TNV - Lễ hội đền Trần năm 2023 diễn ra trong 05 ngày từ ngày 03/02/2023 đến ngày 07/02/2023 (tức từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão 2023). Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chủ trì. Được biết, Lễ hội khai mạc từ 20 giờ 10 phút đến 22 giờ 10 phút, ngày 03/02/2023 (ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão), tại sân lễ hội khu di tích đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Về với Lễ hội nhân dân và du khách được sống lại với Hòa khí Đông A và chiến công của vua tôi nhà Trần thủa trước.
Không khí rộn ràng ở Lễ hội đền Trần (Thái Bình) (Ảnh tư liệu minh họa)
Giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước
Trong đêm khai mạc, du khách thập phương sẽ được mãn nhãn với màn trống hội, múa rồng, lân;Bắn pháo hoa tầm thấp hoặc pháo hoa xoay; Màn khởi trống khai hội và đặc biệt là Chương trình nghệ thuật chào mừng: “Hào khí Đông A” với sự tham gia của trên 200 nghệ sĩ trong cả nước – tái hiện lại chiến công vang dội 3 lần đánh tan giặc Mông Nguyên và thời kỳ đất nước phát triển rực rỡ của vua tôi nhà Trần cách nay hơn 700 năm trước.
Về với Lễ hội, ngoài việc chiêm bái đền Trần cùng các lăng tẩm vua Trần, du khách thập phương còn được tận hưởng không khí lễ hội rộn ràng với các phần thi vô cùng đặc sắc, hấp dẫn như: Thi pháo đất; Thi cỗ cá; Trình diễn Thư pháp hai câu thơ nổi tiếng của vua Trần Nhân Tông…
Thi cỗ cá - nét sinh hoạt mang giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước (Ảnh tư liệu)
Không chỉ được biết đến là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đặc sắc, đó là lễ giao chạ (kết nghĩa chị em) giữa 2 làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và làng Tam Đường (xã Tiến Đức) đã tồn tại hơn 7 thế kỷ; lễ rước nước và thi cỗ cá độc đáo thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đây thực sự là những nét sinh hoạt mang giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động phần lễ được tổ chức trong các ngày từ 03/02 đến 07/02/2023 (từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão),gồm các hoạt động:Lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần;Tế mở cửa đền; Lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam của Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng;Lễ rước nước từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần (rước thủy và rước bộ);Lễ bái yết và trình diễn Thư pháp hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”(Tạm dịch: Đất nước hai lần lao ngựa đá/ Núi sông ngàn thủa vững âu vàng)và các hoạt động tế lễ khác.
Giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc
Các hoạt động phần hội cũng được tổ chức trong các ngày từ 03/02 đến 07/02/2023 (từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão). Bên cạnh triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng xuân, ở phần hội còn nhiều hoạt động rất độc đáo, hứa hẹn sẽ mang lại cho nhân dân và du khách những ký ức đẹp, cảm xúc mới lạ về hương vị Tết xưa.
Toàn cảnh sân lễ hội khu di tích đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (Ảnh tư liệu)
Đó là các hoạt động: Thi cỗ cá, thi pháo đất, Liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà – được tổ chức vào ngày 04/02/2023 (ngày 14 tháng Giêng); Thi gói bánh chưng, tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào ngày 05/02/2023 (ngày 15 tháng Giêng); Giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, giải kéo co huyện Hưng Hà, thi kéo lửa nấu cơm cần xã Tiến Đức diễn ra ngày 05/02/2023 (ngày 15 tháng Giêng).
Với tâm thế tin tưởng và tự hào, ông Nguyễn Khắc Thận (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) phấn khởi cho biết: Việc tổ chức Lễ hội đền Trần nhằmtiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân mới; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, gắn khai thác giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX.
Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Lễ hội đền Trần đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với Lễ hội đền Trần Thái Bình trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền Hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần tồn tại trong lịch sử Việt Nam với 14 đời vua, kéo dài và toả sáng 175 năm. Đây là triều đại phát triển rực rỡ nhất trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam, với 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, làm nên hào khí Đông A; với nhiều vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều danh tướng kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo; Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư... Thái Bình là vùng đất phát tích, hưng nghiệp của vương triều Trần, là nơi vua Trần Thái Tông được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây mà dấy nghiệp.
Phạm Quỳnh