TNV- Với lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bao thế hệ người Việt Nam “gạn đục, khơi trong” trở thành những giá trị tinh thần vô giá, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Văn hóa truyền thống đã đồng hành với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lực, văn hóa đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc trở thành mũi nhọn xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, làm thất bại, âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Sự nghiệp đổi mới đất nước đạt được 30 năm với những thành tựu quan trọng, to lớn trên các lĩnh vực, việc phát huy vai trò của văn hóa trong thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn hiện nay là cần thiết, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần làm chủ của quần chúng nhân dân trong công cuộc kiến thiết nước nhà, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình,không muốn chiến tranh xảy ra nhưng do chính hoàn cảnh lịch sử, yêu cầu của cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, giặc giã buộc dân tộc ta phải vùng lên đấu tranh, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống mà biết bao thế hệ người Việt Nam tạo dựng, vun đắp, xây trồng. Chính nhờ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà quần chúng nhân dân mới phát huy được năng lực, sở trường của bản thân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phát huy vai trò của văn hóa truyền thống để thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn hiện nay về thực chất là phát huy mọi ý kiến, đóng góp, công sức của các tầng lớp nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là quá trình thống nhất biện chứng giữa nhận thức và làm chuyển hóa ra bên ngoài thông qua những hành động, việc làm cụ thể. Quá trình đó, quần chúng nhân dân luôn tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào những công việc chung của nông thôn, kiết thiết đưa ra những thiết chế, dự thảo đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ổn định chính trị, xã hội. Những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do lực lương siêu nhiên nào đem đến, mà những giá trị đó được hình thành, phát triển từ chính thực tiễn đấu tranh chống lại thiên nhiên, quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc như: lòng yêu nước, tinh thần yêu thương con người, đoàn kết, cố kết cộng đồng đã phát huy cao độ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, những giá trị đó lại được soi chiếu vào mỗi hành động việc làm của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, giàu đẹp. Giữa giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn hiện nay luôn có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau, có phát huy cao độ sức mạnh của tập thể, của phong tục, tập quán quê hương mới làm cho nông thôn đổi mới, thực hiện được các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước đề ra. Ngược lại, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới là đem lại quyền lợi cho người dân, phục vụ cho người dân, cho nên những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc đó cần phải được lan toả, thẩm thấu vào trong mọi đời sống sinh hoạt của người dân, để không ngừng củng cố, bồi đắp lòng tự hào truyền thống dân tộc cho mọi người dân Việt Nam.
Để phát huy vai trò của những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc để thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn hiện nay, theo tôi cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.
Thứ nhất, nâng cao giá trị văn hoá truyền thống dân tộc đến mọi người dân Việt Nam.
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, đa phần người dân đã nhận thấy vai trò, vị trí và tầm quan trong của những giá trị văn hoá truyền thống, đã tích cực, chủ động trong bảo vệ, tìm tòi những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và không ngừng giữ gìn, phát huy nó trong giai đoạn hiện nay. Những hiện tượng văn hoá lai càng, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục dân tộc đều bị lên án, tẩy chay, loại bỏ ra khỏi đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nhân dân đã tham gia có hiệu quả vào Chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, tham gia vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, sinh hoạt, hội hè… Qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào trong mỗi người dân và cũng nâng tầm của những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới. Như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: Văn hoá còn thì dân tộc còn, mất văn hoá là mất tất cả, do đó, hơn bao giờ hết, vai trò của việc tuyên truyền, giáo dục những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc thuộc về các tổ chức, lực lượng, cơ quan chức năng ban ngành bằng những nội dung, hình thức, biện pháp khác nhau làm cho những giá trị đó thấm sâu, soi chiếu vào mỗi hành động, việc làm, suy nghĩ của người dân. Có như vậy, mới tạo được sức “đề kháng” bên trong cho mỗi một người, không đâu, và ở đâu mà sức mạnh văn hoá, tinh thần cố kết cộng đồng nó lại bền chặt như ở nông thôn Việt Nam.
Thứ hai, tổ chức phát động những chương trình, cuộc thi làm cho những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc từng bước được khơi dậy, toả sáng trong xây dựng nông thôn mới
Những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam không phải lúc nào cũng có mặt, hiện hữu xung quanh mỗi một con người, bình thường, những giá trị đó luôn ẩn náu đâu đó từ trong sâu thẳm mỗi người. Khi có tình huống, xảy ra sự biện, và được đánh thức đúng lúc, đúng chỗ, thì những giá trị đó sẽ phát huy cao độ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi cách để tuyên truyền cho văn hoá phương Tây, ngoại lai ru nhập vào nước ta, thì việc làm sống lại những giá trị đó là cần thiết, để chống lại văn hoá lai căng đó, bảo vệ nền văn hoá Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã được bao thế hệ người Việt Nam tạo dựng, vun trồng, xây đắp nên. Việc tổ chức những chương trình, cuộc thi đó một mặt thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân, kích thích, cổ vũ, động viên, tạo động lực cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, còn là thông điệp để nhắc nhở, giáo dục các thế hệ người dân Việt Nam hãy biết trân trọng, giữ gìn những gì đã có, đừng có đánh mất nó, bởi đó là tấm thẻ căn cước để mỗi chúng ta không tự đánh mất mình trong một chỉnh thể phức tạp, đa dạng, nhiều chiều như hiện nay. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch và sự đầu tư thỏa đáng cả về cơ chế, kinh phí, nhân lực… cho phát triển văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng văn hóa vùng nông thôn.
Thứ ba, t ăng cường bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; coi trọng và phát huy những đóng góp của các nghệ nhân dân gian; tôn vinh các bản, xã, gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa.
Để có được đội ngũ cán bộ hiểu về những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và biết cách tuyên truyền, giáo dục về những giá trị đó đến mọi người dân là điều không hễ dễ dàng trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra như vậy, do đó, cần lựa chọn những cán bộ chuyên trách về văn hoá, hiểu được những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, biết cách khơi dậy đúng lúc, đúng chỗ, đặt nó trong tổng thể các mối quan hệ xã hội để có những nội dung, biện pháp tuyên truyền giáo dục thuyết phục, đi vào lòng người. Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI Đảng ta đã chỉ rõ: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở.
Nông thôn Việt Nam chính là nơi hội tụ và toả sáng những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, không nơi nào và chỗ nào những giá trị đó lại được thăng hoa đến độ rực rỡ như ở nông thôn Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên tạo dựng mối quan hệ gắn bó với các nghệ nhân dân gian ở mỗi vùng địa phương để khơi dậy trong họ năng lực, sở trường của bản thân, có những sáng kiến, đóng góp trong việc giáo dục, bồi dưỡng, nhắc nhở các thành viên trong gia đình giữ gìn những phong tục, tập quán, lối sống của gia đình, quê hương, xã hội, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế -văn hóa - xã hội
Đây là giải pháp rất quan trọng có tác động trực tiếp đến việc phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc để thực hiện quy chế dan chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. Quá trình phát triển, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế - văn hoá - xã hội, đây là yếu tố đảm bảo tính bền vững trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó những tiêu chí về văn hóa phải đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mà yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống là hạt nhân duy trì sự bền vững trong quá trình phát triển nông thôn ở mỗi vùng. Kinh tế phát triển là để phục vụ cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, mỗi bước tiến về kinh tế, là sự nâng lên về đời sống của nhân dân lên một tầm cao mới. Đây là mối quan hệ khăng khít giữa những giá trị truyền thống văn hoá dân tộc với kinh tế, đòi hỏi, mỗi chủ thể giải quyết song song, hài hoà mối quan hệ này. Đảng ta đã khẳng định: Chăm lo phát triển đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân gắn liền với sự ổn định đời sống, kinh tế phát triển. Đời sống của nhân dân được nâng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, đóng góp vật chất, tinh thần vào những thiết chế văn hoá của nông thôn, làng xã. Đẩy mạnh, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ gia đình phát triển mọi mặt theo đúng luật pháp của nhà nước; gắn việc tu bổ, xây dựng các thiết chế văn hoá với các dự án, kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cũng như của quá trình hội nhập, mở cửa hiện nay.
Thứ năm, xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh là “cái nôi” hình thành, nuôi dưỡng mỗi con người
Với văn hoá dựng nước 4000 năm, chúng ta có bề dày về những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đó là tinh hoa của dân tộc được kết tinh, gạn đục khơi trong qua biết bao thăng trầm của lịch sử, của sự hy sinh sương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Những giá trị đó, cần phải được lưu giữ, quảng bá, và bổ sung rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi một dân tộc, quốc gia đều có nền văn hoá của riêng mình, chính văn hoá đó, làm cho mỗi quốc gia, dân tộc tồn tại, phát triển. Đối với dân tộc ta, đó là nền văn hoá thăng hoa, rực rỡ nhất, chói ngời nhất, biểu tượng cho sức mạnh, ý chí con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh vô địch trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh gắn với xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa con người với các thiết chế văn hoá… Cuộc cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ, với sự chiếm lĩnh của không gian mạng, đã làm cho văn hoá bên ngoài xâm nhập vào nước ta một cách nhanh chóng, vì vậy, trong quá trình tiếp biến với văn hoá nước ngoài, đòi hỏi, mỗi một chủ thể cần lựa chọn cho mình một nền văn hóa chủ đạo, định hướng cho hành vi, đạo đức, lối sống của con người. Nếu không có sự định hướng như vậy, rất dễ bị tiêm nhiễm bởi thứ văn hoá phi vô sản vào mỗi con người, từ đó, quên đi văn hoá truyền thống dân tộc. Thực tiễn, hiện nay có bộ phận không nhỏ giới trẻ đã và đang bị tiêm nhiễm bởi những trào lưu văn hoá nước ngoài như: thần tượng các ngôi sao ca nhạc một cách thái quá; ăn mặc theo phong cách của các ca sĩ nước ngoài… Do đó, vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về vai trò, vị trí của những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giới trẻ…
Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã được hơn 30 năm với những thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, làm cho thế và lực của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được giữ vững, củng cố, trong đó có vai trò rất lớn của những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc để định hướng, mở đường cho những bước đi của dân tộc; những giá trị đó đã phát huy tác dụng của mình trong việc khơi dậy trí sáng tạo, năng lực của các tầng lớp nhân dân trong phát huy quyền làm chủ, tính dân chủ của mình trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
TS. Trần Hồng Hải
Học viện Chính trị