TNV - Một cảm giác mát lành, khoan khoái đến vô cùng! Những tiếng cười đùa bất tận vang lên reo vui cùng tiếng nước chảy xối xả, ai cũng cố dầm người ngụp lặn thật lâu như để trốn chạy cái nắng, cái nóng ở trên đầu.
Được nghe kể về điểm du lịch Nông Trang thuộc xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có suối tắm mát nằm ở cuối thôn Noong Tài ngay dưới chân dãy núi cao ngất trời với những cánh rừng nguyên sinh chạy liền một dải tới tận đèo Lũng Lô (một trong tứ đại đỉnh đèo lừng danh nhất miền Tây Bắc) từ mùa đông năm trước, nhưng phải đợi đến mùa hè năm nay, vào trung tuần tháng 6 – đúng đợt cao điểm nắng nóng trải rộng khắp cả nước – nhân chuyến đi công tác chúng tôi đã háo hức tìm về nhằm “giải nhiệt” cái oi nóng, ngột ngạt.
Tắm suối mát Noong Tài là điểm đầu tiên mà chàng sinh viên Bùi Thành Công muốn giới thiệu
để 02 bạn học cùng mình (quê ở Sơn La và Bắc Giang) tận hưởng sau chặng đường
vất vả ôn luyện kết thúc kỳ thi tốt nghiệp Đại học đầy căng thẳng. Ảnh: P. Quỳnh.
Quả như lời kể, điểm du lịch Nông Trang nằm ở cuối thôn Noong Tài, ba bề bốn bên xanh mướt lá rừng, nước suối chảy từ khe núi đá luồn lách qua các khu rừng già hầu như quanh năm ẩm ướt, mây mù che phủ nên vô cùng trong mát được dẫn qua bể lọc trước khi về hồ chứa có trữ lượng 04 ngàn khối nước. Từ đây, nước theo đường ống tự động chảy về mấy chục chiếc bể hình tròn có diện tích từ 40 – 70 m2 , chiều sâu từ 1- 2m; không gian thật trong lành, dễ chịu; nhiệt độ giảm sâu so với trung tâm xã từ 3 – 40C.
Nhờ có những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, độ che phủ rừng đạt trên 70%, nên nguồn nước luôn dồi dào, trong mát và không bị ô nhiễm. Do vậy, đây chính là nơi được một số nhà đầu tư chọn để nuôi cá tầm từ năm 2008.
Càng đến trưa và đầu giờ chiều, từng tốp bạn trẻ, từng nhóm gia đình rủ nhau
đến tắm càng nhiều hơn. Ảnh: P. Quỳnh.
Nhưng bởi biến động thị trường, nên những bể nuôi cá tầm thương phẩm được doanh nghiệp cho hộ gia đình trẻ ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn) thuê lại làm điểm khai thác du lịch, chỉ giữ lại khu bể ươm nuôi cá tầm giống. Ông Nguyễn Hà Nam (chủ đầu tư) cho biết.
Vóc người nhỏ nhắn, nụ cười đôn hậu, đi lại nhanh nhẹn, vừa trực tiếp vào bếp làm cơm cho khách nữ chủ nhân điểm du lịch suối tắm Nguyễn Thị Hằng (dân tộc Tày, 30 tuổi) vừa vui vẻ chia sẻ: Điểm du lịch Nông Trang của gia đình mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, nên lượng khách chưa nhiều, chủ yếu là bà con ở các xã lận cận trong huyện tìm về tắm mát dã ngoại vào cuối tuần với mức phí bình dân (10 ngàn đồng/người/lượt). Gần đây đã có một số khách từ các huyện xa trong tỉnh, khách từ các tỉnh, thành phố khác cũng tìm về.
Nước suối chảy từ khe núi đá luồn lách qua các khu rừng già hầu như quanh năm ẩm ướt,
mây mù che phủ nên vô cùng trong mát được dẫn qua bể lọc trước khi về hồ chứa có trữ
lượng 04 ngàn khối nước. Ảnh: P. Quỳnh.
Là người tháo vát, nhanh nhẹn, tốt nghiệp trường Đại học Lao động Xã hội với kiến thức về kế toán và công tác xã hội, nên chị Hằng đã khéo léo kết hợp giữa khai thác du lịch với trồng rừng sản xuất (10,5 ha) và khoanh nuôi bảo vệ hơn 80 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, để đa dạng nguồn thu, ổn định đời sống, từng bước phát triển điểm du lịch.
Sau khi leo đồi tham quan hồ chứa nước suối, khu ươm nuôi cá tầm giống, ngôi nhà sàn làm bằng gỗ rộng chừng 80 m2 , khu bếp núc và công trình vệ sinh được xây dựng khép kín, khang trang, sạch sẽ. Đợi cho mồ hôi vơi bớt đi, tôi mới dám ra dầm mình trong bể nước luôn đầy tràn, mát lạnh đến gai người, với vòi nước trắng xóa luôn hối hả chảy về.
Trước khi tắm, du khách còn được tham quan khu bể ươm nuôi cá tầm giống.
Một cảm giác mát lành, khoan khoái đến vô cùng! Những tiếng cười đùa bất tận vang lên reo vui cùng tiếng nước chảy xối xả, ai cũng cố dầm người ngụp lặn thật lâu như để trốn chạy cái nắng, cái nóng ở trên đầu.
Càng đến trưa và đầu giờ chiều, từng tốp bạn trẻ, từng nhóm gia đình rủ nhau đến tắm càng nhiều hơn. Được biết, trong những ngày nóng nắng cao điểm mỗi ngày có khoảng hơn 100 người tìm về đây “hạ nhiệt”, chưa kể hàng chục lượt bà con trong bản được vào tắm miễn phí.
Sau khi tắm mát, du khách được thưởng thức ẩm thực địa phương tại nhà sàn. Ảnh: P. Quỳnh.
Đi câu cua núi và tắm suối mát Noong Tài là điểm đầu tiên mà chàng sinh viên Bùi Thành Công muốn giới thiệu để 02 bạn học cùng mình (quê ở Sơn La và Bắc Giang) tận hưởng sau chặng đường vất vả ôn luyện kết thúc kỳ thi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình đầy căng thẳng.
Được dầm mình vui đùa trong bể nước trong vắt chỉ khoảng 200C sau khi leo rừng câu cua giữa trời nắng nóng gần 400C thế này, chúng em thấy sức khỏe được hồi phục nhanh chóng; cuối tuần này, em lại đón 04 bạn nữa từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa lên chơi, lại câu cua tắm suối ở đây và đi Trạm Tấu tắm suối khoáng trong khi đợi bằng tốt nghiệp anh ạ. Bạn Công phấn khởi nói tiếp, gương mặt Công và các bạn đều rạng ngời niềm sảng khoái, hàm răng cười lấp loáng cùng những tia nước tung lên trắng lóa mát lành giữa buổi trưa hè oi ả.
Được biết, bên cạnh dịch vụ tắm suối, ẩm thực, nghỉ nhà sàn cộng đồng và tham quan thác nước núi Tè thôn Noong Tài thuộc điểm du lịch Nông Trang của chị Nguyễn Thị Hằng, UBND xã Thượng Bằng La đã xây dựng kế hoạch phát triển khu du lịch sinh thái trên điểm di tích Quốc gia Đèo Lũng Lô trong kháng chiến chống pháp gồm: Đoạn đường 13A (cũ), hang Thương Binh, hang động thôn Mỏ thuộc hộ gia đình ông Sa Trần Sâm, hang Thẳm Thoóng và hang Búng Chón thuộc thôn Thắm.
Đồng thời, giao Đoàn Thanh niên xã và các hộ gia đình đăng ký trồng hoa, tạo khuôn viên, vườn hoa, đồi hoa tại những nơi có địa điểm đẹp, bắt mắt nhằm thu hút du khách tham quan; xây dựng 10 lán cọ làm điểm dừng chân cho du khách, tạo một đoạn đường leo núi trải nghiệm cho du khách píc ních, câu cua, đi chơi thác, đi chụp ảnh ... ở khu lán hộ gia đình Sầm Văn Thắng trên đèo Lũng Lô.
Ngoài ra, UBND xã còn phối kết hợp với kiểm lâm trồng cây ven đường đèo Lũng Lô và chọn một số hộ gia đình có khuôn viên vườn cam đẹp để kết nối tham quan trong tua du lịch, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tại vườn nông sản cam ngon của xã.
Đặc biệt, đã có hơn chục hộ gia đình trong xã góp cổ phần vào HTX Lũng Lô với ngành nghề trồng cây dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Để thay đổi diện mạo quê hương, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, các tổ chức đoàn thể trong xã đều hăng hái phát động quyên góp và ủng hộ ngày công: Hội Phụ nữ ủng hộ bằng ngày công trồng hoa, và ủng hộ thực phẩm rau củ quả hỗ trợ Đoàn Thanh niên lao động lâu dài; Hội Nông dân ủng hộ bằng ngày công lao động tạo mặt bằng làm 10 lán cọ và ủng hộ lá cọ, cây bương, cọc tre; Hội Cựu Chiến binh ủng hộ bằng ngày công lao động tôn tạo quy hoạch lại hang Thương Binh, làm mặt bằng đường tham quan hang và khu tưởng niệm, phối hợp với Hội Nông dân dựng lán; Đoàn Thanh niên tập trung nguồn nhân lực tổ chức đi mua và gieo hạt hoa, tham gia trồng hoa, chăm sóc và bảo vệ hoa lâu dài, tham gia quản lý và hướng dẫn du khách tham quan trải nghiệm…
Phạm Quỳnh