Nghi thức chào hỏi của người Việt không chỉ thuộc phạm vi văn hoá và ngôn ngữ, nó còn thuộc phạm trù đạo đức, là một cách thể hiện nhân cách của chủ thể chào và nhân cách của đối tượng được chào, cho dù đó là lời chào nghi thức hoặc lời chào không nghi thức.
Chào nhau không chỉ là điều bắt buộc của cuộc giao tiếp có văn hoá mà còn thực hiện mở đầu của chiến lược giao tiếp. Đạo đức thể hiện bằng ách ứng xử thông qua lời ăn tiếng nói, lời chào hỏi, xem anh xử sự với cộng đồng ra sao. Vì thế cách chào hỏi mở đầu đối với người Việt có giá trị tinh thần hết sức được coi trọng - một giá trị tin thần cao hơn cả vật chất: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày trước người Việt Nam, nam cũng như nữ, ai cũng ăn trầu, gặp nhau là đứng lại chào hỏi, để tỏ sự thân tình “mời nhau ăn một miếng trầu”. Nhưng thực ra để có cái mở đầu là đưa miếng trầu, thì vẫn phải chào hỏi nhau trước đã, chào hỏi là cái đầu tiên của “câu chuyện”.
Ở người Việt, chào hỏi không những mang tính văn hóa - xã hội, nó còn là sự thể hiện nhân cách của người chào và người được chào. Không ai muốn mình bị xem là thiếu đạo đức, vì tiêu chuẩn cao nhất để xác định giá trị con người Việt Nam là đạo đức. Ở đời trọng nhau không phải chức vụ, tiền bạc mà là đạo đức. Nói theo cách của Phan Ngọc, đó là thứ văn hoá nhân cách luận (36, Phan Ngọc, 1998).
Chào hỏi nhau là lúc thể hiện nhân cách của tôi, anh, nó cho biết anh dựa trên văn hoá nào để ứng xử. Chào hỏi nhau tự nó nói lên vị thế của mình, nhưng càng chức vị cao, càng tuổi tác nhiều, thì nhân cách càng phải giữ gìn, ứng xử nói năng cần làm mọi người nể trọng. Đặc trưng văn hoá này được các thế hệ tiếp nối hành xử và trở thành truyền thống đạo đức trong chào hỏi của người Việt.
Anh Thăng (st)