực kéo dài trong khu vực Kursk, Nga sẽ phải tái triển khai các lực lượng bổ sung từ nhiều mặt trận ở Ukraine và điều động lực lượng mới được thành lập từ bên trong nước này đến bảo vệ Kursk thay vì tới tiền tuyến ở Ukraine.
Về phần mình, Ukraine cũng có thể cần thêm lực lượng bổ sung nếu họ muốn tiếp tục tiến vào khu vực Kursk. Mặc dù họ vẫn chưa thiết lập được quyền kiểm soát tất cả các khu vực trên khắp phạm vi chính, ISW đánh giá rằng Kiev chắc chắn đã chuẩn bị củng cố vị trí trong một số khu vực để thách thức cho bất kỳ hoạt động tấn công phối hợp nào của Nga.
Hồng Anh/VOV