Vai trò của sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện đề án 1371

Thứ ba, 26/11/2024 - 09:19

Là người cha của lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và mong muốn Quân đội khẳng định vai trò trong tiến trình cách mạng của dân tộc.

Trải qua quá trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta luôn xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân đội đã phát huy tốt truyền thống gắn bó máu thịt với Nhân dân, làm tốt công tác dân vận, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, đòi hỏi Quân đội tiếp tục nêu cao vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Đảng thấm sâu vào nhận thức, hành động của quần chúng nhân dân. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 7 năm 2021 phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (dưới đây gọi tắt là "Đề án 1371").

Thực hiện Đề án 1371 là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, chiên sĩ toàn quân, trong đó vai trò của sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số ở tầm quan trọng đặc biệt. Là một bộ phận quan trọng của sĩ quan Quân đội nhân dân, đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nói chung, trong trong thực hiện Đề án 1371 nói riêng. Trong đó, sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trực tiếp quyết định đến thành công Đề án 1371 trong Quân đội. Bởi vì, đây là lực lượng được đào tạo, bồi dưỡng trong một quy trình chặt chẽ và có ưu thế hơn hẳn về sự am tường văn hóa, hiểu biết sâu sắc phong tục tập quán các dân tộc trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh so với đội ngũ sĩ quan khác.

"Vai trò: theo Từ điển tiếng Việt là "chức năng, tác dụng của cái gì hoặc của ai trong sự vận động phát triển của nhóm của tập thể nói chung"[1]. Vận dụng vào xem xét vai trò sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện đề án 1371 với nhiệm vụ đặc thù - là một lực lượng đặc thù trong Quân đội có thể quan niệm: Vai trò sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện Đề án 1371 là tổng hòa các biểu hiện về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tác dụng của đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 1371 đề ra.

Là thế hệ sinh ra khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, được thụ hưởng nền giáo dục cách mạng, hiện đại, trong bối cảnh sự phát triển cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước, Quân đội chăm lo giáo dục, đào tạo căn bản, có ưu thế vượt trội so thế hệ trước về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, "kỹ năng mềm", về pháp luật... Đồng thời, là lực lượng gần dân, am hiểu về đặc điểm, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án 1371 khẳng định rõ: "Xác định Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong tham mưu, triển khai thực hiện Đề án. Huy động mọi nguồn lực, kết hợp chặt chẽ với các chương trình, đề án có liên quan do các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện". Ngoài vai trò chung của Quân đội - với tính cách là "lực lượng nòng cốt trong tham mưu, triển khai thực hiện Đề án" - sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số còn có những biểu hiện đặc thù, cụ thể như sau:

Một là, là lực lượng trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án 1371. Vai trò này được biểu hiện rõ nét ở đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy trong các cơ quan đơn vị cấp cơ sở. Với chức trách, nhiệm vụ được giao đội ngũ này, một mặt, thường xuyên quán triệt Đề án 1371 và cùng với cấp ủy, chỉ huy cùng cấp để đưa vào nghị quyết định kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, kế hoạch của người chỉ huy và cơ quan triển khai thực hiện. Mặt khác, là người trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án 1371.

Hai là, là lực lượng trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án 1371 ở đơn vị và địa phương. Đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số là chính trị viên, cán bộ chính trị ở cơ quan chính trị, cán bộ quân sự cấp phân đội và tương đương đều được cơ cấu trong tổ giáo viên giảng dạy chính trị, pháp luật, báo cáo viên, thông tin viên. Đội ngũ này, là lực lượng trực tiếp truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, định hướng quá trình phát triển, phẩm chất, năng lực sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nói chung và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của họ nói riêng. Với tư cách là nhà giáo dục, lại là người đi trước được đào tạo cơ bản trong các học viện, trường sĩ quan, ngoài trình độ tri thức, đội ngũ này còn có nhiều kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn phong phú. Họ có đủ điều kiện để truyền thụ, trang bị những tri thức pháp luật, kinh nghiệm cho người học theo chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật hàng năm; đồng thời, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhận thức được mục đích học tập, rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật; từ đó chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, là lực lượng nòng cốt trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để tạo ra sự chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân dân ở cơ sở thực hiện Đề án 1371. Mục tiêu của phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân. Thực hiện mục tiêu này, khâu mở đầu để tạo sự đột phá đó là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động tầng lớp nhân dân tạo ra sự chuyển đổi về nhận thức chấp hành pháp luật. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi có nhận thức đầy đủ, thông suốt và sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của chấp hành pháp luật thì mọi người mới tích cực, tự nguyện, tự giác tiếp nhận các phổ biến, giáo dục, tuyên truyền.

Thứ tư, là lực lượng chủ yếu tham gia khảo sát nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thuộc phạm vi của Đề án tại địa phương, cơ quan đơn vị mình. Là lực lượng tại chỗ, am tường địa bàn và là con em các dân tộc thiểu số, lực lượng sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số tham gia vào các đoàn điều tra, khảo sát đánh giá tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; tình hình ý thức chấp hành pháp luật và nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, Nhân dân để xác định phương hướng, nội dung, giải pháp và các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Vai trò nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện Đề án 1371 còn được biểu hiện ở việc kiểm tra đánh giá chất lượng kết quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đánh giá chất lượng kết quả là một khâu không thể thiếu trong quá trình thực hiện Đề án 1371. Đây là vấn đề quan trọng, nó có ảnh hưởng đến động cơ, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Hoạt động này sẽ kém chất lượng, hiệu quả nếu như không có sự đánh giá đúng đắn, khách quan, khoa học của đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện Đề án 1371. Trên cơ sở đó, tham gia nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thuộc phạm vi của Đề án trên địa bàn.

Thứ năm, là lực lượng quan trọng trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước về trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật ở cơ sở. Xuất phát từ việc âm mưu ngăn cản mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trước hết là xây dựng tinh thần "thượng tôn pháp luật", những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch dùng mọi chiêu thức thủ để xuyên tạc mục tiêu đó; đồng thời dùng mọi thủ đoạn để hạ thấp vai trò, trách nhiệm của các chủ thể và lực lượng, trong đó có Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số nói riêng thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Cụ thể, trên các diễn đàn, hội nhóm kín, họ rêu rao rằng, Quân đội thực hiện Đề án 1371 là không đúng chức năng, nhiệm vụ; là "lấn sân", "bao biện, làm thay" các cơ quan Tuyên giáo, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; hoặc Quân đội không đủ nguồn lực, nhất là nhân lực để thực hiện Đề án 1371… Vì vậy, ưu thế là lực lượng nòng cốt, với vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số với lý luận sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của bản thân, luôn tiền phong trong nhận diện, đấu tranh hiệu quả với những luận điệu sai trái trên của những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.

Trước những yêu cầu ngày càng cao và thời gian thực Đề án 1371 không còn nhiều, việc khẳng định vai trò sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện Đề án: "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" là cơ sở khách quan để các chủ thể, lực lượng có phương hướng, giải pháp khả thi nhằm phát huy vai trò của sĩ quan trẻ người dân tộc thiểu số trong thực hiện Đề án 1371./.

Đại úy Nông Quốc Việt - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng


  1. Từ điển Tiếng việt, Nxb Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 1994, tr. 742.