
1. Vai trò của thanh niên trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng thanh niên là lực lượng xung kích trong các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), lực lượng thanh niên đã tích cực tham gia vào các phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”, thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Như Hồ Chí Minh đã viết trong bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên cứu quốc toàn quốc lần thứ hai, “Thanh niên là rường cột của nước nhà…Thanh niên sẽ góp phần quan trọng vào việc quyết định tương lai của nước ta, xây dựng một xã hội chủ nghĩa tươi đẹp”.1
Với sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, họ đã đóng góp không nhỏ vào các chiến thắng quan trọng như chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ra bước ngoặt lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo thống kê từ Bộ Quốc phòng, tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng kháng chiến trong thời kỳ này chiếm khoảng 70% tổng số quân đội nhân dân.2
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), thanh niên tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đi đầu trong các phong trào như “Thanh niên xung phong” và “Năm xung phong”. Họ là lực lượng chính trong quân đội và các hoạt động dân sự quan trọng, không chỉ tham gia chiến đấu mà còn đóng góp vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho kháng chiến. Thống kê của Trung ương Đoàn cho thấy, từ năm 1965-1975, có hơn 1,5 triệu thanh niên đã tham gia vào các đội xung phong giải phóng miền Nam và chiến đấu bảo vệ đất nước.3
2. Vai trò của thanh niên trong bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thanh niên đã nhanh chóng thích ứng với những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội. Họ trở thành lực lượng tiên phong trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ mới, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ nhất, thanh niên là rường cột của nước nhà, là lực lượng kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc4
Luật Thanh niên 2020 xác định Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi5. Thanh niên Việt Nam có mặt ở tất cả các địa bàn, các lĩnh vực của đời sống xã hội, là lớp người trẻ tuổi, có sức trẻ, sức khỏe, luôn năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Thanh niên là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha ta, là lực lượng tiếp sức cho thế hệ cách mạng đi trước.
Những năm qua, thanh niên Việt Nam đã nỗ lực, chăm chỉ, sáng tạo, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đóng góp trực tiếp vào bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua rất nhiều các phong trào, chương trình hành động cụ thể: Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”; Phong trào “Xung kích bảo vệ Tổ quốc”; Phong trào “Thanh niên tình nguyện”; Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”,...
Các phong trào tiêu biểu trên đã thể hiện được trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong kế thừa, phát huy sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hàng loạt các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng tự hào dân tộc góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao được ý thức nhận thức của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Thứ hai, thanh niên là lực lượng xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Trong thời kỳ đổi mới, “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”6. Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thanh niên sẽ là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được thực hiện hiệu quả với sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên như:
Tháng Thanh niên năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” được triển khai rộng khắp trong các cấp bộ đoàn với nhiều hoạt động lớn được tổ chức. Việc ứng dụng thường xuyên công nghệ thông tin và chuyển đổi số được thực hiện tích cực, kết quả có 285.611 tin, bài viết về Chiến dịch, trong đó báo điện tử và trang tin 54.714 tin, bài; mạng xã hội: 210.253; các diễn đàn: 13.695. Tổng lượt tiếp cận về các tin bài trong Chiến dịch là 305.947.576 lượt7.
Hành trình “Sinh viên Việt Nam với biển đảo Tổ quốc” năm 2023: Tổ chức 02 hành trình cho thanh niên tới thăm quân và dân Huyện đảo Trường Sa, Nhà dàn DKI, gồm Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cho 80 đại biểu thanh niên và Hành trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” gồm 200 đại biểu cán bộ Hội và sinh viên tiêu biểu. Trong khuôn khổ hành trình, các đại biểu đã tới thăm, giao lưu, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên các đảo tại Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I8.
Hiện nay, không ít bạn trẻ có trình độ học vấn cao luôn sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, địa đầu Tổ quốc, biên giới hải đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Điều đó chứng tỏ, phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay nhận thức tốt và sẵn sàng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với Tổ quốc.
Chương trình vận động xây dựng “Nhà văn hoá cộng đồng” cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người). Từ năm 2020 đến nay, chương trình đã triển khai được 13 chặng, đạt gần 9 triệu km đi bộ, chạy bộ (tương đương gần 9 tỉ đồng). Riêng trong năm 2023, 06 chặng Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” được tổ chức và đã xây dựng được 04 Nhà văn hoá là La Ha (Sơn La), Bố Y (Lào Cai), Mảng (Lai Châu), Pà Thẻn (Tuyên Quang). Tổng giá trị xây dựng 04 Nhà văn hoá là 04 tỷ đồng (01 tỷ đồng/nhà).9
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp còn tích cực đảm nhận, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, huy động thanh niên góp sức trẻ và trách nhiệm của mình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Những thách thức đối với thanh niên từ bối cảnh tình hình mới trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế, thanh niên Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Những thách thức này đòi hỏi thanh niên không chỉ nâng cao nhận thức mà còn cần trang bị kiến thức, kỹ năng để đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một là, sự xâm nhập của các tư tưởng phản động, lối sống thực dụng, và chủ nghĩa cá nhân
Một trong những thách thức lớn nhất mà thanh niên hiện nay phải đối mặt là sự xâm nhập của các tư tưởng phản động, lối sống thực dụng và chủ nghĩa cá nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII): “một bộ phận thanh niên có xu hướng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng sai trái và lối sống thực dụng từ các thế lực thù địch”.10 Những ảnh hưởng này chủ yếu đến từ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nơi mà các thông tin sai lệch và phản động dễ lan truyền, làm suy giảm lòng tin vào Đảng, Nhà nước của một số thanh niên.
Bên cạnh đó, sự xâm nhập của các giá trị thực dụng từ văn hóa phương Tây đã tạo ra tình trạng một bộ phận thanh niên dần chuyển hướng từ những giá trị cộng đồng, tập thể sang chủ nghĩa cá nhân. Điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ với các vấn đề xã hội và làm suy yếu tinh thần đoàn kết, điều quan trọng trong việc xây dựng một xã hội chủ nghĩa.
Hai là, thị trường lao động cạnh tranh
Với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thanh niên ngày nay đối diện với những áp lực lớn từ thị trường lao động cạnh tranh. Theo Niên giám thống kê 2023, “tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động phân theo nhóm tuổi từ 15-24 tuổi chiếm 2,72% (sơ bộ năm 2023)”11. Điều này gây áp lực lớn đối với thanh niên trong việc tìm kiếm việc làm ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và tự động hóa đã làm thay đổi bản chất của nhiều ngành nghề, dẫn đến việc một số công việc truyền thống trở nên lỗi thời, đòi hỏi thanh niên phải liên tục cập nhật kỹ năng mới. Như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nhận định trong báo cáo năm 2020, “khoảng 60% công việc hiện nay có thể bị thay thế bởi tự động hóa trong 10-20 năm tới, tạo ra nhu cầu lớn về đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là thanh niên”.12
Ba là, thách thức về giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục, nhưng vẫn còn những thách thức về chất lượng giáo dục, đặc biệt là đào tạo kỹ năng thực tế cho thanh niên. Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, “hệ thống giáo dục vẫn còn tồn tại bất cập, chậm đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt là đối với việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên”.13 Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp do thiếu kỹ năng thực tiễn và kinh nghiệm. Điều này đã dẫn đến tình trạng - thừa thầy, thiếu thợ - trong nhiều ngành nghề. Theo Niên giám thống kê 2023, “tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên chiếm 0,78% (sơ bộ năm 2023)”14. Điều này đặt ra yêu cầu về việc cải cách giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao năng lực thực tế cho thanh niên.
Bốn là, khủng hoảng về đạo đức và giá trị sống
Ngoài những thách thức về kinh tế và giáo dục, thanh niên Việt Nam còn đang đối mặt với những khủng hoảng về đạo đức và giá trị sống. Sự phát triển nhanh chóng của xã hội và công nghệ số đã góp phần tạo ra một số hiện tượng thanh niên bị cuốn vào lối sống thực dụng, theo đuổi vật chất và danh vọng mà bỏ qua những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một số hiện tượng tiêu cực như bạo lực học đường, lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội đang trở nên phổ biến hơn trong một bộ phận thanh niên. Những điều này không chỉ gây lo ngại về sự suy giảm đạo đức mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển xã hội bền vững trong tương lai.
4. Giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Tỷ lệ thanh niên Việt Nam trong tổng số dân cả nước chiếm số đông, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những vị trí đòi hỏi sức trẻ, sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định, cần: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát
huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”15. Muốn khơi dậy trong thanh niên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Nhóm giải pháp về nhận thức
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của thanh niên
Trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức Đoàn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức, phương tiện đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của thanh niên. Tăng cường tuyên truyền về vai trò tiên phong của thanh niên trong lịch sử.
Các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cần tăng cường tuyên truyền về các giải pháp, mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu ở lĩnh vực khác nhau đã được tuyên dương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tạo niềm tin trong thanh niên và xã hội. Song hành với đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua các kênh truyền thông, tăng cường tuyên truyền, truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của tuổi trẻ. Khi được truyền cảm hứng sẽ trở thành động lực thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam hành động với quyết tâm lớn để thực hiện được những mục tiêu xây dựng đất nước.
Hai là, mỗi thanh niên phải tự rèn luyện, nhận thức được vai trò của bản thân đối với sự phát triển xã hội.
Mỗi thanh niên cần chủ động rèn luyện, trau dồi tri thức thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau để hiểu sâu sắc về chủ trương, đường lối, mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Sinh viên phải tự mình nâng cao nhận thức chính trị, loại bỏ các thông tin xuyên tạc, tuyên truyền đến những người xung quanh có cách tiếp nhận thông tin đúng đắn.
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục và đào tạo, khuyến khích các tổ chức thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu mới hỗ trợ thanh niên đổi mới, sáng tạo.
Cần có chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ là một nhiệm vụ quan trọng.
Tăng cường chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp. Những năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực lớn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thanh niên có nhiều ưu thế trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đòi hỏi cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện
Một là, đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp
Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030. Đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị để thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên; đồng thời chú trọng giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thu hút thanh niên quan tâm các sự kiện chính trị của đất nước.
Tạo môi trường tích cực để thanh niên rèn luyện các kỹ năng xã hội, tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tổ quốc.
Đào tạo thanh niên thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Nhà nước tạo điều kiện để thanh niên chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, gìn giữ hòa bình, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo,… tham gia vào công tác ngoại giao Nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, đối với thanh niên
Tích lũy về tri thức: Thanh niên cần phải chăm chỉ, sáng tạo, cầu thị, chủ động tích lũy tri thức, hiểu được tầm quan trọng của tri thức, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Thanh niên - tương lai của đất nước phải không ngừng học tập, sáng tạo, tiếp thu tri thức mới, công nghệ mới để trang bị một nền tảng tri thức tốt trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Tu dưỡng về đạo đức: Thanh niên phải tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong; có lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn; biết chủ động, tích cực đấu
tranh chống các biểu hiện xa rời các giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống của dân tộc. Đây sẽ là một động lực quan trọng để phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Việt Nam nói riêng.
Rèn luyện về kĩ năng: Thanh niên cần chủ động trau dồi các kỹ năng hội nhập trong thời kỳ mới. Thanh niên với bản chất năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, là đối tượng lý tưởng để tiếp thu các công nghệ mới, tham gia hội nhập quốc tế. Thanh niên hiện nay phải nhanh chóng trang bị cho mình những kỹ năng hội nhập, những tác phong của công dân toàn cầu, đóng góp vào công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kết luận
Thanh niên Việt Nam luôn giữ một vai trò và vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc, từ những cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc cho đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ, thanh niên không chỉ là lực lượng xung kích trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, mà còn đóng vai trò tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, bảo vệ lý tưởng của Đảng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, những thách thức lớn đã và đang đặt ra cho thanh niên đòi hỏi phải có những giải pháp để thanh niên phát huy tối đa vai trò của mình. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”16 - do đó, việc đầu tư phát triển thanh niên chính là đầu tư cho tương lai của đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0, thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước phát triển phồn vinh, bền vững; đồng thời duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc. Vì vậy, việc phát huy vai trò và của thanh niên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cần được đặt ở vị trí ưu tiên trong các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
-----------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 8, tr.215.
2. Bộ Quốc phòng (2004), Tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
3. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1976), Báo cáo tổng kết các phong trào thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ.
4. Báo điện tử Chính phủ (2022), Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, https://xaydungchinhsach. chinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thunguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thuxii-119221215183303574.htm
5. Quốc hội (2020), Luật Thanh niên 2020, số 57/2020/QH14, Điều 1, https://thuvienphapluat.vn/ van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-thanh-nien-so-57-2020- QH14-416260.aspx
6. Quốc hội (2020), Luật Thanh niên 2020, số 57/2020/QH14, Điều 4, https://thuvienphapluat.vn/ van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-thanh-nien-so-57-2020- QH14-416260.aspx
7. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2024), 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác Đoàn năm 2023, https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/xaydung-doan/10-su-kien-hoat-dong-tieu-bieu-cong-tacdoan-nam-2023
8. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2024), tlvd.
9. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2024), tlvd.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
11. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.198
12. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2020), Báo cáo lao động và thị trường việc làm Việt Nam năm 2020, ILO.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
14. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.198
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội
16. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 8.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2015), Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, https://tulieuvankien.dangcongsan. vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-42- cttw-ngay-2432015-cua-ban-bi-thu-ve-tang-cuong-sulanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-162
2. Báo điện tử Chính phủ (2022), Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, https://xaydungchinhsach. chinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thunguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thuxii-119221215183303574.htm
3. Bộ Quốc phòng (2004), Tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
4. Bộ Quốc phòng (2005), Tổng kết các phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. Quốc hội (2020), Luật Thanh niên 2020, số 57/2020/QH14, https://thuvienphapluat.vn/vanban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-thanh-nien-so-57-2020- QH14-416260.aspx
11. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2020), Báo cáo lao động và thị trường việc làm Việt Nam năm 2020, ILO.
12. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội.
13. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1976), Báo cáo tổng kết các phong trào thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ.
14. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2017), Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên giai đoạn 2012-2017.
15. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2024), 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác Đoàn năm 2023, https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/xaydung-doan/10-su-kien-hoat-dong-tieu-bieu-cong-tacdoan-nam-2023
ĐINH QUANG MINH* - NGUYỄN QUỲNH NGA**
*CN. Chuyên viên Văn phòng - **TS. Giảng viên Khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế, ĐH Thái Bình