Về quê Bác

Thứ năm, 09/05/2019 - 11:04

Những ngày giữa tháng 5 lịch sử, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến hành trình về thăm vùng đất đã nuôi dưỡng một nhân tài kiệt xuất của dân tộc ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm động và sâu sắc hơn thời điểm này còn là dịp kỉ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác (19/5), cũng là ngày đầu hơn 50 năm về trước (10/5/1965) - Người đặt ngòi bút để viết một tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc Bác Hồ).

Tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc) cùng toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tài sản vô giá Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho muôn đời con cháu mai sau.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là Cụm di tích làng Hoàng Trù (hay còn gọi là làng Chùa), quê ngoại của Bác và cũng chính tại nơi này Bác Hồ kính yêu của chúng ta cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà lá do cụ Hoàng Đường dựng lên vào dịp lễ thành hôn của con gái Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc.

Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh về cuộc đời tần tảo của bà Hoàng Thị Loan và những ngày thơ ấu của Bác, một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương cũng như đức hi sinh cao cả của mẹ.

Cả đoàn như lặng đi trong lời thuyết minh của người hướng dẫn, với chất giọng tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi. Phải chăng, miền quê khổ nghèo, nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước nồng nàn cộng với những phẩm chất cao quý của ông ngoại, cha và mẹ...đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại? Và phải chăng, tất cả những điều vĩ đại, đều chứa đựng trong mình những gì gần gũi, bình dị nhưng thấm đậm hồn quê hương của Người: “Đây là cái án thư, nơi cha Bác thường dạy mấy anh em học chữ, đây là cái sập gỗ nơi cha Bác thường bàn chuyện nước nhà với các bậc cha chú. Và các anh chị biết không, đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác chúng ta. Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối… Các anh chị biết không, 11 tuổi Bác chúng ta đã đi bộ từ Huế ra Nghệ An, trên tay bế đứa em khát sữa...”.

Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất cả trăm bề vì cuộc sống mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Bà mất vì lao lực, vì làm việc quá sức. Trước khi trút hơi thở vẫn không nhìn thấy mặt chồng, để lại cho các con niềm tiếc thương vô hạn.

Tiếp theo chuyến hành trình là Làng Sen quê nội, nơi còn lại những di tích quý giá về gia đình của Bác, nơi hoạt động thuở thiếu thời của Người. Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, một nhân cách giản dị mà vĩ đại.

Trong mỗi chúng tôi vẫn còn nhớ y nguyên những bài học, những đợt vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chính những lúc như thế này, càng thấu hiểu nếp sống giản dị mà thanh cao của Bác, hiểu được triết lý sống của Bác, hiểu được sự hy sinh vì đất nước, vì Tổ quốc của một người bình dị nhưng vĩ đại - Hồ Chí Minh và chúng ta mới rõ về mình hơn khi soi rọi lại bản thân, soi rọi những gì làm được và chưa được trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày.

Vâng! không một ai phải nhắc nhở những thành viên trong đoàn, mà cũng chẳng ai trong số người đi cùng nói ra, nhưng mọi người đều cảm nhận mình đang ở một nơi rất thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi mộc mạc thanh bình, chúng tôi đang được ở quê Bác. Về quê Bác để hiểu Bác hơn và chắc hẳn mỗi một chúng ta phải thay đổi cách hành xử, lề thói nghĩ suy để xứng đáng với Bác, một người bình dị nhưng có tư tưởng của bậc vĩ nhân, hành động của một chiến sĩ cách mạng xuất sắc, người mang lại hạnh phúc cho cả dân tộc Việt Nam.

Về quê Bác lần này, đối với mỗi chúng tôi đã thực sự trở thành hành trình đầy ý nghĩa, là động lực để các thành viên tiếp tục phấn đấu, vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và chắc chắn trong tâm khảm mỗi chúng ta sẽ mãi khắc ghi công lao trời biển, những lời răn dạy của Bác; nguyện sống, học tập, lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Nguyễn Ngọc