Vai trò của thanh niên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ ba, 25/02/2025 - 14:09

Bài viết đề cập tới vai trò của thanh niên đối với việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, với âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ XHCN, các thế lực thù địch chống phá đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Chúng cho rằng CNXH đã lỗi thời lạc hậu, thế giới đương đại là thế giới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việt Nam đi lên CNXH là lạc đường, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại, rằng Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải dũng cảm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là những luận điệu sai trái, thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn, cần phê phán, bác bỏ, đây cũng là nội dung và nhiệm vụ rất cơ bản của công tác lý luận chính trị, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của lực lượng thanh niên.

1. Nhận thức về CNXH và tính tất yếu trong con đường đi lên CNXH của Việt Nam

Vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên CNXH và kiên định con đường đó, điều này càng được thể hiện rõ hơn qua các thời điểm mang tính chất bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đường lối xây dựng CNXH của Đảng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, phù hợp với tiến trình phát triển và điều kiện lịch sử nhất định của từng thời kỳ. Từ những năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định rõ con đường cách mạng của nước ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”1.

Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó và trước hết là đổi mới tư duy lý luận, Đảng đã nhận thức sâu sắc hơn về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên CNXH và con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở nước ta. Trong Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Đảng khẳng định từ CNTB lên CNXH phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, là một tất yếu khách quan; thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN nên càng phải lâu dài và khó khăn hơn. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức bỏ qua chế độ TBCN, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại... Các Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII sự bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện về nhận thức thời kỳ quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN được tiếp tục và có những đóng góp mới vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH hiện thực. Gần nhất, Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đề ra định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”2.

Hiện nay, quá trình xây dựng CNXH của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh của sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã và đang làm thay đổi mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội. Tính toàn hóa, quốc thế hóa ngày càng chặt chẽ. Các quốc gia trên thế giới, dù theo các thể chế chính trị khác nhau đều ở trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh CHH, HĐH đất nước, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH. Do đó, quá độ lên CNXH là con đường phát triển hợp quy luật khách quan. Sau CNTB nhất định phải là một xã hội tốt đẹp hơn - đó là chế độ CNXH. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và sẽ tạo ra tiền đề vật chất cho những nước có thu nhập trung bình như Việt Nam khả năng bỏ qua CNTB quá độ lên CNXH nếu biết tranh thủ, vận dụng nó.

Nhận thức đúng điều đó, Đảng đã kịp thời đề đưa ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng XHCN. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua. Việt Nam từ một nước nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá tốt dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động qua các thời kỳ (giai đoạn đầu đổi mới 1986 - 1990 mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 4,4%/năm, giai đoạn 1991 - 2000 tăng trưởng GDP bình quân đã đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trưởng GDP bình quân là 5,95%/năm)3. Quy mô nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỉ USD thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 343 tỉ USD. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt về vật chất và tinh thần. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 101,9 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.284 USD, tốc độ tăng trưởng đạt 5,05%. Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi. Các chỉ số xếp hạng do các tổ chức quốc tế công bố thời gian gần đây đều được cải thiện đáng kể và cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.…

Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát về CNXH. Điều này được tổng kết trong

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”4.

2. Sự xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Quan điểm sai trái, thù địch là quan điểm không đúng, sai sự thật, lừa bịp, thường được viết, trao đổi và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đặc biệt là mạng xã hội với mục đích đánh lừa nhằm gây thiệt hại cho một cơ quan, tổ chức hoặc một người nào đó hoặc để đạt được về mặt tài chính hoặc chính trị. Dạng quan điểm này thường được thể hiện dưới lối viết giật gân, không trung thực hoặc dùng các tiêu đề bịa đặt để tăng lượng công chúng theo dõi. Mục đích của việc thông tin sai lệch làm cho niềm tin của công chúng vào Đảng, Nhà nước, vào xã hội… bị nghi ngờ, giảm sút, công chúng bức xúc, hoang mang.

Ngay từ ngày đầu thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh tính kiên định nền tảng tư tưởng ấy, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại, giành lại độc lập dân tộc và đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng. Lợi dụng sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, đảng viên, chúng rêu rao luận điệu “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa, ngay cả các cán bộ cấp cao”… làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ bị lầm tưởng, hoang mang, dao động dẫn đến, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, dẫn đến “Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; Không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”5.

Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học và phản động. Mục đích của chúng muốn xóa bỏ CNXH, thay đổi thể chế chính trị, hướng lái nước ta từ bỏ con đường đi lên CNXH. Những luận điệu sai trái, xuyên tạc này tác động làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân, thanh niên hồ nghi, bi quan, dao động, suy giảm niền tin vào CNXH, vào con đường đi lên CNXH mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Chính vì lẽ đó trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.

3. Phát huy vai trò của thanh niên trong đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng, chúng ta cần nâng cao nhận thức chính trị và nhận diện đúng các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cần khẳng định rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”6. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”7.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn khách quan, kiên định con đường đi lên CNXH là tiếp nối thành quả cách mạng của nhân dân ta và nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử. Để tiếp tục góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, mỗi đoàn viên, thanh niên cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Một là, cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; tiếp tục phát triển, vận dụng những giá trị ưu việt của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Hai là, cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Phải có ý thức chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều; đồng thời “không tin”, không nghe”, “không làm theo” với những thông tin xấu, độc, thông tin xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ của các thế lực thù địch.

Ba là, mỗi đoàn viên, thanh niên, nhất là cán bộ đoàn cần thực hiện tốt việc nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường tuyên truyền những giá trị ưu việt của CNXH, những thành quả đã đạt được trong thực tiễn đời sống xã hội, giúp nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, biết phân biệt phải, trái, đúng, sai, khẳng định lòng tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, sáng suốt, kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trong mọi mặt của đời sống xã hội, với những phương thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn, đặc biệt cần đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Bởi lẽ, hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng những sai sót, vướng mắc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành, những biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhiều khi chỉ là vô ý trong nhận thức và những khó khăn khách quan tác động, để dựng lên những câu chuyện xuyên tạc, tạo ra tin đồn đoán gây xáo trộn tư tưởng trong Nhân dân, để tạo dư luận xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Có thể khẳng định rằng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên phải tin tưởng vững chắc vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời kiên quyết đấu tranh và phản bác những quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

-------------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr. 2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021 t.II, tr.328.

3. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.28.

6. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.

7. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.37-38.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh - Toàn tập (2011), Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội

 TS. NGUYỄN VĂN QUYẾT*-- HOÀNG LIỄU MINH HƯỜNG** - VANG THANH DŨNG***

*Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Công tác Thanh thiếu niên **,***Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam