Đưa quân vào hay rút quân ra?
Khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến kéo dài 20 năm trong cảnh tượng hỗn loạn và chết chóc những ngày gần đây, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Do cựu Tổng thống Donald Trump đã tiến hành một thỏa thuận với Taliban vào năm ngoái về việc rút quân nên Tổng thống Biden khẳng định ông không còn lựa chọn nào ngoài việc hoặc tiếp tục thỏa thuận mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm, hoặc điều hàng chục nghìn binh lính quay lại Afghanistan khiến tính mạng họ bị đe dọa trong "cuộc chiến bất tận". Nói cách khác, đây là quyết định giữa việc đưa quân vào và rút quân ra.
Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters
Giữa việc rút toàn bộ quân và leo thang xung đột không hồi kết, Tổng thống Biden khẳng định rằng trên thực tế, không có sự lựa chọn bởi ông biết rõ từ lâu người Mỹ đã không còn "ảo tưởng" về cuộc chiến tranh Afghanistan và muốn rút khỏi đây hơn. Thỏa thuận rút quân mà cựu Tổng thống Trump để lại khiến Tổng thống Biden phải cố gắng chia sẻ trách nhiệm trong quyết định này.
"Chỉ có một thực tế ảm đạm duy nhất, hoặc tuân theo thỏa thuận để rút quân, hoặc leo thang xung đột và đưa thêm hàng nghìn quân Mỹ quay lại chiến đấu ở Afghanistan, tiếp tục bị cuốn vào thập kỷ thứ ba của cuộc xung đột", Tổng thống Biden nhận định khi Taliban chiếm được Kabul vào giữa tháng 8.
Dù vậy, một số quan điểm chỉ trích cho rằng có những giải pháp thay thế mà mặc dù không làm hài lòng tất cả mọi người nhưng sẽ không dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của Taliban, đồng thời có thể tránh được thảm họa đang diễn ra hiện nay ở Kabul và các tỉnh khác.
Một số quan chức, trong đó có cả những nhà lãnh đạo quân sự hiện nay của Lầu Năm Góc như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, hay Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng việc duy trì một lực lượng khiêm tốn từ 3.000 - 4.500 quân cùng với việc sử dụng các máy bay không người lái và hỗ trợ trên không có thể giúp các lực lượng an ninh Afghanistan tiếp tục trì hoãn Taliban và không khiến người Mỹ gặp rủi ro.
"Đây là một giải pháp thay thế, có thể ngăn chặn sự phá hủy và có thể giúp chúng ta đảo ngược một số thành quả mà Taliban đạt được những năm gần đây", Tướng David H. Petraeus, chỉ huy về hưu của lực lượng Mỹ tại Afghanistan và là cựu Giám đốc CIA nhận định.
"Với việc quân đội Afghanistan chiến đấu trên trận địa và Mỹ hỗ trợ trên không, lực lượng này sẽ có thể chống đỡ được mà không tổn thất nhiều về tính mạng và tài sản", cựu quan chức Mỹ đánh giá.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ một giải pháp thỏa hiệp giữa 2 lựa chọn đưa quân vào và rút quân ra khi cho rằng, điều đó chỉ khiến ngày càng có nhiều cuộc chiến hơn. Trong bài phát biểu ngày 27/8, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trên thực tế, chỉ có thể lựa chọn giữa đưa hàng chục nghìn binh lính Mỹ quay lại nơi mà tính mạng họ bị đe dọa và rút quân khỏi Afghanistan.
"Dĩ nhiên có cả những lựa chọn khác nhưng mỗi lựa chọn đều dẫn đến những hệ quả của nó. Đó là quan điểm của tôi", bà Jen Psaki cho hay.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Connecticut Christopher S. Murphy, người ủng hộ quyết định rút quân của Tổng thống Biden cho rằng những người ủng hộ việc duy trì một số lượng binh lính Mỹ ở Afghanistan là những người đã không thể chiến thắng cuộc chiến trong 2 thập kỷ này, song lại vẫn muốn tiếp tục điều đó mặc dù "chúng ta đã thua trong 6 - 8 năm qua".
"Mỗi người đều có một kế hoạch. Nhưng tôi đã làm việc trong vấn đề này đủ lâu để hiểu các kế hoạch này đều tồi tệ. Thực tế này là không thể thoát khỏi được".
Người cuối cùng quyết định chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan?
Ông Biden là Tổng thống thứ ba quyết định chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc xung đột khiến hơn 2.400 binh lính Mỹ và 240.000 người Afghanistan thiệt mạng cũng như tổn thất khoảng 2.000 tỷ USD.
Gần 100 binh lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan trong 5 năm qua. Cho tới khi các cuộc đánh bom do ISIS-K thực hiện trong tuần này ở sân bay Kabul khiến 13 lính Mỹ thiệt mạng, quân đội Mỹ chưa chịu tổn thất nào về nhân mạng kể từ khi thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Trump được ký kết.
Theo thỏa thuận dài 4 trang được ký hồi tháng 2/2020, ông Trump đã đồng ý rút toàn bộ quân Mỹ vào 1/5/2021, dỡ bỏ trừng phạt và hối thúc thả 5.000 tù nhân mà chính phủ Afghanistan giam giữ, dù sau đó điều khoản này đã bị cắt bỏ khỏi thỏa thuận. Trong khi đó, Taliban cam kết sẽ không tấn công quân đội Mỹ trong quá trình rút quân, cũng như sẽ không để các nhóm khủng bố sử dụng Afghanistan như một căn cứ để tấn công vào Mỹ.
Trong khi Talibam đồng ý trao đổi với chính phủ Afghanistan thì không có gì được công bố công khai như một phần trong thỏa thuận ngăn cản Taliban kiểm soát đất nước bằng vũ lực như lực lượng này từng thực hiện, cũng như tái áp đặc các quy định hà khắc lên phụ nữ. Đây là một sự mặc cả một chiều mà cựu cố vấn an ninh quốc gia dười thời cựu Tổng thống Trump - ông H.R. McMaster gọi là "thỏa thuận đầu hàng".
Theo thỏa thuận trước đó, cựu Tổng thống Trump đã giảm số lượng binh lính Mỹ ở Afghanistan từ 13.000 xuống còn 4.500 người. Ông Trump cũng ký một bản ghi nhớ gửi tới Lầu Năm Góc chỉ thị rút toàn bộ lực lượng còn lại vào 15/1 trước khi rời nhiệm sở nhưng đã bị các cố vấn can ngăn. Thay vào đó, cựu Tổng thống Trump yêu cầu rút quân xuống còn 2.500 binh lính trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông mặc dù trên thực tế số lượng binh lính còn lại là 3.500 người.
Với Tổng thống Biden, kế thừa một lực lượng “khiêm tốn” như vậy ở Afghanistan đồng nghĩa với việc các chỉ huy còn rất ít quân để đáp trả những cuộc tấn công của Taliban nhằm chống lại các lực lương của Mỹ.
Trong khi hầu như không còn lựa chọn bởi thỏa thuận của cựu Tổng thống Trump, Tổng thống Biden đã quyết định sẽ rút quân khỏi Afghanistan bất kể tình tình ra sao và thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với ABC News rằng: "Tôi sẽ cố gắng tìm cách rút lực lượng này" thậm chí cả khi người tiền nhiệm của ông đã không đàm phán được một thỏa thuận với Taliban.
Quan điểm của Tổng thống Biden được định hình bởi những kinh nghiệm khi ông còn là Phó Tổng thống vào năm 2009 khi phản đối quyết định tăng cường lực lượng tạm thời ở Afghanistan của cựu Tổng thống Obama. Những thành viên đảng Dân chủ từng làm việc với Tổng thống Biden cho biết quan điểm của nhà lãnh đạo này về Afghanistan được củng cố khi ông nhậm chức hồi tháng 1 và các cố vấn hiện tại của ông biết rằng điều đó không thể trì hoãn. Tuy nhiên, các cố vấn của Tổng thống Biden cho biết trong khi ông Biden có lập trường mạnh mẽ về vấn đề này thì ông cũng tham gia vào quá trình đánh giá chính sách cẩn thận để xem xét những quyết định của mình, cũng như tìm kiếm những giải pháp thay thế mặc dù ông nhiều lần khẳng định sẽ "làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu".
Con đường đi đến quyết định cuối cùng
Tổng thống Biden đã bổ nhiệm ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia là người điều hành việc đánh giá giữa các cơ quan về chính sách Afghanistan. Đội ngũ của Tổng thống Biden đã cân nhắc đến những lựa chọn khác, trong đó có việc duy trì một lực lượng nhỏ nhằm thực hiện các chiến dịch chống khủng bố hoặc hỗ trợ các lực lượng an ninh của Afghanistan nhưng sau đó cho rằng đây là "quan điểm bất khả thi" và điều đó khiến việc huy động thêm binh lính sẽ còn tiếp diễn. Họ cũng đã thảo luận xem liệu có thể tái đàm phán thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Trump để đạt được thêm một số nhượng bộ hay không nhưng Taliban đã tuyên bố rằng lực lượng này sẽ không quay lại bàn đàm phán và coi thỏa thuận dưới thời Tổng thống Trump là sự ràng buộc duy nhất.
Các cố vấn của Tổng thống Biden cũng cân nhắc đến việc mở rộng thời hạn rút quân cho tới mùa đông và xây dựng một sự chuyển giao ít nguy hiểm hơn cho chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, các chuyên gia về an ninh đã cảnh báo Tổng thống Biden rằng việc rút quân diễn ra càng lâu sau khi quyết định được thông báo thì tình hình càng trở nên nguy hiểm hơn.
Theo các cố vấn, điều có ảnh hưởng đặc biệt tới Tổng thống Biden là một loạt các đánh giá của các cơ quan tình báo cho thấy Nga và Trung Quốc muốn Mỹ tiếp tục "sa lầy" ở Afghanistan.
Cuối cùng, các quan chức đều cho rằng mỗi lựa chọn cuối cùng đều dẫn đến một trong 2 giải pháp - đó là rút toàn bộ lực lượng hoặc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài và nguy hiểm với nhiều binh lính hơn.
"Tổng thống Biden về cơ bản phải đối mặt với vấn đề tương tự như cựu Tổng thống Trump và câu trả lời của ông ấy cũng tương tự vậy: Chúng ta sẽ không quay trở lại đây, chúng ta sẽ rút quân", Vali Nasr, cố vấn cấp cao của Richard C. Holbrooke, đặc phái viên của cựu Tổng thống Obama tại Afghanistan và Pakistan nhận định.
Ở thời điểm này, quyết định đã được đưa ra và không thể rút lại được nữa. Tổng thống Biden đã có chọn lựa của riêng mình. Ông muốn trở thành tổng thống chấm dứt cuộc chiến dài nhất nước Mỹ. Dù đúng hay sai, ông đã đưa ra quyết định và tiếp tục thực hiện nó mà không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: New York Times