TNV - Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT và ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng ở cả hai cấu phần gồm triển khai xây dựng chính phủ điện tử trong ngành GD&ĐT và ứng dụng CNTT trong dạy và học trong đổi mới kiểm tra đánh giá và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng CNTT trong giáo dục để xây dựng xã hội học tập
Năm 2018, chỉ số hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT xếp thứ 2 trong 18 Bộ và cơ quan ngang Bộ. Bộ GD&ĐT cũng dẫn đầu trong triển khai chữ ký số và liên thông văn bản trong 63 Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước; cổng dịch vụ trực tuyến được đưa vào sử dụng với 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Ngành GD&ĐT đã tích cực tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ với hơn 5.000 bài giảng E-learning và dạy học online, hàng chục ngàn câu hỏi trắc nghiệm cùng hệ thống luận văn, luận án được số hóa và đăng tải công khai; kho học liệu số phục vụ dạy học… Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tham gia, đóng góp mạnh mẽ trong Tri thức Việt số hóa; các trường phổ thông cũng sẽ tham gia nhiều hơn nữa vào xây dựng cơ sở dữ liệu, nguồn học liệu online, giúp HS SV phát triển năng lực tự học.
Đến nay, ngành GD&ĐT đã xây dựng được cơ sở xong cơ sở dữ liệu mầm non và phổ thông của 52.000 trường mầm non và phổ thông với 1,5 triệu GV và 24 triệu học sinh. “Vấn đề còn lại là chúng ta khai thác sử dụng nó như thế nào, cập nhật nó như thế nào? Bộ đã ban hành quy định về chuẩn dữ liệu và đang dự thảo quy định khai thác bộ dữ liệu này. Có những thông tin mà nếu không có dữ liệu này thì không thể chính xác được ví dụ như việc thừa thiếu giáo viên từng môn học, từng địa bàn nhỏ để có những quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển.
Trong giảng dạy, đã có sự dịch chuyển từ việc lấy người thầy làm trung tâm chuyển sang người học làm trung tâm và hiện nay đã và đang dịch chuyển sang cá thể hóa người học. Với học trực tuyến, phần mềm ghi lại hết quá trình học của từng người, ngày giờ nào vào học học cái gì, trong kiểm tra đánh giá mạnh yếu cái gì. Từ đây, với việc sử dụng dữ liệu lớn để phân tích từng người một sẽ đưa ra gợi ý từng gói học phù hợp với từng người.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT phục vụ thông tin quản lý toàn diện ngành GD&ĐT. Bộ đã ban hành chuẩn dữ liệu và hướng dẫn cách thức quản lý của các nhà trường với cơ sở dữ liệu ngành. Hiện đã có khoảng 25% nhà trường đã kết nối, trao đổi dữ liệu một cách tự động với hệ thống của Bộ.
Thục Mai