Ông Trần Đắc Phu
Tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra kết luận có nhiều nội dung quan trọng, với sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp mới và mạnh hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới nguy hiểm, Thủ tướng đã chỉ đạo: Phải hết sức tránh quan liêu, “xa dân”, triển khai các giải pháp mới quyết liệt hơn, mạnh mẽ, hiệu quả hơn để dập dịch. Theo ông, các giải pháp mới mà Thủ tướng đề cập đến là gì?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Thủ tướng đề cập đến việc không quan liêu. Đây chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước và bất kỳ người làm công quyền nào cũng đều phải hướng tới. Biện pháp thứ hai Thủ tướng muốn nhấn mạnh là không xa dân, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả. Theo tôi, chúng ta có thể nhìn từ thực tế, dịch bệnh không loại trừ bất kỳ ai, ai cũng có thể mắc bệnh nếu chúng ta không được bảo vệ. Như vậy, vấn đề ngăn chặn dịch là ở dân, là ở cộng đồng. Do đó, để bảo vệ người dân, chúng ta phải không được xa dân. Chẳng hạn như đối với vấn đề tiếp cận điều trị, nếu chúng ta không thực hiện tốt việc gần dân, liên hệ với dân, với những bệnh nhân, thì không thể điều trị kịp thời và sẽ dẫn đến tử vong. Nếu chúng ta không tổ chức phát hiện sớm, không khoanh vùng ngay thì sẽ dẫn tới dịch bùng phát, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Về kinh tế cũng vậy, nếu chúng ta không giải quyết tốt việc ngăn chặn lây lan trong khu công nghiệp, ảnh hưởng tới năng suất trong sản xuất thì sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đặc biệt, trong tình hình mới của dịch bệnh, chúng ta cần rất quyết liệt, mạnh mẽ hơn vì đợt dịch này là chủng mới lây lan rất nhanh, lan mạnh ra các tỉnh, thành phố. Điển hình tại những địa bàn rất phức tạp như TPHCM và các tỉnh miền Nam số người nhiễm COVID-19 gia tăng rất nhanh, khiến cho chúng ta phải phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở 19 địa phương và cả Hà Nội, vì thế chúng ta phải thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước.
Bên cạnh công tác chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ còn phải giải quyết vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế… Do đó để làm được việc này, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, phải gần dân, lấy dân là gốc. Và các giải pháp được đưa ra phải được quán triệt theo phương châm “rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả”. Như vậy nếu chúng ta không nghiêm, không phản ứng, hành động nhanh, không kịp thời, không thực hiện các giải pháp hiệu quả, thì chỉ một việc làm chậm, không hiệu quả sẽ gây ra tổn thất rất lớn về vấn đề sức khỏe.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra ở nước ta, công tác chống dịch của nước ta luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, sự chỉ đạo càng quyết liệt, linh hoạt, mạnh mẽ hơn nữa bởi tình hình diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Do đó Chính phủ cũng đã đưa ra những chính sách phù hợp, mạnh mẽ theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Trong phần kết luận của Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo chỉ đạo công tác chống dịch COVID-19 phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu ở tầm quốc gia. Theo ông, làm sao để lãnh đạo chỉ đạo thống nhất, chuyên sâu trong từng các cấp bộ ngành, địa phương?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới, trên quy mô diện rộng, trong đó có Việt Nam. Có những vấn đề được đúc kết và được hướng dẫn rất khoa học và cơ bản, do đó sự chỉ đạo cần có tầm cỡ quốc gia, thống nhất theo một cái chung, tránh việc mỗi nơi làm một kiểu. Vừa qua trong thực hiện chỉ thị 16 tại một số địa phương, đã xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến việc không thống nhất, ngăn sông cấm chợ; giải quyết không đúng theo vấn đề chuyên môn, dẫn đến xét nghiệm không hiệu quả, truy vết không thành công, hay phong tỏa không nghiêm… Do đó, cần phải có những hướng dẫn cụ thể, cần những chính sách tầm cỡ quốc gia.
Theo tôi, để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao, chúng ta cũng cần tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn, hạn chế trong công tác này, nhất là việc tháo gỡ khó khăn về chính sách. Tôi thấy vừa qua, Chính phủ đã tập trung rất nhiều cho việc tháo gỡ chính sách: Chính sách về đi lại, mua sắm, các chính sách về an sinh xã hội và người dân. Việc này phải mang tầm quốc gia và chuyên sâu. Trên cơ sở đó, áp dụng linh hoạt tùy từng vùng, từng địa phương, ví dụ như vùng đang có dịch nguy cơ cao thì chiến dịch và giải pháp xét nghiệm cũng cần linh hoạt, thay đổi. Vấn đề truy vết cũng phải khác, vấn đề cung cấp thực phẩm thiết yếu cũng cần linh hoạt hơn. Nhưng đối với những vùng chúng ta gọi là “vùng xanh” thì chúng ta vẫn có thể truy vết và thực hiện xét nghiệm được.
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, hiệu quả của địa phương, các bộ ngành tổng kết, đúc rút thành những hướng dẫn, những quy định cụ thể để cho các địa phương khác học tập. Việc này vừa bảo đảm hiệu quả công tác chống dịch, vừa không để việc chống dịch xa rời thực tế.
Thủ tướng giao Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp theo những định hướng mới rất quan trọng, nhất là trong điều trị và phân bổ, tổ chức tiêm vaccine. Cụ thể, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn xử lý quá tải tại các cơ sở y tế trong tiếp nhận, cách ly, điều trị người nhiễm virus SARS-CoV-2, quan trọng nhất là thu dung, nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào trong tình hình dịch diễn biến như hiện nay?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiến lược quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau, chúng ta sẽ cần có những giải pháp, chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung vào một mục tiêu quan trọng là làm thế nào để giảm được tỷ lệ mắc thấp nhất, hạn chế thấp nhất số người tử vong.
Vừa qua, diễn biến dịch có những chiều hướng phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, do biến chủng mới lây lan nhanh khiến cho số trường hợp nhiễm mới gia tăng nhanh chóng. Do đó, nếu như chúng ta không thực hiện việc cách ly ở nhà thì sẽ dẫn đến quá tải đối với hệ thống cách ly, bởi việc cách ly không chỉ phụ thuộc vào yếu tố cơ sở vật chất, nguồn lực, năng lực hướng dẫn. Ngoài ra, nếu việc cách ly thực hiện không đúng hướng dẫn, không nghiêm ngặt thì sẽ để xảy ra tình trạng lây chéo. Trong thời điểm hiện tại, khi số lượng người mắc gia tăng thì chúng ta nên thực hiện cách ly tại nhà đối với F1, ngay cả đối với F0 khi chúng ta xét nghiệm và xác định bệnh nhân ở mức không lây nhiễm. Đặc biệt chú ý tại thời điểm này, những nơi dịch bệnh vẫn ở mức độ rải rác nhưng nếu đủ điều kiện thì có thể xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm theo chỉ định, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Nhưng nếu dịch ở mức độ lớn thì chúng ta phải ưu tiên giảm tử vong đối với những ca lây nhiễm. Đây là việc vô cùng quan trọng, bởi nguồn lực chúng ta không thể rải đều được nữa.
Giải pháp nữa chúng ta cần chú trọng thực hiện là phân loại bệnh nhân, như hiện nay Bộ Y tế phân loại là 3 tầng, TPHCM là 5 tầng… Những trường hợp nhẹ thì đưa đến 1 khu vực điều trị cho những bệnh nhân nhẹ để tránh cho các ca này bị tăng nặng. Đối với những trường hợp diễn biến nặng thì chúng ta tập trung đưa đến bệnh viện điều trị cho những bệnh nhân nặng, huy động những bác sĩ giỏi, trình độ chuyên sâu với máy móc hiện đại để những bệnh nhân này được tiếp cận điều trị hiện đại… Nếu chúng ta không kịp thời thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để ứng phó, và chúng ta sẽ không thể giải quyết được những hệ quả, trước những nguy cơ dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và tăng nhanh về số lượng như hiện nay.
Trong tình hình mới, những chỉ đạo và giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là rất kịp thời. Vậy ông kỳ vọng hiệu quả như thế nào từ những giải pháp này?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong thời điểm hiện nay, bên cạnh việc thực hiện nghiêm khuyến cao 5K, chúng ta cần đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng vaccine đại trà cho toàn dân. Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; địa phương nào chưa thành lập thì phải thành lập ngay Tổ COVID cộng đồng; tăng cường cao độ hoạt động của Tổ COVID cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhắc nhở, đôn đốc nhân dân thực hiện yêu cầu giãn cách. Việc này rất quan trọng, góp phần thực hiện tốt chiến lược phòng chống dịch.
Từ trước đến nay, công tác chống dịch luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 quan tâm, thời kỳ nào cũng rất quyết liệt. Mỗi thời kỳ lại có sự thay đổi để có những chính sách phù hợp, “dĩ bất biến ứng vạn biến” nghĩa là phải có sự linh hoạt. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, phù hợp theo tình hình thực tế để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch trong tình hình mới. Với sự chỉ đạo quyết liệt và những chính sách phù hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của cả cộng đồng để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đem lại bình yên, hạnh phúc, ấm no cho người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lan Anh/Chinhphu