Nem chua Ba Lượt và Lạp xưởng Ba Lượt ở xã Bình Thuận là sản phẩm OCOP 3 sao vừa được huyện Văn Chấn công nhận tháng 10/2024. (Ảnh:Đức Thành).
Theo đó, 13 sản phẩm OCOP đã có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP, GMP, ISO...), gồm: Gạo nếp tan Tú Lệ, Cam Đường canh Văn Chấn đạt chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap; Đại lão vương trà - Bạch trà Suối Giàng, Đại lão vương trà - Hoàng trà Suối Giàng, Đại lão vương trà - Diệp trà Suối Giàng, Đại lão vương trà – Hồng trà Suối Giàng, Trà táo mèo Shan Thịnh, Xịt massage Quốc Kỳ, Kẹo C táo mèo Shan thịnh, Gel Massage Quốc kỳ (Chứng nhận ISO); Tuyết sơn trà Suối Giàng của Hợp tác xã Suối Giàng và Lục Bách Niên, Hồng Liên Shan của HTX du lịch nông trại chè hữu cơ Lien Shan Suối Giàng được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP.
Ngoài ra, còn một số sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện được chú ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, có quy trình sản suất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có công bố mã vạch mã số và tem truy xuất nguồn gốc; tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, gắn với lợi thế của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, dịch vụ du lịch nông thôn,... Hiện các sản phẩm này đang len lỏi tiêu thụ ở thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tiêu biểu như sản phẩm OCOP: Rượu mơ Vương Việt; Rượu chuối hột Vương Việt;..
Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mở rộng được thị trường tiêu thụ
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhờ chú trọng nâng cao quản lý chất lượng tiên tiến nên các sản phẩm OCOP trên vẫn đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm đã ký kết hợp đồng với các siêu thị, đại lý ngoài tỉnh như sản phẩm: Tuyết Sơn Trà Suối Giàng; Đại lão vương trà - Bạch trà Suối Giàng; Đại lão vương trà - Hoàng trà Suối Giàng; Đại lão vương trà - Diệp trà Suối Giàng; Trà táo mèo Shan Thịnh, Xịt massage Quốc Kỳ, Kẹo C táo mèo Shan thịnh, Gel Massage Quốc kỳ;...
Cũng theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, trong tháng 10 vừa qua, huyện vừa công nhận 04 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đưa tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 30 sản phẩm, trong đó có 13 sản phẩm đạt 3 sao và 17 sản phẩm đạt 4 sao. Bên cạnh đó là 05 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ, hiện đang trình tỉnh thẩm định đánh giá công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Như vậy, so với chỉ tiêu phát triển mới 03 sản phẩm trong năm 2024 thì đến nay huyện Văn Chấn đạt vượt chỉ tiêu đề ra và có nhiều khả năng sẽ đạt 09 sản phẩm mới, vượt 3 lần kế hoạch.
Được biết, để đạt kết quả trên, ngay từ đầu năm (ngày 15/1/2024) Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn đã sớm ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Văn Chấn năm 2024, trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các cấp, các ngành và nhân dân; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững; củng cố, nâng cấp, định hướng phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Đồng thời, cử cán bộ phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, HTX đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đảm bảo yêu cầu gắn với hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong huyện, ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã cử nhiều đơn vị có sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện quảng bá, hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP tại Thị xã Nghĩa Lộ; Trưng bày gian hàng OCOP, sản phẩm nông nghiệp tại Lễ công bố và trao quyết định của Thủ tướng chính phủ công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới;... Nhiều sản phẩm được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Đài truyền hình Việt Nam, VTC, Thông Tấn Xã, Truyền hình địa phương, các cơ quan báo chí trung ương,..
Đề xuất hỗ trợ kinh phí đối với các sản phẩm tham gia đánh giá lại
Nhìn lại kết quả sau gần 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện, ông Phạm Thái Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn – khẳng định: Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững. "Chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội tiếp cận nhu cầu thị trường nhiều hơn. Đến nay, nhiều đơn vị đã tập trung cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng, bao bì sản phẩm giúp giảm chi phí, xây dựng giá cả cạnh tranh với các mặt hàng ngoại cùng chủng loại, nâng cao doanh thu cho các doanh nghiệp, HTX" – Phó Chủ tịch huyện nhấn mạnh.
Sản phẩm Lục Bách Niên và Hồng Liên Shan của HTX du lịch nông trại chè hữu cơ Lien Shan Suối Giàng được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn HACCP – chứng nhận HACCP là quy định bắt buộc áp dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Hoàng Sơn).
Tuy vậy, khi đề cập đến những vướng mắc khó khăn, ông Phạm Thái Sơn đã thẳng thắn nêu ra: Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã chưa thể hiện rõ trong việc rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP nên chưa đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Các địa phương cũng chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn còn yếu, các sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn về mẫu mã, tiêu chuẩn chưa rõ ràng, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hiện còn hạn chế, một số sản phẩm chưa chủ động được vùng nguyên liệu, chưa quan tâm xây dựng câu chuyện sản phẩm,...
"Trên thực tế, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn mới thành lập, trang thiết bị, hồ sơ sản phẩm còn thiếu nhiều, kinh phí còn hạn hẹp, do đó, để hoàn thiện được đầy đủ thủ tục, hồ sơ tham gia dự thi sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, nên cần có đơn vị tư vấn hỗ trợ xây dựng hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP và kinh phí hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm tham gia đánh giá lại khi không còn nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước về bao bì, mẫu mã sản phẩm,.. như lần đầu", Phó Chủ tịch huyện Phạm Thái Sơn đề nghị.
Phạm Quỳnh