Về Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ thăm những vườn đồi trái cây trù phú

Thứ hai, 18/09/2017 - 08:26

TNV - Trải dài hai bên đường, xen kẽ giữa những nếp nhà khang trang, những đồi chè đẹp như trong chuyện cổ tích là một màu xanh mát của những vườn đồi cây trái na, nhãn, mận, đào, cam, bưởi, thanh long, lê, táo, xoài, hồng xiêm. Quanh năm mùa nào thức ấy, bà con đem những trái quả hái từ vườn nhà mang ra ven đường bày bán cho du khách qua lại, do tiện đường nên nhiều du khách rẽ vào tận vườn hỏi mua và trải nghiệm thú điền giã.

Quanh năm mùa nào thức ấy

Theo đường quốc lộ 32, đi về phía tây huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) chừng 5 km là Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Trải dài hai bên đường, xen kẽ giữa những nếp nhà khang trang, những đồi chè đẹp như trong chuyện cổ tích là một màu xanh mát của những vườn đồi cây trái na, nhãn, mận, đào, cam, bưởi, thanh long, lê, táo, xoài, hồng xiêm. Quanh năm mùa nào thức ấy, bà con đem những trái quả hái từ vườn nhà mang ra ven đường bày bán cho du khách qua lại, do tiện đường nên nhiều du khách rẽ vào tận vườn hỏi mua và trải nghiệm thú điền giã.

Vườn thanh long của ông Trần Bá Đức ở tổ dân phố 6A. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Đây là vùng đồi núi có độ dốc trung bình (15 độ), nằm ở độ cao khoảng 420m so với mực nước biển; nhiệt độ trung bình năm là 22,8 0 C phân bố tương đối đồng đều giữa các tháng (mùa hè nhiệt độ giao động từ 19- 27 0 C, mùa đông nhiệt độ giao động từ 12,5 0 C - 19,5 0 C) rất thuận lợi cho người nông dân canh tác, trồng trọt. Với lượng mưa trung bình năm là 139,04 mm, độ ẩm không khí trung bình đạt tới 80%, nguồn năng lượng bức xạ dồi dào, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, nên các loại cây trồng dễ sinh trưởng, cho năng suất và chất lượng cao.

Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ còn là nơi sinh sống của đồng bào 12 dân tộc với 1.709 hộ bằng 5.666 khẩu, số người trong độ tuổi lao động chiếm 64,31 %. Phần lớn dân cư của Thị trấn là đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế nông trường theo chủ trương của Đảng từ năm 1959, nên theo chân họ nhiều giống cây ăn trái ở dưới xuôi cũng được đưa lên trồng.

Để những vườn cây trái cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Văn Chấn đã hỗ trợ bà con các giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương như nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, na và cam…Hàng năm, Khuyến nông viên cơ sở phối hợp với UBND thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái các loại cây ăn quả; giới thiệu các giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Năm 2013, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện đề tài ghép nhãn bằng giống nhãn chín muộn với quy mô 2 ha ở Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Năm 2014, Phòng Nông nghiệp &PTNT chủ trì thực hiện đề tài xây dựng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ với diện tích 1,5/2ha và được các hộ tích cực đón nhận. Đến nay các giống cây trông mới đã cho thu hoạch ổn định, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã hăng hái mở rộng diện tích trồng giống này.

Gia đình bà Mơ (tổ dân phố 6A) có 100 gốc na, mỗi năm cho thu nhập 60 triệu đồng.
Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn: Hiện cây nhãn ở Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có tổng diện tích là 50,7ha (đứng thứ 2 toàn huyện), trong đó đã cải tạo ghép giống nhãn chất lượng cao 21,7ha và dự kiến trong năm 2017 hoàn thành việc ghép, cải tạo 5ha; sản lượng đạt trên 200 tấn/năm, cho giá trị thu nhập từ cây nhãn 06 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tiếp tục phát triển tốt, có diện tích lớn nhất huyện (chiếm 50% diện tích thanh long toàn huyện) với diện tích gần 05ha, sản lượng đạt trên 20 tấn/năm, cho thu nhập mỗi năm khoảng 700 triệu đồng. Diện tích cây na hiện có 14,3ha, năng suất 03 tấn/1ha, theo giá xuất bán tại vườn thì trung bình mỗi năm bà con Thị trấn thu về được khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng. Các loại cây ăn quả khác (như ổi, xoài, cam, mận, táo…) có diện tích khoảng 150ha cũng là nguồn thu đáng kể (7 – 8 tỷ đồng/năm) phụ giúp bà con cải thiện đời sống .

Với đức tính cần cù, sáng tạo của các lớp người miền xuôi lên lập nghiệp, lại được chính quyền địa phương khuyến khích cho nên diện tích cây ăn quả ở Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã nhanh chóng phát triển và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ 05 năm nay, đời sống kinh tế của gần 500 hộ đồng bào các dân tộc ở Thị trấn đã được cải thiện và nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo từ 25% (năm 2013) giảm xuống còn 9,1% (năm 2017) nhờ trồng nhãn, na, thanh long và các loại cây ăn quả khác trên mảnh đất vườn đồi của chính mình; hơn 200 hộ gia đình đã có thu nhập cao từ 100 triệu đến gần 01 tỷ đồng mỗi năm. Ông Lê Ngọc Long (Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND Thị trấn) cho biết.

03 năm nay, kinh tế gia đình ông Đoàn từ mức trung bình đã vươn lên khá giả,
trở thành hộ có thu nhập từ trồng cây ăn trái cao nhất Thị trấn. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Chị Thủy tiếp lời: 03 năm trở lại đây, thu nhập từ 400 gốc thanh long ruột đỏ, 130 cây mận và hoa đào tết…của gia đình ông Đức ổn định từ 300 – 350 triệu đồng/năm; từ năm nay (2017) trở đi, thu nhập của gia đình sẽ tăng thêm nhờ trồng mới 102 gốc ổi và 20 cây táo lê đã đến kỳ cho quả.

Từ quốc lộ 32 rẽ theo con đường nhỏ vào sâu khu dân cư, băng qua những đồi chè, chúng tôi đến thăm đồi cây ăn quả đang lên tươi tốt của gia đình ông Vũ Xuân Đoàn nằm ở cuối khu dân cư tổ dân phố 4B rộng chừng 4ha; trong đó nhãn chiếm nửa diện tích với 600 gốc, còn lại là vải, hồng xiêm, táo, mận và xoài.

Theo bà Dung (vợ ông Đoàn), từ năm 2014 đến nay, thu nhập ổn định ở mức 700 – 900 triệu đồng/năm; đứng đầu là nhãn (75% doanh thu), rồi đến vải, mận và các cây trồng khác. Năm ngoái được mùa nhãn, gia đình thu hơn 20 tấn quả bằng gần 600 triệu đồng; năm nay mất mùa nên sản lượng chỉ đạt khoảng 12 - 13 tấn, thu được ngót 400 triệu đồng, còn các cây ăn quả khác thì doanh thu vẫn ổn định và có phần nhích lên.

Cách đây 05 năm, ông Đoàn là hộ đầu tiên ở Thị trấn được ngành khuyến nông chuyển giao ghép giống nhãn mới, nhờ vậy mà 03 năm nay, kinh tế gia đình ông từ mức trung bình đã vươn lên khá giả, trở thành hộ có thu nhập từ trồng cây ăn trái cao nhất Thị trấn. Không những vậy, ông còn tự ghép giống nhãn mới phủ kín diện tích còn lại, đồng thời trở thành “chuyên gia” đi ghép cho hơn 70 hộ trong Thị trấn và gần 200 hộ bà con ở gần chục xã lân cận, phát triển diện tích giống nhãn ghép có hiệu quả kinh tế cao, cùng cải thiện thu nhập - Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn vui vẻ nói.

Mô hình thanh long ruột đỏ của anh Lường Văn Sở (Bí thư chi đoàn tổ dân phố 6A)
phát triển tốt,
thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Hạnh Quyên.

Nắm bắt được xu hướng phát triển ở địa phương, phong trào xung kích phát triển kinh tế vườn đồi của tuổi trẻ Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ cũng diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt là phát huy sức trẻ đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, duy trì và phát triển tốt các mô hình kinh tế trong thanh niên; qua đó, tạo động lực, khuyến khích cho nhiều đoàn viên thanh niên khác học tập, làm theo.

Điển hình như mô hình của Bí thư chi đoàn tổ dân phố 7 Nguyễn Anh Tú. Trước đây, hơn 2ha đất vườn đồi của gia đình anh chủ yếu để trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy cây mận chín sớm rất phù hợp với đồng đất địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 30 triệu đồng, cải tạo vườn đồi của gia đình để trồng loại cây ăn quả này. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, nên cây mận chín sớm cho năng suất, chất lượng cao; mỗi năm đem lại thu nhập hơn trăm triệu đồng.

Sinh năm 1987, Lường Văn Sở (dân tộc Thái) - Bí thư chi đoàn tổ dân phố 6A - được biết đến là đoàn viên thanh niên tiêu biểu, có chí làm ăn. Năm 2014, được Đoàn Thanh niên Thị trấn tổ chức đi thăm quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã bạn Nghĩa Tâm, thấy khả quan, anh Sở bàn với gia đình đầu tư trên 50 triệu đồng trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Khuyến nông, mô hình thanh long của anh phát triển tốt, năm 2016 cho thu hái được trên 3 tấn đạt hơn 100 triệu đồng, còn năm nay mức thu ước cũng bằng năm ngoái – anh Sở vui mừng nói.

Khi đất trời Tây Bắc vào thu cũng là lúc từng đoàn du khách đang háo hức về với lễ hội xòe Mường Lò (Thị xã Nghĩa Lộ), trải nghiệm dù lượn tung bay giữa mùa vàng cùng Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Nhưng, Văn Chấn – xứ sở của chè ngon, trái ngọt và cốm nếp thơm – với nét “duyên thầm” kín đáo mà ít người biết đến cũng sẽ làm xiêu lòng du khách đường xa. Và, Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, với những vườn đồi cây trái trù phú quanh năm bốn mùa, cùng những sóng chè xanh mát trải dài thênh thang như những dải lụa mềm ôm lấy sườn núi, ngọn đồi khi mờ sương, lúc chiều tà tím biếc… hứa hẹn trong một ngày không xa sẽ điểm dừng chân kỳ thú cho du khách trong mỗi lần lên Tây Bắc./.

Phạm Quỳnh