Từ khóa: Công an nhân dân; Tổ chức cơ sở đảng; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng Đảng. Đã có nhiều thống kê cũng như công trình khoa học đề cập đến tư tưởng của Người. Trong số đó, tư tưởng của Người về xây dựng, chỉnh đốn đảng có nội hàm và ngoại diên rất rộng, sâu sắc, bao quát nhiều vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng đảng và còn nguyên vẹn giá trị đến ngày hôm nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là một bộ phận quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức cơ sở đảng có vai trò trọng yếu và xây dựng tổ chức cơ sở đảng là then chốt của xây dựng Đảng, Người nhiều lần khẳng định tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở hay "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt"[1]. Cụ thể hơn, tư tưởng của Người nổi bật trên một số nội dung chính sau:
Một là, về tăng cường vai trò của tổ chức cơ sở đảng
Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, tổ chức đảng là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở được vận hành theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Người nêu rõ: "Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi ủy lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi ủy"[2].
Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ có hoạt động tốt thì công tác của Đảng mới thực hiện tốt: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc tốt"[3]; "Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan"[4]; "Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng"[5].
Chi bộ là nơi thừa hành, thực thi các mệnh lệnh, nghị quyết, là sợi dây kết nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân: "Chi bộ là gốc rễ của Đảng… Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng… Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng"[6].
Hai là, về củng cố chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng
Với vai trò và tầm quan trọng kể trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chức năng, nhiệm vụ lớn lao của tổ chức cơ sở đảng. Người đặt ra yêu cầu "Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng"[7]. Củng cố chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng rất nhiều, rất đa dạng, theo quan điểm của Người có thể khái quát dưới 3 vấn đề chính: với nhân dân; với tổ chức, xây dựng Đảng và với từng chi bộ cụ thể:
- Với nhân dân: (1) Thực hiện chức năng tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng; (2) Giáo dục, tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng; (3) Quan tâm, chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân, là cầu nối chuyển tải những tâm tư, tình cảm, kiến nghị và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ; (4) Quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Với tổ chức, xây dựng Đảng: (1) Chọn lọc, giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ và thực hiện công tác kết nạp "hết sức cẩn thận"; (2) Nắm rõ trình độ giác ngộ, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia mọi công tác của Đảng; (3) "Đối với những phần tử xấu chui vào trong Đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy trừ họ ra. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật của Đảng"[8].
Ba là, về xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng, yêu cầu tiên quyết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là phải thực hiện tốt và nghiêm khắc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, bao gồm: tập trung dân chủ (có thời điểm Người đặt dân chủ lên trước để nhấn mạnh tính dân chủ trong chi bộ); tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Người nhiều lần khẳng định với cán bộ, đảng viên: "Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng"[9].
Trong Di chúc, với sự quan tâm sâu sắc dành cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"[10]. Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng từ Trung ương đến các chi bộ là nguyên tắc quan trọng, có tính lịch sử từ khi thành lập Đảng và cần phải được giữ vững trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Các mối quan hệ về nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng có mối quan hệ biện chứng, Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đoàn kết tốt thì phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, bởi theo Người "tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng"[11].
Để làm cho chi bộ mạnh thì phải mở rộng dân chủ, thực hành tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên"[12]. Muốn vậy, mỗi đảng viên phải quyết tâm xây dựng chi bộ trọng sạch, vững mạnh. Hồ Chí Minh nêu tiêu chí cho "chi bộ bốn tốt": "Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt"[13]. Để tránh tình trạng có đảng viên kém, chi bộ kém, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục.
2. Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân hiện nay
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về củng cố, tăng cường, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, những năm vừa qua nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng luôn được quan tâm, sát sao. Trong giai đoạn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đại hội XIII đặt ra, việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã nhanh chóng tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn lực lượng theo mô hình hoạt động mới, tổ chức bộ máy công an các cấp bước đầu tinh gọn, đã đi vào hoạt động cơ bản ổn định, không bị gián đoạn, cụ thể: (1) Ở cấp Bộ: giải thể 06 Tổng cục, trong đó có 04 Tổng cục đã hoạt động liên tục suốt gần 40 năm theo Nghị định số 250-CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ, qua đó bảo đảm sự lãnh đạo từ Bộ đến Cục được nhanh hơn, chính xác, kịp thời, không qua cấp trung gian; hợp nhất các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có cơ chế phối hợp, qua đó đã giảm 55 đơn vị cấp Cục và 287 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế. (2) Ở Công an địa phương: sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với Công an tỉnh, thành phố và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ..., qua đó đã giảm 532 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp Đội. Đây được xem là một cuộc "cách mạng" lớn, toàn diện, triệt để nhất về tổ chức làm thay đổi tích cực các mặt công tác của lực lượng Công an nhân dân từ trước đến nay.
Đi liền với công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng cũng đã được tăng cường, củng cố. Các cấp ủy cơ sở đều tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc nhiệm kỳ; xây dựng chương trình kế hoạch công tác tháng, quý, năm và nhiệm kỳ. Hệ thống tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân về cơ bản đã được củng cố, xây dựng hoàn thiện lại thống nhất trong toàn lực lượng. Đảng bộ Công an Trung ương có 9 đảng bộ cấp trên cơ sở, 536 tổ chức cơ sở đảng (264 đảng bộ cơ sở, trong đó có 10 đảng bộ cơ sở có đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở), 205 đảng bộ bộ phận, 2.884 chi bộ và trên 63.000 đảng viên[14]. Để đáp ứng tốt hơn nữa về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân, đặc biệt là Công an cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), Đảng ủy Công an Trung ương đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt liên quan đến nhiều mặt để kiện toàn tổ chức cơ sở đảng tại cơ sở, trong đó có Trưởng Công an xã tham gia ban thường vụ Đảng bộ xã. Chủ trương trên đang từng bước được thực hiện và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.
Thời gian qua cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp Công an nhân dân đã tiến hành kiểm tra 1.283 tổ chức đảng và 131 đảng viên, đã giám sát chuyên đề 841 tổ chức đảng và 1.050 đảng viên; kiểm tra dấu hiệu vi phạm 02 tổ chức đảng và 52 đảng viên[15]; tiến hành khảo sát, đánh giá công tác phát triển đảng viên, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác kết nạp đảng viên, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên, những đảng viên có sai phạm nghiêm trọng. Khi có các vụ việc phức tạp được dư luận, báo chí phản ánh, cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chủ động nắm tình hình, nếu cần thiết phải có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ thông tin, đề xuất giải quyết dứt điểm, không để phức tạp, kéo dài. Kịp thời hiện sớm các trường hợp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của Nhân dân hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng, kỷ luật ngành và pháp luật của Nhà nước. Nhìn chung, những nỗ lực trên của các cấp ủy trong Công an nhân dân được đông đảo quần chúng nhân dân và hệ thống chính trị ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế.
Chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp uỷ, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở. Một số cấp uỷ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, giảm niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an nhân dân. Một số tổ chức cơ sở đảng trong Công an cấp cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… hoạt động còn khó khăn. Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.
Để khắc phục thực trạng này, đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ cần quán triệt, thực hiện tốt sau:
Một là, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức, cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị, cần triệt để triển khai việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân gắn với xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Đặc biệt chú ý đến tổ chức cơ sở đảng tại cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh, đồng bộ, thống nhất. Đồng hời, cần chú ý việc sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở phù hợp với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Hai là, nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện về mặt tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cái cũ, cái mới, không rập khuôn, máy móc mà phải luôn sáng tạo, để thực hiện tốt nội dung đổi mới hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở đảng, cần nghiên cứu, khuyến khích, phát huy sức sáng tạo của các tổ chức cơ sở đảng ở các loại hình đặc thù, như: các loại hình doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp trong Công an nhân dân. Cần phát huy tính tích cực, quan hệ phối hợp của các chi bộ trên cùng một địa bàn ở địa bàn cơ sở như chi bộ quân sự, chi bộ công an, chi bộ phường, xã, thị trấn, chi bộ doanh nghiệp…
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là sinh hoạt chuyên đề. Trong đó, cần chú trọng thực hiện nghiêm những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, bao gồm: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phục trách; tự phê bình và phê bình; giữ gìn kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Cần đề cao nguyên tắc nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị; khắc phục tình trạng dập khuôn máy móc, "bệnh" hình thức, chạy theo thành tích trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt" (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).
Bốn là, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở. Nội dung thảo luận phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường sinh hoạt chuyên đề; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Năm là, phải tập trung xây dựng các cấp ủy đảng trong Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực, trí tuệ và phẩm chất đạo đức ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; coi việc xây dựng, kiện toàn bộ máy cấp ủy các cấp trong Công an nhân dân là yếu tố hạt nhân để xây dựng Đảng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Đảng mạnh là do chi bộ mạnh"[16]. Đồng thời, phải luôn chú trọng củng cố, kiện toàn các cơ quan và đội ngũ cán bộ giúp việc cấp ủy các cấp sao cho tinh gọn, chuyên sâu, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức cách mạng; phải xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả.
Sáu là, trong quan điểm của Hồ Chí Minh, nhân dân là lực lượng có vai trò và sức mạnh to lớn, Người nhiều lần chỉ rõ, Công an phải thật thà hoan nghênh nhân dân phê bình, giúp đỡ Công an tiến bộ. Do đó, phải coi trọng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong Công an nhân dân. Tăng cường và phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên Công an với Nhân dân; thực hiện tốt việc phát huy trí lực của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng, thực hiện các quy chế để tạo thuận lợi cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi tổ chức những đảng viên không đủ tư cách. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; sửa đổi, bổ sung, quy định chặt chẽ việc sinh hoạt đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là cấp cơ sở. Kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến, hiệu quả và nhân rộng./.
Thượng tá Đỗ Tiến Lực
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Tài liệu tham khảo
- 1. Bộ Công an, Báo cáo tổng kết công tác kiểm điểm, đánh giá chất lượng và khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020, ngày 14/10/2022.
- 2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.8, 10, 13, 14, 15. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- 3. Tô Lâm (2020), Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.278. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.286. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.278. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.454. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.14, tr.193. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.288. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.14, tr.28. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.288-289. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.14, tr.28. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.504. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.622. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, tr.67. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.98. ↑
Bộ Công an, Báo cáo tổng kết công tác kiểm điểm, đánh giá chất lượng và khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020, ngày 14/10/2022. ↑
Xem: Tô Lâm (2020), Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.149. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, tr.29. ↑