Về nơi xuất xứ của đặc sản miến dong Bình Liêu

Thứ ba, 02/01/2018 - 10:09

TNV - Trong khi củ dong ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc không có xưởng chế biến tại chỗ thu mua, người dân hờ hững với cây dong; miến ở nhiều địa phương còn chạy vạy ngược xuôi lo khâu tiêu thụ; thì điều đáng mừng, từ dăm năm lại đây, cây dong được người dân mở rộng diện tích trồng trọt, miến dong Bình Liêu sản xuất ra không đủ để bán trên thị trường.

Doanh nghiệp chế biến miến dong duy nhất trong huyện

Vùng đất miền biên ải Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) được thiên nhiên ban tặng cho giống cây dong giềng, dễ trồng, dễ sinh sôi phát triển, cho sai củ, bột nhiều và ngọt mát. Từ bao đời nay, củ dong giềng đã là người bạn gắn bó thủy chung, nuôi sống bà con vượt qua những khi đói kém, mất mùa và chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Cũng chẳng biết tự khi nào, củ dong giềng đã được đồng bào người Sán Chỉ, người Tày...ở Bình Liêu khéo léo chế biến ra thành miến – món ăn đặc sản dùng để làm cơm dâng cúng tổ tiên và thiết đãi khách quý.

Ông Bách (đội mũ) và dây chuyền chế biến miến dong được đầu tư hiện đại, đồng bộ.

Miến dong Bình Liêu có ưu điểm dai, giòn, vị mát, nấu đi nấu lại đến 3 lần mà vẫn không bị dính, bị nát. Bởi vậy, mỗi khi khách đến thăm Bình Liêu, hay người Bình Liêu đi xa đều cố tìm cho được gói miến mang theo để làm quà. Miến dong đã trở thành niềm tự hào của người Bình Liêu và niềm ao ước của du khách mỗi khi được thưởng thức.

Đến Bình Liêu, hỏi nơi sản xuất miến dong, không ai là không nhắc đến xưởng chế biến miến dong của ông Bách (thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu). Xưởng miến của ông nằm trọn vẹn trên một khoảnh đất rộng chừng 10.000m 2 sát bên con sông Tiên Yên, tách biệt hẳn với khu quần cư sinh sống của đồng bào Tày thuộc thôn Pắc Pò xã Đồng Tâm; cách thị trấn huyện 9km và cách cửa khẩu Hoành Mô 4km theo trục đường Quốc lộ 18C.

Miến dong Bình Liêu có ưu điểm dai, giòn, vị mát, nấu đi nấu lại đến 3 lần mà vẫn không bị dính, bị nát.

Ở vị trí đắc địa, dồi dào về nguồn nước tự nhiên trong vắt dùng cho việc rửa sạch củ dong giềng trước khi đưa vào nghiền xát và ngâm, gạn, lắng bột cho trắng; vừa có không gian rộng rãi, sạch sẽ để xây dựng nhà xưởng và phơi miến đảm bảo hợp vệ sinh, tiêu chuẩn chất lượng không làm ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư.

Là doanh nghiệp chế biến miến dong duy nhất trong huyện, nên xưởng của ông Bách có qui mô sản xuất lớn nhất huyện, với hệ thống máy móc chế biến được chú trọng đầu tư hiện đại, đồng bộ; quy trình sản xuất chuyên nghiệp, phối hợp vận hành nhịp nhàng giữa các khâu. Từ máy xúc đưa củ dong giềng lên dây chuyền rửa tự động, chuyển sang nghiền xát, đưa vào hệ thống bể ngâm - lắng làm trắng bột liên hoàn, rồi chuyển ra máy tách nước và sấy bột; sau đó tráng thành phên đem phơi, cắt ra sợi miến...Phần bột chưa sấy được chuyển vào kho âm để bảo đảm độ ẩm, phần bột đã sấy được cho vào kho bảo quản để dự trữ nguyên liệu sản xuất.

Bã dong thì không đủ để cung cấp - cho không bà con quanh vùng lấy về chăn nuôi.

Nhìn những củ dong giềng tròn trịa chất đầy kín khoảng sân rộng, tôi hỏi: Nguyên liệu đủ để xưởng hoạt động bao lâu? Ông Bách nói, trước đây chỉ đủ sản xuất trong 3 tháng, đến năm 2016 và 2017 kéo dài được 6 tháng, dự kiến năm 2018 nguyên liệu dự trữ đủ sản xuất trong 9 tháng. Lý do chính là nhờ đầu tư máy sấy nên bột được kéo dài thời gian bảo quản, bên cạnh đó là UBND huyện đã hỗ trợ đơn vị mở rộng diện tích trồng cây dong giềng.

Khi được hỏi về hệ thống thu gom và xử lý nước thải, ông Bách thẳng thắn giãi bầy: Đây là việc chưa làm được, là nỗi niềm trăn trở của doanh nghiệp và chính quyền địa phương!? Còn về bã dong thì không đủ để cung cấp - cho không bà con quanh vùng lấy về chăn nuôi.

La A Nồng (áo kẻ soọc) tham gia khâu khó nhất trong quá trình chế biến miến dong là kỹ thuật tráng, sao cho bánh dày đều, không bị rách.

Quả vậy, khi ra dây chuyền xay xát dong cũng vừa lúc chị Lương Thị Ngân, chị Tô Thị Hà người đồng bào Tày ở bản Pạt, xã Lục Hồn cách đấy hơn 2 km đến xưởng miến xin bã dong về chăn nuôi đàn lợn. Ở khu vực bã dong, công nhân xưởng miến đang hối hả xúc bã dong vào bao cho mấy bà con người Dao trong xã kịp về cho lợn ăn bữa trưa.

Thanh niên trẻ hăng hái đứng ra thành lập hợp tác xã

Ngoài “miến dong ông Bách”, hay còn gọi là miến dong Nhà nước (bởi trước đây doanh nghiệp này do huyện quản lý, đến năm 2003 đã được cổ phần hóa và năm 2006 đi vào sản xuất miến dong), thì trong huyện còn có nhiều cơ sở sản xuất miến dong thủ công của bà con người đồng bào Sán Chỉ, Tày...ở địa phương. Nhưng từ hơn chục năm gần đây, bà con cũng dần đầu tư máy móc ở một số khâu như nghiền xát, tráng...để giảm bớt chí phí nhân công, nâng cao sản lượng tiêu thụ.

Đặc biệt, đã xuất hiện một số gương mặt thanh niên trẻ hăng hái đứng ra thành lập hợp tác xã (HTX), liên kết bà con, người thân cùng thôn, đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất theo phương thức bán thủ công, chế biến tinh, chế biến sâu nâng cao giá trị cho củ dong giềng, đồng thời tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho chính mình.

Giám đốc La A Nồng sinh năm 1985, chàng trai người Sán Chỉ ở thôn Nà Ếch xã Húc Động (Bình Liêu) của HTX Phát triển Đình Trung là gương mặt điển hình trong số đó. Sau 9 năm kinh nghiệm làm miến cùng bố mẹ, nhận thấy phương thức sản xuất thủ công thuần túy theo qui mô hộ gia đình bộc lộ nhược điểm manh mún, nhỏ lẻ, mất nhiều nhân lực, sản lượng thấp...cho hiệu quả kinh tế không cao. Tháng 7/2014, La A Nồng thành lập HTX với 8 xã viên đều là anh em, bà con thân thiết và từng bước đầu tư máy móc vào sản xuất để giảm chi phí, tăng sản lượng và hiệu suất đầu tư.

Theo phương thức đầu tư dần từng bước, đến nay, HTX Phát triển Đình Trung đã đầu tư được 02 máy rửa củ, 03 máy xát, 01 máy tráng, 02 máy thái; cùng hệ thống bể ngâm, 12 thùng inox gạn lắng bột, khu sản xuất, sân phơi...với tổng giá trị gần 800 triệu đồng. Điều đặc biệt, chiếc sân phơi rộng trên 165m 2 được thiết kế rất độc đáo, cao ngang nóc nhà, để đón được nắng sớm, số giờ nắng nhiều và sân luôn giại nắng; còn khoảng không dưới sân được tận dụng làm kho tập kết miến và đóng gói sản phẩm.

Thu mua dự trữ gần 800.000 tấn dong củ chất cao ngất quanh xưởng.

Giám đốc La A Nồng bộc bạch: Để phát huy hiệu suất hoạt động của máy móc, hiện tại HTX đã thuê thêm 22 người lao động địa phương và thu mua dự trữ gần 600.000 tấn dong củ chất cao ngất quanh xưởng. Ngoài diện tích sẵn có là 01 ha, HTX còn thuê thêm 03 ha đất trồng dong và hợp đồng thu mua dong củ với bà con nông dân trong xã và các xã lân cận để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

Cũng theo La A Nồng, khâu khó nhất trong quá trình chế biến miến dong là kỹ thuật tráng, sao cho bánh dày đều, không bị rách, đòi hỏi phải tuân thủ tỷ lệ pha chế bột nghiêm ngặt, quan sát tinh tường và vận hành máy tráng linh hoạt. Bên cạnh đó là khâu lọc bột và bí quyết bảo quản bột sao cho khỏi chua, mốc; sau cùng là thời tiết cần phải nắng, ráo. Đối với nghề làm miến, vào vụ sản xuất mà cứ mưa ngày nào là thiệt hại ngày ấy, lo lắng mất ăn, mất ngủ.

Giám đốc Thắng (thứ 2 từ trái qua phải) cùng các xã viên túc trực bên máy tráng, để trao đổi cách vận hành từng mẻ bánh tráng sao cho thuần thục

Kế thừa kinh nghiệm làm miến dong truyền thống từ bố là Trần A Mả, tháng 3/2017, Trần Văn Thắng  – người con của đồng bào Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu) - mới 23 tuổi đã mạnh dạn thành lập HTX Gia Hưng với 03 thành viên và khoảng 7 đến 10 lao động thời vụ.

Bước vào tráng bột bằng máy mùa đầu tiên, nên anh em trong HTX còn đôi chút bỡ ngỡ. Khi chúng tôi đến thăm, Giám đốc Thắng cùng các xã viên đang chăm chú túc trực cả bên máy tráng, để làm quen và trao đổi cách vận hành từng mẻ bánh tráng sao cho thuần thục.

Do diện tích đặt xưởng chật hẹp, HTX đã tốn nhiều công sức mới san lấp được 150m 2 , biến khu đất hoang lổm nhổm cây dại và đá tảng nằm phía trước vườn nhà làm nơi chứa nước, rửa củ, xay xát và bể ngâm lắng bột; tận dụng vườn rau, ruộng mới gặt làm nơi phơi bánh, phơi miến.

Niềm vui của bà con vào mùa thu hoạch dong củ.

Được huyện hỗ trợ cho không gia đình 01 máy xát dong cách đây đã 03 năm, nay HTX tận dụng lại và mua thêm 01 máy tráng, 01 máy rửa củ; đồng thời đầu tư xây bể chứa, thu mua hơn 150 tấn dong củ. Tính ra cũng đã trên 700 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đồng vay ngân hàng - Trần Văn Thắng kể.

***

Về tận nơi xuất xứ của đặc sản miến dong Bình Liêu, được tận mắt ngắm nhìn những gồ dong đang tất bật vào mùa thu hoạch, dong được đến tận chân ruộng thu mua, dong được chất cao ngất quanh xưởng; đầu tư máy móc cũng lớn, sản xuất chế biến cũng nhọc nhằn gian nan. Trong khi củ dong ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc không có xưởng chế biến tại chỗ thu mua, người dân hờ hững với cây dong; miến ở nhiều địa phương còn chạy vạy ngược xuôi lo khâu tiêu thụ; thì điều đáng mừng, từ dăm năm lại đây, cây dong được người dân mở rộng diện tích trồng trọt, miến dong Bình Liêu sản xuất ra không đủ để bán trên thị trường.

Ông Bách chia sẻ, cứ sản xuất ra đến đâu, chúng tôi lại phải “giấu” đi mới đủ lượng hàng cung ứng theo hợp đồng đặt sẵn cho các khách hàng và ngoài tỉnh. Có được thành công này, không thể không nói tới những ưu điểm khác biệt và riêng có của sản phẩm miến dong Bình Liêu, hiệu ứng lan tỏa của các sản phẩm OCOP mà tỉnh Quảng Ninh dày công xây dựng và đã chiếm được niềm tin của đông đảo người tiêu dùng./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh