Vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân dưới tác động của biến đổi khí hậu

Thứ ba, 21/11/2023 - 09:00

NCKH - Tóm tắt: Bến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân và hệ thống y tế. Vì vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân dưới tác động biến đổi khí hậu là rất lớn.

1. Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khoẻ cộng đồng

Kết quả nghiên cứu được tổ chức Germanwatch của Đức công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 25 Việt Nam tăng thêm 3 bậc theo bảng chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu, từ vị trí số 9 giai đoạn 1998 - 2017 lên vị trí số 6 giai đoạn 1999 – 2018. Kết quả này cho thấy những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai trong năm 2018 là rất nghiêm trọng. Tính trung bình trong 20 năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. (Trung tâm tin tức VTV24, 2019).

Biến đổi khí hậu có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến dịch bệnh và sức khoẻ cộng đồng. Ví dụ, nghiên cứu trường hợp ở Bến Tre phát hiện rằng tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu chiếu từ 80,8% đến 85,8% tổng số lượt khám chữa bệnh tại các xã ven biển trong khu vực. (Đặng Ngọc Chánh và nnk, 2012). Những hiện tượng biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, nắng nóng kéo dài, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí… dễ dẫn đến mắc các chứng bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm như Sars, cúm gia cầm, tiêu chảy, tả, bệnh tim mạch ở người cao tuổi, sốt xuất huyết, sốt rét... Một số bệnh chịu tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu và môi trường thông qua trung gian truyền bệnh. Ví dụ như sốt xuất huyết  hay sốt rét lây lan. Các nghiên cứu ở Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế cho thấy nhiệt độ tăng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 1°C thì tăng 3,4-4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí hậu như độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới nổi như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động Biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân và hệ thống y tế. Vì vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, vai trò của chính quyền, cộng đồng địa phương rất quan trọng. Bởi chính quyền địa phương là nơi gần dân nhất, nắm bắt nhu cầu của người dân. Chính vì vậy chính quyền địa phương là chủ thể chủ yếu trong việc lập chiến lược và kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn trong bối cảnh tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu.

2. Vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Trên cơ sở Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế giai đoạn 2019 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được ban hành kèm theo Quyết định 7562/QĐ-BYT ngày 24/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương mình. Trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, qua rà soát, có thể nhận thấy đa phần các địa phương ban hành kế hoạch có dấu hiệu sao chép, lặp lại cấu phần, nội dung của Kế hoạch của Bộ Y tế; chưa sát thực với tình hình, điều kiện của từng địa phương.

Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội về tác động của biến đổi khí hậu với công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn hạn chế nên chưa dành sự quan tâm và nguồn lực tương xứng để thực hiện.

Hệ thống văn bản quản lý nhà nước ở lĩnh vực  này vẫn chưa hoàn thiện; chủ yếu để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của cơ quan Trung ương mà thiếu tính chủ động, sáng tạo.

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe vừa thiếu, vừa yếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe chưa hiệu quả.

3. Giải pháp của chính quyền địa phương để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân

- Về công tác lãnh đạo, quản lý:

+ Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quán triệt Sở Y tế và các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, tích cực các chủ trương, chính sách của Trung ương về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ người dân. Chỉ đạo lồng ghép hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành Y tế vào các chương trình, dự án về ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh, thành phố và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện.

+ Chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là chia sẻ cơ sở dữ liệu về thời tiết, khí hậu, lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đến sức khỏe; tăng cường quản lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong các cơ sở y tế; triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng.

+ Ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nhóm về sức khỏe môi trường và cộng đồng, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị và công trình y tế, phòng chống thiên tai thảm họa. Chú trọng đến việc lồng ghép công tác chống biến đổi khí hậu vào hệ thống văn bản quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh.

- Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

+ Xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ y tế, học sinh, sinh viên trên địa bàn về biến đổi khí hậu và sức khỏe.

+ Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ trong và ngoài ngành y tế tại các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

+Phối hợp với Sở Y tế triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc xác định vấn đề đặt ra, đề xuất giải pháp  sẽ là gợi ý giúp các nhà quản lý ở địa phương trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; góp phần nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế nói riêng và chính quyền địa phương nói chung nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe con người góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.

ThS. Trương Thị Điệp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm tin tức VTV24 (2019): Việt Nam tăng thêm 3 bậc trong bảng chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu .

2. Đặng Ngọc Chánh, Lê Ngọc Diệp và Ngô Khần (2012): Biến đổi khí hậu và tình hình sức khoẻ của người dân tại một số xã ven biển tỉnh bến tre, Hội nghị Khoa học Kỹ thuật y tế công cộng – Y học dự phòng. tr 408 – 415.

3. Bộ Y tế (2018): Phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cảu ngành Y tế giai đoạn 2019 – 2030, ban hành ngày 24/12/2018. tr 1- 2.

4. Ban Chấp hành Trung ương (2017): Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

5. Thủ tướng Chính phủ (2022): Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng