1. Đặt vấn đề
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn
lực, động lực nội sinh cho sự phát triển của xã hội. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là
trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh
mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay, yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa dân tộc, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh
vực văn hóa được coi trọng hơn bao giờ hết.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội thực
hiện chức năng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Tiếp thu tinh thần và phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt
Nam trong thời kỳ mới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp phát huy vai
trò của mình trong tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc theo hướng
chuyển đổi số, trong đó phải kể đến việc triển khai các hoạt động đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trên lĩnh vực văn hóa, tư
tưởng có tác động tiêu cực đến quan điểm, nhận thức của thanh niên, gây ảnh
hưởng trực tiếp đến việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong tham gia bảo tồn
và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Bài viết đề cập đến vai trò của Đoàn trong đấu tranh phòng, chống “diễn
biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.
2. Các
hoạt động đấu
tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hóa của tổ chức Đoàn trong
bối cảnh chuyển đổi số
2.1. Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Năm
2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày
17/6/2021 về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, Trung ương Đoàn đã ban hành văn
bản hướng dẫn tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cấp bộ Đoàn
cùng cơ quan báo chí, truyền thông của Đoàn phổ biến nội dung Bộ Quy tắc ứng xử
trên mạng xã hội đến đoàn viên, thanh niên.
Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn và các cơ quan báo chí, truyền thông của Đoàn tập trung tuyên truyền những nội dung trọng tâm sau:
* Những nội dung nên làm khi tham gia mạng xã hội
- Tìm
hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng
xã hội.
- Sử dụng
họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà
cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi
tham gia, sử dụng mạng xã hội.
- Chia sẻ
những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
- Có các
hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của
dân tộc Việt Nam;
- Khuyến
khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người,
văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người
tốt, việc tốt.
- Vận
động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo
dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn,
lành mạnh.
- Tự quản
lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức
năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo,
lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh.
* Những nội dung không được đăng tải trên mạng xã hội
- Không
đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân
phẩm ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân khác.
- Không
sử dụng ngôn ngữ phản cảm, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền,
vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh
doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật
tự an toàn xã hội.
Việc tiếp thu các nội dung Bộ Quy
tắc ứng xử trên mạng xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo
thói quen tích cực, chuẩn mực đạo đức trong các hành vi ứng xử của đoàn viên,
thanh niên trên mạng xã hội; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh
niên về an ninh mạng và biết cách phòng chống các mối đe dọa an ninh mạng trong các lĩnh vực đời sống, biết tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những
rủi ro trong môi trường mạng.
2.2. Ứng dụng phương pháp “Dữ liệu lớn” (Big Data) để khảo sát,
nắm bắt tình hình dư luận xã hội, trào lưu, xu
hướng mới của thanh niên
Công
tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt tư tưởng đoàn viên, thanh niên được các
cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên, đặc biệt là Trung ương Đoàn đã ứng dụng công nghệ và duy
trì cơ chế thông tin, báo cáo về dư luận xã hội định kỳ hàng tuần, đồng thời tổng
hợp báo cáo tình hình thanh niên, những vấn đề thanh niên đang quan tâm, xu hướng,
trào lưu trong thanh niên hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.
Trung ương Đoàn tích cực triển khai khảo sát phản ứng dư
luận, tác động xã hội thông qua phương pháp "Dữ
liệu lớn" (Big Data) liên quan đến các chương trình, đợt hoạt động lớn của
Đoàn, đặc biệt là về Tháng Thanh niên và Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, qua đó đánh
giá, lượng hóa được mức độ quan tâm của đoàn viên, thanh niên và xã hội về hiệu
quả và sức lan tỏa của các chương trình, hoạt động Đoàn. Ứng dụng đưa mạng xã
hội là cầu nối, kết nối tất cả các thanh niên thông qua việc tạo lập các nhóm
thảo luận, hội họp, làm việc, trao đổi thông tin để đoàn viên, thanh niên nắm
bắt, kịp thời triển khai các hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên.
Bên
cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tổ chức triển khai các phong trào, hoạt động bắt
nhịp được với các trào lưu, xu hướng mới trong thanh niên và cộng đồng để đi
cùng và định hướng thanh niên, như: “Nói không với rác thải nhựa”, “Hành trình
thứ 2 của lốp xe”, “Thách thức để thay đổi”... Đoàn cũng huy động có
hiệu quả những người nổi tiếng, người có uy tín trong xã hội tham gia vào các
hoạt động truyền thông nhằm định hướng, giáo dục thanh niên trên mạng xã hội.
1.3. Hình thành các kênh truyền thông chủ lực trên
không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh
niên
Thời
gian qua, Đoàn các cấp triển khai các
công cụ tuyên truyền trên mạng xã hội, góp phần tạo không gian và môi trường
lành mạnh, thúc đẩy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp cho thanh thiếu niên. Đoàn các cấp chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh
trong xã hội, khu vực, địa bàn phụ trách; phát huy những giá trị tích cực về
thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng
tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội trong thế hệ trẻ. Riêng trong năm
2022, Đoàn
Khối các cơ quan Trung ương đã phối hợp tổ chức Ngày hội “Thanh niên với văn
hóa các dân tộc Việt Nam” với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc đến từ
13 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước.
Ngoài ra, Đoàn cũng tham gia xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong cộng
đồng, nhất là trên không gian mạng. Ứng dụng Thanh niên Việt Nam tiếp tục được
đầu tư, nâng cao chất lượng, trở thành kênh thông tin bổ ích dành cho thanh
niên. Hệ sinh thái số về đào tạo kỹ năng thực hành xã hội, tư vấn tâm lý trực
tuyến cho thanh niên bước đầu được các cấp bộ Đoàn phối hợp, triển khai. Các
hoạt động thúc đẩy thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi
được chú trọng. “Ngày sách Việt Nam 21/4” diễn ra sôi nổi tại nhiều
tỉnh, thành trên cả nước.
Đoàn cũng tăng cường công
tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại thanh niên với các giải pháp cụ
thể như: cung cấp cho các đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi nước ngoài những
thông tin cần thiết, những kỹ năng cơ bản, những ấn phẩm tuyên truyền để quảng
bá, giới thiệu về đất nước mình cho bạn bè quốc tế; tổ chức cho các đoàn đại
biểu nước ngoài tham quan, khảo sát, cảm nhận thực tế đất nước, con người Việt
Nam; xây dựng chuyên mục tiếng Anh trên cổng thông tin của Trung ương Đoàn;
phối hợp với Đại sứ quán một số nước chỉ đạo tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, sinh
viên Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các lễ hội văn hóa, ngày Việt Nam...
Đoàn chủ động cung
cấp thông tin chính thống và cảnh báo các thông tin xuyên tạc trên các
kênh truyền thông của các cấp bộ Đoàn để cán bộ, đoàn viên, thanh
niên, thiếu nhi kịp thời nắm bắt thông tin, nhận diện các thông tin
xấu, độc đang bị lợi dụng xuyên tạc; góp phần quan trọng vào nhiệm
vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại các quan điểm
sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đoàn
cũng đẩy mạnh công tác truyền thông qua website và truyền thông xã hội nhằm đáp
ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo về nội dung, cách thức, truyền tải thông điệp. Sự
phát triển, bùng nổ của Internet, mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng được cải
tiến liên tục đang dần trở thành những kênh thông tin, giáo dục, giải trí không
thể thiếu đối với đoàn viên, thanh niên. Nhận thức được xu hướng này, các cấp bộ
Đoàn đã và đang tích cực xây dựng, phát triển các kênh truyền thông, phong phú
từ hình thức tới nội dung nhằm giáo dục, định hướng tư tưởng cho thanh niên một
cách hiệu quả. Những sản phẩm truyền thông trên website và mạng xã hội không
chỉ có bài viết đơn thuần mà được lồng ghép với hình ảnh, video, infographics
và podcast - một dạng phát thanh trên môi trường Internet nhằm phát triển đa
phương tiện. Các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Đoàn, lịch sử, biển đảo,… được
truyền thông rộng rãi, thường xuyên trên mạng xã hội bên cạnh việc phổ biến đơn
thuần các quyết định về cuộc thi như trước đây đã thu hút sự chú ý và tham gia của
đông đảo thanh niên, đoàn viên.
1.4.
Tổ chức hoạt động trên không gian mạng nhằm thu
hút đoàn viên, thanh nên hưởng ứng, làm theo
Trong
thời kỳ phát triển công nghiệp 4.0 như hiện nay, bằng sự sáng tạo, dám nghĩ,
dám làm, Đoàn thanh niên đã xây dựng những trào
lưu trên không gian mạng cho thanh niên, tạo xu hướng tích cực nhằm thu hút
đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, làm theo. Đáng chú ý, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã tạo
ra nhiều trào lưu, xu hướng trên không gian mạng lồng ghép với các hoạt động
của Đoàn, qua đó lan toả những trào lưu tích cực, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trở
thành hoạt động thiết thực trong đoàn viên, thanh niên.
Thực tế, từ chỉ
đạo của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc
quan tâm, chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực thực hiện các hoạt động này với nhiều
hình thức đa dạng, phong phú. Chẳng
hạn, bắt nguồn từ một trào lưu trên mạng xã hội với tên gọi tương tự, được các
bạn trẻ Việt Nam đặt một cái tên thân thiện "Dọn
rác check-in", "Thách thức để thay đổi", Trung ương Ðoàn đã biến
thành trào lưu thành một cuộc thi ảnh và phát động rộng rãi trong tuổi trẻ cả
nước. Cuộc thi ảnh "Thách thức để
thay đổi" nhanh chóng nhận được hàng triệu lượt theo dõi, bình luận,
chia sẻ trên mạng xã hội chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát động. Không
chỉ có đoàn viên, thanh niên là sinh viên, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng
tích cực từ đoàn viên, thanh niên trong khối lực lượng vũ trang, trong các
doanh nghiệp, thậm chí nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng và cả các em thiếu nhi cũng
đã tích cực tham gia. Ðể "tiếp lửa" và tránh cho "Thách thức để thay đổi" chìm vào quên lãng như một số
trào lưu trên mạng xã hội thường thấy, các cơ sở Ðoàn đã khéo léo lồng ghép
cuộc thi này vào nhiều chương trình hành động liên quan đến môi trường như "Ngày chủ nhật xanh", "Thứ
bảy tình nguyện". Nhiều thủ lĩnh Ðoàn tại các đơn vị còn sáng tạo, kết
hợp một số nội dung của cuộc thi vào các hoạt động biến điểm đen rác thành bích
họa, đổi rác lấy cây xanh, tuyên truyền kêu gọi người dân chống rác thải
nhựa,... Từ đây, sự nhiệt tình, hăng hái của tuổi trẻ đã thu hút sự quan tâm,
tham gia tích cực của một bộ phận không nhỏ người dân, những hành động tích cực
đó sẽ trở thành làn sóng có tính lan tỏa cao, tác động mạnh mẽ đến ý thức, nhận
thức của toàn cộng đồng.
Hay
nhân dịp diễn ra các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội lớn và có ý
nghĩa của đất nước và của địa phương, các cấp bộ Đoàn đã phát động đoàn viên,
thanh niên tại địa phương đồng loạt thay ảnh đại diện (avatar), ảnh bìa trên mạng
xã hội Facebook, qua đó đã có hàng ngàn cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia
truy cập thay đổi ảnh đại diện, ảnh bìa ở chế độ công khai, góp phần lan tỏa
mạnh mẽ các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước nói chung và của địa phương
nói riêng.
Ngoài ra, các cấp bộ
Đoàn ở một số địa phương còn hưởng ứng và tạo ra các trào lưu, xu hướng tích
cực trên mạng xã hội như: Trào lưu “Ngày làm việc tốt – Good Deeds Day” của
huyện Đoàn Mỹ Xuyên, Sóc Trăng; trào lưu “Tự hào là cư dân đô thị loại 2” của
thành Đoàn Sóc Trăng chào mừng thành phố Sóc Trăng được công nhận đô thị loại
II”; hoạt động gây quỹ “Tuổi trẻ Ngã Năm hướng đến đồng bào miền Trung” hay những điệu nhảy, lời hát… xuất hiện trên
khắp các nền tảng mạng xã hội đã trở thành những phong trào tốt đẹp và lành
mạnh, và còn rất nhiều trào lưu, xu hướng
tích cực khác được đông đảo đoàn viên, thanh niên cả nước hưởng ứng, làm theo... Điều này giúp đoàn viên, thanh niên
thêm nhiệt huyết, sáng tạo và gắn kết, đẩy mạnh phong trào Đoàn ngày một phát
triển hơn.
1.5. Phát động và tổ chức cuộc vận động
“Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội
Nhằm cụ thể hóa
Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ
XI, năm 2018 Trung ương Đoàn ban hành Hướng dẫn thực hiện cuộc
vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng
xã hội. Cuộc vận động nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn
viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý
tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống
đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; góp phần tạo ra
trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, xây
dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh
thiếu nhi.
Các cấp bộ
Đoàn đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động, đăng tải thường
xuyên trên các kênh thông tin của Đoàn, bao gồm các trang thông tin
điện tử, các trang mạng xã hội; tuyên truyền, vận động đoàn viên
cùng chia sẻ, lan tỏa thông tin. Tăng hàm lượng thông tin đăng tải
hàng ngày, đăng tải các thông tin tích cực, liên quan đến đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và
quá trình cụ thể hóa thực hiện của các cấp, các ngành, cơ quan,
địa phương, đơn vị; các thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội
có tác động tích cực đến suy nghĩa, quan niệm, lối sống của các
tầng lớp nhân dân và thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; các thông tin
có mục đích, định hướng tốt, có tính phản biện và tinh thần xây
dựng cao. Các cấp bộ Đội tiếp tục cụ thể hoá, nâng cao hiệu quả
hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng thông
qua mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một
tấm gương sáng” trên không gian mạng phù hợp với lứa tuổi và điều
kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Các cấp bộ Đoàn
cũng đã chỉ đạo tăng số lượng, tần suất đăng tải lên internet, mạng xã
hội những câu chuyện truyền cảm hứng về việc làm tốt, hành động
đẹp, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; những tấm
gương người tốt, việc tốt, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tấm
lòng yêu thương, nhân hậu của con người, tinh thần quả cảm, trung
thực, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì đất nước và cộng đồng;
về những tấm gương vượt khó vươn lên, thành công trong cuộc sống
và có những đóng góp thiết thực cho xã hội. Khuyến khích thiết kế
thành các ấn phẩm tuyên truyền hiện đại, như: infographic,
videoclip...về các câu chuyện hay, hành động đẹp để tăng hiệu ứng
lan tỏa, thuận tiện trong chia sẻ và tăng hiệu quả tương tác của
các thông tin trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, phát hiện, tôn vinh, kịp thời biểu dương, khen
thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động, kết hợp với
việc tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động để cổ vũ tinh thần,
lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Định kỳ hàng năm, các cấp bộ đoàn
tổ chức chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam những câu chuyện đẹp” để
tuyên dương các đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động, những tấm
gương tiêu biểu có tác động và lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
1.6. Phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm
của thanh niên trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không
gian mạng
Nghị
quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành
bởi Bộ Chính trị khóa XII, ngày 22/10/2018 khẳng định, đây là nhiệm vụ quan
trọng đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, do đó là trách nhiệm của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có lực lượng đoàn viên, thanh niên (Lê
Thị Chiên, 2021). Tính đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có khoảng 7,03 triệu đoàn
viên. Đây là lực lượng trẻ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng sức
khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường trong
nước và quốc tế. Hơn nữa, theo UNICEF, hơn 1/3 người sử dụng Internet ở Việt
Nam là người chưa thành niên và thanh niên độ tuổi từ 15 – 24 (Thu Phương,
2020). Chính vì vậy, việc phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của đoàn viên,
thanh niên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên
không gian mạng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác
thường xuyên của tổ chức Đoàn hiện nay, được thể hiện ở một số khía cạnh như
sau:
Thứ
nhất, đoàn kết, tập
hợp, vận động đoàn viên, thanh niên nâng cao cảnh giác, phê phán và phản bác
những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đoàn viên, thanh niên,
khi phát hiện các dấu hiệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch thì
không chỉ tự giác ngăn chặn, lên án mà còn là người giải thích, khuyên bảo và
vận động gia đình, bạn bè, người thân xung quanh biết đấu tranh, lên án những
luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật từ các thế lực chống phá Nhà nước,
bảo vệ bản thân không rơi vào bẫy của các thế lực chống đối và vi phạm các quy
định của pháp luật trên không gian mạng. Với mạng lưới xã hội của mỗi cá nhân,
mỗi một nỗ lực của đoàn viên, thanh niên góp phần không nhỏ làm nên một bức
tranh tổng thể trong đoàn kết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Như đã nói, với
những đặc điểm tương tác và lan truyền theo cấp số nhân trên các nền tảng mạng
xã hội, mỗi một chia sẻ, cảnh báo và kêu gọi của đoàn viên, thanh niên, của các
kênh truyền thông xã hội thuộc các tổ chức Đoàn sẽ giúp định hướng dư luận đúng
đắn, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và ngăn chặn những
thông tin xấu, độc lan truyền rộng rãi.
Thứ
hai, thúc đẩy đoàn
viên, thanh niên nhận diện, phát hiện những quan điểm, sai trái thù địch trên
không gian mạng. Đoàn viên, thanh niên là đối tượng sử dụng mạng xã hội đông
đảo và nhạy bén với các công nghệ mới. Chính vì vậy, năng lực truyền thông của
thanh niên hiện nay có thể nói là ở mức độ tương đối cao. Đoàn viên, thanh niên
không còn là những người “tiêu dùng thông tin” một cách thụ động mà ngày càng
có tư duy phản biện sắc bén đối với các quan điểm trên mạng xã hội. Nhiều đoàn
viên, thanh niên phát hiện ra các sản phẩm bị cắt ghép sai sự thật một cách
tinh vi bằng thủ thuật photoshop hay cắt ghép video, lồng giọng và gương mặt
bằng công nghệ thông minh, kiểm chứng các thông tin, lời đồn chưa rõ nguồn gốc
và chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng về các sai phạm. Ngoài ra, đoàn
viên, thanh niên đã chủ động báo cáo những nội dung xấu, độc trên các nền tảng
mạng xã hội tới những nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Youtube để chúng không
bị lan truyền và tiếp cận tới đông đảo người dùng, đặc biệt là trong các hội
nhóm, nơi rất khó để các cơ quan chức năng kiểm soát về nội dung và bình
luận.
Thứ ba, khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên tham gia viết
bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan
điểm sai trái thù địch trên không gian mạng.
Thứ tư, thiết lập đội hình
thanh niên tình nguyện tuyên tuyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông
tin xấu, độc trên mạng xã hội.
1.7. Xây dựng và duy trì hiệu quả chuyên
mục “Chống tin giả”, “Thời luận”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên các
kênh báo chí trực tuyến của Đoàn
Trong
năm 2023, các cơ quan báo chí của
Đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bám sát thông báo kết luận của
Ban Bí thư Trung ương Đoàn năm 2023; tuyên truyền trọng tâm đúng với tôn chỉ,
mục đích của các tờ báo, tập trung tuyên truyền tốt về hoạt động kỷ niệm các
ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, giới thiệu về các
gương thanh niên điển hình trong mọi lĩnh vực. Các cơ quan báo chí của Đoàn, các nền tảng số của Đoàn - Hội - Đội tăng
cường các tuyến bài, chuyên trang, chuyên mục giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên các báo, tạp chí của Đoàn. Đặc biệt, các cơ quan báo chí của
Đoàn đã tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; duy trì chuyên
mục Chống tin giả, tin xấu độc và mở thêm chuyên mục Bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Báo Tiền phong), chuyên mục Thời luận (Báo Thanh Niên) trên báo in và báo điện
tử; có nhiều tin bài đấu tranh, phản bác các quan điểm phản động, chống phá,
bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Vũ
Thơ, 2023).
Các đơn vị báo chí Trung ương
Đoàn đã tích cực dịch chuyển xu hướng từ báo in truyền thống về các nền tảng
số. Các báo tiếp tục phát triển các kênh thông tin trên các nền tảng
mạng xã hội để chuyển đổi hình thức tuyên truyền, lan tỏa các bài viết
từ báo in, báo điện tử lên mạng xã hội. Báo điện tử có nhiều bước tăng trưởng
mới, có sự đổi mới và ứng dụng công nghệ vào báo điện tử; tích cực sản xuất các
tác phẩm hiện đại, thu hút được độc giả và khẳng định vị thế, uy tín của báo
(Vũ Thơ, 2023).
1.8. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng
cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh
trên không gian mạng cho cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng
Thông
qua các buổi tọa đàm, truyền thông, tập huấn do tổ chức Đoàn triển khai, cán bộ
Đoàn các cấp được truyền đạt các nội dung nhận diện, đấu tranh chống các quan
điểm sai trái, thù địch và những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đông đảo cán bộ Đoàn đã được thông tin tổng quan về tình hình phát triển
cũng như những tác động, ảnh hưởng của internet, mạng xã hội đến đời sống xã hội; những yêu cầu cấp thiết của việc bảo vệ đất
nước, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, cán bộ Đoàn
được trang bị các kiến thức, kỹ năng nhận
diện, biện pháp, hình thức đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các
thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng; tập huấn
quy trình đấu tranh trên không gian mạng; kỹ năng tạo lập trang, nhóm Facebook,
Zalo để tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực...
Các kiến thức được chia sẻ, truyền
đạt sẽ giúp cán bộ Đoàn khai thác hiệu quả tối đa các tính năng, tiện ích của
không gian mạng để phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình
mới và góp phần triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
3. Kết luận
Có thể khẳng định, Đoàn TNCS có vai trò quan trọng trong tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên
lĩnh vực văn hóa thông qua các hoạt động: Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Ứng dụng phương pháp “Dữ liệu
lớn” (Big Data) để khảo sát, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, trào lưu, xu
hướng mới của thanh niên; Hình thành các kênh truyền thông chủ lực trên không gian
mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên
truyền, định hướng tư tưởng cho thanh niên; Tổ chức hoạt động
trên không gian mạng nhằm thu hút đoàn viên, thanh nên hưởng ứng, làm theo;
Phát
động và tổ chức cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện
đẹp” trên mạng xã hội; Phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của thanh niên
trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; Xây
dựng và duy trì hiệu quả chuyên mục “Chống tin giả”, “Thời luận”, “Bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng” trên các kênh báo chí trực tuyến của Đoàn; Bồi dưỡng,
cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp
tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng cho cán bộ làm công tác
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nhìn chung, hiệu quả đạt được của các hoạt động này được Đảng, Nhà nước
và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Điều này cũng có nghĩa tổ chức Đoàn
đã góp phần to lớn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thời gian tới, Đoàn cần tiếp tục kiên trì triển khai các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trên không gian mạng và phát huy hiệu quả phong trào
"Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp"; Kết hợp chặt chẽ
giữa sự tham gia của hệ thống trang mạng xã hội của Đoàn và sự tham gia đồng
hành của các cơ quan báo chí, truyền thông, các trí thức, văn nghệ sĩ trẻ, các
facebooker, youtuber, tiktoker là người trẻ tuổi có sức thu hút lớn trên mạng
xã hội để tạo ra các trào lưu, xu hướng lan tỏa các giá trị văn hóa truyền
thống trên không gian mạng, phản bác các thông tin xấu, độc, xuyên tạc; Phát
triển và nâng cao hiệu quả kết nối của các fanpage, trang mạng xã hội của Đoàn từ
Trung ương đến cơ sở; tiếp tục xây dựng và phát triển các trang mạng xã hội,
kênh thông tin có quy mô lớn của tổ chức Đoàn thực sự trở thành những kênh chủ
chốt trong bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa dân tộc trên internet, mạng xã
hội, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng mạng; đồng thời tiếp tục
triển khai hiệu quả Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng".
Viện Nghiên cứu Thanh niên
Tài liệu tham khảo
1.
Lê Thị Chiên (2021), Phát huy vai trò của Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch, Tạp chí Cộng sản, số tháng 3/2021.
2. Nguyễn Thị Quỳnh
Hoa (2024), Vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số, Đề
tài khoa học cấp Bộ
3.
Thu Phương
(2020), Cần trang bị cho trẻ em kỹ năng sử dụng an toàn
trên môi trường mạng, Cổng
Thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt nam https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44315
4. Vũ Thơ (2023), Cơ quan báo chí của Đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ
chính trị, Báo điện tử Thanh niên,
https://thanhnien.vn/co-quan-bao-chi-cua-doan-da-thuc-hien-tot-nhiem-vu-chinh-tri-185231229180406237.htm