Vai trò của đạo đức “chí công vô tư” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho sinh viên ngành Luật

Thứ hai, 23/09/2024 - 09:47

Ý thức pháp luật là một bộ phận của ý thức xã hội, do tồn tại xã hội, đời sống pháp luật của xã hội quyết định, có sự tác động trở lại đối với tồn tại xã hội và có vai trò to lớn đối với đời sống pháp luật của xã hội. Nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên ngành luật là một vấn đề quan trọng quyết định đến việc thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đạo đức chí công vô tư trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng trong giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên ngành luật hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một “tài sản tinh thần vô giá”. Trong tài sản ấy, có tư tưởng của Người về đạo đức chí công vô tư.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc, cái căn bản, nền tảng của người cán bộ cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tháng 10 năm 1947, ký tên X.Y.Z, xuất bản đầu tiên năm 1948, Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Người còn vạch rõ nguyên tắc cao nhất của đạo đức cách mạng là lấy lợi ích chung của dân tộc và nhân loại làm mục đích. Người nói: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”1. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24 tháng 3 năm 1961, Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hay trong Bài nói ở lớp huấn luyện Đảng viên mới, ngày 14 tháng 5 năm 1966, Hồ Chí Minh viết: “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”.

“Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”2.

Đạo đức cách mạng đó, theo Người là đạo đức chí công vô tư. Chí công là hết mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị, “tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc, cũng như khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chỉ biết đến mình, muốn “mọi người vì mình”. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích riêng của tập thể… Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”3. Nó là giặc nội xâm, còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”4.

Chí công vô tư là chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo, người “giữ cán cân công lý”, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật, như Hồ Chí Minh đã viết, “trước nhất là cán bộ cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm thì có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút lót, có dịp “dĩ công vi tư”5.

Từ đó, Người khẳng định: Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng. Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập.

Có đạo đức cách mạng chí công vô tư thì gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng6.

Theo Hồ Chí Minh, Chí công vô tư là đức tính đạo đức tốt, tính tốt ấy có thể gồm 5 điều: nhân, tín, trí, dũng, liêm. Trong Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp, ngày 10 tháng 10 năm 1947, Người nói:

Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sư giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Nói rõ nghĩa:

+ Trí - là sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình để mà tránh. - Tín - nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin - cho bộ đội tin ở mình. - Nhân - là phải có lòng bác ái - yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình. - Dũng - là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc.

+ Liêm - là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết.

Những lời dạy về đạo đức chí công vô tư theo cùng thời gian, nó tỏa ánh sáng chiếu rọi, là một trong những tiêu chuẩn đạo đức trong nhận thức và hành động của mỗi chúng ta - những công dân Việt Nam, những cán bộ, đảng viên, giảng viên. Đặc biệt là, những sinh viên ngành luật hơn bao giờ hết, cần nghiêm túc ôn lại những lời dạy của Người về đạo đức “chí công vô tư” như trong Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

“Phụng công, thủ pháp” là những từ gốc Hán - Việt. “Phụng” - là phụng sự, là phục vụ vô điều kiện. “Phụng công” nghĩa là tôn thờ lẽ công bằng, công lý, không thiên lệch; là phục vụ vô điều kiện đối với việc công, việc nước, việc dân; là toàn tâm, toàn ý, theo đuổi hoàn thành công việc, nhiệm vụ của cách mạng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. “Thủ” - là tuân thủ, phục tùng nghiêm ngặt. “Thủ pháp” là tuân thủ nghiêm công pháp, pháp luật; là giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì lý do gì mà bẻ cong, làm trái pháp luật. “Chí công” là hết mực công tâm; “vô tư” là không vì lợi ích riêng tư nào. “Chí công vô tư”, nghĩa là khi làm bất cứ việc gì cũng vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân, vì quyền lợi tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Nói rộng ra, “chí công vô tư” còn là phải làm tất cả những gì có lợi cho dân, cho nước.

Chỉ với tám chữ cô đọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đội ngũ cán bộ tư pháp nói riêng, cán bộ công chức nhà nước nói chung phải là những người luôn công minh, chính trực, đặt lợi ích của nhân dân, của Nhà nước lên trên hết, tuyệt đối tuân thủ các quy định của hiến pháp và pháp luật, với tinh thần khách quan không thiên vị, tư lợi cá nhân. Đó là sự diễn giải thành ngữ “pháp bất vị thân”. Pháp luật không thiên vị chỗ thân quen, tức là vô tư, công bằng, theo triết lý phương Đông. Ở phương Tây, nữ thần công lý được hình dung là một người cầm cân nhưng bịt mắt với ngụ ý không nhìn thấy lợi ích riêng tư, những đối tượng có thể khiến cho người cầm cân mất đi sự khách quan cần thiết.

Giáo dục nhân dân hiểu biết về pháp luật là cần thiết, vì điều đó tạo ra tính chủ động của người dân trong thực thi pháp luật. Nhưng cán bộ - nhất là cán bộ ngành tư pháp - làm gương trong việc tuân thủ pháp luật cũng rất cần thiết. Nói chung thì đạo làm gương cần thiết trong mọi hoạt động. Bởi vì văn hoá phương Đông chứa đựng một triết lý “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, việc thấm nhuần lời dạy của Người đối với các bộ tư pháp nói riêng, cán bộ công chức nhà nước nói chung vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, luôn có tính thời sự và đã trở thành những tư tưởng chỉ đạo mang ý nghĩa chiến lược.

Đạo đức “chí công vô tư” là một trong những nội dung quan trọng trong môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, giảng viên giảng dạy nội dung này trên lớp lồng ghép với việc kể những tấm gương đạo đức “chí công vô tư” của Hồ Chí Minh trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam sẽ là một trong những “kênh” quan trọng góp phần định hướng giáo dục đạo đức và nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, dù cuộc sống có phát triển nhanh, đời sống

xã hội có thay đổi bao nhiêu thì mục tiêu và phương pháp làm việc của người cán bộ, công chức Nhà nước nói chung, những sinh viên luật - cán bộ pháp lý tương lai phải đảm bảo phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp phát triển đất nước; tuân thủ qui định của pháp luật, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục như trong bài viết về đạo đức công dân, tiêu chuẩn đầu tiên mà người nêu ra là “tuân thủ pháp luật của nhà nước”.

Tuy nhiên, để phát huy một cách tốt nhất vai trò trên, trước hết, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên hơn ai hết, phải thực sự là tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho sinh viên, học viên noi theo, góp phần định hướng giáo dục đạo đức và ý thức tuân thủ pháp luật cho sinh viên ngay từ khi học tập trên giảng đường đại học, khi mà vẫn còn một bộ phận sinh viên thờ ơ với các diễn biến của xã hội, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có lối sống thực dụng, đua đòi, lãng phí, có biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống, thiếu tôn trọng thầy cô7. Vì vậy, việc “làm gương” của cán bộ, giảng viên là một yêu cầu xác đáng có tác dụng định hướng về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, các quy định của Nhà trường và văn hóa ứng xử trong sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên, học viên nhận thức rằng sau khi tốt nghiệp, phải là những người tinh thông về luật pháp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội rộng, có quan điểm “gần dân, giúp dân, học dân”, tiếp tục là tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” góp phần hình thành hình ảnh người cán bộ pháp lý vừa hồng, vừa chuyên trong tương lai, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

-----------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.253

2. Đạo đức cách mạng tháng, 12-1958, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 285.

3. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.354

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,t.12, tr. 510.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5; tr641.

6. Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 283-284.

7. Nguồn: http://hcmulaw.edu.vn, Tọa đàm “Xây dựng chuẩn mực đạo đức sinh viên Luật trong giai đoạn hiện nay”, ngày 10/11/2012.

Th.s Nguyễn Hoài Đông, Th.s Lê thị Hồng - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh