Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) công bố kết quả hôm 9/11, cho rằng đây là "một ngày tuyệt vời của khoa học và nhân loại".
94 trong hơn 43.500 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được chia thành hai nhóm: tiêm vaccine và dùng giả dược. Các chuyên gia từ Ủy ban Giám sát Dữ liệu, không thuộc nghiên cứu, phân tích các kết quả thu được.
Vaccine đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Nói cách khác, cơ thể con người có thể được bảo vệ khỏi nCoV 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.
Kết luận cuối cùng về mức độ hiệu quả của vaccine Pfizer có thể thay đổi khi các nhà khoa học tiếp tục thu thập dữ liệu trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta đã có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer, tiến sĩ Albert Bourla, nhận định. "Kết luận đầu tiên từ thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 3 cung cấp những bằng chứng ban đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa nCoV của vaccine Pfizer".
Theo Bourla, Pfizer đang dần chạm tới cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển, khi thế giới đang cần vaccine nhất. Với tỷ lệ hiệu quả đạt hơn 90%, nhân loại đang tiến gần hơn một bước trên con đường mang lại đột phá cho người dân, kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của Pfizer tại Trường Y Maryland, Baltimore, hồi tháng 5/2020. Ảnh: AP
William Gruber, Phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và phát triển vaccine của Pfizer, cho rằng kết quả là "tin tốt lành nhất cho thế giới, nước Mỹ và ngành y tế công cộng", vượt qua những gì tốt nhất ông từng mong đợi.
Trước đây, các nhà nghiên cứu hy vọng vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 60-70%.
"Hơn 90% là một con số phi thường", Giám đốc điều hành BioNTech, Ugur Sahin, cho biết. "Đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát. Đây là một chiến thắng của giới khoa học".
Pfizer và BioNTech cho biết 42% tình nguyện viên trong các thử nghiệm toàn cầu của họ đa dạng về chủng tộc và sắc tộc. Chưa có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào được báo cáo.
Vaccine Covid-19 của Pfizer ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA thông tin để "hướng dẫn" hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại mầm bệnh.
Hãng dược này đang lên kế hoạch xin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vaccine khẩn cấp ngay khi dữ liệu được thu thập đầy đủ vào tuần thứ ba của tháng 11.
Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất 50 triệu liều vaccine trong năm 2020 và 1,3 tỷ liều trong năm 2021. Hơn 20 xe tải sẽ chở các hộp chứa đầy vaccine từ các điểm phân phối ở Kalamzoo, Michigan, Puurs, Bỉ tới sân bay lân cận mỗi ngày.
Các quan chức và nhà khoa học Mỹ hy vọng có thể sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2021. Nếu diễn ra đúng kế hoạch, vaccine của Pfizer sẽ là vaccine có thời gian sản xuất ngắn kỷ lục (12-18 tháng sau khi nCoV lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc). Tới nay, vaccine quai bị là vaccine có thời gian phát triển nhanh nhất, được cấp phép năm 1967 sau hơn bốn năm nghiên cứu.
Với tỷ lệ trên 90%, vaccine Covid-19 của Pfizer đạt hiệu quả tương đương một liều vaccine sởi (93%). Để so sánh, vaccine cúm hiện nay giảm nguy cơ mắc cúm từ 40-60%, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy tình nguyện viên sản xuất đủ cả kháng thể và tế bào T chống lại nCoV. Phiên bản cải tiến của vaccine gây ra ít tác dụng phụ hơn và được chọn đưa vào thử nghiệm giai đoạn 2 và 3, diễn ra từ ngày 27/7 với 30.000 tình nguyện viên ở Mỹ, Argentina, Brazil và Đức. Trong dữ liệu sơ bộ, hãng báo cáo hầu hết tình nguyện viên gặp tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình.
Đến nay, thế giới ghi nhận 11 loại vaccine Covid-19 bước vào thử nghiệm giai đoạn ba; 43 loại khác đang ở trong giai đoạn một và hai. Các loại vaccine Covid-19 tiềm năng nhất thuộc về Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, điều chế dựa trên ba công nghệ virus vector, virus bất hoạt và công nghệ di truyền.
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 12/ 2019, đại dịch Covid-19 nhanh chóng lây lan ra toàn cầu. Nhiều nước châu Mỹ và châu Âu đang đối mặt với làn sóng thứ hai. Anh bước vào đợt phong tỏa mới từ ngày 5/11, các nhà hàng, quán bar và cửa hàng không thiết yếu buộc phải đóng cửa, người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà. Các biện pháp tương tự hoặc quyết liệt hơn được áp dụng ở Pháp, Italy và Đức.
Lê Hằng (Theo CNBC, Bloomberg)/vnexpress