Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chính Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Thứ năm, 05/05/2022 - 21:25

TNV - Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý đất nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Muốn vậy, việc vận dụng sáng tạo, có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm phòng, chống tham ô, lãng phí được coi là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Bài viết khái quát nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí và đề xuất các yêu cầu cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Bởi Người cho rằng tham ô, lãng phí là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, “là tội ác” không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, vật chất, mà còn về mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân; từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và bảo vệ nước nhà. Người có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với "tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu"; Người thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng đối với tệ nạn này. Những lời dạy của Người vừa sâu sắc, toàn diện vừa căn bản lâu dài; vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, dễ hiểu, luôn giữ được tính thời sự và còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, lãng phí trong tình hình hiện nay.

1. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí là kết quả của quá trình nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; thu tinh hoa văn hoá nhân loại, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào điều kiện Việt Nam. Tư tưởng đó được thể hiện trên một số vấn đề sau:

1.1. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Theo Hồ Chí Minh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, gặp việc đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân” [3, tr.352]. Trong quan niệm của Người, tiết kiệm mang ý nghĩa tích cực, trái với hành vi bủn xỉn, keo kiệt, ép mọi người phải nhin ăn, nhịn mặc. Tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của bộ đội và nhân dân. Tiết kiệm “không phải là lý luận cao xa” mà là hành vi trong thực tế của bộ đội và nhân dân ta, tất cả mọi người đều phải thực hành tiết kiệm và kết quả tiết kiệm của mọi người đều góp phần cho sự nghiệp cách mạng thắng lợi.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm phải chống lại mặt đối lập của nó là tham ô, lãng phí, quan liêu. Người chỉ rõ: “Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” [2, tr.488]. Theo Hồ Chí Minh, đặc trưng của hành vi tham ô là biến “của công” thành “của tư”. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. “Của công” thành “của tư” tức là tài sản chung khi không nhằm phục vụ mục đích chung mà chỉ dành làm của riêng, quỹ riêng cho một tập thể, một địa phương. Người nhấn mạnh: Tham ô, không chỉ gây tổn hại rất lớn đến của cải vật chất mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân. “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người” [6, tr.573], “Tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta” [6, tr.574]. Theo Hồ Chí Minh lãng phí là việc quản lý, sử dụng tiền của, sức lao động, thời gian kém hiệu quả. Người cho rằng lãng phí có nhiều cách: Lãng phí sức lao động, lãng phí thì giờ, lãng phí tiền của.

Hồ Chí Minh khẳng định: Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ: Lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trôm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước của tập thể, thì lãng phí cũng có tội. Tham ô là trộm, cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất ta hại cho nhân dân, cho chính phủ, có khi còn tai hại hơn tham ô. Theo Người: Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô, cho nên muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu. Người khẳng định: “Muốn lúa tốt phải nhổ cỏ cho thật sạch, nếu không thì dù cày bừa kỹ, bón nhiều phân, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng phải nhổ cỏ cho thật sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không thì nó sẽ là hại đến công việc của ta” [2, tr.588]. Vì theo Người: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta” [2, tr.590], nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần kiệm liêm chính. “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng khoẻ mạnh thêm” [6, tr.574].

1.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vị trí, ý nghĩa của thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu

Hồ Chí Minh cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là biện pháp quan trọng để xây dựng đất nước, đưa kháng chiến đến thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh: Sản xuất mà không tiết kiệm thì chẳng khác nào gió vào nhà trống. Thực hiện kế hoach sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Nhờ vậy mà cách mạng đã thành công, kháng chiến đã thắng lợi.

Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là điều kiện góp phần xây dựng chế độ xã hội mới, nền văn hoá mới, con người mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt…thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công” [2, tr.495]. “Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính - cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ” [2, tr.496]. Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa cái đạo đức cách mạng là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu” [6, tr.579].

Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu giúp cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, bộ máy chính quyền trong sạch, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ trong sạch kiểu mẫu” [2, tr.480], trong khí đó, “Có người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng” [2, tr.496]. Do đó, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ được phẩm chất cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do vậy nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta đã đoàn kết càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm.

1.3. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ yêu cầu, nội dung, biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Người yêu cầu, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để. Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta: tiết kiệm phải từ việc to đến việc nhỏ. Mọi công việc, mọi cơ quan đều phải có kế hoạch tiết kiệm. Mọi người đều phải có ý thức tiết kiệm và phải rèn luyện thành thói quen. Người ví tham ô, lãng phí, quan liêu như cỏ dại, nếu bổ bễ, đánh trống bỏ dùi thì chẳng những không triệt được mà còn lây lan, nguy hại thêm. Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Muốn thắng lợi ở mặt trận này, cần phải có chuẩn bị thật chu đáo, có tổ chức, có kế hoạch, “có lãnh đạo và trung kiên”. Mặt khác, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Theo Người, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm phải trở thành “Một phong trào thi đua sôi nổi, rộng rãi, bền bỉ… phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc” [2, tr.432]. Người cũng cho rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu nó ngăn trở phong trào thi đua, làm cho mọi người kém nhiệt tình, kém phấn khởi “Làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua ái quốc”. Vì vậy “Mọi người và mọi ngành đều phải thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ của công, tẩy trừ nạn tham ô, lãng phí” [4, tr.47]. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí phải gắn chặt giữa xây với chống, kết hợp giáo dục, phòng ngừa với đấu tranh khắc phục, lấy giáo dục làm chính. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa “xây” và “chống”; “xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống” sẽ được xoá bỏ tận gốc, “chống nếu làm triệt để sẽ bảo đảm cho xây thành công. Người căn dặn: Cuộc vận động này lấy giáo dục làm chính: khen ngợi những người tốt, việc tốt, khuyến khích những người có khuyết điểm tự giác, tự động cố gắng sửa chữa để trở thành người tốt” [7, tr.111] “Giáo dục là chính nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” [3, tr.453].

Hồ Chí Minh khẳng định nội dung, biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Người trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Người căn dặn: “Phải ra sức tuyên truyền, giải thích…giúp mỗi một đồng bào hiểu rằng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm tức là yêu nước, tức là ích nước lợi nhà, thì phong trào ấy nhất định sẽ lan rộng ăn sâu, nhất định sẽ thành công tốt đẹp” [4, tr.349]. Theo Người: “Bước đầu là đánh thông tư tưởng…để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại cho mọi người đều hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước thế nào? vì sao phải chống nạn ấy” [2, tr.491]. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục phải được kết hợp với các hình thức sinh hoạt học tập, nghiên cứu các tài liệu, sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Chủ động và kiên quyết đấu tranh với những nhận thức giản đơn, phiến diện, những biểu hiện ngại đấu tranh như: “Một sự nhịn, chín điều lành, kiểm thảo lẫn nhau làm gì…chỉ trích lỗi của người sẽ mất đoàn kết. Ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi. Nói thật mất lòng, sẽ bị bầu bạn ghét, bị cấp trên trù…” [2, tr.492]. Mặt khác, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Theo người, quần chúng nhân dân có trăm tai, nghìn mắt, cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng. Vì vậy, cần phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngon đèn pha soi sáng khắp nơi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn lấp” [6, tr.576]. Hồ Chí Minh khẳng định, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải chăm lo xây dựng và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ động đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Người căn dặn: “Trong mọi công việc cán bộ phải làm gương, nhất là cán bộ cao cấp, đảng viên, đoàn viên trong quân đội phải làm đầu tàu, làm gương mẫu giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ” [5, tr.142]. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường chỉ ra rằng: “Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu” [3, tr.60]. Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng, đề cao trách nhiệm chính quyền thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu.. Người khẳng định, “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt” Đồng thời “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ” [8, tr.438].

2. Các yêu cầu cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng, chống tham ô, lãng phí; xác định đây là một trong những vấn đề mang tính cấp bách, nội dung quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Trong văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng” [1, tr.145].

Quan điểm, chủ trương của Đảng đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp” [1, tr.146]. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đã đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng” [1, tr.146].

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể thấy, công tác thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng, hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp” [1, tr.233].

Tổng kết về công tác phòng chống tham những, tiêu cực trong giai đoạn 2013-2020, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang [9].

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 14.297 vụ/24.409 bị can, xét xử sơ thẩm 11.740 vụ/22.596 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng có chuyển biến tích cực, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội [9].

Để khắc phục tình trạng trên, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay, cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Để thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho mọi cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý. Nội dung giáo dục tập trung giúp cho mỗi người nhận thức rõ tác hại của tham nhũng, lãng phí là “căn bệnh” nguy hiểm, là “kẻ thù” trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của dân tộc. Nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương của Đảng, Nhà nước; quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị…

Hai là, nêu cao tự phê bình và phê bình đối với mỗi cán bộ, đảng viên cũng như mỗi cấp ủy, tổ chức đảng

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng, lãng phí là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng và nhân dân; bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngoài ra, những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng không được phát hiện kịp thời để có những biện pháp xử lý phù hợp. Do đó, muốn ngăn chặn được vấn đề này, việc nêu cao tự phê bình và phê bình được coi là vũ khí sắc bén; là vấn đề cấp bách, nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, trực tiếp ngăn chặn nguyên căn của hành vi tham nhũng, lãng phí…

Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phòng ngừa, răn đe, trừng trị tham nhũng, lãng phí

Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi các cơ chế, chính sách quản lý nói chung, cơ chế, chính sách trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng còn lỏng lẻo, thiếu tính hệ thống, chặt chẽ… các đối tượng sẽ lợi dụng những kẽ hở đó để thực hiện hành vi tham nhũng, lãng phí. Theo đó, để ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phòng ngừa, răn đe, trừng trị và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí là yêu cầu có tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Theo đó, để thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí có giá trị khoa học và nhân văn to lớn. Giá trị đó thể hiện rõ nét ở sự giải thích mới của Người về quan niệm; vị trí, ý nghĩa; yêu cầu, nội dung, biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng của Người càng trở nên giá trị và mang tính thời sự. Chính vì vậy, để thực hiện rộng rãi việc thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện “thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí” từ những việc giản dị đời thường trong cuộc sống lẫn công việc để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây cũng là hành động thiết thực để góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

---------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[5]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[6]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[7]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[8]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12 , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

[9]. https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202012/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020-308914/

Nguyễn Văn Nhựt - Học viên Cao học – Học viện Chính trị