Vai trò văn hóa gia đình trong hình thành nhân cách của thanh niên Việt Nam hiện nay

Thứ hai, 25/03/2024 - 15:00

NCKH - Sự hình thành nhân cách mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng của gia đình và nhà trường, rồi được thử thách và trưởng thành nhờ xã hội. Nền tảng giáo dục của gia đình là cần thiết để hình thành nhân cách của thanh niên Việt Nam. Theo đó, cần thấy rõ vai trò của văn hóa gia đình trong sự hình thành nhân cách của thanh niên Việt Nam hiện nay.

Gia đình là tổ ấm - nơi tràn đầy tình yêu thương ruột thịt, vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, thực hiện chức năng phát triển nòi giống vừa là trường học đầu tiên cho sự hình thành, phát triển nhân cách trẻ thơ để trở thành người trưởng thành. Hiện nay, trước tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm cho văn hóa gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ từ truyền thống sang hiện đại. Văn hóa truyền thống gia đình là nơi mà mỗi người được sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc suốt cuộc đời. Nhìn chung văn hóa gia đình Việt Nam vẫn đang trong quá trình kế thừa, phát huy những giá trị cao quý của gia đình truyền thống và có sự chọn lọc, tiếp nhận những giá trị tiên tiến, hiện đại.

Thanh niên đang là giai đoạn hoàn thiện, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn nhân cách. Đặc biệt, ở độ tuổi này là sự nhảy cảm với cái mới, sôi nổi, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, song thiếu chín chắn, vốn sống, kinh nghiệm sống còn hạn chế, tâm lý, tính cách chưa ổn định. Tuy nhiên, đối tượng thanh niên đều được nuôi dưỡng, giáo dục bởi môi trường gia đình, mang đậm văn hóa gia đình và truyền thống quê hương. Quá trình sống, lao động, học tập, công tác trong môi trường nhà trường và xã hội sẽ là cơ sở giúp thanh niên rèn luyện, phát triển toàn diện bản thân. Trong đó, văn hóa gia đình có vai trò quan trọng, củng cố, hình thành nhân cách của thanh niên Việt Nam. Theo đó, vai trò của văn hóa gia đình trong sự hình thành nhân cách của thanh niên Việt Nam được biểu hiện trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, văn hóa gia đình giáo dục tri thức, lòng yêu nước, tinh thần vượt khó cho thanh niên. Trong mọi thời đại, ở mọi xã hội luôn xác định mục tiêu giáo dục con người hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (1). Ngày nay, trong gia đình các bậc cha mẹ luôn đề cao yêu cầu tri thức đối với con cái. Nếu không đủ mọi điều kiện thực hiện vai trò này thì họ luôn tìm cách, tạo điều kiện để con cái được tiếp cận và học hỏi thêm ở những cơ sở đào tạo theo xu thế chung của xã hội.

Trải qua các thệ hệ gia đình Việt Nam luôn anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột; gan dạ, quật cường không chịu khuất phục bởi thiên tai bão, lũ. Thông qua những khó khăn, vất vả đã chứng minh tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là mệnh lệnh không lời cho các thế hệ thanh niên nối tiếp truyền thống gia đình trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, văn hóa gia đình giúp giáo dục nhân cách, văn hóa, đạo đức vun đắp tình thương yêu con người cho thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt (2). Bởi gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên; với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động... trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam.

Tình yêu thương của các thành viên sống trong gia đình sẽ tác động mạnh mẽ đến không gian sinh hoạt, học tập, công tác của thanh niên. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Gia đình với vai trò là thiết chế xã hội đầu tiên chịu trách nhiệm với việc xã hội hóa trẻ em, truyền thụ những giá trị văn hóa và xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy”. Chỉ thị 06-TW/CT của Ban Bí thư khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc… Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”(3). Dù mỗi vùng miền trên đất nước có nền văn hóa đặc thù, tác động tới thế hệ thanh niên khác nhau. Tuy nhiên, thanh niên luôn thấm nhuần văn hóa truyền thống của gia đình, trong giáo dục, buồi dưỡng tâm hơn, tinh thần, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội. Thanh niên luôn có tinh thần nhiệt huyết, trí tuệ, xung kích, sáng tạo, có ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục khó khăn, sống có lý, có tình.

Thứ ba, thông qua truyền thống văn hóa gia đình giúp hình thành ý thức cộng đồng, chấp hành pháp luật của thanh niên . Cùng với quan hệ gia đình, gia đình Việt Nam luôn đề cao ý thức cộng đồng , chú trọng đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội. Mỗi gia đình luôn gắn bó chặt chẽ với làng xã, cộng đồng và đất nước. Nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi gia đình, không chỉ xoay quanh những nhu cầu và lợi ích của các thành viên trong gia đình mà còn là với làng xã và rộng hơn là dân tộc. Mỗi gia đình luôn coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc , trọng tình nghĩa, sống chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “lá lành đùm lá rách”...  Từ truyền thống gia phong của gia đình Việt Nam luôn kính trên, nhường dưới, tôn trọng người khác trong gia đình sẽ là cơ sở giúp thanh niên nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập, rèn luyện ở nhà trường và xã hội; luôn giữ vững, phát huy truyền thống gia đình, làng xóm, lối sống trung thực, giản dị, gần gũi từ chất men của gia đình và quê hương. Thông qua, môi trường giáo dục gia đình giúp cho thanh niên luôn có ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, các quy định làng, xóm, địa phương nơi cư trú.

Thứ tư, văn hóa gia đình giúp tạo dựng ý thức tôn trọng những giá trị truyền thống lịch sử, hình thành lối sống có nền nếp, trật tự, gia phong cho thanh niên. Thông qua chức năng giáo dục của gia đình cùng nhà trường và xã hội đã giúp truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động; sống chí nghĩa, chí tình, thủy chung son sắc…. Đây là những truyền thống quý báu góp phần tạo dựng nền tảng cho việc giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của thanh niên Việt Nam. Trong những thành tố của văn hóa gia đình, việc tổ chức cuộc sống có nền nếp, trật tự, gia phong; việc dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình thuộc các thế hệ rất quan trọng, bởi thông qua đó, các thế hệ đi trước truyền thụ cho con trẻ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người. Nhân cách, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến thanh niên.

Hiện nay, trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”; sự suy thoái về đạo đức, lối sống; sự phai nhạt về mục tiêu, lý tượng cách mạng đang diễn ra ở một số ít thanh niên. Đòi hỏi, phải tiếp tục giữ gìn, phát huy những phẩm chất quân nhân cách mạng thông qua những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của gia đình.

Hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024). Chúng ta cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Đây là lực lượng cần phải được sự chăm lo, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục gia đình giữ vai trò quyết định tới sự thành phẩm chất, nhân cách; bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, lập trường giai cấp của thanh niên. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, Tập I, tr.170.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.300.

(3) Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, tr.1-2.

ThS Phạm Hồng Hải