Ra trường và làm việc ở Hà Nội đã gần 9 năm nay, anh Nguyễn Đình Nam (quê ở Nam Định) đặt mục tiêu mua nhà rồi mới lập gia đình. Trong quãng thời gian đó, anh tích cóp được hơn 400 triệu đồng. Anh Nam kể, những năm 2015-2016, giá nhà chỉ khoảng 20-22 triệu/m2 nhưng khi ấy số tiền tích cóp được không đủ để mua nhà. Đến năm 2020-2021, khi số tiền tích lũy được là hơn 800 triệu đồng thì giá nhà đã lên tới hơn 40 triệu/m2. Thời gian đó, công việc gặp một số biến cố, không ổn định, thu nhập bấp bênh nên anh đã phải dùng số tiền tiết kiệm này để giải quyết công việc và trang trải cuộc sống. Sau khi đã lập gia đình, anh muốn mua 1 căn nhà để ổn định cuộc sống, anh quyết định vay ngân hàng thì giá nhà đã lên quá cao nên không thể mua được. Sinh con, chi phí nhiều hơn, số tiền tích cóp hàng tháng ít đi, trong khi giá nhà lại tăng “phi mã”, giấc mơ mua nhà ở Hà Nội của vợ chồng anh ngày càng trở nên xa vời.
Có nhiều trường hợp, người mua quyết định vay ngân tiền ngân hàng để mua nhà khi công việc đang ổn định và thu nhập cao. Thế nhưng vài năm sau đó, lãi suất vay tăng lên đột ngột, họ rơi vào tình thế khó khăn. Nhiều người phải chấp nhận bán nhà với giá thấp để lấy tiền trả ngân hàng vì không đủ khả năng “gánh” lãi suất cao.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, hiện nay, nguồn cung thuộc phân khúc bình dân, hợp với túi tiền người lao động không nhiều. Thị phần căn hộ trong khoảng 1,8-3 tỷ đồng tại các thành phố lớn thì rất ít, tập trung phần lớn ở khu vực ngoại thành, không thuận tiện cho việc đi lại và công việc, dẫn đến người mua không có nhiều sự lựa chọn.
Mới đi làm, mới khởi nghiệp, nếu giới trẻ không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình thì mức thu nhập tối thiểu để có thể mua nhà phải từ là 30-45 triệu đồng/tháng. Ngưỡng thu nhập này có thể giúp những người trẻ đủ khả năng tích lũy được một khoản tiền trả trước và gánh vác việc trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế mức thu nhập của họ sau khi ra trường 10 năm mới chỉ đạt 9-13 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Văn Ngọc – Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Địa ốc Hà Nội StarLand (HNS Land), chi phí sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng tăng cao, trong khi đó thu nhập không tăng theo nên việc mua nhà đã khó nay trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, để có thể sở hữu được một căn nhà, không còn cách nào khác, các bạn trẻ phải gia tăng thu nhập, tiết kiệm chi tiêu, có thể tính đến việc mua nhà ở nơi cách xa trung tâm thành phố; dùng đòn bẩy ngân hàng hoặc thậm chí là kêu gọi sự trợ giúp tài chính từ người thân, từ bố mẹ, họ hàng. Vì nếu chờ đợi cho đến khi đủ tiền để mua nhà thì e rằng, giá nhà không giữ ở mức cố định mà đã vượt rất xa số tiền mà họ có thể tích cóp đủ.
“Hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường thường gặp khó khăn trong việc tìm việc làm. Để có thể mua 1 căn nhà, người trẻ thường cần sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây có thể coi là sự lựa chọn hợp lý, nhưng nếu công việc và thu nhập không ổn định, không đảm bảo an toàn tài chính trong suốt thời gian vay nợ, thì họ có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ trong tương lai”, ông Phạm Văn Ngọc nói.
Nhiều người bày tỏ sự lo lắng về một thế hệ người trẻ không kết hôn, không sinh con chỉ vì giá nhà, đất tăng cao bởi nhiều người có quan niệm “an cư rồi mới lập nghiệp”. Nếu lập gia đình, sinh con mà phải thuê nhà, khi công việc gặp biến cố, thu nhập bấp bênh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Sinh đủ 2 con được ưu tiên mua nhà ở xã hội
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, giá nhà tăng cao đã góp phần thúc đẩy xu hướng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống đơn thân, không kết hôn, sinh con hay chọn lối sống “hai nguồn thu nhập, không con cái”. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh xuống thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh đang lan rộng trong các đô thị. Hệ lụy của xu hướng này là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, giảm lực lượng và năng suất lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nguyên nhân chính đến từ vấn đề tài chính. Do đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ một lần khi mua nhà ở xã hội với những cặp vợ chồng có hai con nhằm cải thiện tình trạng mức sinh thấp.
Đề cập đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu cho biết, đây là một chính sách tốt, Chính phủ cần có những biện pháp để hỗ trợ người lao động, có thể trực tiếp bỏ tiền của ngân sách để giúp đỡ người lao động, hỗ trợ bằng tiền mặt là biện pháp thiết thực nhất. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách của đất nước hiện nay thì thực hiện việc này không phải là dễ.
“Theo tôi, cần có những chính sách ưu đãi về thuế. Ở Mỹ, họ có chính sách thuế ưu đãi cho người mua nhà lần đầu tiên, nếu vay ngân hàng thì số tiền lãi đó không phải đóng thuế. Tiền lãi đó là một phần của thu nhập, họ lấy từ thu nhập của họ để trả tiền lãi ngân hàng thì phần thu nhập đó không phải đóng thuế. Tức là Chính phủ hy sinh phần thuế đáng lẽ trích ra từ thu nhập của người dân, nếu người dân dùng một phần thu nhập đó để trả lãi cho ngân hàng để mua căn nhà lần đầu thì sẽ được Chính phủ giúp đỡ. Chúng ta nên có những biện pháp về thuế như vậy để khuyến khích người lao động tích lũy tiền và dành tiền để mua nhà”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bên cạnh các rào cản về pháp luật thì vấn đề tài chính đã và đang là rào cản lớn nhất để mua nhà ở. Nếu không có sự thay đổi, sẽ có một thế hệ không bao giờ có thể sở hữu nhà và thậm chí việc thuê nhà cũng trở nên khó khăn. Điều này dẫn đến hệ lụy, nhiều người trẻ ngại lập gia đình và không dám sinh con.
Ông Hiếu cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì quan trọng nhất là thu nhập của người lao động phải được cải thiện. Từ ngày mùng 1/7 vừa qua, cán bộ công chức đã được tăng lương. Thế nhưng với nhiều người lao động khác trong lĩnh vực doanh nghiệp, việc tăng lương tại thời điểm này rất là khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp trong năm nay vẫn gặp khó khăn về mặt thị trường, buôn bán, kinh doanh.
“Bình quân GDP đầu người của Việt Nam mới ở mức khoảng 4.000 USD/năm, mức rất thấp so với thế giới. Phải làm sao tăng lên mức 5.000-6.000 USD/năm. Với mức tăng thu nhập như vậy thì nhiều người lao động mới có hy vọng mua được nhà ở. Tôi lấy ví dụ, nếu thu nhập là 100 đồng thì tiền trả nợ cho ngân hàng khoảng 50% thì là hợp lý. Còn nếu tiền phải trả cho ngân hàng là 60-70-80-90 đồng, thậm chí 100 đồng thì khả năng vỡ nợ là rất cao. Mua nhà rồi đến một thời điểm nào đó rơi vào tình trạng vỡ nợ và ngân hàng siết nợ, thu hồi lại tài sản bảo đảm của mình là điều mà không ai mong muốn. Do đó, ngoài những biện pháp về hành chính, quy định về nhà ở xã hội, điều quan trọng là cần phải tăng thu nhập cho người lao động thì khi đó rào cản về tài chính mới được gỡ bỏ và người lao động sẽ dễ dàng sở hữu một căn nhà hơn”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo VOV