Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ

Thứ sáu, 23/08/2024 - 14:46

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, Người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ

1. Đặt vấn đề

Nhìn lại ba mươi năm đổi mới (1986 - 2016), từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Đảng ta đã kết luận: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”1. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung và công tác giáo dục lý luận chính trị luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Quan điểm của người về công tác giáo dục lý luận chính trị không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ, thẩm mỹ... và vì thế, trong việc định hướng những đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà hiện nay thì việc vận dụng sáng tạo, hợp lý tư tưởng ấy được xem là một yêu cầu, một giải pháp cần thiết.

2. Nội dung quan điểm Hồ chí Minh về giáo dục lý luận chính trị

Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trước hết, phải nói đến tư tưởng giải phóng con người thoát khỏi tăm tối, lạc hậu, đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc văn minh, tiến bộ. Đây vừa là mục tiêu, vừa là khát vọng tột bậc của Người. Trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Người nói : Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu2 và kêu gọi mọi người thi đua học tập để đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc văn minh, tiến bộ.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục và giáo dục lý luận chính trị luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Người nói: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, Phần lớn đều do giáo dục mà nên”3. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục, Người thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên mà với nhân dân, Người cũng coi đây là một yêu cầu để xây dựng và phát triển xã hội mới. Những quan điểm của Người về giáo dục lý luận chính trị vẫn còn nguyên giá trị trong công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng ta hiện nay.

Khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, Người chỉ rõ: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”4. Theo Hồ Chí Minh, đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền. Người khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”5. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”6.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị gồm các nội dung chủ yếu sau:

Một là, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Có thể nói, tư tưởng giáo dục lý luận chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo từ các tiền đề như: Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam; Triết lý giáo dục phương Đông, đặc biệt là triết lý nhân sinh của Nho giáo, Phật giáo,… Những tư tưởng dân chủ, cách mạng thời kỳ cận đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hai là, giáo dục các chuẩn mực đạo đức cách mạng và các nguyên tắc rèn luyện các chuẩn mực đạo đức cách mạng đó. Theo Hồ Chí Minh, với người cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng. Phải có cái đức để đi đến cái trí; khi đã có cái trí, thì cái đức chính là cái để người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mình theo, lý tưởng mình chọn, con đường mình đi.

Ba là, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những nội dung không chỉ mang tính chất định tính trong nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hành động. Đây cũng là một biểu hiện của nội dung gắn liền lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Bởi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự quán triệt, vận dụng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người viết: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”7.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

3. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh đến việc vận dụng vào công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Đứng trước những chuyển biến to lớn thời CMCN 4.0, người làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải nắm vững được bản chất, những biểu hiện, tác động của CMCN 4.0, từ đó, đổi mới nội dung, hình thức thực hiện công tác để mang lại hiệu quả cao nhất trong việc tác động đến tư tưởng người học.

Công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”8. Do đó, trước những tác động to lớn mà CMCN 4.0 đặt ra, người làm công tác giáo dục lý luận chính trị không thể đứng bên ngoài mà phải biết tự đổi mới, hoàn thiện để đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của đất nước. Trong thời gian tới, cần thiết phải đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị theo các hướng sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức về thời cơ, thách thức mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại CMCN 4.0.

Đối với đối tượng thanh niên, sinh viên - nguồn nhân lực quan trọng của xã hội, giáo dục lý luận chính trị phải hướng tới bồi dưỡng niềm tin, nâng cao động lực của thanh niên, sinh viên về những cơ hội mới; định hướng trong việc nắm bắt, tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thời đại. Trong chiến lược phát triển con người, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”9. Để làm được điều đó trong tình hình hiện nay, giáo dục lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có hoài bão, ý chí lớn trong việc bồi dưỡng khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nói chung, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nói riêng để đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của đất nước. Cơ hội to lớn được đặt ra trong thời đại CMCN 4.0 chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua quyết tâm học tập, rèn luyện, lòng say mê tìm tòi, sáng tạo của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên có “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn” ngày nay, phấn đấu trở thành những “Công dân toàn cầu”. Chính trong quá trình học hỏi, rèn luyện, nêu cao tinh thần sáng tạo sẽ đem lại vị thế mới cho quốc gia.

Hai là, nâng cao nhận thức về những tác động của CMCN 4.0 với tình hình an ninh trật tự; kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

CMCN 4.0 với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ tiềm ẩn những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Người làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần nâng cao nhận thức về những vấn đề đe dọa an ninh trật tự, nêu cao tinh thần cảnh giác của người học nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá thành tựu cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

Giảng viên, sinh viên phải nhận thức được quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc giữ vững sự ổn định chính trị đất nước, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trước sự biến động của xã hội. Thực hiện theo định hướng của Đảng về sự cần thiết phải “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”10.

Công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian tới cần hướng tới tiếp tục bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, về mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua đó, định hướng người học có tinh thần trách nhiệm trong việc nêu cao cảnh giác, phát hiện và đưa ra đấu tranh đối với những hành vi đe dọa sự ổn định xã hội. Đồng thời, mỗi cá nhân góp phần thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của bạn bè, gia đình, người thân và những người xung quanh về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời đại ngày nay.

Ba là, giảng viên giáo dục chính trị phải phát huy tốt vai trò giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong điều kiện CMCN 4.0

Cơ sở của lý luận chính là từ trong thực tiễn cuộc sống, được đúc kết và quay trở lại phục vụ, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mỗi giảng viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị không chỉ đóng vai trò là người tiếp thu tài liệu, giáo trình, chuyển tải những phần nội dung được phân công đến người học mà phải làm tốt mặt công tác nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ kiến thức lý luận và tổng kết thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong thời gian tới, mỗi cán bộ, giảng viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần phát huy tối đa sức sáng tạo của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao dồi học thuật; không ngừng tổng kết lý luận và thực tiễn để làm tốt nhiệm vụ. Quá trình nghiên cứu phải nắm được những hướng tác động chủ yếu của CMCN 4.0, dự báo được tình hình sắp tới tập trung vào những thuận lợi, khó khăn; nhận thức được những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, phản động chống phá nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng của Việt Nam.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra nguồn lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội, do đó, cần phải thay đổi tư duy trong quá trình dạy và học. Giảng viên cần phải đổi mới tư duy giảng dạy đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, phát triển năng lực người học và phát huy tối đa tiềm năng học tập. Để thích nghi với CMCN 4.0, các trường đại học cần giảng dạy những kiến thức tích hợp, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường giảng dạy kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu vấn đề, giải quyết vấn đề, xử lý thông tin,… Đội ngũ giảng viên cần đổi mới quá trình giảng dạy, từ cách dạy truyền thống trước đây sang phương pháp dạy hiện đại, phù hợp với thời đại CMCN 4.0 bằng cách chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, phát huy tiềm năng của người học. Phương pháp giảng dạy cần đổi mới mạnh mẽ, mạnh dạn sử dụng các công cụ như internet, giáo dục trực tuyến, sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu cho người học và thu thập lại kết quả của người học trong quá trình dạy học một cách linh hoạt và liên tục.

Đối với người học cần thay đổi từ cách lắng nghe, ghi chép, học thuộc, nhớ nhiều và lặp lại sang hình thành phương pháp học mới năng động hơn, mang tính vận động, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Sinh viên học không chỉ từ sách vở mà còn qua các trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học mô phỏng, học theo dự án. Thời đại CMCN 4.0, thị trường việc làm thay đổi, do đó người học cũng cần thay đổi để thích nghi, cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng, chuyên môn vững vàng, khả năng tự học, tự sáng tạo, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ những kỹ năng mềm, hiểu biết văn hóa rộng, có khả năng ứng xử trong môi trường quốc tế thì mới đáp ứng được nhu cầu nguồn lực lao động trong bối cảnh mới. Để thực hiện tốt vai trò học, người học cần phải có sự tương tác với người dạy, tích cực vận dụng công nghệ tìm kiếm thông tin, tài liệu, tư duy hơn, năng động hơn.

4. Kết luận

CMCN 4.0 chính là cơ hội để chuyển mình của các quốc gia nằm ở vị thế chưa phát triển cao như Việt Nam. Để góp phần đưa ra những tác động tích cực trong việc thực hiện định hướng ấy, người làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần thiết phải đổi mới không ngừng công tác của mình, tập trung vào việc hướng tới nâng cao nhận thức về thời cơ, thách thức mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại CMCN 4.0; nhận thức về những tác động của CMCN 4.0 với tình hình an ninh trật tự, nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bản thân giảng viên giáo dục lý luận chính trị phải phát huy tốt vai trò giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó sẽ góp phần tạo nên động lực cơ bản cho phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời gian tới./.

-------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2015, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, tr.196

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập- tập 4, tr.8, NXB CTQG H.2000

3. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập (xuất bản lần thứ 3), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.3, tr.413

4. Sđd, t.15, tr.117

5. Sđd, t.2, tr.289

6. Sđd, t.2, tr.279

7. Sđd, t.11, tr.607

8. Sđd, t.8, tr.280

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.126

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.148

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, 2016, Tài liệu nghiên cứu các văn kiện đại hội lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2015, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập (xuất bản lần thứ 3), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Kỷ yếu hội nghị, 2017, Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp: nhận định cơ hội - thách thức - nắm bắt, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

6. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/ CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 04-5-2017.

 ThS. Nguyễn Thị Thanh Ngân - Hoàng Thúy Hòa

Trường Chính trị tỉnh Hà Giang