1. Đặt vấn đề
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó trẻ em luôn được đặt vào vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước". Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang chuyển tải các nội dung cơ bản của quyền trẻ em vào Hiến pháp và nhiều đạo luật chuyên ngành, nhằm thực thi và bảo vệ tốt hơn, hiệu quả hơn quyền trẻ em trong thực tế.
Quyền tham gia là một trong bốn nhóm quyền của trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em (CRC). Quyền này được xác định là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ em và góp phần ươm những mầm xanh tương lai của đất nước, là động lực phát triển trong thời đại mới. Mặc dù vậy, đây cũng là một nhóm quyền khó thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh những nước phương Đông như Việt Nam. Trong khi đó, nghiên cứu về nhóm quyền này nói chung, việc bảo đảm nhóm quyền này nói riêng của trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn ít, đặc biệt là chưa có nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của Đoàn TNCSHCM trong vấn đề này. Vì vậy, nhiều vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn về quyền tham gia của trẻ em vẫn chưa được làm rõ. Bài báo này góp phần làm rõ hơn những vấn đề đó, trong đó tập trung đánh giá vai trò của Đoàn TNCSHCM, từ đó tạo tiền đề cho việc thúc đẩy vai trò của Đoàn TNCS HCM nói riêng, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em ở nước ta nói chung trong thời gian tới.
2. Khái lược về quyền tham gia của trẻ em và vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Quyền tham gia là một trong 4 nhóm quyền quan trọng của trẻ em được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 (quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia). Nhóm quyền tham gia bao gồm: quyền được hình thành quan điểm riêng và tự do phát triển những quan điểm đó về các vấn đề có tác động đến trẻ em; quyền tự do bày tỏ ý kiến (không trái với pháp luật); quyền tự do giao kết, hội họp tụ tập một cách hòa bình.
Theo CRC, các quyền của trẻ em nói chung, bao gồm quyền được tham gia của trẻ em nói riêng, phải được các quốc gia nội luật hóa (nếu không áp dụng trực tiếp) trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc bảo đảm quyền tham gia của trẻ em thể hiện ở việc tôn trọng ý kiến của các em về các vấn đề liên quan đến quyền của các em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của các em đối với xã hội với tư cách là một chủ nhân tương lai của đất nước. Song đến thời điểm này, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện ở Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước, những người làm công tác trẻ em và cộng đồng hiểu chưa cụ thể, chưa thống nhất khái niệm, nội hàm của quyền tham gia của trẻ em. Quan niệm về quyền tham gia của trẻ em ở nước ta hiện nay chủ yếu tập trung vào tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu cơ chế và chuẩn mực về sự tham gia của trẻ em.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Công ước này quy định rằng các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do bày tỏ những quan điểm về những vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em, những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích ứng với độ tuổi và độ trưởng thành của trẻ em. Từ thực tiễn trên, nhiều quốc gia đã xây dựng các chương trình hành động vì trẻ em nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em vào tiến trình ra quyết định, phát triển các chính sách có liên quan, cũng như sự đóng góp của trẻ em cho gia đình và cộng đồng. Mặc dù khái niệm sự tham gia của trẻ em khá đa dạng tùy thuộc vào từng bối cảnh, tuy nhiên các khái niệm đều có điểm chung là hướng đến việc trẻ em được tham vấn, đóng góp ý kiến, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến trẻ em.
Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 khẳng định trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được tham gia vào các vấn đề của trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Các quyền tham gia của trẻ em được thực hiện đầy đủ sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ em. Trẻ em được làm quen với ý nghĩa của sự dân chủ, bình đẳng và tôn trọng, phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm, góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng và quan trọng hơn sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.
Luật Trẻ em 2016 dành riêng 1 chương để quy định rõ, đầy đủ, cụ thể về các điều kiện bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em. Theo quy định của Luật trẻ em 2016, trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện. Thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật. Tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em. Bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.
Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện quyền trẻ em được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật[1]. Quyền được tham gia của trẻ em được quan tâm chú trọng hơn thông qua việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó có 3 chỉ tiêu quy định về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em[2].
Vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được thể hiện qua nhiều khía cạnh quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo và phát triển quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 74, Luật Trẻ em thì trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Trong đó, Đoàn TNCS HCM đơn vị chủ chốt trong việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo và các mô hình như Hội đồng Trẻ em, nơi trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, và tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh không chỉ là tổ chức dẫn dắt, hướng dẫn trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình, mà còn là cầu nối giữa trẻ em và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Với vai trò của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định tại Điều 77, Luật Trẻ em năm 2016, Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ: Tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em, tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em; Chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; Theo dõi việc giải quyết và phản hồi cho trẻ em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
3. Thực trạng hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp
Thời gian qua, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện tốt vai trò do Luật Trẻ em quy định như: Kế hoạch thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; Kết luận số 75-KL/TWĐTN-CTTN, ngày 14/9/2018 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI về nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em giai đoạn 2018 - 2022; Đề án "Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023 - 2027"; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Hướng dẫn xây dựng và thành lập câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố...
Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tổ chức Đoàn, Đội các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, nhằm đảm bảo trẻ em được lắng nghe, tham gia và thể hiện ý kiến trong các vấn đề liên quan đến mình. Công tác này được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em.
3.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tham gia của trẻ em
Công tác tuyên truyền Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em được các cấp bộ Đoàn, Đội đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Định kỳ hằng năm, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản về Luật Trẻ em trong các hội nghị, tập huấn của các khối đối tượng, mở chuyên mục triển khai Luật Trẻ em trên website, thiết kế, ban hành các sản phẩm tuyên truyền trực quan về Luật Trẻ em tới cơ sở làm tư liệu giảng dạy, tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em, tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Luật Trẻ em trực tuyến trong học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Các tỉnh, thành đoàn đã thiết kế, phát hành các ấn phẩm truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về vai trò của Đoàn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, thực hiện Luật trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trên hệ thống website, các trang mạng xã hội do tổ chức Đoàn, Đội quản lý.
Các tỉnh, thành đoàn và cơ sở tổ chức lồng ghép tuyên truyền về Luật Trẻ em và các quy định pháp luật có liên quan đến trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, các hội nghị, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi, hội thi tìm hiểu…trong các hoạt động đều chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động.
Song song đó, tổ chức Đoàn, Đội tại cơ sở luôn quan tâm tổ chức hiệu quả hoạt động trong các Liên đội, chi đội như: sinh hoạt sao nhi đồng, sinh hoạt chi đội, liên đội theo chủ đề, chủ điểm, sinh hoạt dưới cờ, phát thanh măng non, phát huy vai trò của đội tuyên truyền măng non tại hơn 24.000 liên đội tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước… giúp trẻ em hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, trau dồi kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ mình; đồng thời lan tỏa thông tin giúp phụ huynh, giáo viên và cộng đồng nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động cụ thể để bảo đảm các quyền trẻ em nói chung và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong xã hội.
3.2. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho cán bộ phụ trách thiếu nhi và trẻ em về quyền trẻ em
Tổ chức Đoàn, Đội các cấp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức định kỳ các lớp tập huấn và cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, kỹ năng thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội. Hàng năm, Trung ương Đoàn tổ chức ít nhất ba lớp tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện quyền trẻ em cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội với sự tham dự của hàng nghìn học viên.
Bên cạnh đó, các tài liệu tập huấn chuyên biệt về quyền trẻ em cũng được Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam nghiên cứu và xây dựng, bao gồm tài liệu cho giáo viên nguồn, cán bộ làm công tác thiếu nhi và trẻ em với các ấn phẩm tiêu biểu: sổ tay Hội đồng trẻ em; sách hướng dẫn xây dựng và vận hành mô hình Hội đồng trẻ em; nghiên cứu trẻ em dưới góc nhìn trẻ em… những tài liệu này đã trở thành công cụ hữu ích trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình một cách hiệu quả.
3.3. Các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em :
Thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2017, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em". Sau thời gian thí điểm, đúc kết những kết quả triển khai từ thực tiễn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Kết luận số 01-KL/TWĐTN-CTTN ngày 14/11/2023 về việc tăng cường triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em" các cấp giai đoạn 2023 - 2027. Trên cơ sở đó, nhằm nhân rộng mô hình ra toàn quốc, Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 299-HD/HĐĐTW ngày 05/12/2023 về việc triển khai mô hình"Hội đồng trẻ em" các cấp. Trong đó, nêu rõ "Hội đồng trẻ em" được thành lập với 04 nguyên tắc, 03 nhiệm vụ và 03 quyền hạn và là tổ chức được thành lập đại diện cho trẻ em, thông qua các kỳ họp để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tùy vào đặc điểm tình hình tại các địa phương mà cơ cấu số lượng, thành phần đại biểu trẻ em tham gia "Hội đồng trẻ em" khác nhau, tuy nhiên đảm bảo số lượng không quá 70 đại biểu trẻ em đối với cấp tỉnh và không quá 30 đại biểu trẻ em đối với cấp huyện. Về tiêu chuẩn của đại biểu được áp dụng thống nhất là từ 09 đến dưới 16 tuổi, trong đó bảo đảm tính đại diện cho các địa phương trực thuộc, có cơ cấu hợp lí về giới tính, dân tộc, độ tuổi, khối lớp. Đi kèm việc thành lập "Hội đồng trẻ em" là thành lập Ban Tham vấn là lãnh đạo sở, ban, ngành đơn vị có liên quan, nhằm định hướng hoạt động và thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của "Hội đồng trẻ em".
Từ 05 mô hình thí điểm, đến nay, toàn quốc đã xây dựng được 19 mô hình "Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh, 57 mô hình "Hội đồng trẻ em" cấp huyện và phấn đấu đến năm 2027, 63/63 tỉnh, thành phố đều thành lập và triển khai có hiệu quả "Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh. "Hội đồng trẻ em" đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em. Với định kỳ tối thiểu 02 kỳ họp/ năm và diễn ra trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp, thông qua các kỳ họp và các cuộc tiếp xúc, "Hội đồng trẻ em" đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến thiết thực về các vấn đề như phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, vấn đề sân chơi cho thiếu nhi hay thậm chí là các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương có liên quan trực tiếp đến trẻ em. Những ý kiến này không chỉ phản ánh tình hình thực tế mà trẻ em đang đối mặt mà còn đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện tình trạng này. "Hội đồng trẻ em" đã giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cơ quan chức năng về các vấn đề mà trẻ em quan tâm. Việc tổng hợp và chuyển tải những ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đến các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần thúc đẩy việc ra quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ em, từ đó cải thiện các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Kết quả của "Hội đồng trẻ em" không chỉ dừng lại ở việc thu thập ý kiến mà còn thể hiện ở việc tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em ở cấp địa phương và quốc gia, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn cho trẻ em. Từ những lần được bày tỏ, hàng loạt những mong muốn, giải pháp về việc cải thiện đời sống của trẻ em đã được hiện thực hoá. Đơn cử là vấn đề sân chơi thiếu nhi, kể từ sau khi tiếp thu ý kiến trẻ em, từ năm 2018 đến nay toàn quốc đã xây dựng mới gần 15.000 sân chơi cho thiếu nhi đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 điểm vui chơi cho thiếu nhi.
Năm 2023, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành Đề án "Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023 - 2027" trong đó đưa ra 10 chỉ tiêu cùng 06 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho tổ chức Đoàn, Đội các cấp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cho cán bộ, đoàn viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, người chăm sóc trẻ và trẻ em; tạo môi trường thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào những hoạt động, chương trình do tổ chức Đoàn, Hội, Đội thực hiện; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đóng góp vào việc xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến những vấn đề của trẻ em.
Đặc biệt, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến và chủ trì phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023, được Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Một trong những công việc được chú trọng thực hiện trước và trong thời gian tổ chức Phiên họp, góp phần quan trọng cho thành công của hoạt động là việc chỉ đạo các Tỉnh, Thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh tổ chức lấy ý kiến trẻ em; tổng hợp ý kiến của trẻ em về 02 chủ đề của phiên họp giả định là "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em" và "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng". Theo đó, trước phiên họp đã tổ chức 33 kỳ họp Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 282 kỳ họp Hội đồng trẻ em cấp huyện thảo luận về 2 chủ đề của phiên họp; có 3.118 cuộc tiếp xúc, lấy ý kiến của trẻ em. Bên cạnh đó, Hội đồng Đội Trung ương đã triển khai khảo sát, lấy ý kiến của trẻ em những nội dung liên quan đến chủ đề của phiên họp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc, kết quả đã thu được 41.476 phiếu khảo sát. Trên cơ sở tiếp xúc, lấy ý kiến của trẻ em trên cả nước, 263 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023, được chia thành 08 tổ thảo luận trực tiếp với 255 lượt ý kiến, phản ánh thực trạng tại các địa phương, cơ sở và đề xuất các nhóm giải pháp tại phiên họp toàn thể giả định. Sau khi kết thúc phiên họp giả định, các đại biểu trẻ em đã bấm nút thông qua Nghị quyết của phiên họp đặc biệt này. Mặc dù là Nghị quyết của phiên họp giả định nhưng có thể khẳng định, các ý kiến của đại biểu trẻ em được tổng hợp, xây dựng thành Nghị quyết của phiên họp đã thể hiện hết sức chân thực, phản ánh sinh động về nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, suy nghĩ chững chạc của các em; có giá trị đóng góp cho thực tiễn rất cao. Từ kết quả này, Trung ương Đoàn đã xây dựng báo cáo tổng hợp các nhóm kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trẻ em gửi đến Quốc hội và các Bộ ngành có liên quan. Một tác động cụ thể, hiệu quả ngay lập tức của các kiến nghị trong "Nghị quyết phiên họp giả định Quốc hội trẻ em" là Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nội dung: "tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện, nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng". Bên cạnh đó, Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã kiến nghị với Quốc hội nội dung đưa công tác thẩm tra việc thực hiện quyền trẻ em trở thành một nội dung bắt buộc trong quy trình thẩm tra các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội (nội dung này sẽ được xem xét khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Cùng với các mô hình, hoạt động trên, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả của hơn 35.118 câu lạc bộ Quyền trẻ em, mô hình "Hộp thư xanh", "Điều em muốn nói" trong các liên đội, trên địa bàn dân cư và trong hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi.. . qua đó giúp các em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề thiết thực liên quan trực tiếp đến trẻ em, tạo sân chơi bổ ích hỗ trợ cho việc học tập, nâng cao kiến thức xã hội và rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ em; góp phần thúc đẩy sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và xã hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như đóng góp vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em tại địa phương nói chung và các quy định, quyết định trong nhà trường nói riêng.
3.4. Công tác giám sát việc thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của trẻ em
Công tác giám sát việc thực hiện quyền trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn, Đội các cấp. Định kỳ hàng năm, Trung ương Đoàn phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các đoàn giám sát xã hội liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật Trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em tại các địa phương. Nội dung giám sát dựa trên cơ sở tổng hợp tình hình trẻ em, ý kiến và nguyện vọng của trẻ em từ các địa phương. Trung ương Đoàn cũng theo dõi và giám sát việc phản hồi các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em từ các bộ, ngành liên quan, đồng thời lồng ghép nội dung giám sát này vào đánh giá thi đua công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm. Năm 2020, Trung ương Đoàn đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến trẻ em từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Với danh sách 23.218 cán bộ đoàn cấp cơ sở, công tác giám sát đã được đẩy mạnh, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho trẻ em trên cả nước.Thực hiện nhiệm vụ thành viên Uỷ ban Quốc gia về trẻ em, hằng năm Trung ương Đoàn, Hội động Đội Trung ương tổ chức các cuộc kiểm tra giám sát tại địa phương theo chức năng nhiệm vụ và phân công của Thường trực Uỷ ban. Cấp cơ sở, các tỉnh, thành đoàn cũng tích cực tham mưu, đưa nội dung giám sát liên quan đến quyền trẻ em vào chương trình làm việc định kỳ của Ban Chấp hành Đoàn các cấp, lồng ghép trong các hoạt động kiểm tra công tác Đoàn, công tác Đội tại địa phương. Kết quả giám sát được tổng hợp và báo cáo định kỳ về Trung ương Đoàn để kịp thời xử lý và điều chỉnh chính sách phù hợp.Công tác giám sát việc thực hiện quyền trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua hoạt động giám sát, tổ chức Đoàn đã kịp thời nhắc nhở các địa phương về trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ ,chăm sóc trẻ em theo các quy định của Luật Trẻ em; các cấp Đoàn, Đội đã kịp thời phản ánh những vi phạm quyền trẻ em và phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết các vụ việc liên quan, qua đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ quyền của trẻ em. Kết quả của công tác này đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc thực hiện quyền trẻ em, đảm bảo rằng tiếng nói và nguyện vọng của các em được lắng nghe và đáp ứng. Nhìn chung, tổ chức Đoàn, Đội các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, từ công tác tuyên truyền, giáo dục đến tổ chức các hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp bộ Đoàn, các ngành và cộng đồng trong việc tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các vấn đề liên quan đến mình.
4. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo quyền tham của trẻ em
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn nhất định.
4.1. Tồn tại và hạn chế
Thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai hoạt động: Công tác đảm bảo quyền tham gia của trẻ em chưa được triển khai đồng đều trên cả nước. Ở một số địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên việc triển khai các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em chưa được tổ chức rộng rãi và hiệu quả.
Thiếu sự tham gia tích cực của trẻ em: Mặc dù nhiều mô hình và hoạt động đã được triển khai để phát huy quyền tham gia của trẻ em, nhưng sự tham gia thực chất của các em vẫn còn hạn chế. Một số trẻ em còn e ngại, chưa tự tin thể hiện ý kiến của mình, hoặc thiếu kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động này một cách hiệu quả.
Hạn chế trong công tác giám sát: Công tác giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa thật sự toàn diện và đạt hiệu quả cao. Một số ý kiến, nguyện vọng của trẻ em chưa được giải quyết kịp thời và đầy đủ. Hệ thống giám sát ở một số địa phương còn thiếu nhân lực, nguồn lực và trình độ, dẫn đến hiệu quả giám sát chưa cao.
4.2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Nguồn lực chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động: Ở một số địa phương, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi, các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em gặp nhiều khó khăn.
Nhận thức chưa đầy đủ về quyền tham gia của trẻ em: Một số cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cả cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của quyền tham gia của trẻ em. Điều này dẫn đến việc thực hiện công tác này còn hình thức, chưa tạo điều kiện cho trẻ em thực sự tham gia vào các hoạt động và quyết định liên quan đến mình.
Thiếu kỹ năng và kinh nghiệm của cán bộ phụ trách: Nhiều cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi các cấp chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm việc với trẻ em. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em và công tác giám sát.
Hạn chế trong việc tiếp cận thông tin: Ở một số khu vực, trẻ em còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về quyền của mình. Các kênh truyền thông, giáo dục chưa đến được với tất cả các em, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Điều này làm giảm khả năng tự bảo vệ và phát huy quyền tham gia của trẻ em.
Sự chưa thống nhất trong việc triển khai chính sách: Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ việc triển khai thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, nhưng việc triển khai chưa đồng bộ và chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Điều này làm giảm hiệu quả của các chính sách và chương trình hỗ trợ quyền tham gia của trẻ em.
5. Giải pháp nâng cao quyền tham gia của trẻ em trong thời gian tới
Dựa trên việc nhận diện những hạn chế và nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ em, trong thời gian tới, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và tổ chức Đoàn, Đội các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được các cấp bộ Đoàn, Đội đề ra, nhằm tăng cường vai trò của tổ chức đại diện, tiếng nói nguyện vọng của trẻ em. Trong đó tập trung triển khai có hiệu quả Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023 - 2027" và các chủ trương, chính sách, chương trình khác có liên quan. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Đội trên cả nước tăng cường triển khai một số nội dung sau:
- Thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng giúp cán bộ phụ trách thiếu nhi, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em nắm vững các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, các buổi tập huấn chuyên đề, cuộc thi tìm hiểu về quyền trẻ em để nâng cao nhận thức của trẻ em và cộng đồng về quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia nói riêng.
- Chủ động kết nối với các tổ chức xã hội, các cơ quan chức năng để phối hợp triển khai các chương trình bảo vệ quyền trẻ em một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội các cấp đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tạo các diễn đàn trực tuyến, ứng dụng di động để thu hút sự tham gia của trẻ em.
- Tích cực tham gia vào công tác giám sát việc thực hiện quyền của trẻ em, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để phản ánh kịp thời những vấn đề bất cập.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình "Hội đồng trẻ em"; phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, xin đề xuất một số kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, cụ thể như sau:
Đề xuất Quốc hội
- Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi và bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến quyền tham gia của trẻ em. Bên cạnh đó, Quốc hội cần xem xét ban hành các chính sách mới hỗ trợ trẻ em tham gia vào quá trình ra quyết định, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em.
- Chỉ đạo các Ủy ban chuyên trách giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền trẻ em, đồng thời tổ chức các phiên điều trần, thảo luận công khai để thu thập ý kiến từ trẻ em và các bên liên quan.
- Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào quá trình lập pháp. Tạo ra cơ chế, quy trình để trẻ em có thể trực tiếp hoặc gián tiếp góp ý, đề xuất ý kiến về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. Các ý kiến này sau đó sẽ được các cơ quan chủ trì xem xét khi soạn thảo, điều chỉnh luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc này không chỉ giúp nâng cao tính thực tiễn của các chính sách đối với trẻ em mà còn giúp trẻ em cảm thấy được tôn trọng, có trách nhiệm và tự tin hơn trong việc tham gia vào các vấn đề xã hội.
- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức thường phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"; chỉ đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố thường xuyên có hoạt động tiếp xúc, lắng nghe ý kiến trẻ em.
Đề xuất Chính phủ
- Chỉ đạo tăng cường phân bổ ngân sách từ trung ương đến địa phương, đặc biệt ưu tiên các chương trình bảo vệ quyền trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính từ các nguồn quốc tế, đối tác phát triển và xã hội hóa các hoạt động bảo vệ trẻ em.
- Cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và tổ chức xã hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em.
Đề xuất các bộ, ngành
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao năng lực và kiến thức về quyền trẻ em. Chỉ đạo tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo hệ thống ngành dọc, định kỳ tổ chức "Diễn đàn trẻ em" các cấp.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông để xây dựng các chương trình giáo dục cộng đồng, tuyên truyền về quyền trẻ em và trách nhiệm của xã hội trong việc bảo vệ quyền này. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam phát triển báo chí, thông tin, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và trẻ em được tham gia; thực hiện biện pháp thông tin, truyền thông cho gia đình, xã hội về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
- Các bộ, ngành liên quan cần thiết lập các cơ chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm giữa các cơ quan trong việc ban hành các chính sách ưu tiên, xây dựng, tổ chức các hoạt động nhằm bảo đảm các quyền trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát liên ngành để theo dõi và đánh giá các chương trình bảo vệ quyền trẻ em, đảm bảo các chính sách và biện pháp được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Đề xuất Uỷ ban nhân dân các cấp:
- Cần ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất tại các cơ sở Đoàn, Đội, trường học và các trung tâm sinh hoạt cộng đồng để đảm bảo các hoạt động dành cho trẻ em được triển khai hiệu quả.
- Tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các tổ chức Đoàn, Đội trong công tác tuyên truyền và giáo dục về quyền tham gia của trẻ em tại địa phương.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa các đơn vị tại địa phương trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Cần thiết lập các cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, đồng thời lắng nghe và phản hồi ý kiến của trẻ em và cộng đồng trong quá trình thực hiện.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe trẻ em trên địa bàn. Tổng hợp, tiếp nhận ý kiến trẻ em trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ nhiều cơ quan, đơn vị. Mỗi chủ thể cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ và bảo vệ quyền tham gia của trẻ em. Chỉ khi những giải pháp này được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường pháp lý, xã hội nơi mà mọi trẻ em đều có cơ hội được lắng nghe, thể hiện và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của chính mình.
6. Kết luận
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, Tuy nhiên, để đạt được sự tham gia toàn diện và hiệu quả hơn nữa, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường các hoạt động hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức và cả sự quan tâm của gia đình. Cơ hội được trải nghiệm tham gia vào quá trình ra quyết định và chấp hành các quyết định sẽ gieo hạt giống trách nhiệm, khát vọng cống hiến vào các bạn nhỏ, những công dân trẻ tuổi, chủ nhân tương lai của đất nước ý thức chia sẻ, tư duy phát hiện, giải quyết vấn đề và tinh thần tự chịu trách nhiệm. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho trẻ em mà còn góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và phát triển bền vững.
ThS. Nguyễn Phạm Duy Trang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
- 2. Luật Trẻ em số:102/2016/QH13, ngày 05/6/2016.
- 3. Chỉ thị 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ngày 25/12/2023/
- 4. Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em
- 5. Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020
- 6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII (2022 – 2027), NXB. Thanh niên, 2023.
- 7. Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2023 – 2027" ban hành kèm theo Quyết định số 233-QĐ/TWĐTN-CTTN ngày 08/8/2023 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XII.
- 8. Kết luận số 01-KL/TWĐTN-CTTN ngày 14/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tăng cường triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em" giai đoạn 2023 – 2027.
- 9. Hướng dẫn số 299-HD/HĐĐTW ngày 05/12/2023 của Hội đồng Đội Trung ương về triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em" các cấp giai đoạn 2023 – 2027.
- 10. Hội đồng Đội Trung ương, Tài liệu tập huấn: Hướng dẫn xây dựng và vận hành mô hình Hội đồng trẻ em, NXB. Thanh niên, 2017.
- 11. Báo cáo công tác tổ chức phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
- 12. Báo cáo chuyên đề công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018 - 2022 của Hội đồng Đội Trung ương.
- 13. Báo cáo tổng kết mô hình Hội đồng trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 của Hội đồng Đội Trung ương.
- 14. Lansdown, Gerison, Promoting children’s participation in democratic decision-making, No. innins01/9, 2001.
- 15. Lundy, Laura, Voice is not enough: Conceptualising Article 12 of the United Nations Convention on the Rights of the Child, British educational research journal 33.6, 2007, p927-942.
Luật Trẻ em 2016; Chỉ thị 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030... ↑
- Chỉ tiêu 22: Phấn đấu 30% trẻ em từ 07 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.- Chỉ tiêu 23: Phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.- Chỉ tiêu 24: Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. ↑