Ukraine trước nguy cơ “đắp chiếu” hàng loạt vũ khí phương Tây cung cấp

Thứ sáu, 21/07/2023 - 08:40

Khi cuộc phản công đến giai đoạn nước rút, các nỗ lực của Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến vững chãi của Nga đã khiến Kiev bị tổn thất lớn về phương tiện bọc thép và pháo binh. Ukraine buộc phải "đắp chiếu" nhiều phương tiện hư hỏng nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây trong quá trình sửa chữa.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa cho biết, trọng tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã chuyển từ cung cấp sang sửa chữa và duy trì các loại vũ khí mà họ chuyển giao cho quốc gia này. Đây dường như là sự thừa nhận rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Binh sĩ Ukraine ở thành phố Severodonetsk, vùng Donbas. Ảnh: AFP

Phương Tây chạy đua với thời gian

Ngay cả trước khi Ukraine phát động cuộc phản công vào tháng 6 vừa qua, Mỹ và châu Âu đã lo ngại, nỗ lực duy trì hoạt động của các thiết bị mà họ viện trợ cho Kiev đang bị tụt hậu so với nhu cầu chiến trường. Hiện giờ, khi cuộc phản công đến giai đoạn nước rút, các nỗ lực của Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến vững chãi của Nga đã khiến Kiev bị tổn thất lớn về phương tiện bọc thép và pháo binh. Nhu cầu sửa chữa các vũ khí và phương tiện đó nhằm đưa chúng trở lại cuộc chiến trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Phát biểu với báo chí, ông William LaPlante, người đứng đầu các chương trình mua sắm thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang thiết lập các cơ sở sửa chữa ở châu Âu, đồng thời dịch các tài liệu hướng dẫn về đào tạo và sửa chữa. Chúng tôi đang tăng cường phối hợp với các đối tác để thực hiện nhiệm vụ này”.

Theo ông LaPlante, Mỹ, Anh và Ba Lan đã dẫn đầu một nhóm hợp tác chung với sự tham gia của 22 quốc gia, có nhiệm vụ chính là giữ cho các trang thiết bị hiện đại trị giá hàng tỷ USD hoạt động tốt để Ukraine tiếp tục phản công.

Nhóm này không chỉ hỗ trợ Ukraine duy trì hoạt động của khí tài quân sự mà còn tìm cách bổ sung vào kho dự trữ vũ khí đang dần cạn kiệt của Mỹ và châu Âu. Họ sẽ có các cuộc họp thường xuyên và là một phần của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine gồm 50 quốc gia do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dẫn đầu.

“Chúng tôi có các cuộc trao đổi thường xuyên với đối tác Ukraine để xem xét nhu cầu của họ cũng như những thiết bị mà chúng tôi có thể chuyển giao. Trên thực tế, chúng tôi đang theo dõi tỷ lệ sử dụng và hiệu quả của từng hệ thống vũ khí cung cấp cho Kiev”, ông William LaPlante cho biết. Theo quan chức này, nhóm đã giúp Ukraine theo dõi hơn 4.000 tuyến cung cấp phụ tùng thay thế cho những thiết bị phương Tây.

Danh sách vũ khí và trang thiết bị mà phương Tây cung cấp cho Ukraine trong 17 tháng qua đã khiến các chuyên gia bất ngờ về tốc độ chuyển giao cũng như sự đa dạng, từ xe tăng Đức, lựu pháo Mỹ đến hệ thống phòng không của Italy và các phương tiện của Anh, Ba Lan, Canada, Pháp và CH Séc.

Trong cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine diễn ra tuần này, Mỹ và các đồng minh đã tập trung vào việc cung cấp phương tiện rà phá bom mìn, hệ thống phòng không di động tầm ngắn cho Ukraine, Politico dẫn một nguồn thạo tin cho biết.

Sau cuộc họp, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hơn 300 xe bọc thép, 4 hệ thống phòng không NASAMS, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ lâu dài cho quốc gia trong nhiều năm.

Ukraine trước nguy cơ phải “đắp chiếu” hàng loạt vũ khí phương Tây

Tuy vậy, việc tiếp nhận quá nhiều vũ khí, phương tiện không đồng đều từ Mỹ và các nước châu Âu đã khiến Ukraine gặp áp lực khi triển khai chúng trên chiến trường. Hiệu quả hoạt động của trang thiết bị là mối quan tâm lớn nhất đối với Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Phần lớn vũ khí của phương Tây khá mới mẻ với các binh sỹ Ukraine vốn chỉ quen sử dụng những thiết bị có từ thời Liên Xô. Chưa kể, để sửa chữa những loại vũ khí này, họ cần phải đưa tới Ba Lan hoặc Séc.

Ukraine từ lâu cũng lo ngại về tính sẵn sàng hoạt động của những loại vũ khí này, vì một số phương tiện hoặc khí tài lấy từ các kho dự trữ của Mỹ và đồng minh đã đến hạn sửa chữa. Kế hoạch của Đức và Ba Lan thành lập trung tâm sửa chữa chung ở Ba Lan dành cho xe tăng Leopard 2 đã thất bại do bất đồng về chi phí, khiến nhiều xe tăng bị hỏng của Ukraine vẫn phải “đắp chiếu”.

Chính phủ Anh đã thành công hơn khi hành động đơn phương, với việc ký một thỏa thuận trị giá 60 triệu USD với công ty quốc phòng Anh Babcock trong tháng 7 để sửa chữa xe tăng Challenger 2 và các phương tiện chiến đấu khác mà nước này cung cấp cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết: “Hợp đồng mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine trên chiến trường”.

Ukraine đã gặp nhiều thách thức lớn trong cuộc phản công khi cố gắng vượt qua các bãi mìn dày đặc để tiếp cận chiến hào kiên cố của Nga. Ở giai đoạn đầu, Kiev đã bị mất hoặc bị hỏng nhiều phương tiện gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất, xe tăng Leopard hay xe thiết giáp chở quân. Vì thế việc sửa chữa và đưa những phương tiện bị hỏng quay trở lại chiến trường là ưu tiên hàng đầu.

Với những khẩu pháo đang bị hao mòn do sử dụng liên tục, Ukraine đã sử dụng máy in 3D để tự chế tạo phụ tùng thay thế. Tuy vậy, đối với những vũ khí phức tạp hơn, họ buộc phải trông đợi vào sự hỗ trợ sửa chữa của phương Tây.

“Họ in chúng ngay trong nước bằng việc áp dụng kỹ thuật đảo ngược. Trên thực tế, các linh kiện này không bền bỉ như linh kiện gốc nhưng điều mà họ cần là có thiết bị thay thế ngay lập tức”, ông LaPlante cho biết. Đối với Ukraine, tốc độ là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực duy trì các phương tiện và vũ khí mà họ nhận được, quan chức này nhấn mạnh./.