Văn hóa vỉa hè - Nét văn hóa bình dân lâu đời
Văn hóa vỉa hè là cụm từ quen thuộc gắn bó với hầu hết những người con Việt Nam, đặc biệt là với vùng đất Hà thành bao đời nay. Hay hiểu sâu hơn thì “Văn hóa vỉa hè” là tập hợp tất cả những nết ăn, nết mặc, cách nghĩ, thói quen trong ứng xử, sinh hoạt đang từng ngày diễn ra trên vỉa hè Hà Nội, bắt đầu từ thời Pháp thuộc. Không phải chỉ Hà Nội mới có vỉa hè và văn hóa vỉa hè, nhưng khi nhắc đến văn hóa vỉa hè, ta luôn nhớ đến một góc phố nào đó ở Hà Nội vô cùng thân thương, thơ mộng với những gánh hàng, những bàn những ghế bày bán hàng mua, hàng ăn và tấp nập người đến xúm lại xung quanh. Với bất cứ ai đã từng gắn bó với mảnh đất này, thì cũng nhớ, cũng yêu cái văn hóa vỉa hè đáng yêu mà bình dị ấy.
Văn hóa vỉa hè Hà Nội không đơn giản là sự mua bán tạm bợ nơi vỉa hè, nó liên quan mật thiết đến ẩm thực với vùng đất Kinh kỳ, không gian giao lưu, mưu sinh, thú ăn chơi...bao đời nay của con người Hà Nội. Từ những quán cắt tóc, bơm vá xe vỉa hè, đến những hàng trà đá, gánh hàng, quán ăn vỉa hè đơn sơ,...tất cả làm nên một sắc màu tuy mộc mạc nhưng lại không thể thiếu của con người Hà Nội. Nhiều người còn có quan niệm rằng: Món càng ngon càng phải lê la vỉa hè. Đó là cả một giá trị văn hóa! Bởi vậy thật khó mà không yêu, không gắn bó với nét văn hóa đặc sắc này
Vì sao giới trẻ Hà Nội thích la cà với văn hóa vỉa hè?
Ngày nay, văn hóa vỉa hè không chỉ dừng lại ở sự ưa thích của các bậc cha chú, nó đã được tiếp nối bằng sự ưa chuộng của cả giới trẻ Hà Nội, bởi rất nhiều lý do sâu xa. Thứ nhất, văn hóa vỉa hè là văn hóa bình dân, nên rất dễ tiếp cận và phù hợp với mức kinh tế của người trẻ. Những mặt hàng được bán ở vỉa đa phần rẻ hơn so với các quán ăn khác do ít phải chịu chi phí kinh doanh, thuê mặt bằng, bày biện đơn giản, dân dã gần gũi với đại đa số người dân có thu nhập trung bình tại Hà Nội, đặc biệt là những người trẻ. Thứ hai, vì giới trẻ đã có ý thức về việc giữ gìn những giá trị văn hóa lâu đời, lối sống ưa hoài cổ muốn tìm lại những giá trị xưa. Văn hóa vỉa hè là nét văn hóa độc đáo đã có từ lâu đời của Việt Nam, gắn liền với văn hóa kẻ chợ. Các quán vỉa hè thường là do những người lớn tuổi bày bán vì vậy đa số có tuổi đời khá lâu, có tay nghề và gìn giữ nhiều dấu ấn văn hóa, các hương vị ẩm thực chính gốc Hà Thành. Giới trẻ ngày nay thừa hưởng tinh thần yêu nước nồng nàn từ cha ông, sinh ra trong thời kỳ giao lưu, hội nhập về văn hóa nên ý thức về việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân tộc. Thứ ba, vỉa hè là nơi quen thuộc và dễ thấy ở mọi cung đường, ngõ ngách Hà Nội nơi họ sinh sống. Thật không khó để bắt gặp một quán ăn với những bàn ghế thô sơ, hay một gánh hàng chỉ đơn giản với một chiếc đòn gánh, xe đạp, xe thồ trên các vỉa hè Hà Nội. Một nơi mà không cần ăn mặc quá sang trọng hay phải có dịp mới vào. Có thể chỉ là ngủ dậy vội xuề xòa bộ đồ hay đi trên đường bắt gặp mà ghé đến. Một địa điểm bình dân với cảm giác luôn được chào đón mà không bị ngăn cách bởi cánh cửa nào.
Theo như bạn Đặng Thái Thanh - sinh viên đang học tập tại Hà Nội chia sẻ về những lí do bạn lựa chọn các quán ăn vỉa hè: " Thứ nhất là đồ ăn rẻ và ngon. Thứ hai là phổ biến, tiện lợi và bất cứ đâu cũng thể bắt gặp. Thứ ba là đem đến nhiều trải nghiệm khi được thưởng thức các món tại vỉa hè. Thứ tư là chứng kiến tay nghề điêu luyện của người bán hàng tại nơi bán. Thứ năm là quan sát cách mọi người ứng xử, văn hóa mưu sinh ".
Đóng góp của giới trẻ hiện trong việc phát triển văn hóa vỉa hè và du lịch
Không những tìm đến văn hoá vỉa hè để đáp ứng nhu cầu mua bán, thưởng thức, nhiều bạn trẻ còn coi đây như một góc sống ảo hết sức đáng yêu của mình. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, giờ đây ta thấy hình ảnh các quán xá vỉa hè xuất hiện ngày càng nhiều đặc biệt là trên nền tảng Tik Tok. Rất nhiều những Tiktoker đã lấy văn hoá vỉa hè làm chủ đề sáng tạo cho kênh của mình và thu được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía khán giả. Nhờ có sự hưởng ứng này từ phía giới trẻ, nét văn hoá vỉa hè Việt Nam nói riêng và văn hoá vỉa hè Hà Nội nói riêng đã được phổ biến rộng rãi và thậm chí quảng bá đến bạn bè quốc tế. Cụ thể là rất nhiều khách nước ngoài đã đến trải nghiệm ẩm thực vỉa hè tại Việt Nam và cảm thấy vô cùng thích thú. Không những vậy thì dựa vào sự ưa chuộng của giới trẻ, nhiều quán vỉa hè đã có sự đầu tư về hình thức, nâng cao chất lượng vệ sinh và chất lượng phục vụ sao cho phù hợp. Văn hoá vỉa hè ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua bán cơ bản của người dân mà đã bắt đầu bước những bước đầu tiên để trở thành một nét đặc trưng văn hoá đẹp đẽ, hợp thời đại của con người Việt Nam trong thời kỳ giao lưu và hội nhập của đất nước.
Sẽ hoàn thiện hơn nếu chúng ta xây dựng nét đẹp văn hóa vỉa hè gắn với văn minh đô thị
Từ những lý do thực tết nêu trên đây có thể thấy, văn hoá vỉa hè không những mang lại giá trị vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần không hề nhỏ đối với giới trẻ tại Hà Nội. Tuy nhiên cũng cần nhìn lại một thực trạng rằng sự phát triển của văn hoá vỉa hè vẫn chỉ đang bước những bước rất nhỏ, chưa thực sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ. Các tình trạng đáng báo động về văn hoá vỉa hè đó là cơ chế hoạt động tự phát bất chấp quy định pháp luật; mặt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh, không đảm bảo chất lượng, văn hoá ứng xử chưa đúng chuẩn mực; lấn chiếm lề đường, mất mỹ quan đô thị; không giữ gìn vệ sinh môi trường;...về cơ bản vẫn còn tồn tại. Vì vậy để nâng cao chất lượng, hình ảnh, nét đẹp của văn hoá vỉa hè cũng như giúp giá trị văn hoá này tồn tại và phát triển trong xã hội hiện tại cần có những biện pháp chặt chẽ, kịp thời từ phía chính quyền địa phương và sự hợp tác từ phía những người kinh doanh tại vỉa hè. Đặc biệt là cần có sự tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa từ phía những thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu với nét đẹp văn hóa nước nhà.
Nguyễn Thị Chinh
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội