Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở nhà ở xã hội đang trở thành hướng đi chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản từ năm 2024, nhằm nắm bắt nhu cầu lớn của người dân với loại hình này.
Nhà Ở Vừa Túi Tiền, Hướng Đi Chính Của Nhiều Doanh Nghiệp
Năm nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra dự đoán thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, niềm tin người mua nhà quay trở lại, lãi suất cho vay ở mức thấp. Tuy nhiên, thị trường cũng còn tồn tại nhiều thách thức liên quan pháp lý dự án, chênh lệch nguồn cung “thừa nhà cao cấp, thiếu nhà ở vừa túi tiền” đáp ứng nhu cầu ở.
Vì vậy, trong chiến lược phát triển 2024-2025, nhà ở vừa túi tiền là “phao cứu sinh” được các doanh nghiệp địa ốc tập trung phát triển và xem là chiến lược sống còn.
Phát triển nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền đang là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.
Chẳng hạn như, Nam Long Group chia sẻ kế hoạch hoạt động giai đoạn 2024-2025, trong 3 chiến lược trọng tâm của năm nay, doanh nghiệp này cho biết, ưu tiên bỏ vốn vào các phân khúc phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh đầu tư vào phân khúc ít được khách hàng quan tâm. Cụ thể ở đây là sẽ tập trung vào phát triển các dự án ở nhà vừa túi tiền, phù hợp với từng loại hình và khu vực nhất định. Ví như tại TP.HCM, Nam Long sẽ triển khai bán các dự án có mức giá từ 45-55 triệu đồng/m2, còn với các thị trường vệ tinh như Long An, Cần Thơ thì giá sẽ chỉ giao động trong khoản trên dưới 1 tỷ đồng với căn hộ.
Lãnh đạo Nam Long đánh giá, thị trường đang khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội khi nhu cầu ở thực cao, các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đang được thúc đẩy triển khai… Do đó, Nam Long sẽ “chỉ bán thứ thị trường cần”, tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đang có nhu cầu rất lớn hiện nay.
Hay tập đoàn Bcons sau thành công của các dự án căn hộ vừa túi tiền như Bcons City, Bcons Plaza…cũng tập trung phát triển thêm dòng sản phẩm nhà ở xã hội tại đường Thống Nhất (Dĩ An, Bình Dương) với mức giá khoảng 700 triệu đồng/căn. Ông Ngô Lưu Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bcons, cho biết dự án nhà ở xã hội Thống Nhất được xây dựng trên khu đất 2 ha với mật độ xây dựng 40% gồm khu chung cư cao 32 tầng + 2 tầng hầm, gần 2.500 căn hộ và khu trường học liên cấp. Dự kiến sẽ ra mắt đợt đầu tiên vào quý 2/2025.
Công ty bất động sản An Gia trong chia sẻ mới đây cũng cho biết sẽ chú trọng phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền với giá bán ở mức trung cấp, bình dân, hướng đến phục vụ nhu cầu hiện tại mà thị trường cần. “Nếu thị trường trải qua giai đoạn khó khăn hay đóng băng, phân khúc phục hồi đầu tiên cũng là nhà ở vừa túi tiền. Do đó, công ty sẽ kiên định đi theo phân khúc trên, chú trọng phát triển thêm quỹ đất” ông Nguyễn Bá Sáng, TGĐ An Gia cho hay.
Năm nay, An Gia cũng dự kiến mở bán dự án ở Bình Dương với khoảng 3.000 sản phẩm phân khúc tầm trung, giá bán vừa túi tiền.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư các sản phẩm nhà ở xã hội như; Vinhomes khởi công 2 dự án nhà ở xã hội ở Hải Phòng và Khánh Hòa, song song với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý. Hay mới đây Tập đoàn Hoàng Quân bắt tay cùng Novaland liên doanh phát triển các dự án nhà ở xã hội tại những quỹ đất mà Novaland đang có sẵn ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An…
Becamex IDC lên kế hoạch vừa xây dựng, vừa mở rộng từ 10.000 – 20.000 căn nhà ở xã hội như dự án nhà ở xã hội Việt Sing (TP. Thuận An) và Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một). Becamex IDC hiện đang phát triển 37 dự án nhà ở xã hội, có thể cung cấp 102.000 căn hộ cho 248.000 người ở các thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Bám Sát Nhu Cầu Thực Để“Sống”
Theo định nghĩa từ Nam Long, nhà ở vừa túi tiền (Affordable housing) là phân khúc nhà ở có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình. Đặc điểm của loại hình này là thu hút nhu cầu ở thật, giá có ưu điểm là vừa khả năng chi trả của đại đa số người dân. Đây cũng là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi thị trường bất động sản khủng hoảng.
Các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực trong bài toán thanh khoản bằng cách điều hướng dòng tiền vào các sản phẩm mang tính “hợp lý” trên mọi phân khúc. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá trong thời gian qua, số lượng sản phẩm nhà ở hạn chế và không đại diện cho thu nhập của đa số người dân, chênh lệch giá giữa những sản phẩm quá lớn.
Từ quý 4/2023 đến nay, một số dự án đưa ra với sản phẩm căn hộ có giá rất cao nhưng giao dịch hạn chế do giá đã vượt qua tích lũy của nhiều người mua. Bức tranh thực tế này cho thấy tình hình lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản. Theo một khảo sát, hơn 60% nhu cầu mua nhà đang rơi vào các dự án có giá trên dưới 3 tỷ đồng, còn nguồn cung hiện hữu thì giá đang quá cao. Cung – cầu lệch pha cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản BĐS phục hồi chậm và nhiều dự án rơi vào cảnh khó bán hàng.
Tới đây, khi các bộ luật bất động sản mới sẽ sớm có hiệu lực, chưa tính đến các Nghị quyết khác của Quốc hội sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hướng phát triển của các chủ đầu tư bất động sản, tập trung vào những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hơn hết, theo giới chuyên môn, việc tái cơ cấu phân khúc là hướng đi sống còn của các doanh nghiệp BĐS giai đoạn này, bởi nếu “không bán thứ thị trường cần” sẽ dễ bị đào thải trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và nhu cầu ở thực đang chiếm ưu thế hơn việc đầu tư và lướt sóng.
Chuyên gia dự báo, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện của các doanh nghiệp địa ốc, thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội hơn để cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, nhất là khi Luật Nhà ở 2023 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã “ưu ái” hơn cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội của người dân, ngoài các chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần có các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền nhất là tại các đô thị lớn, để người dân có thu nhập thấp có cơ hội được hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp.
Như Ý