1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của con người
Dựa trên cơ sở các thành tựu khoa học của vật lý học hiện đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph.Ăngghen, I.V.Lênin tiếp tục bảo vệ, bổ sung và phát triển lý luận về con người.
Thứ nhất, về nguồn gốc và bản chất con người
Về nguồn gốc con người, xuất phát từ phương pháp tiếp cận khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin luận giải đúng đắn về nguồn gốc con người. Theo C.Mác, con người là một sinh vật có tính xã hội ở trình độ phát triển cao nhất của giới tự nhiên và của lịch sử xã hội, là chủ thể của lịch sử, sáng tạo nên tất cả các thành tựu văn minh và văn hoá.
Về nguồn gốc tự nhiên - phương diện sinh học, con người là một thực thể sinh vật, là sản phẩm của giới tự nhiên, là một động vật xã hội: “Bản thân cái sự kiện là con người từ loài động vật mà ra, cũng đã quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của con vật” . Điều này có nghĩa là để tồn tại và phát triển con người cũng phải tìm kiếm thức ăn, nước uống, phải đấu tranh sinh tồn - chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên (quy luật sinh học, di truyền, tiến hóa...). Vì vậy, con người là bộ phận của giới tự nhiên đồng thời giới tự nhiên là "thân thể vô cơ của con người" - con người trong sự tồn tại và phát triển của mình chịu sự quy định của quy luật tự nhiên nhưng lại làm biến đổi giới tự nhiên và chính bản thân mình dựa trên các quy luật khách quan ấy. Bằng cách thông qua hoạt động thực tiễn, có mục đích, đó là quá trình lao động sản xuất làm biến đổi, cải biến giới tự nhiên thành “giới tự nhiên thứ hai” - xã hội con người và loài người.
Về nguồn gốc xã hội - phương diện xã hội, con người là một thực thể xã hội có các hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội đầu tiên và quan trọng nhất của con người là lao động sản xuất. Lao động chính là “điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người” . Lao động sản xuất đã góp phần cải tạo bản năng sinh học của con người. Vì vậy, lao động là điều kiện tiên quyết, cần thiết và chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển của con người kể cả phương diện sinh học và phương diện xã hội.
Như vậy, nguồn gốc tự nhiên và xã hội đều tác động đến sự hình thành con người, nhưng nguồn gốc xã hội là yếu tố quyết định quan trọng nhất, là đặc trưng bản chất để phân biệt giữa con người và con vật thông qua các đặc điểm tâm, sinh lý, nhân cách, và nhất là trong lao động. Nhờ lao động, thông qua lao động con người không chỉ tạo ra giá trị mà còn hoàn thiện bản thân mình. Người máy dù có được lập trình để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và thậm chí vượt qua khả năng của con người trong một số tác vụ nhưng chúng vẫn thiếu đi các yếu tố quan trọng như trải nghiệm con người, cảm xúc, ý thức về bản thân và khả năng cảm nhận, hiểu biết thế giới xung quanh. Chính vì vậy, các tiến bộ trong khoa học hiện đại không chỉ là những bước tiến quan trọng trong việc hiểu biết và khám phá thế giới mà còn khẳng định giá trị về lý luận nguồn gốc con người của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về bản chất con người, chủ nghĩa Mác - Lênin làm rõ bản chất xã hội của con người. C.Mác khẳng định: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản hất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” . Từ quan điểm trên, C.Mác chỉ rõ bản chất của con người không phải là một thực thể trừu tượng, mà chính là hiện thực cuộc sống của họ. Con người là một thành viên của xã hội, và thông qua các mối quan hệ xã hội, họ thể hiện bản chất của mình. Các quan hệ có nhiều loại: quan hệ quá khứ, quan hệ hiện tại, quan hệ vật chất, tinh thần, quan hệ trực tiếp, gián tiếp…v.v. Tất cả quan hệ đó hình thành nên bản chất con người. Các quan hệ xã hội thay đổi thì ít hoặc nhiều, sớm hay muộn, bản chất con người cũng sẽ thay đổi theo.
Thứ hai, về vai trò sáng tạo của con người trong lao động
C.Mác đã nhận định, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trong bộ Tư bản, ông nhấn mạnh: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp” . Mác cũng dự báo, theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí mà chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và tiến bộ kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy trong sản xuất. Vì vậy, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của xã hội, điều này được thể hiện rõ quan điểm về lực lượng sản xuất - một phạm trù rất quan trọng trong lý luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất, tạo ra sức sản xuất và năng lực thực tiễn làm biến đổi các đối tượng vật chất của giới tự nhiên theo nhu cầu nhất định của con người và xã hội. Về cấu trúc, lực lượng sản xuất được xem xét trên cả hai mặt, đó là mặt kinh tế - kỹ thuật (tư liệu sản xuất) và mặt kinh tế - xã hội (người lao động). Lực lượng sản xuất chính là sự kết hợp giữa "lao động sống" với "lao động vật hoá" tạo ra sức sản xuất, là toàn bộ những năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Là sự thể hiện năng lực thực tiễn cơ bản nhất - năng lực hoạt động sản xuất vật chất của con người.
Đặc trưng chủ yếu của lực lượng sản xuất là mối quan hệ giữa người lao động và công cụ lao động, cùng với người lao động, công cụ lao động là những phương tiện vật chất mà con người trực tiếp sử dụng để tác động vào đối tượng lao động nhằm biến đổi chúng, tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu cầu của con người và xã hội. Công cụ lao động là yếu tố vật chất "trung gian" "truyền dẫn" giữa những người lao động với đối tượng lao động trong tiến hành sản xuất. Đây chính là "khí quan" của bộ óc là tri thức được vật thể hoá do con người sáng tạo ra và được con người sử dụng làm phương tiện vật chất của quá trình sản xuất. Công cụ lao động giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động.
Trong lực lượng sản xuất, bên cạnh công cụ lao động, người lao động là nhân tố quan trọng hàng đầu, giữ vai trò quyết định, bởi vì người lao động là chủ thể sáng tạo và sử dụng công cụ lao động. Suy đến cùng, các tư liệu sản xuất chỉ là sản phẩm lao động của con người, đồng thời giá trị và hiệu quả thực tế của các cái tư liệu sản xuất phụ thuộc vào trình độ sử dụng của người lao động. Hơn nữa trong quá trình sản xuất, nếu như công cụ lao động bị hao phí và di chuyển dần giá trị vào sản phẩm, thì do bản chất sáng tạo của mình, trong quá trình lao động người lao động không chỉ sáng tạo ra giá trị đủ bù đắp hao phí lao động, mà còn sáng tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị bản thân nó. Ngày nay, người lao động là nguồn gốc của mọi sáng tạo trong sản xuất vật chất xã hội. Do đó, trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vai trò của con người là quan trọng hơn công cụ lao động. Người lao động là người quyết định việc sử dụng công cụ lao động và tạo ra sản phẩm và họ phải được kiểm soát, quản lý quá trình sản xuất.
2. Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với con người hiện nay
Trong thế giới ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm công nghệ mới đang mang lại những tiến bộ đáng kinh ngạc ở nhiều lĩnh vực, có thể giúp tăng hiệu suất, giảm bớt thời gian lao động trong quá trình sản xuất. Vì vậy, đòi hỏi cũng cần phải có một sự chuyển dịch lớn về vai trò của con người trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Một là, AI được xem là công cụ lao động mới, hiện đại, với tính năng làm việc nhanh và chính xác cao hơn con người dẫn đến thay đổi cách thức lao động, tác động đến đối tượng lao động so với lao động truyền thống. Người lao động nhiều hay ít đều sẽ làm việc với con số trên máy tính, mạng Internet, dùng các dữ liệu lớn (Bigdata) để đưa ra dự báo, quyết định và lựa chọn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, con người vẫn có thể giữ được vai trò của mình thông qua việc nâng cao khả năng lý luận sáng tạo, đưa ra quyết định giải quyết vấn đề và kỹ năng tư duy lôgic. AI chỉ có thể làm việc với những thông tin và chương trình được lập trình sẵn, nên rất cần đến vai trò của con người có thể đặt ra những câu hỏi thông minh sáng tạo, vận hành và duy trì các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Hai là, sự xuất hiện của AI với tư cách là người lao động, hoặc thậm chí có thể trở thành chủ sử dụng lao động khiến vị thế, vai trò của người lao động trong xã hội truyền thống ít, nhiều chịu sự tác động. Vị thế, vai trò của người lao động trong xã hội truyền thống và xã hội số với sự xuất hiện của AI có nhiều đổi khác. Trước kia, người lao động là nguồn nhân lực duy nhất, là chủ thể duy nhất tham gia vào quá trình lao động và quan hệ lao động trong tổ chức và xã hội. Việc thiếu vắng nguồn cung ứng lao động, hiện tượng bỏ việc, đình công, bãi công,…của người lao động, công nhân khiến các chủ sử dụng lao động và tổ chức gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện tượng cạnh tranh trong tuyển dụng, người lao động có thể bị thay thế bởi AI, cho thấy sự dịch chuyển, biến đổi vị thế, vai trò người lao động.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại một cuộc cách mạng trong lực lượng lao động và phương thức làm việc, tạo ra sự hiện đại hóa trong nhiều ngành nghề. Kết quả là, năng suất và hiệu quả lao động đã được cải thiện đáng kể. Theo tính toán của nhiều nhà nghiên cứu, việc tăng cường AI đã tạo ra một số lợi ích kinh tế ấn tượng, bao gồm 2,9 nghìn tỉ USD và 6,2 tỉ giờ năng suất lao động cho các doanh nghiệp chỉ trong năm 2021. “Công nghệ AI có thể giúp một người nhân viên bình thường trở thành một người nhân viên giỏi, thậm chí là xuất sắc và giúp một cơ quan, tổ chức trung bình thành một tổ chức lớn, thậm chí là vĩ đại” .
AI đã mang lại các phát minh tiến bộ không chỉ làm thay đổi môi trường lao động và sản xuất, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của chúng ta. Từ lĩnh vực dược phẩm đến giao thông an toàn, giáo dục, giải trí, năng lượng, thực phẩm và môi trường, AI đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiếp cận xã hội cho nhóm người tàn tật, yếu thế, cũng như trong thực thi công vụ và quản lý nhà nước. Vai trò của con người giờ đây là nâng cao đời sống tinh thần và các mối liên kết về mặt cảm xúc giữa người với người những khía cạnh thường bị bỏ quên khi con người chưa đạt được sự ổn định trong năng suất và hiệu quả kinh tế. Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích ngôn ngữ, giọng nói, tâm trạng, con người được tạo điều kiện để tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn với các khía cạnh tâm lý để xã hội có thể phát triển được hạnh phúc và bền vững.
Ba là, trong bối cảnh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đang bị phức tạp hóa với các công cụ mới được tạo bởi làn sóng AI như Deep Learning và ChatGPT, con người cần không ngừng đưa ra các chính sách và quy định minh bạch, công bằng phù hợp với thời đại để bảo vệ bản quyền của tác giả trong khi vẫn duy trì được sự phát triển và sáng tạo của AI. Bên cạnh đó, khía cạnh đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng cần cân nhắc để đảm bảo rằng AI được sử dụng và đem lại lợi ích đúng đắn cho xã hội. Ngoài ra, con người trong kỷ nguyên trí tệu nhân tạo không chỉ cần phải thích nghi với những thay đổi công nghệ mang lại cho cuộc sống mà còn phải hiểu rõ về chúng để nâng cao năng suất và chất lượng trong công việc. Và trên hết là khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ nhân tạo để tạo ra các giải pháp tối ưu hơn giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Vì vậy, việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho con người, tăng cường giáo dục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo là rất quan trọng trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo việc thu thập và xử lý dữ liệu đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng thông tin được sản xuất và chia sẻ. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải tự trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy lôgic, suy luận và khả năng kiểm tra tính minh bạch của thông tin để đảm bảo tính riêng tư và quyền lợi cho mình cùng với mọi người xung quanh. AI được tạo ra để hỗ trợ con người trong việc đạt được những thành tựu về khả năng và trí tuệ. Do đó, nhiệm vụ chính của con người là đảm bảo sự tiến bộ và tận dụng ưu điểm của trí tuệ nhân tạo mà vẫn giữ được giá trị và vai trò sáng tạo của bản thân.
3. Kết luận
Con người là một thực thể tự nhiên - xã hội có tư duy, chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vai trò này không chỉ được thể hiện trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênnin mà còn tiếp tục được khẳng định trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay. Những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người ngày càng vẫn có giá trị lớn, trở thành cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước đề ra chiến lược, chính sách chăm lo, phát triển con người toàn diện, đặc biệt là bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại, tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Thực hiện tốt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và chiến lược phát triển con người toàn diện của Đảng giúp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trương Thị Chuyền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-29-nqtw-ngay-17112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-9018, truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2024.
[2]. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.20, tr.146
[3]. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 1994, t.20, tr.641.
[4]. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.3, tr.11.
[5]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.46, phần II, tr.372.
[6]. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021), Nxb. Thông tin và Truyền thông, tr. 29.
Khoa Lý luận Chính trị , Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh