TNV – Ngày 23/3, tại trụ sở Saigon Co.op, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với các nội dung sửa đổi của Dự án Luật Hợp tác xã.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ Vụ Kinh tế Quốc hội, Cục Kinh tế hợp tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chính sách phát triển Hợp tác xã Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với các nội dung sửa đổi của Dự án Luật Hợp tác xã tại Saigon Co.op.
Về phía lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op Quách Cường; Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, cùng các đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc Saigon Co.op và lãnh đạo các phòng, ban liên quan.
Mở đầu Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhận được các văn bản của Saigon Co.op đóng góp cho Dự án Luật Hợp tác xã; hôm nay, Đoàn công tác chính thức làm việc với Saigon Co.op để nghe rõ hơn về các vấn đề liên quan, nhằm có thêm chất liệu phục vụ cho các phiên họp thảo luận của cơ quan chuyên trách Quốc hội, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối tháng 5 tới đây.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo với Đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa chia sẻ, với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, Saigon Co.op đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đơn vị tư vấn pháp luật, các cơ quan chức năng, nhằm thu thập nhiều chất liệu quan trọng để góp ý cho Dự án Luật Hợp tác xã, với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Ông Vũ Anh Khoa tự hào cho biết, với gần 34 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op luôn khẳng định là nhà bán lẻ thuần Việt có thị phần dẫn đầu cả nước (chiếm thị phần khoảng 30%), với gần 850 điểm bán tại 42/64 tỉnh, thành từ Bắc đến Nam, tạo công ăn việc làm cho trên 14.000 người lao động, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; là lá cờ đầu trong phong trào Hợp tác xã của Thành phố và toàn quốc; riêng doanh thu của Saigon Co.op năm 2022, ước tính chiếm trên 96% tổng doanh thu của khối Liên hiệp Hợp tác xã toàn Thành phố và chiếm tỷ trọng trên 11% tổng giá trị của loại hình kinh tế tập thể cả nước; đặc biệt, Saigon Co.op còn là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong điều tiết vĩ mô thị trường bán lẻ và nền kinh tế Việt Nam, thể hiện rõ nét nhất trong suốt thời gian cao điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức phát biểu tại Hội nghị.
Ông Vũ Anh Khoa cho biết thêm, do đặc thù lịch sử của Saigon Co.op là tổ chức kinh tế tập thể, được thành lập trước thời điểm Luật Hợp tác xã 1996 ra đời, cho nên, trong những năm qua, đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành và Dự án Luật Hợp tác xã chuẩn bị trình Quốc hội thông qua. Chẳng hạn, (1) Vốn góp của thành viên chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong vốn điều lệ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký, điều này chưa phù hợp với định nghĩa Vốn điều lệ trong Dự án Luật có nêu; (2) Chưa có phương pháp xác định chính xác và chưa có quy chế quản lý đối với nguồn tài sản không chia tại Saigon Co.op; (3) Tổng số vốn Saigon Co.op hiện đã đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp khoảng 4.000 tỷ đồng , lớn hơn so với vốn điều lệ được ghi nhận trên Giấy đăng ký hiện tại và lớn hơn rất nhiều lần so với vốn góp từ các hợp tác xã thành viên; (4) Về mặt pháp lý, các hợp tác xã là thành viên là chủ sở hữu của Saigon Co.op, tuy nhiên, do đặc thù lịch sử, Saigon Co.op là thực thể có trước, các thành viên hiện hành đều được kết nạp thêm, với vốn góp so với tổng số vốn và tài sản đã có trước đó của Saigon Co.op là không đáng kể (thậm chí nguồn vốn góp của thành viên còn do chính Saigon Co.op hỗ trợ), cho nên, nếu xét về bản chất, các hợp tác xã là thành viên không phải là chủ sở hữu thực sự của Saigon Co.op, theo như định nghĩa của Dự án Luật đang đề cập.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức đã báo cáo để Hội nghị rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của Saigon Co.op, với tiền thân là Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán Thành phố, được chuyển đổi từ Ban Quản lý Hợp tác xã Mua bán Thành phố. Qua quá trình hoạt động, đến năm 1997, Saigon Co.op buộc phải chuyển đổi mô hình tổ chức để đảm bảo theo quy định của Luật Hợp tác xã 1996, trên cơ sở đó, đã tiến hành thủ tục kết nạp 21 Hợp tác xã trên địa bàn Thành phố làm thành viên trong các năm 1998, 1999; với vốn góp của mỗi thành viên là 50 triệu đồng, trên tổng Vốn đăng ký của Saigon Co.op được UBND TP Hồ Chí Minh ghi nhận là hơn 23,1 tỷ đồng , trong đó, có 3 hợp phần gồm: (1) Vốn điều lệ (vốn góp của 21 thành viên) 1,05 tỷ đồng; (2) Vốn công trợ của Nhà nước 198 triệu đồng; (3) Vốn tích lũy không chia hơn 21,8 tỷ đồng (chiếm 94,6%). Đến nay, qua quá trình tăng vốn góp của các hợp tác xã thành viên từ nguồn lợi nhuận do Saigon Co.op phân phối hàng năm, vốn điều lệ được ghi nhận trong Giấy Chứng nhận đăng ký hợp tác xã của Saigon Co.op là 3.210 tỷ đồng , trong đó, Vốn công trợ của Nhà nước không thay đổi, riêng Vốn góp của thành viên tăng lên 29,6 tỷ đồng (chiếm 0,92%) và Vốn tích lũy không chia gần 3.180 tỷ đồng (chiếm trên 99,06%).
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Phạm Trung Kiên góp ý, Dự án Luật Hợp tác xã đề cập đến việc phát triển các thành viên liên kết không góp vốn, nhưng có sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã là rất cần thiết; tuy nhiên, việc kết nạp thành viên có góp vốn, nhưng không sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã là điều rất nguy hiểm và không nên thực hiện việc chuyển nhượng vốn giữa các hợp tác xã thành viên, vì dễ dẫn đến nguy cơ thâu tóm, thao túng, làm mất bản chất hoạt động của hợp tác xã.
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
Ngoài ra, ông Phạm Trung Kiên kiến nghị, cần làm rõ khái niệm vốn điều lệ, nếu chỉ đơn thuần là vốn góp từ các hợp tác xã thành viên thì không phù hợp với đặc thù lịch sử của Saigon Co.op; bên cạnh đó, cần xác định tài sản không chia và việc quản lý, sử dụng tài sản không chia; đặc biệt, đề xuất tạo điều kiện về lộ trình để Saigon Co.op tái cơ cấu nhằm duy trì mô hình hoạt động ổn định của đơn vị trong thời gian qua, nhằm tiếp tục phát huy tốt vai trò là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong điều tiết kinh tế vĩ mô, giữ vững thế trận an ninh lương thực.
Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa làm rõ thêm, vốn công trợ 198 triệu được ghi nhận từ ngày đầu thành lập, là Saigon Co.op tiếp nhận một trụ sở cửa hàng do Thành phố giao, chứ không phải vốn hỗ trợ trực tiếp từ UBND Thành phố; riêng số vốn hơn 21 tỷ đồng được ghi nhận ở Vốn tích lũy không chia của Saigon Co.op ban đầu, cũng được UBND Thành phố rà soát rất cẩn trọng, để đảm bảo đây là tài sản do Saigon Co.op tích lũy được, chứ không phải đến từ tư nhân hay các doanh nghiệp khác; ngoài ra, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành cơ chế giúp các hợp tác xã có quy mô lớn, được hình thành tổ chức tín dụng để sử dụng nguồn vốn từ khách hàng và các thành viên liên kết không góp vốn; riêng về bản chất của các tổ chức kinh tế tập thể mang tính xã hội rất cao, nên không thể để các nhà đầu tư góp vốn vào hợp tác xã, sẽ gây nên rủi ro rất cao về việc mất kiểm soát đối với hoạt động của hợp tác xã.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa kiến nghị: “Riêng tại Saigon Co.op, do có nhiều yếu tố đặc thù mang tính lịch sử, nên rất mong Đoàn công tác nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ cho đơn vị tiếp tục phát triển bền vững, nhất là không nên hồi tố về cơ cấu vốn tích lũy không chia, đã được hình thành qua quá trình tích lũy từ nhiều năm qua”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận Hội nghị.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa đề xuất, Dự án Luật Hợp tác xã cần quan tâm đến việc phát huy bản chất cốt lõi của thành phần kinh tế tập thể là tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đối nhân, không đối vốn; như vậy, không nên quy định hạn mức tối đa để các hợp tác xã đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp… so với vốn điều lệ; mặt khác, trường hợp thành viên liên kết có góp vốn, nhưng không có quyền biểu quyết các vấn đề liên quan đến tài sản đã góp là không khả thi; ngoài ra, không nên quy định quá chi tiết thẩm quyền của Đại hội thành viên, dẫn đến sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác vận hành và cần quy định tương đồng hơn đối với quy trình tổ chức Đại hội thành viên thường niên và Đại hội thành viên bất thường; mặt khác, nên có quy định riêng hoặc tạo cơ chế để các hợp tác xã được phát hành trái phiếu, trên cơ sở đảm bảo bằng tài sản pháp lý hiện có, nhất là đối với các đơn vị có quy mô lớn như Saigon Co.op; bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu tiên trong giao đất, mặt bằng cho các đơn vị kinh tế tập thể sử dụng, mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định, nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho sự phát triển chung của phong trào hợp tác xã cả nước.
“Kính mong Đoàn công tác hướng dẫn rõ hơn về mô hình Liên đoàn Hợp tác xã, để Saigon Co.op nghiên cứu và đề xuất cụ thể đối với đặc thù đơn vị, trên cơ sở mong muốn loại hình kinh tế hợp tác xã được hỗ trợ phát triển theo đúng bản chất ưu việt vốn có của nó”, ông Vũ Anh Khoa kiến nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, riêng đối với việc xác định quỹ tích lũy không chia của Saigon Co.op nên ghi nhận theo đặc thù lịch sử, không nên hồi tố, sẽ gây khó khăn cho đơn vị. Song song đó, Saigon Co.op nên tiến hành định giá lại tài sản theo thị trường, nhằm đảm bảo tính minh bạch về tài chính, phù hợp với quy định pháp luật và phản ánh đúng quy mô, tiềm lực hiện có của mình.
Kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đánh giá cao sự nỗ lực, vai trò, quy mô, hiệu quả hoạt động của Saigon Co.op trong thời gian qua và mong muốn đơn vị tiếp tục phát triển để đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế đất nước.
Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Saigon Co.op sớm gửi văn bản đến Đoàn công tác đối với các nội dung đã trình bày tại Hội nghị, để các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung vào Dự án Luật Hợp tác xã, nhất là đối với các vấn đề về thành viên liên kết, có thể dùng Điều lệ để khống chế, nhằm tránh trường hợp tổ chức hợp tác xã gặp nguy cơ bị thâu tóm; về chuyển nhượng vốn, sẽ nghiên cứu quy định linh hoạt, nhằm không làm mất đi bản chất của hợp tác xã; về việc xác định, tách bạch rõ vốn tích lũy không chia của Saigon Co.op là vấn đề khá phức tạp, cần được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ, trên cơ sở tiếp thu đề xuất về việc không hồi tố và sử dụng quỹ không chia này để phục vụ cho sự phát triển đơn vị.
Lê Thanh